Cuộc đua giành trái tim Hồi giáo : Mỹ hụt hơi trước Nga

Sau vụ ám sát tướng Soleimani, chắc chắn có những sân ga quen thuộc nhưng con tàu Mỹ sẽ không dám dừng lại trong hành trình về Trung Đông...

Theo TASS, Nga phản ứng trước việc tướng Qassem Suleimani, Tư lệnh Lực lượng đặc nhiệm Quds thuộc Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran bị Mỹ sát hại, người phát ngôn của Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova đã đưa nhận định :

"Cuộc không kích của Mỹ ở Baghdad giết chết tướng Qassem Suleimani, ngoài việc làm gia tăng căng thẳng trong khu vực, chắc chắn sẽ ảnh hưởng tới hàng triệu người, điều này không dẫn đến bất cứ điều gì tốt đẹp cho Mỹ".

Theo bà Zakharova, trong tình huống này, phản ứng của Iraq là cực kỳ quan trọng và tuyên bố của Thủ tướng Adel Abdel Mahdi rằng chủ quyền quốc gia của Iraq đã bị xâm phạm là mấu chốt của vấn đề sau hành động của Mỹ giết hại tướng Iran.

Giới phân tích cho rằng, đánh giá của bà Maria Zakharova là mang tính toàn diện về ảnh hưởng bởi cái chết của tướng Soleimani đối với Mỹ, và trong bối cảnh hiện nay là quan hệ giữa Mỹ với thế giới Hồi giáo, mà Trung Đông là trung tâm.

Người dân Iran mang cờ máu thề trả thù cho tướng Soleimani

Người dân Iran mang cờ máu thề trả thù cho tướng Soleimani

Có thể nhận diện, ngoài số sân ga mà con tàu Mỹ không thể dừng sẽ tăng lên sau vụ ám sát tướng Soleimani, còn có những sân ga quen thuộc nhưng chắc chắn con tàu Mỹ sẽ không dám dừng trong hành trình tiến về Trung Đông.

Trong khi đó con tàu Nga có thể dừng lại bất cứ sân ga nào trong hành trình về vùng đất nóng. Điều này cho thấy việc sát hại tướng Iran sẽ làm cho Mỹ hụt hơi trước Nga trong cuộc đua giành trái tim thế giới Hồi giáo.

Hành động của Mỹ giúp cho việc xác lập niềm tin chiến lược với thế giới Hồi giáo trở nên dễ dàng hơn với Nga

Xin nhắc lại, ngày 21/5/2017, một Hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Hồi giáo đã được tổ chức tại thủ đô Riyadh của Ả-rập Saudi nhân chuyến công du nước ngoài đầu tiên của tân Tổng thống Mỹ Donal Trump, theo Al Arabiya.

Tại Hội nghị, Quốc vương Salman đã nhấn mạnh: "Chúng tôi sẽ hợp tác để chấm dứt sự tồn tại của chủ nghĩa khủng bố và chủ nghĩa cực đoan dưới mọi hình thức và cách thức của nó. Hồi giáo đã và sẽ tiếp tục là một tôn giáo của khoan dung và hòa bình".

Đáp lại, phát biểu trước 55 nhà lãnh đạo của thế giới Hồi giáo, Tổng thống Trump cho biết: "Tôi mang theo thông điệp tình yêu từ Mỹ, đó là lý do tôi chọn Ả-rập Saudi cho chuyến công du nước ngoài đầu tiên".

Đáng nói là Hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Hồi giáo diễn ra trong bối cảnh cuộc họp của Nhóm Tầm nhìn Chiến lược Nga-Thế giới Hồi giáo và Hội nghị thượng đỉnh Kinh tế quốc tế lần thứ 9 giữa Nga-Thế giới Hồi giáo kết thúc ngày 20/5/2017 tại Kazan.

Điều đó cho thấy, Nga và Mỹ đã hướng về thế giới Hồi giáo với cả tầm nhìn chiến lược lẫn kế hoạch hành động. Từ thực tế đó, giới quan sát cho rằng một cuộc cạnh tranh giữa Nga và Mỹ nhằm tạo ảnh hưởng với thế giới Hồi giáo đã hình thành.

Trong cuộc đua đặc biệt này thì việc xác lập niềm tin chiến lược với thế giới Hồi giáo được xem là nền tảng quan trọng nhất cho các kế hoạch và hành động, mà ở đây cả Nga và Mỹ đều có lợi điểm và yếu điểm.

