Cuộc đua của xe ôm công nghệ

Đông Nam Á, khu vực có 600 triệu dân, nơi số lượng người sử dụng Internet tăng nhanh hàng tháng, đang trở thành 'chiến trường' cạnh tranh khốc liệt cho các 'xe ôm công nghệ' của Uber, Grab và các công ty nội địa.

Go-Jek, một công ty mới tham gia thị trường xe ôm công nghệ ở Đông Nam Á, nhưng đã có nhiều thành công.

Những “tay chơi” mới

Chị Maharani, 29 tuổi, tham gia vào đội quân “xe ôm công nghệ” của hãng Go-Jek ở thủ đô Jakarta, Indonesia, cách đây không lâu. Đây là một công ty khởi nghiệp của Indonesia, hoạt động giống như mô hình của Uber và Grab.

Ở một nước Hồi giáo như Indonesia, việc nữ giới chạy xe ôm không phải dễ dàng. “Nhiều khách đã hủy cuốc xe khi thấy lái xe là nữ”, Maharani kể. “Cũng có người đòi lên cầm lái để tôi ngồi phía sau”.

Tuy nhiên, cô cho biết: “Đây là một công việc tự do mà tôi thực sự rất thích”. Mỗi tháng, Maharani kiếm được khoảng 200 đô la Mỹ. “Đi làm thế này, tôi không phải sợ một ông chủ nào đó luôn đứng phía sau soi mói mình”, cô nói với tờ The New York Times vào một buổi tối gần đây, khi đang nhấm nháp ly cà phê đá và chờ khách bên ngoài một trung tâm mua sắm lớn.

Chiếc điện thoại thông minh trong tay Maharani kêu vang. Một người nào đó trong khu mua sắm vừa gọi xe. Đội chiếc mũ bảo hiểm ra ngoài tấm khăn trùm đầu đen, cô hòa mình vào dòng người đông đúc trên phố, khi ánh nắng chiều đang tắt dần.

Đồng nghiệp của Maharani, anh Nasrun, trong một buổi sáng nhận được khá nhiều cuộc gọi. Anh chở bốn học sinh, một nhân viên văn phòng, ngoài ra còn thực hiện một chuyến đi mua thuốc, một chuyến giao đồ ăn, một chuyến giao tài liệu. Chuyến cuối cùng trong buổi sáng là giao suất ăn Nhật Bản cho một phụ nữ tại Sở Giao dịch chứng khoán Indonesia.

Cũng có những người, như anh Irawan, tranh thủ chạy xe kiếm thêm ngoài giờ. Ngày làm việc của anh bắt đầu lúc nửa đêm. Khoảng 4 giờ sáng, anh chở một vị khách nữ về nhà từ hộp đêm. Người này say xỉn đến nỗi Irawan phải dùng một tay để đỡ cho cô khỏi ngã.

Những người lái xe nói trên đều làm việc cho Go-Jek, công ty khởi nghiệp công nghệ của Indonesia được định giá 3 tỉ đô la Mỹ. Công ty này đang được các đối thủ như Uber chú ý, và cũng thu hút sự quan tâm của các nhà đầu tư từ Mỹ và Trung Quốc.

Cũng giống như Uber, Grab, ứng dụng chính của Go-Jek cho phép khách gọi ô tô, xe máy để đưa đón hoặc giao hàng. Song, với một ứng dụng khác, Go-Life, bạn có thể mời thợ đến cắt tóc, massage, dọn nhà hay thay dầu xe... Với số tiền cất giữ trong ví điện tử của Go-Jek, khách hàng có thể trả tiền điện, mua dữ liệu di động và đặt vé xem phim...

Go-Jek, bắt đầu khai trương từ năm 2015 và hiện mới chỉ hoạt động tại thị trường Indonesia, nhưng nó đã cạnh tranh tốt với cả hai “đại gia” Uber và Grab.

“Chúng tôi rất tôn trọng Uber như là một công ty công nghệ. Song, chúng tôi đã đổi mới và tiến nhanh hơn rất nhiều”, Nadiem Makarim, người sáng lập và là Giám đốc điều hành 33 tuổi của Go-Jek, nói.

Cạnh tranh khốc liệt

Đông Nam Á, khu vực có 600 triệu dân, nơi mà số người sử dụng Internet tăng nhanh mỗi tháng, đang trở thành một thỏi nam châm thu hút đầu tư cho công nghệ, và cũng là một trong những chiến trường khắc nghiệt của các hãng xe công nghệ như Uber, Grab.

