'Cuộc đời tôi đã gắn với biển cả rồi…'

Anh đã nói hào sảng như vậy khi giữa trưa nắng chang chang, đứng trên bờ cảng cá Tam Quang (H. Núi Thành, Quảng Nam), ánh mắt mông lung nhìn ra biển xa xăm. Biển xa, bờ gần, sống hơn nửa đời với biển, anh lặng thầm khởi nghiệp các dịch vụ hậu cần nghề biển, đó là câu chuyện 'đã mang lấy nghiệp vào thân' của anh Huỳnh Minh Cảnh...

Anh đã nói hào sảng như vậy khi giữa trưa nắng chang chang, đứng trên bờ cảng cá Tam Quang (H. Núi Thành, Quảng Nam), ánh mắt mông lung nhìn ra biển xa xăm. Biển xa, bờ gần, sống hơn nửa đời với biển, anh lặng thầm khởi nghiệp các dịch vụ hậu cần nghề biển, đó là câu chuyện "đã mang lấy nghiệp vào thân" của anh Huỳnh Minh Cảnh...

Anh Huỳnh Minh Cảnh tại bến cá Tam Quang.

Sinh ra, lớn lên và gắn bó với nghề biển tại thôn Sâm Linh Đông (xã Tam Quang, H. Núi Thành), anh Cảnh nhận thấy Núi Thành là địa phương chiếm đến hơn một nửa số lượng tàu công suất lớn và hơn một nửa sản lượng hải sản khai thác của cả tỉnh Quảng Nam. Điều đó anh nhận ra vấn đề khi dịch vụ hậu cần nghề cá trên biển chỉ mới xuất hiện tại huyện Núi Thành. Anh cho rằng, so với các nghề khai thác, dịch vụ hậu cần trên biển thu được lợi nhuận ít hơn mà nguồn vốn đầu tư lại nhiều hơn, bởi vậy anh nghĩ "lao mình" vào dịch vụ hậu cần trên biển sẽ gặp nhiều khó khăn. Tuy nhiên, những tháng ngày khởi nghiệp với dịch vụ này đã cho anh nhiều kinh nghiệm để từ “định hình” ban đầu là điều cần thiết để nâng cao về “chất” của hoạt động nghề cá. Kể lại quá trình khởi nghiệp, anh chia sẻ: Nếu có phương tiện trực tiếp thu mua hải sản và cung cấp vật tư nhiên liệu, lương thực thực phẩm trên biển, việc vươn khơi bám biển dài ngày của ngư dân sẽ đạt được hiệu quả kinh tế cao hơn. Với ý nghĩ đó, bắt đầu từ năm 2012, anh Cảnh đã hạ thủy chiếc tàu làm dịch vụ đầu tiên. "Sống chung với nghề" ngót nghét sau hơn 8 năm, hiện nay đội tàu dịch vụ của anh Cảnh lên 3 chiếc, chuyên thu mua sản phẩm cho tàu thuyền xa bờ của ngư dân H. Núi Thành.

Trong câu chuyện về nghề, anh nhớ lại biết bao khó khăn chồng chất đậm vị mặn chát của mồ hôi, nước mắt như vị mặn của biển khơi sóng gió. Năm 1987, khi mới ngoài 25 tuổi, Huỳnh Minh Cảnh đã huy động 18 hộ ngư dân góp vốn thành lập Tổ hợp tác nghề cá với 2 chiếc tàu làm nghề lưới vây. Do làm ăn thua lỗ, Tổ hợp tác nghề cá giải tán. Song anh không bỏ cuộc, buông tay, tiếp tục vay tiền của người thân hoàn vốn cho các tổ viên để giữ lại đội tàu và tiếp tục vươn khơi. Bắt đầu từ đây, việc làm ăn của Huỳnh Minh Cảnh rẽ theo hướng khác, bài bản và bền vững hơn. Anh mạnh dạn vay vốn đầu tư để trang bị cho những chiếc tàu, đầu tư nhiều phương tiện đi biển hiện đại như máy tầm ngư, máy định vị, thiết bị thông tin liên lạc, hầm cấp đông có khả năng bảo quản sản phẩm dài ngày trên biển. Nhờ có thiết bị, ngư lưới cụ mới, cộng với kinh nghiệm đi biển dày dạn, các tàu đánh cá của Huỳnh Minh Cảnh không ngừng gia tăng sản lượng đánh bắt hàng năm, thu nhập và tích lũy của anh cũng tăng lên rõ rệt. Từ năm 2005 - 2016, cùng với nguồn vốn tự có và được vay vốn với lãi suất ưu đãi theo Nghị định 67 của Chính phủ, anh Huỳnh Minh Cảnh và người thân lần lượt cải hoán, đóng mới và cho hạ thủy 5 chiếc tàu, nâng tổng số tàu thuyền của gia đình và người thân lên 8 chiếc với tổng công suất trên 4000 CV, trong đó có 5 chiếc khai thác và 3 chiếc làm dịch vụ ở ngư trường khơi xa.