Có thể khẳng định rằng Mỹ không thể kết nối với cả thế giới Hồi giáo nếu không có sự thay đổi căn bản trong đời sống chính trị tại xứ cờ hoa, song với Nga thì hoàn toàn có thể. Căn nguyên nằm ở nguyên tắc nền tảng vận hành của hệ thống chính trị.

Nguyên tắc tự do-dân chủ của Mỹ được xây dựng dựa trên nền tảng Nhân Quyền. Điều đó khiến cho nguyên tắc tự do-dân chủ ấy sẽ mang tính phổ quát trên toàn thế giới, xóa nhòa đi tính đặc thù được hình thành bởi những yếu tố tự nhiên, xã hội khác.

Mỹ có những rào cản mặc định với thế giới Hồi giáo

Nguyên tắc này đối lập, thậm chí đối nghịch với rất nhiều nguyên tắc vận hành hệ thống chính trị của hầu hết các quốc gia trong thế giới Hồi giáo, trong đó có vấn đề ảnh hưởng của giáo luật đối với pháp luật trong điều hành và quản lý đất nước.

Đây được xem là một rào cản mang tính mặc định và không thể xóa nhòa giữa thế giới phương Tây nói chung, nước Mỹ nói riêng, với thế giới Hồi giáo, mà Trung Đông là trung tâm.

Trong khi đó, nguyên tắc nền tảng vận hành hệ thống chính trị tại nước Nga hiện nay được xây dựng trên nền tảng Dân Quyền. Điều này đảm bảo sự kết hợp giữa nguyên lý chung với yếu tố đặc thù của từng quốc gia, dân tộc.

Như vậy, có thể thấy, trong nguyên tắc nền tảng vận hành hệ thống chính trị, giữa Nga và thế giới Hồi giáo đã không có những rào cản mang tính mặc định, cả hữu hình lẫn vô hình.

Do đó, trong việc kết nối với thế giới Hồi giáo, người Nga chỉ cần khẳng định niềm tin với thế giới Hồi giáo, còn người Mỹ thì phải liên tục xác lập lại những chuẩn mực cho niềm tin với thế giới Hồi giáo.

Việc xác lập lại những chuẩn mức ấy thể hiện ra là sự thay đổi tỷ lệ giữa tương đồng và khác biệt trong nguyên tắc nền tảng hình thành và vận hành của hệ thống chính trị quốc gia.

Và người Mỹ làm điều đó thông qua những cam kết, thỏa thuận mà lợi ích - cả lợi ích kinh tế lẫn lợi ích chính trị - được xem là yếu tố quan trọng tạo ra niềm tin cho thế giới Hồi giáo trước những đổi thay của nước Mỹ.

Nghĩa là niềm tin của Mỹ được xác lập qua việc đáp ứng những mong đợi của thế giới Hồi giáo hướng về họ và nước Mỹ có đủ khả năng cũng như tiềm lực để thực hiện điều đó.

Còn với Nga, dù niềm tin có sẵn và chỉ cần khẳng định là có thể nâng tầm quan hệ với thế giới Hồi giáo, song điều đó lại không dễ dàng, mà nguyên nhân chính là tiềm lực của nước Nga chưa thể rải lợi ích cho các đối tác trong thế giới Hồi giáo.

Vì vậy, từ đó đến nay, cả Washington và Moscow đều có những nước đi quan trọng nhưng chưa bên nào thể hiện được sự thắng thế trong cuộc đua tranh, dù Nga được xem là có những bước tiến mạnh mẽ về Trung Đông.

Và rào cản được gia cố sau khi tướng Soleimani tử vì đạo

Nay, với việc ám sát tướng Soleimani, Mỹ đã tạo ra một làn sóng phản ứng phẫn nộ trong thế giới Hồi giáo, mà ngay cả những lực lượng được xem là đồng minh của Mỹ cũng tỏ ra phẫn nộ, khiến cho rào cản mặc định được gia cố chắc chắn hơn.

Bởi hiệu ứng bất lợi lan tỏa từ cái chết của tướng Soleimani - được xem là tử vì đạo - tạo ra một sức mạnh tinh thần, chắc chắn làm giảm công hiệu của lợi ích Mỹ trong việc xác lập chuẩn mực cho niềm tin chiến lược với thế giới Hồi giáo.

Trong bối cảnh này, rõ ràng hành động của Mỹ sát hại tướng của Iran đã giúp Nga dễ dàng hơn trong trong việc xác lập niềm tin chiến lược và nâng tầm quan hệ với thế giới Hồi giáo.

