Cuộc đời và sự nghiệp Ph.Ăngghen

Ph.Ăngghen là lãnh tụ thiên tài, người thầy vĩ đại của giai cấp vô sản, người đã cùng C.Mác xây dựng nên lý luận chủ nghĩa xã hội khoa học và đấu tranh vì sự nghiệp giải phóng giai cấp công nhân, nhân dân lao động trên thế giới.

Ph.Ăngghen - Nhà lý luận lỗi lạc và chiến sĩ cách mạng vĩ đại trong phong trào cộng sản và công nhân quốc tế.

Ph.Ăngghen - Nhà lý luận lỗi lạc và chiến sĩ cách mạng vĩ đại trong phong trào cộng sản và công nhân quốc tế.

Cách đây 200 năm, ngày 28/11/1820, tại Barmen, tỉnh Ranh của Vương quốc Phổ (thuộc nước Đức ngày nay), trong một gia đình chủ xưởng dệt, Phriđrrich Ăngghen đã được sinh ra, để rồi sau đó, trở thành một trong những nhà hoạt động cách mạng lỗi lạc nhất trong lịch sử xã hội loài người.

Năm 14 tuổi, Ph.Ăngghen học tại thành phố Ba-rơ-men và đã sớm bộc lộ năng khiếu về ngoại ngữ. Tháng 10/1834, Ph.Ăngghen chuyển sang học ở trường trung học En-béc-phen-đơ, một trường tốt nhất ở Phổ thời bấy giờ. Năm 1837, Ph.Ăng-ghen buộc phải rời bỏ trường trung học khi chưa tốt nghiệp để bắt đầu công việc buôn bán ở Văn phòng theo yêu cầu của bố. Trong thời gian này, ông tự học các ngành sử học, triết học, văn học, ngôn ngữ và thơ ca.

Tháng 6/1838, Ph.Ăngghen đến làm việc tại Văn phòng thương mại ở thành phố cảng Ba-rơ-men, thành phố cảng lớn buôn bán với nhiều nơi trên thế giới. Tại đây Ph.Ăng-ghen được mở rộng tầm hiểu biết về nền văn học và báo chí nước ngoài cũng như tác động của cuộc cách mạng dân chủ tư sản đã chín muồi ở Đức hồi bấy giờ và chính điều đó đã thúc đẩy việchình thành các quan điểm dân chủ - cách mạng ở Ph.Ăngghen.

Mùa xuân 1842, Ph.Ăngghen bắt đầu cộng tác với tờ Rheinische Zeitung (Nhật báo tỉnh Ranh). Trong những bài báo in năm 1842, Ph.Ăngghen đã lên tiếng phản kháng chế độ kiểm duyệt của Chính phủ Vương quốc Phổ, trật tự phong kiến ở Đức. Ngày 8/10/1842, Ph.Ăngghen mãn hạn phục vụ trong quân đội và từ Béc-lin trở về Ba-rơ-men. Một tháng sau, Ph.Ăngghen sang Anh thực tập buôn bán. Trên đường sang Anh, Ph.Ăngghen đã thăm trụ sở tờ báo Rheinische Zeitung ở Koln và đã gặp C.Mác, Tổng Biên tập tờ báo. Tháng 2/1845, cuốn sách “Gia đình Thần thánh” của C.Mác và Ph.Ăngghen ra đời, đã phê phán mạnh mẽ chủ nghĩa duy tâm và phương pháp của nó, nêu luận điểm về vai trò quyết định của quần chúng nhân dân trong lịch sử. Trong hai năm 1845 - 1846, C.Mác và Ph.Ăngghen cùng hợp sức viết công trình nổi tiếng “Hệ tư tưởng Đức”, phê phán mạnh mẽ chủ nghĩa duy tâm của Hêghen và phái Hêghen trẻ; đồng thời, phê phán chủ nghĩa duy vật không nhất quán của Lút-vích Phoi-ơ-bắc, nêu ra những luận điểm cơ bản của chủ nghĩa duy vật biện chứng và chủ nghĩa duy vật lịch sử.

