Cuộc đời trầm luân của nhà lãnh đạo Myanmar Aung San Suu Kyi

Với việc bị bắt giữ trong một cuộc đảo chính quân sự ở Myanmar hôm qua 1-2, bà Aung San Suu Kyi đã trải qua một hành trình chìm nổi đáng kinh ngạc: từ một biểu tượng về dân chủ trở thành nhà lãnh đạo của một chính phủ dân cử và rồi trở lại quỹ đạo quen thuộc: bị bắt giam.

Người phụ nữ 75 tuổi này giờ đây lại là một tù nhân chính trị, bị giam giữ cùng với hàng chục đồng minh và các nhà lãnh đạo khác của Myanmar khi quân đội giành lại quyền lực chỉ 5 năm sau cuộc bầu cử kết thúc nửa thế kỷ cầm quyền của quân đội nước này.

Người phụ nữ 75 tuổi này giờ đây lại là một tù nhân chính trị, bị giam giữ cùng với hàng chục đồng minh và các nhà lãnh đạo khác của Myanmar khi quân đội giành lại quyền lực chỉ 5 năm sau cuộc bầu cử kết thúc nửa thế kỷ cầm quyền của quân đội nước này.

Đáng nói, bà Suu Kyi từng bị quản thúc gần 15 năm tại biệt thự ven hồ của gia đình bà ở Yangon, thành phố lớn nhất Myanmar, bắt đầu từ năm 1989, khi tham gia phong trào đòi cải cách dân chủ ở nước này.

Người phụ nữ tốt nghiệp Đại học Oxford (Anh) này nổi tiếng trên trường quốc tế với gương mặt thanh thản, tươi cười trong cuộc đấu tranh cho dân chủ ở Myanmar

Giai đoạn bà Suu Kyi bị quản thúc, chồng bà mắc bệnh ung thư năm 1997 cho đến lúc qua đời vào 1999, chính quyền quân sự Myanmar đã không để cho bà đi thăm chồng. Năm 1991, bà được trao giải Nobel Hòa bình và các con trai đã thay mặt bà nhận giải thưởng.

Aung San Suu Kyi trở thành nhà lãnh đạo của Myanmar vào năm 2015 và đứng đầu một đảng chính trị đã giành được 2 chiến thắng vang dội liên tiếp trong cuộc bầu cử quốc hội, gần đây nhất là vào tháng 11-2020.

Nhưng gần đây, tin đồn về một cuộc đảo chính đã bùng phát trong nhiều tuần khi các chỉ huy quân đội đưa ra những tuyên bố không có cơ sở về gian lận trong cuộc bầu cử

Tổng tư lệnh quân đội, Thượng tướng Min Aung Hlaing, tuần trước cho biết khi cần thiết có thể thu hồi hiến pháp đặt ra năm 2008, trong đó quy định duy trì chính phủ dân sự nhưng cho phép quân đội hoạt động mà không cần giám sát.

Khi đó, hầu hết các nhà phân tích không để ý đến lời đe dọa này vì nếu nó xảy ra, quân đội Myanmar sẽ bị dư luận quốc tế lên án và có thể chịu lệnh trừng phạt

Nhưng cuộc đảo chính diễn ra nhanh gọn, không đổ máu vào ngày 1-2, chỉ vài giờ trước khi kỳ họp quốc hội khai mạc, đã khiến các quan sát viên theo dõi tình hình Myanmar phải ngạc nhiên.

Melissa Crouch, một chuyên gia về Myanmar tại Đại học New South Wales ở Sydney, Australia cho biết: “Cuộc đảo chính sẽ nâng cao hình ảnh quốc tế của bà Aung San Suu Kyi. Đây là bằng chứng mà bà ấy cần rằng quân đội không tuân theo các quy tắc mà họ tạo ra”.

Nhưng một số người cho rằng, cuộc đảo chính là kết quả tất yếu của “cuộc mặc cả” giữa bà Suu Kyi với quân đội để đạt được lợi ích chính trị của mình

Nổi bật nhất là bà bảo vệ quân đội và phải “chịu trận” trước dư luận về làn sóng bạo lực đối với người Rohingya năm 2017.

Đối với nhiều chuyên gia, cuộc đảo chính còn báo hiệu một trong những thất bại chính của bà Suu Kyi với tư cách là một chính trị gia: Bà đã thâu tóm quyền lực trong đảng và không chuẩn bị cho thế hệ lãnh đạo tiếp theo.

Các thành viên trẻ hơn tuyên bố rằng họ đã bị loại ra ngoài và các chức năng của chính phủ gần như ngừng lại bất cứ khi nào cố vấn nhà nước Suu Kyi đi vắng.

Giới học giả nhận định, Myanmar rất dễ xảy ra đảo chính, trong khi bà Aung San Suu Kyi giữ lối cầm quyền “độc diễn” mà không có kế hoạch dự phòng nên thất bại là điều dễ hiểu.

Hải Yến

Nguồn ANTĐ: https://anninhthudo.vn/anh-cuoc-doi-tram-luan-cua-nha-lanh-dao-myanmar-aung-san-suu-kyi-post457354.antd