Cuộc đua giữa 2 khẩu súng ngắn huyền thoại Luger P-08 và Colt M-1911

Sức mạnh và sự đơn giản thô kệch của khẩu súng ngắn Colt M-1911 giúp nó vẫn tiếp tục phục vụ lâu dài cho đến nay, trong khi khẩu súng Luger P-08 từ lâu đã trở thành một di vật lịch sử.

Vào cuối thế kỷ 19, tại Đức, nhà thiết kế người Áo Georg Luger đã thiết kế một khẩu súng ngắn, hoạt động theo cơ chế giật lùi sử dụng một búa đập bên trong và một cơ cấu khuỷu mới lạ.

Vào cuối thế kỷ 19, tại Đức, nhà thiết kế người Áo Georg Luger đã thiết kế một khẩu súng ngắn, hoạt động theo cơ chế giật lùi sử dụng một búa đập bên trong và một cơ cấu khuỷu mới lạ.

Khi bắn, nòng súng và cơ cấu khuỷu lùi về phía sau cho đến khi chạm vào một trục cam liên kết với khuỷu, đẩy vỏ đạn ra ngoài. Sau đó, một lò xo đẩy khuỷu khép lại và đưa viên đạn tiếp theo vào nòng súng. Kết quả là đã ra đời một khẩu súng ngắn có kích thước tiện dụng, chứa tới 7 viên đạn Parabellum 7,65mm trong một hộp đạn rời.

Năm 1904, khẩu súng ngắn này được nâng cấp để dùng đạn 9x19mm mới, năm 1908, nó được sử dụng làm khẩu súng chính của một số đơn vị quân đội Đức, với tên gọi chính thức P.08 hoặc Luger. Súng ngắn Luger có thiết kế rất đẹp, cơ cấu khuỷu hoạt động trơn tru và là khẩu súng chất lượng, bền bỉ, nhưng quá trình sản xuất rất phức tạp và mất thì giờ.

Vào đầu thế kỷ 20, không có những thiết bị hiện đại để sản xuất các bộ phận với độ chính xác chi tiết, do đó, từng bộ phận của mỗi khẩu Luger đều được gia công bằng tay. Các sai biệt nhỏ về kích thước và độ hoàn thiện đòi hỏi phải có những người có tay nghề cao, lắp ráp từng khẩu súng thành phẩm, đảm bảo hoạt động trơn tru và đáng tin cậy.

Đây là một quá trình tốn nhiều công sức và khi hoàn thành, mỗi bộ phận của khẩu súng sẽ được đóng số sê-ri. Sau đó, khẩu súng được tháo rời, và các bộ phận được nhuộm nước thép xanh và tôi cho bền.

Sau khi hoàn thành, khẩu súng sẽ được lắp lại căn cứ trên số sê-ri để đảm bảo rằng các bộ phận khớp nhau. Đó là lý do tại sao một khẩu Luger chính hãng, có số sê-ri được đóng dấu trên hầu hết mọi bộ phận và mỗi khẩu súng là một tác phẩm thủ công hoàn thiện của công nghệ chính xác Đức.

Nhưng súng Luger không hoàn hảo. Cơ chế liên kết cò súng với búa đập bên trong khá dài và phức tạp. Cò súng yếu và không chính xác mặc dù nhẹ. Bộ ngắm phía sau được gắn trên một phần của khuỷu, do đó khi bắn khuỷu nhô lên, che khuất tầm nhìn mục tiêu trong chốc lát.

Tuy nhiên, Luger hoạt động tốt và cơ cấu khuỷu đã hấp thụ sức giật của súng khá nhiều, giúp người bắn dễ dàng tiếp tục nhắm mục tiêu. Nòng súng Luger là một bộ phận có thể tháo rời, với ba chiều dài nòng khác nhau: 100mm, 150mm và 200mm.

Cũng vào cuối thế kỷ 19, ở Mỹ John Moses Browning cũng đang thiết kế một khẩu súng ngắn tự nạp. Thiết kế đầu tiên của ông hoàn thành vào năm 1897, nó có một nắp trượt đẩy về phía sau bằng khí thuốc và tống vỏ đạn ra ngoài. Một bộ lò xo sau đó đẩy nắp trượt về phía trước để nạp viên đạn tiếp theo vào nòng.

