Cuộc đua giành mở rộng sản xuất của Samsung: Việt Nam hay Ấn Độ có lợi thế?

Trong những năm gần đây Samsung đầu tư rất mạnh sản xuất điện thoại tại Việt Nam và Ấn Độ. Lý do cả hai đều có nguồn lao động dồi dào, người tiêu dùng yêu chuộng điện thoại Samsung.

Việt Nam đóng vai trò quan trọng trong chiến lược toàn cầu của Samsung.

Thu hẹp sản xuất tại Trung Quốc

Theo Hong Kong News, kết thúc năm 2018, Samsung Electronics sẽ đóng cửa nhà máy sản xuất điện thoại tại TP Thiên Tân, Đông Bắc Trung Quốc. Nhà máy này hiện có 2.800 nhân viên, sản xuất ra hơn 36 triệu điện thoại di động/năm.

Theo số liệu từ các báo cáo kinh doanh của tập đoàn này tại Trung Quốc, doanh số bán ra của điện thoại di động Samsung ở thị trường Trung Quốc giảm từ 20% xuống chỉ còn 1% trong 5 năm trở lại đây. 19% thị phần còn lại được coi là đã buộc phải nhường lại cho một số ông lớn như Huawei và Xiaomi. Bên cạnh đó, một nguyên nhân nữa đến từ việc chi phí nhân công Trung Quốc gia tăng.

Hiện, Samsung Electronics vẫn còn giữ lại nhà máy tại Huệ Châu (phía Nam Quảng Đông). Nhà máy này có công suất gấp đôi Thiên Tân, với 72 triệu điện thoại di động sản xuất mỗi năm.

Việt Nam hay Ấn Độ?

Tính hết quý 3 năm nay, theo khảo sát của GfK, Samsung vẫn dẫn đầu thị phần điện thoại tại Việt Nam với con số ấn tượng 41,4% tổng thị phần.

Vào tháng 10 vừa qua, ông Lee Jae-yong - Phó Chủ tịch Samsung Electronics đã có chuyến thăm Việt Nam. Tại đây, ông có cuộc gặp gỡ và nói chuyện với Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc và cam kết rằng sẽ tiếp tục mở rộng đầu tư tại Việt Nam.

Samsung Electronics vận hành dây chuyền sản xuất điện thoại thông minh tại Bắc Ninh và Thái Nguyên (Việt Nam). Các nhà máy này sản xuất 150 triệu điện thoại di động, chiếm một nửa tổng lượng sản xuất của Samsung. Điều này có nghĩa rằng Việt Nam đóng vai trò quan trọng trong chiến lược toàn cầu của Samsung.

Một quan chức trong ngành điện tử Hàn Quốc bình luận: “Kinh doanh điện thoại thông minh của Samsung đang gặp vấn đề về suy giảm lượng cầu và cuộc bám đuổi quyết liệt của các công ty Trung Quốc. Có thể ông Lee đến thăm Việt Nam nhằm mục tiêu hoạch định lại chiến lược kinh doanh giúp Samsung để vực dậy lĩnh vực điện thoại thông minh”.

GS Nguyễn Mại - Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp đầu tư nước ngoài đánh giá Việt Nam có khá nhiều lợi thế trong cuộc đua giành mở rộng sản xuất, đón đơn hàng của Samsung hơn Ấn Độ.

“Từ năm 2016 trở về trước, trung tâm R&D của Samsung chỉ được giao nhiệm vụ nghiên cứu một vài chi tiết trong chiếc điện thoại nhưng từ 2016 đến nay, nơi đây đã nghiên cứu và làm thành công nguyên một chiếc điện thoại. Trong cuộc triển lãm lớn của Samsung diễn ra tại Malaysia cách đây 1 tháng rưỡi, chiếc điện thoại được nghiên cứu sáng tạo toàn bộ bởi người Việt được giới thiệu và gây hiệu ứng tốt. Thế nên, Việt Nam hoàn toàn có lợi thế hơn trong việc tiếp nhận dòng đơn hàng được dịch chuyển từ Trung Quốc về Việt Nam, nếu có” - GS Nguyễn Mại cho biết.

Còn tại Ấn Độ, theo số liệu từ công ty nghiên cứu thị trường IDC, thị trường điện thoại thông minh Ấn Độ trong năm 2017 đã tăng 14%, lượng hàng xuất xưởng đạt 124 triệu chiếc. Ấn Độ thậm chí đã thay thế Mỹ để trở thành thị trường điện thoại thông minh lớn thứ hai thế giới sau Trung Quốc.

Tập đoàn Hệ thống Cisco (Cisco Systems) dự kiến đến năm 2021 số điện thoại thông minh của Ấn Độ sẽ tăng từ 359 triệu chiếc (số liệu năm 2016) lên 780 triệu chiếc.

Trước một thị trường khổng lồ như vậy, không chỉ Samsung, Apple, Xiaomi, OPPO, nhiều công ty điện thoại di động khác cũng đang xây dựng các nhà máy sản xuất điện thoại thông minh ở Ấn Độ. Vào tháng 4 năm nay, Xiaomi cho biết sẽ xây dựng ba nhà máy ở Ấn Độ.

Samsung hiện vẫn chưa cho biết liệu nhà máy Thiên Tân sau khi đóng cửa sẽ được chuyển về đâu. Song cả Việt Nam và Ấn Độ đều có những lợi thế cạnh tranh nhất định như đều có nguồn lao động dồi dào và người tiêu dùng cũng đang yêu chuộng và sử dụng điện thoại Samsung… và việc Samsung lựa chọn ở đâu có chăng phụ thuộc vào chiến lược trước mắt của doanh nghiệp này mà thôi.

Châu Huệ

Nguồn DĐDN: http://enternews.vn/cuoc-dua-gianh-thi-phan-san-xuat-cua-samsung-viet-nam-hay-an-do-co-loi-the-142529.html