Cuộc đối thoại thú vị giữa hai chất liệu đối lập: Thép và Vải

Triển khai tổng kết 10 năm thực hiện Chỉ thị số 46-CT/TW của Ban Bí thư (khóa X) về 'chống sự xâm nhập của các sản phẩm văn hóa độc hại gây hủy hoại đạo đức xã hội'; Các cơ sở lưu trú linh hoạt, liên kết để vượt khó; Độc đáo triển lãm 'Thép và vải' là những thông tin văn hóa và du lịch nổi bật tại Thủ đô Hà Nội.

Các tác phẩm tranh vải của họa sĩ Trần Thanh Thục tại triển lãm Thép và Vải. Ảnh: Hà Nội mới

Các tác phẩm tranh vải của họa sĩ Trần Thanh Thục tại triển lãm Thép và Vải. Ảnh: Hà Nội mới

Tổng kết 10 năm thực hiện Chỉ thị số 46-CT/TW

Thành ủy Hà Nội vừa ban hành Kế hoạch triển khai tổng kết 10 năm thực hiện Chỉ thị số 46-CT/TW của Ban Bí thư (khóa X) về "chống sự xâm nhập của các sản phẩm văn hóa độc hại gây hủy hoại đạo đức xã hội".

Chỉ thị số 46-CT/TW của Ban Bí thư (khóa X) nêu rõ: Những năm gần đây, ở nước ta, văn hóa có bước phát triển về nhiều mặt, đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu tinh thần lành mạnh, đa dạng của nhân dân, góp phần tích cực vào công cuộc đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Các giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc được chú trọng bảo tồn và phát huy, các giá trị mới đang hình thành và phát triển. Hợp tác văn hóa với nước ngoài ngày càng mở rộng, nhiều sản phẩm văn hóa có giá trị của thế giới được tiếp thu, góp phần làm phong phú đời sống văn hóa của nhân dân ta.

Tuy vậy, thời gian qua, nhiều sản phẩm văn hóa độc hại từ bên ngoài đã xâm nhập vào nước ta bằng nhiều con đường, tác động rất xấu đến tư tưởng, đạo đức, lối sống, tâm lý, hành vi của một bộ phận nhân dân, nhất là thanh thiếu niên; làm hủy hoại, xói mòn nền tảng và những giá trị đạo đức tốt đẹp của dân tộc. Lối sống thực dụng, vụ lợi, vị kỷ, thích hưởng lạc, sa đọa; cái xấu, cái ác, phi nhân tính có dấu hiệu tăng lên rõ rệt. Môi trường đạo đức và văn hóa lành mạnh bị đe dọa nghiêm trọng, có nguy cơ dẫn tới khủng hoảng tinh thần, mất phương hướng lựa chọn các giá trị, lối sống và niềm tin của một bộ phận công chúng.

Để thực hiện mục tiêu xây dựng văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội, xây dựng nhân cách, đạo đức, lối sống của con người Việt Nam thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa, hội nhập quốc tế, bảo vệ và phát huy những giá trị đạo đức tốt đẹp của dân tộc, tạo môi trường xã hội lành mạnh, góp phần thực hiện thành công sự nghiệp đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa, Ban Bí thư yêu cầu các cấp ủy đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc, đoàn thể các cấp tăng cường lãnh đạo, quản lý, tham gia tích cực vào cuộc đấu tranh chống sự xâm nhập của các sản phẩm văn hóa độc hại gây hủy hoại đạo đức xã hội, nhằm: tạo phong trào quần chúng sâu rộng, ngăn chặn, đẩy lùi sự xâm nhập và tác động tiêu cực của các sản phẩm văn hóa độc hại từ bên ngoài xâm nhập vào nước ta. Xây dựng, nâng cao ý thức cảnh giác, năng lực nhận biết, bài trừ của cán bộ, đảng viên và nhân dân trước sự xâm nhập, tác động của các sản phẩm văn hóa độc hại.

Việc tổng kết 10 năm thực hiện Chỉ thị số 46-CT/TW được triển khai từ cấp cơ sở, do cấp ủy lãnh đạo, chủ trì. Các đơn vị trực thuộc và cấp cơ sở tiến hành tổng kết, xây dựng và hoàn thiện báo cáo tổng kết đảm bảo tiến độ (các đơn vị trực thuộc hoàn thành báo cáo gửi trước 30/5/2020; cấp cơ sở thời gian hoàn thành do cấp trên trực tiếp quyết định). Cấp Thành phố: Tổ chức hội nghị tổng kết (có thể lồng ghép cùng nội dung khác) đảm bảo tiến độ, hoàn thành và gửi báo cáo trước 20/6/2020.