Grab - công ty có trụ sở tại Singapore sau đợt gây quỹ mới nhất gần đây đã có giá trị lên tới 6 tỉ đô la Mỹ. Hiện tại, ứng dụng đặt xe qua di động này đang cung cấp dịch vụ xe cá nhân, xe máy, taxi và đi chung tại bảy quốc gia và 142 thành phố khắp Đông Nam Á (Singapore, Indonesia, Philippines, Malaysia, Thái Lan, Việt Nam và Myanmar).

Tháng 10 vừa qua, Grab tuyên bố đạt mốc 1 tỉ chuyến xe. Grab cho biết có hơn 2 triệu lái xe và hơn 70 triệu lượt cài đặt ứng dụng. Năm ngoái Grab còn liên kết với Lyft, đối thủ lớn nhất của Uber tại Mỹ, để giúp người dùng có thể sử dụng chéo dịch vụ của nhau. Nghĩa là khách hàng của Grab tại Đông Nam Á khi đến Mỹ có thể dùng phần mềm Grab để gọi cho Lyft và ngược lại.

Brooks Entwistle, Giám đốc kinh doanh của Uber ở châu Á, xác nhận với The New York Times: “Đông Nam Á là một thị trường tăng trưởng cực nhanh”. Uber không tiết lộ các con số của thị trường Đông Nam Á, nhưng khu vực châu Á - Thái Bình Dương được cho là chiếm khoảng 20% doanh thu toàn cầu của hãng. Tính đến tháng 6-2017, Uber cho biết đã phục vụ được 5 tỉ chuyến đi trên toàn cầu.

Để đối phó với các đối thủ, Uber mới đây đã liên doanh với một công ty taxi ở Singapore nhằm tăng cường khả năng cạnh tranh trong khu vực.

Uber đã phối hợp với ComfortDelGro, nhà khai thác taxi lớn nhất Singapore, để thành lập liên doanh có giá trị khoảng 474 triệu đô la Mỹ. Thỏa thuận này giúp Uber tiếp cận với đội xe hơn 15.000 chiếc Comfort tại Singapore.

Trong khi hai “đại gia” Uber và Grab đang cạnh tranh dữ dội với nhau ở Đông Nam Á thì tại Indonesia - nền kinh tế lớn nhất khu vực, sự xuất hiện của những “tay chơi” địa phương như Go-Jek khiến cho cuộc chiến ở địa bàn này trở nên phức tạp hơn nhiều.

Thêm nữa, các công ty công nghệ lớn của Trung Quốc, vốn đang dò la cơ hội ở khu vực, cũng đóng góp thêm vào những thách thức đó.

Go-Jek được hãng Tencent Holdings của Trung Quốc hỗ trợ. Grab năm nay cũng nhận được một khoản đầu tư 2 tỉ đô la Mỹ từ Didi Chuxing (Trung Quốc) và Soft Bank (Nhật Bản). Đáng chú ý là chính Didi Chuxing là công ty sở hữu một ứng dụng đặt xe góp phần đánh bật Uber ra khỏi thị trường Trung Quốc.

Sự tăng trưởng chóng mặt của Grab và Go-Jek cũng bắt đầu gây ra những rắc rối nhất định, giữa công ty và những người lái xe trong hệ thống, hay giữa công ty và chính quyền địa phương, giống như những gì mà Uber đã gặp phải ở các nước khác.

Tuy nhiên, không thể phủ nhận Đông Nam Á là một thị trường tiềm năng đối với các dịch vụ “xe ôm công nghệ”, bởi trong khu vực này đã tồn tại một “nền kinh tế tự do” (gig economy) từ rất lâu trước khi nó được gọi tên chính thức.

Với những người lái xe thì đây là một cơ hội để họ kiếm thêm thu nhập. Nhiều người đã tận dụng giờ nghỉ sau một ngày làm việc ở nhà máy để đi “cày” tiền. Có người lái xe suốt bảy ngày trong tuần.

Tất nhiên, thu nhập của họ chưa thể nói là phù hợp. Nhiều công ty đã giảm giá để giữ thị trường, đẩy phần khó nhọc cho người lao động. Song, với những người như Nasrun, từng làm dọn phòng khách sạn, hay Irawan, giữ xe ở hộp đêm, thì công việc mới là một “bước tiến lớn”.

“Go-Jek sẽ không thể tuyển dụng được nhiều người như vậy - 900.000 người lái ô tô và xe máy - nếu không có “sự linh hoạt” về các tiêu chuẩn lao động”, ông Makarim lý giải. “Thực tế là nền kinh tế chính thức đơn giản là không thể chứa được số lượng người đó”, ông nhấn mạnh.

Minh Đức

Nguồn Saigon Times: http://www.thesaigontimes.vn/266654/cuoc-dua-cua-xe-om-cong-nghe.html