Khẩu súng ngắn cỡ nòng .32 ACP này tỏ ra cực kỳ đáng tin cậy và dễ sản xuất. Ngoài khóa an toàn ở phía bên trái, khẩu súng mới của Browning còn có bộ phận an toàn ở tay cầm, nghĩa là chỉ có thể bắn được khi phần phía sau của tay cầm được nén. Như vậy súng sẽ không nổ nếu bị rơi.

Trong các cuộc thử nghiệm được tổ chức vào năm 1910, khẩu súng mới đã bắn 5.000 viên đạn trong một đợt duy nhất và khi súng quá nóng, chỉ cần nhúng vào một xô nước để làm mát. Vào năm 1911, súng đã được chọn làm khẩu súng ngắn chính của quân đội Mỹ, với ký hiệu M-1911, dùng đạn .45 ACP.

Giống như Luger, súng ngắn M-1911 đời đầu không hoàn hảo. Điểm ngắm phía sau khá nhỏ và một số người thấy tầm với đến cò súng quá dài. Hơn nữa, lần đầu tiên các tay súng biết thế nào là “nhát cắn của búa đập”, đó là tình trạng da giữa ngón cái và ngón trỏ có thể bị kẹp một cách đau đớn giữa búa đập và thân súng khi nắp trượt giật lùi.

Khi Mỹ tham gia Thế chiến thứ nhất vào tháng 4/1917, lần đầu tiên hai khẩu súng ngắn đối đầu nhau trong chiến đấu. Luger có lẽ trông giống như vũ khí ưu việt, là một hình mẫu về kỹ thuật tiên tiến được chế tạo chính xác. So với Luger thì Colt trông hơi thô.

Những khẩu M-1911 đời đầu, có nắp trượt không khớp với thân súng và nó có thể phát ra tiếng kêu lách cách nếu lắc khẩu súng. Tuy nhiên, điều này cũng có nghĩa là dung sai (độ rơ) chế tạo ít nghiêm ngặt hơn và Colt có thể được sản xuất với giá rẻ hơn và nhanh hơn Luger.

Luger không hoạt động tốt trong điều kiện cát, bụi hoặc bùn. Các dung sai nhỏ trong cơ cấu khuỷu có xu hướng gây kẹt súng quá dễ dàng. Tệ hơn nữa, nếu một khẩu Luger bị hư hỏng, không thể sửa bằng cách lấy các bộ phận từ một khẩu Luger khác, nó phải được thay thế bằng một khẩu Luger hoàn toàn mới.

Ngược lại, súng ngắn Colt M-1911 có thể bắn trong mọi điều kiện. Dung sai của nó lớn hơn đồng nghĩa với việc nó ít có khả năng bị kẹt, ngay cả sau khi bị rơi xuống bùn, đạn .45 ACP có lực cản mạnh hơn nhiều so với đạn Luger 9mm. Các bộ phận cũng có thể hoán đổi cho nhau giữa các khẩu Colt giúp cho việc sửa chữa trên chiến trường nhanh chóng hơn nhiều.

Colt tương đối đơn giản, tỏ ra vượt trội hơn so với Luger phức tạp, được chế tạo chính xác. Từ năm 1938, khẩu Luger đã được thay thế dần bởi khẩu Walther P.38 đơn giản hơn. Trong Thế chiến II, chỉ các sĩ quan cấp tá mới được trang bị Luger, do số lượng có hạn.

Tuy vậy nhu cầu về súng ngắn khi đó ngày càng tăng, khiến việc sản xuất Luger P-08 tiếp tục cho đến năm 1944. Sức mạnh và sự đơn giản thô kệch của Colt M-1911 giúp nó vẫn tiếp tục phục vụ lâu dài cho đến nay, trong khi Luger từ lâu đã trở thành một di vật lịch sử. Nguồn ảnh: Pinterest.

Cận cảnh khả năng hoạt động của súng ngắn M1911. Nguồn: Shwence.

Thái Hòa

Nguồn Tri Thức & Cuộc Sống: https://kienthuc.net.vn/quan-su/cuoc-dua-giua-2-khau-sung-ngan-huyen-thoai-luger-p-08-va-colt-m-1911-1509078.html