Các cơ sở lưu trú liên kết để vượt khó

Theo Sở Du lịch Hà Nội, trên địa bàn thành phố có gần 3.500 cơ sở lưu trú, với gần 61.000 buồng, phòng. Trong 4 tháng đầu năm 2020, công suất bình quân khối khách sạn chỉ đạt 35,5% so với cùng kỳ năm 2019.

Hiện tại, Việt Nam chưa đón khách du lịch quốc tế, do đó phát triển du lịch nội địa là mục tiêu trước mắt của ngành Du lịch. Nhiều khách sạn đã thực hiện giảm giá chưa từng có để kích cầu, với mức giảm từ 50% đến 70%. Tuy nhiên, để thu hút khách, việc giảm giá phòng chỉ là giải pháp tình thế. Các cơ sở cần phải tổ chức hoạt động kinh doanh một cách linh hoạt khi chưa có nhiều khách.

Đưa ra giải pháp thu hút khách trong thời gian tới, Sở Du lịch Hà Nội cho biết, Hà Nội sẽ thực hiện kích cầu du lịch bằng việc kêu gọi các điểm đến, cơ sở lưu trú, dịch vụ lữ hành cùng cam kết giảm giá, dành ưu đãi cho du khách; ra mắt những sản phẩm du lịch mới hấp dẫn và rõ tính đặc trưng của Hà Nội.

Ngoài ra, Sở Du lịch đã đề xuất UBND thành phố một số biện pháp hỗ trợ doanh nghiệp du lịch, trong đó có các cơ sở lưu trú trên địa bàn bị thiệt hại do dịch Covid-19. Đồng thời, Sở sẽ phối hợp với các đơn vị tổ chức những sự kiện như lễ hội văn hóa, ẩm thực để thu hút khách tham quan.

Bên cạnh đó, để thu hút khách và giữ chân khách du lịch ở Hà Nội lâu hơn, lưu trú dài hơn, sử dụng nhiều dịch vụ hơn, theo Sở du lịch cần phải có giải pháp đồng bộ, trong đó cần sự đoàn kết, kiên trì, sáng tạo của tất cả các đơn vị trong ngành.

Khách tham quan triển lãm Thép và vải". Ảnh: Báo Hà Nội mới

Độc đáo triển lãm "Thép và vải"

Hai nghệ sĩ Lê Thị Hiền và Trần Thanh Thục cùng mở triển lãm "Thép và vải" vào chiều 26/5, tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam (66 Nguyễn Thái Học), tạo nên một cuộc đối thoại thú vị giữa hai chất liệu đối lập.

Đây là cuộc triển lãm chung của hai nữ nghệ sĩ khá nổi bật trong giới mỹ thuật đương đại, đều có hơn 30 năm theo đuổi nghệ thuật. Triển lãm gồm 6 tác phẩm điêu khắc thép của nhà điêu khắc Lê Thị Hiền và 30 tác phẩm tranh vải của họa sĩ Trần Thanh Thục.

Những tác phẩm của họa sĩ Lê Thị Hiền mang đậm khuynh hướng tối giản, thể hiện sự chuyển động của khối và nét với các tạo hình tiết diện vuông và tam giác theo phong cách trừu tượng. Đặc biệt, lần này, nghệ sĩ sử dụng sắc hồng là điểm nhấn, đem đến vẻ nữ tính cho các tác phẩm với chất liệu thép. Điều này thể hiện rõ trong các tác phẩm: "Sen", "Sóng nghiêng", "Tháp", "Sen đôi"...

Còn họa sĩ Trần Thanh Thục mang đến những tác phẩm độc đáo, giàu tính hiện thực, được làm hoàn toàn từ chất liệu vải. Không chỉ tận dụng màu của vải để tạo hình, họa sĩ Trần Thanh Thục còn sử dụng khéo léo và tinh tế những họa tiết in sẵn trên vải, để tạo nên các tác phẩm mang vẻ đẹp thiên nhiên, đất nước, con người Việt Nam. Có thể kể đến là các tác phẩm: "Phá Tam Giang", "Hà Nội thu", "Nhà thờ đổ biển Hải Lý", "Ngôi nhà nhỏ", "Đường quê"...

Qua triển lãm, công chúng hiểu thêm về từng chất liệu và bất ngờ trước khả năng sáng tạo, đưa các chất liệu công nghiệp thành những tác phẩm nghệ thuật giá trị của hai nghệ sĩ.

Triển lãm diễn ra đến hết ngày 31/5.

Lan Anh (t/h)

Nguồn Tổ Quốc: http://toquoc.vn/cuoc-doi-thoai-thu-vi-giua-hai-chat-lieu-doi-lap-thep-va-vai-20200527155256491.htm