Là người trực tiếp chỉ huy đội tàu khai thác hải sản trên biển, anh Huỳnh Minh Cảnh nhận thấy nếu có phương tiện ra tận nơi để thu mua hải sản và cung cấp vật tư nhiên liệu, lương thực thực phẩm ngay trên biển thay cho việc tàu đang khai thác phải quay về bờ để tiêu thụ sản phẩm và tiếp nhiên liệu, việc vươn khơi bám biển sẽ dài ngày, sản phẩm thu mua trên biển chất lượng và hiệu quả kinh tế cao hơn. Vì vậy, từ năm 2012 đến nay, anh Cảnh đã hạ thủy 3 chiếc tàu làm dịch vụ trên biển. Tuy nhiên, do tàu dịch vụ có quy mô còn hạn chế nên chỉ có khả năng thu mua sản phẩm, chưa có khả năng cung cấp vật tư nhiên liệu trên biển cho ngư dân. Anh Trần Trắng, chủ tàu cá QNa 91594TS là một trong số hơn 20 chủ tàu thường xuyên bán hải sản trên biển cho tàu dịch vụ thu mua của anh Cảnh cho biết, việc bán sản phẩm ngay trên biển tuy giá thấp hơn so với trên đất liền nhưng bù lại, tàu của ngư dân không phải quay về bờ. Nhờ vậy số ngày bám biển trong mỗi chuyến ra khơi cũng dài hơn. Hơn nữa, sản phẩm được bán trên biển ngay sau khi khai thác nên chất lượng cao hơn so với khi về đất liền (do mất nhiều ngày bảo quản nên chất lượng bị giảm sút, dễ bị tư thương lợi dụng ép giá). "Nếu được cung cấp cả vật tư, nhiên liệu và lương thực thực phẩm trên biển, việc bám biển của ngư dân chắc chắn sẽ mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn", anh Trần Trắng quả quyết.

Anh Cảnh tâm sự: “Tôi lớn lên từ biển nên chắc cả đời sẽ gắn bó với biển. Nếu được vay nguồn vốn lớn với lãi suất ưu đãi, mình sẽ đóng chiếc tàu vỏ sắt công suất trên 1.300 CV, sức chứa trên 350 tấn dầu và hầm bảo quản quy chuẩn để vừa thu mua hải sản vừa cung cấp vật tư nhiên liệu ngay trên biển thì hiệu quả kinh tế sẽ cao hơn nhiều”. Không chỉ làm dịch vụ, anh Cảnh còn xây dựng Nhà máy nước đá Kỳ Hà, trạm cung cấp dầu cho tàu thuyền của ngư dân. Hiện với đội tàu trực tiếp khai thác hải sản dài ngày trên biển, tàu làm dịch vụ thu mua và các dịch vụ trên bờ của anh đã giải quyết việc làm cho hơn 100 lao động tại địa phương với mức lương thu nhập bình quân 70 triệu đồng/người/năm, lao động giỏi trên biển đạt trên 100 triệu đồng/năm. Riêng gia đình anh trong năm 2017, sau khi trừ các khoản chi phí sản xuất, lãi ròng xấp xỉ 11 tỷ đồng.

Ông Nguyễn Văn Thịnh, Phó Chủ tịch UBND H. Núi Thành cho biết: "Anh Huỳnh Minh Cảnh không chỉ là người có kinh nghiệm đi biển, ngư dân sản xuất kinh doanh giỏi, anh còn làm giàu cho người thân, ngư dân địa phương và góp phần để ngành kinh tế biển của huyện phát triển mạnh. Trong thời gian tới, huyện sẽ tạo điều kiện thuận lợi để anh Cảnh thực hiện được dự định đóng mới tàu có công suất lớn để vừa thu mua hải sản, vừa cung cấp vật tư nhiên liệu trên biển cho ngư dân”. Anh Huỳnh Minh Cảnh là một gương điển hình trong lĩnh vực sản xuất kinh doanh vinh dự được UBND tỉnh Quảng Nam chọn tham dự Lễ kỷ niệm 70 năm Ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh ra Lời kêu gọi thi đua ái quốc ở Trung ương.

Trưa. Nắng và nóng. Biển vẫn dạt dào sóng vỗ bờ. Câu chuyện về nghề, về biển... với anh Huỳnh Minh Cảnh dường như chưa dứt được. Cảng cá xã Tam Quang vẫn tấp nập, rộn ràng trên bến dưới thuyền. Anh khẳng khái: "Ngư dân bám biển vươn khơi, tôi sẽ mãi đồng hành...".

AN NHIÊN

Nguồn CAĐN: http://cadn.com.vn/news/64_191069_-cuoc-doi-toi-da-gan-voi-bien-ca-roi-.aspx