Cuộc đua 'chia phần' trên Mặt Trăng

Là thiên thể gần Trái Đất nhất và duy nhất bên ngoài địa cầu mà con người từng đặt chân tới, Mặt Trăng đang một lần nữa trở thành mục tiêu cạnh tranh của các cường quốc không gian.

Trong bối cảnh thế giới tập trung ứng phó với dịch Covid-19, cuộc chạy đua chinh phục Mặt Trăng có dấu hiệu sôi động trở lại. Cơ quan Hàng không Vũ trụ Mỹ (NASA) vừa cho biết, 8 nước gồm: Mỹ, Australia, Canada, Nhật Bản, Luxembourg, Italy, Anh và Các tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE) đã ký một thỏa thuận quốc tế về hoạt động thám hiểm Mặt Trăng, được đặt tên theo chương trình Mặt Trăng Artemis của NASA.

Hiệp định Artemis sẽ mở đường cho các thành viên sáng lập tham gia vào chương trình Artemis với kế hoạch đưa người trở lại Mặt Trăng vào năm 2024. Dự án đặt mục tiêu xây dựng một trạm vũ trụ mới với tên gọi Gateway quay quanh quỹ đạo Mặt Trăng, trở thành điểm trung chuyển để các phi hành gia có thể đáp xuống bề mặt của Mặt Trăng, đồng thời tiến hành các hoạt động nghiên cứu, thám hiểm khác. Mặt khác, văn kiện này góp phần hình thành tiêu chuẩn đối với hoạt động xây dựng các cơ sở lâu dài trên bề mặt nguyệt cầu thông qua thiết lập những “vùng xanh” an toàn để ngăn chặn xung đột giữa các quốc gia đang hoạt động tại đó. Hiệp định Artemis cũng cho phép các công ty tư nhân sở hữu những nguồn tài nguyên trên Mặt Trăng mà họ khám phá được.

 Hình ảnh đồ họa mô tả các phi hành gia làm việc trên Mặt Trăng. Ảnh: NASA

Hình ảnh đồ họa mô tả các phi hành gia làm việc trên Mặt Trăng. Ảnh: NASA

Giám đốc NASA Jim Bridenstine cho biết, Hiệp định Artemis phù hợp với Hiệp ước không gian vũ trụ năm 1967 và sau này là Hiệp ước Mặt Trăng năm 1984, trong đó nêu rõ Mặt Trăng và các thiên thể khác không thuộc phạm vi những yêu sách chủ quyền của các nước. Nói cách khác, Mặt Trăng là tài sản chung của nhân loại và phục vụ cho lợi ích của mọi quốc gia. Tuy nhiên, nhiều quốc gia lại đang “tự thân” nhằm tạo lợi thế dẫn đầu trong cuộc thám hiểm “lục địa thứ bảy” này.

Chính phủ các nước phóng tàu vũ trụ đều coi Mặt Trăng là một tài sản chiến lược. Không chỉ còn là khám phá khoa học đơn thuần, việc thám hiểm Mặt Trăng còn nhằm mục đích đưa người lên định cư tại vệ tinh tự nhiên duy nhất của Trái Đất, cũng như khai thác “mỏ vàng” khổng lồ trời cho mà Mặt Trăng có thể đang sở hữu. Giới khoa học cho rằng Mặt Trăng ẩn chứa rất nhiều khoáng sản quý hiếm, như: Vàng, titanium, bạch kim, đất hiếm, hay đồng vị không phóng xạ helium-3...

Vào đầu năm 2020, Cơ quan Vũ trụ Liên bang Nga (Roscosmos) cho biết, nước này sẽ tái khởi động chương trình đưa người lên Mặt Trăng sau gần nửa thế kỷ tạm dừng. Tàu tự hành cuối cùng của Liên Xô là Luna 24 được phóng vào năm 1976. Trước mắt, Nga dự định phóng tàu Luna 25 vào tháng 10-2021, sau đó là Luna 26 năm 2024 và Luna 27 năm 2025. Đặc biệt, Moscow hy vọng Luna 27 sẽ chiết xuất được nước. Theo Roscosmos, quốc gia đầu tiên phát hiện nước trên Mặt Trăng sẽ gây chấn động, giúp hiện thực hóa các sứ mệnh Mặt Trăng tương lai thuận lợi hơn. Cơ quan Vũ trụ châu Âu (ESA) vào tuần tới cũng công bố các kế hoạch chi tiết cho một loạt sứ mệnh nhằm đưa con người trở lại Mặt Trăng trong vài năm tới.

Từng bị coi là nước yếu thế trong cuộc đua không gian, Trung Quốc những thập kỷ qua đã đầu tư rất mạnh cho chương trình vũ trụ nhằm bắt kịp Mỹ, Nga và châu Âu. Năm 2003, Trung Quốc trở thành quốc gia thứ ba trên thế giới, sau Mỹ và Nga, đưa người lên vũ trụ. Bắc Kinh có kế hoạch lắp đặt một trạm vũ trụ trên quỹ đạo Trái Đất vào năm 2022 và sau đó đưa người lên Mặt Trăng trong thập kỷ tới. Năm ngoái, Trung Quốc trở thành quốc gia đầu tiên trên thế giới đưa tàu tự hành Hằng Nga 4 đổ bộ thành công xuống bề mặt nửa tối Mặt Trăng. Hiện quốc gia này có kế hoạch phóng tàu Hằng Nga 5 vào cuối tháng 11-2020 để lấy các mẫu đất từ Mặt Trăng về. Trong khi đó, Ấn Độ cũng không đứng ngoài “cuộc chơi” gay cấn trên. Mới đây, New Delhi tuyên bố sẽ phóng một tàu vũ trụ khác lên Mặt Trăng, sau những lần hạ cánh bất thành trước đó.

Lần cuối cùng con người đặt chân lên Mặt Trăng là năm 1972 trong sứ mệnh Apollo 17 của NASA. Nếu như cuộc đua lên Mặt Trăng giữa Mỹ và Liên Xô chỉ nhằm thể hiện “niềm kiêu hãnh dân tộc” trong thời kỳ "Chiến tranh lạnh" thì ở thời đại vũ trụ 2.0 của thế kỷ 21, việc trở lại thiên thể này sẽ là lời khẳng định vai trò lãnh đạo trong vũ trụ của các cường quốc.

VĂN HIẾU

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/thoi-su-quoc-te/doi-song-quoc-te/cuoc-dua-chia-phan-tren-mat-trang-641173