Lối hành xử gây lo sợ của Mỹ giúp cho cách ứng xử thân thiện của Nga dễ đi vào trái của thế giới Hồi giáo

Khi nền tảng đã khác biệt mà lại có tiềm lực vững mạnh, điều đó vừa là điểm mạnh nhưng cũng đồng thời là điểm yếu của Mỹ, đó chính là lối hành xử, mà thể hiện cụ thể trong việc tận dụng công hiệu của “củ cà rốt Mỹ” và “cây gậy của Washington”.

Lối hành xửa của Washington khiến thế giới Hồi giáo lo ngại và đó cũng là lý do Mỹ bị nhìn nhận là luôn muốn gây hại cho thế giới Hồi giáo, thậm chí kẻ thù. Chính Bộ trưởng Ả-rập Saudi Adel al-Jubeir - một đồng minh của Mỹ đã từng phải lên tiếng:

"Chúng tôi muốn chuyển tải thông điệp rằng thế giới Hồi giáo không phải là kẻ thù của Mỹ và thế giới phương Tây", Al Arabiya tường thuật lời ông Adel al-Jubeir tại Hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Hồi giáo.

Washington phát động cuộc tấn công chống chủ nghĩa khủng bố quốc tế mà bỏ quên chủ quyền quốc gia là một lối hành xử khiến cho nước Mỹ luôn đối mặt với nhiều kẻ thù trong thế giới Hồi giáo.

Vì vậy, nhiều nước tham gia Liên minh Quân sự Hồi giáo do Ả Rập Saudi làm "chủ xị" chỉ nhằm giải tỏa nỗi lo thường trực, là chủ quyền quốc gia sẽ bị tước bỏ bất cứ lúc nào bởi một hành động của chính lực lượng chống khủng bố do Mỹ cầm đầu.

Việc Quốc hội Iraq thông qua nghị quyết yêu cầu chấm dứt sự hiện diện của quân đội nước ngoài ở Iraq, đề nghị chính phủ Iraq ngừng yêu cầu hỗ trợ từ liên quân do Mỹ dẫn đầu chống IS là thể hiện rõ nỗi lo sợ Mỹ hơn là khủng bố, theo Reuters.

"Chính phủ Iraq cần làm việc để chấm dứt mọi sự hiện diện của quân đội nước ngoài trên lãnh thổ Iraq và ngăn họ dùng vùng đất, vùng trời và vùng biển của chúng ta vì bất kỳ lý do gì". Trong khi Iraq thời hậu Saddam Hussein là đồng minh của Mỹ.

Trong khi Nga-Putin bắt tay cả với đồng minh và kẻ thù của Mỹ trong thế giới Hồi giáo

Rõ ràng, Mỹ tấn công giết hại tướng Soleimani đã gây lo sợ cho Baghdad. Điều đó cho thấy lối hành xử của Washington đã khiến niềm tin mà thế giới Hồi giáo hướng về Mỹ luôn không thể vững vàng, cho dù có là đồng minh hay đối tác của Mỹ.

Trong khi đó, những hành xử của Moscow, nhất là dưới thời Tổng thống Putin đều khiến cho thế giới Hồi giáo yên tâm hơn khi bắt tay với nước Nga trong những ván cờ tại các khu vực Trung Đông cũng như trên toàn thế giới.

Việc Nga thể hiện sự tôn trọng chủ quyền quốc gia của Syria khi can thiệp vào cuộc nội chiến ở nước này là hành động gây thiện cảm rất lớn với cả thế giới Hồi giáo, chứ không chỉ những thực thể đứng về phía Moscow.

Còn trong cuộc chiến chống khủng bố thì thực tế đã chứng minh Nga chỉ có duy nhất mục đích là tấn công và tiêu diệt những cá nhân, những tổ chức, những lực lượng đã được chứng minh là có hành động khủng bố hay tiếp tay cho khủng bố.

Moscow không quy chụp những thực thể đối nghịch là khủng bố chỉ dựa trên niềm tin sâu sắc để rồi hành động như Washington. Chính vì vậy, không có một thực thể chính trị đại diện nào phải nghiêng ngả vì hành động chống khủng bố của Moscow.

Sau hành động giết hại tướng Soleimani, có thể thấy Mỹ đã giúp Nga có lợi thế hơn trong việc nâng tầm quan hệ với thế giới Hồi giáo, mà chính giới truyền thông và giới chính trị Mỹ cũng đã phải nhìn nhận, ghi nhận và công nhận điều này, theo CNN.

Ngọc Việt

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/the-gioi/quan-he-quoc-te/cuoc-dua-gianh-trai-tim-hoi-giao-my-hut-hoi-truoc-nga-3394691/