Năm 1848, Đại hội II Liên đoàn những người cộng sản đã ủy nhiệm C.Mác và Ph.Ăngghen cùng viết “Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản” - đó là Cương lĩnh cách mạng đầu tiên của giai cấp vô sản thế giới, là ngọn đuốc soi đường cho giai cấp vô sản và các dân tộc bị áp bức vùng lên đấu tranh phá bỏ xiềng xích và mọi sự áp bức, bất công trong xã hội tư bản. Tháng 3/1848, cùng với C.Mác, Ph.Ăng-ghen thảo ra “Những yêu sách của Đảng Cộng sản Đức” được Ban Chấp hành Trung ương Liên đoàn những người cộng sản thông qua như là văn kiện có tính chất cương lĩnh cho hành động của giai cấp vô sản Đức.

Tháng 4/1848, Ph.Ăngghen cùng với C.Mác trở về Đức tham gia cuộc cách mạng Đức; tháng 10/1848, đi Bỉ để tránh lệnh truy nã của chính quyền Phổ nhưng do không được phép cư trú chính trị nên Ph.Ăngghen lại đến Pa-ri; sau đó sang Thụy Sĩ tham gia Đại hội các liên đoàn công nhân Đức và được bầu vào Ủy ban Trung ương của tổ chức này.

Sau khi C.Mác qua đời (1883), Ph.Ăngghen là người lãnh đạo tổ chức những người theo chủ nghĩa xã hội ở châu Âu, chuẩn bị cho in tập 2 và 3 của bộ Tư bản mà C.Mác chưa kịp hoàn thành. Ph.Ăngghen viết nhiều tác phẩm nổi tiếng như “Gia đình thần thánh”, “Hệ tư tưởng Đức”, “Tình cảnh giai cấp công nhân Anh”; “Chống Ðuy-rinh”; “Nguồn gốc của gia đình, của chế độ tư hữu và của nhà nước”… và “Về lịch sử Liên đoàn những người cộng sản”. Tác phẩm “Về lịch sử Liên đoàn những người cộng sản” được Ph.Ăng-ghen viết vào năm 1885, có tính khái quát rất cao về quá trình ra đời, phát triển của Đảng Cộng sản. Ph.Ăngghen mất ngày 05/8/1895 ở Luân Đôn, thi hài sau đó được hỏa táng và thủy táng xuống biển.

Nhiều năm trôi qua, lịch sử cách mạng vô sản trên toàn thế giới còn khắc ghi những cống hiến vĩ đại và sự hy sinh trọn đời của C.Mác và Ph.Ăngghen cho giai cấp công nhân và nhân loại. Tác phẩm “Về lịch sử Liên đoàn những người cộng sản” tuy không dài và dù Ph.Ăng-ghen coi đây “chỉ là một sự phác họa” nhưng đã khái quát toàn bộ những nội dung, nguyên tắc cơ bản nhất về công tác xây dựng Đảng trong điều kiện chưa giành được chính quyền. Những tư tưởng của Ph.Ăng-ghen về xây dựng Đảng đến nay vẫn còn nguyên tính thời sự và có ý nghĩa quan trọng đối với tăng cường vai trò lãnh đạo đất nước của Ðảng Cộng sản Việt Nam trong bối cảnh hội nhập quốc tế, xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng XHCN. Những luận điểm về xây dựng Đảng của Ph.Ăng-ghen trong tác phẩm này có ý nghĩa to lớn cả về lý luận và thực tiễn, góp thêm cơ sở khoa học cho công tác xây dựng Đảng của Đảng Cộng sản Việt Nam hiện nay.

Cùng Mác - Lê-nin - Hồ Chí Minh, cuộc đời và sự nghiệp của Phriđrrich Ăngghen luôn luôn sống mãi trong sự nghiệp cách mạng của Đảng ta, của nhân dân ta và của nhân dân tiến bộ cũng như của phong trào cộng sản và công nhân trên toàn thế giới.

P.V (T/h)

Nguồn Văn Hiến: http://vanhien.vn/news/cuoc-doi-va-su-nghiep-ph-angghen-80904