Cuộc đời thành viên gốc Phi đầu tiên của Hoàng gia Anh

Cuộc hôn nhân của Hoàng tử Anh Harry và Công nương Meghan Markle đã khiến báo giới tốn không ít giấy mực, nhất là khi Markle là người có thân thế đa chủng tộc, một điều không thông lệ đối với gia đình hoàng gia Anh. Tuy nhiên, lần giở lại lịch sử, người ta sẽ ngạc nhiên khi biết rằng cô không phải là nàng dâu có gốc gác da màu đầu tiên của gia đình hoàng gia này.

Từ Công chúa Đức tới Hoàng hậu nước Anh

Sophia Charlotte xứ Mecklenburg-Strelitz chào đời ngày 19-5-1744 tại thành phố Schloss Mirow nước Đức. Vốn xuất thân trong một gia đình danh gia vọng tộc, nàng là con gái của Charles Louis Frederick, Công tước xứ Mecklenburg-Strelitz. Năm 1761, khi mới 17 tuổi, Sophia đính hôn với Vua George III của nước Anh theo "thỏa ước hôn nhân" được anh trai bà là Công tước Adolf Frederick IV, người đảm đương vị trí này sau khi cha qua đời, ký với nhà vua trẻ.

Dù hai người chưa từng gặp mặt song Công chúa Sophia được cho là rất xứng đôi với người kế vị của nước Anh. Cô được giáo dục đầy đủ và biết rõ những phép tắc. Hơn thế nữa, xứ Mecklenburg-Strelitz cũng không phải là một vùng lãnh thổ có nhiều ảnh hưởng, yếu tố giúp đảm bảo phần nào việc Sophia sẽ không can dự vào các vấn đề nội bộ của nước Anh. Trên thực tế, một trong những điều kiện được ghi rõ trong bản thỏa ước hôn nhân hoàng gia chính là việc Sophia "không bao giờ" được tham gia các vấn đề chính trị.

Chân dung Hoàng hậu Charlotte của Allan Ramsay.

Chân dung Hoàng hậu Charlotte của Allan Ramsay.

Tháng 8-1761, Anh gửi một hạm đội tàu chiến và du thuyền dưới sự chỉ huy của Đô đốc Anson đến nước Đức. Trong hành trình đến nước Anh, Sophia được bố trí nghỉ ngơi trong một du thuyền đặc biệt được đặt theo tên nàng, con tàu Royal Charlotte. Sau 10 ngày trời lênh đênh trên biển trong điều kiện thời tiết không mấy thuận lợi, cuối cùng Charlotte cũng đặt bước chân đầu tiên lên đất Anh vào đầu tháng 9-1761. Ngay lập tức những tin tức về nàng công chúa ngoại lai trở thành đề tài chính trong các câu chuyện thời bấy giờ.

Đám cưới diễn ra ngay đêm đó tại Cung điện Thánh James khi Sophia mới 17 tuổi và Vua George III 22 tuổi. Sau lễ đăng quang diễn ra tiếp đó vài tuần, Sophia chính thức trở thành Hoàng hậu Charlotte. Háo hức làm tròn các bổn phận hoàng gia của mình, Hoàng hậu Charlotte, thông thạo cả tiếng Đức và tiếng Pháp, quyết tâm học thêm tiếng Anh. Bà thậm chí còn yêu cầu cả những người tùy tùng của mình phải học thêm thứ tiếng mới mẻ này và tổ chức nhiều buổi tiệc trà chiều theo đúng phong cách Anh.

Những cố gắng của Charlotte không nhận được sự ủng hộ và thiện cảm từ toàn bộ các thành viên gia đình hoàng gia, nhất là mẹ chồng của nàng, Công nương Augusta, người liên tục tìm cách áp đặt quyền lực với con dâu của mình. Mặc dù Vua George III chính thức ngỏ lời cầu hôn và làm đám cưới long trọng với Charlotte nhưng trong đám cưới ấy không có sự hiện diện của Hoàng thái hậu, bởi bà quan niệm hẹp hòi rằng đám cưới của con trai bà với Charlotte hết sức lố bịch, và hoàn toàn không môn đăng hộ đối.

Dù bất đồng chính kiến với mẹ đẻ, nhưng tình yêu của Vua George III đối với nàng Charlotte vẫn không hề thay đổi, và điều ấy đã được khẳng định bằng những năm tháng hạnh phúc sau này. Ngày 12-8-1762, chưa đầy 1 năm sau đám cưới, Hoàng hậu Charlotte hạ sinh người con đầu tiên, Hoàng tử George xứ Wales, người sau này sẽ trở thành Vua George IV, và được cho là người con được Hoàng hậu Charlotte ưu ái nhất trong số 15 người con của mình.

Mặc dù nghĩa vụ của một hoàng hậu là duy trì nòi giống cho gia đình hoàng gia, song việc liên tục mang thai và sinh nở trong suốt 20 năm ít nhiều cũng khiến Charlotte trầm cảm.

Dẫu sao cuộc hôn nhân được sắp đặt giữa Hoàng hậu Charlotte và Vua George III cũng được nhiều sử gia xem là thành công bởi tình cảm hai người dành cho nhau là có thật. Điều này được thể hiện qua những bức thư hai người gửi cho nhau trong những thời gian xa cách hiếm hoi. Chẳng hạn, trong bức thư đề ngày 26-4-1778, Hoàng hậu Charlotte viết cho người chồng mà bà đã kết hôn từ 17 năm trước: "Chuyến đi của Ngài sẽ giúp Ngài truyền cảm hứng cho mọi người, để thế giới biết đến Ngài nhiều hơn, và có thể là sẽ giúp Ngài có được sự tin yêu của mọi người hơn nữa. Đó là điều hoàn toàn khả thi, nhưng cũng sẽ không thể sánh bằng tình yêu của người tình nguyện trở thành người bạn và người vợ đầy trìu mến của Ngài, Charlotte".

Con người của nghệ thuật, khoa học và thiện nguyện

Năm 1762, Vua George III và Hoàng hậu Charlotte dọn đến Điện Buckingham, nơi sau này được mở rộng và nâng cấp thành Cung điện Buckingham, nơi ở của Nữ hoàng Anh. Buckingham là một ngôi nhà rộng rãi và thoải mái. Tất cả những đứa người của Hoàng hậu Charlotte, trừ vị hoàng tử đầu lòng, đều được sinh ra tại đây.

Dù Hoàng hậu Charlotte có thể đã rất nỗ lực tránh can dự vào các vấn đề hoàng gia song không thể phủ nhận sự thông tuệ, hiểu biết và mối quan tâm mà bà dành cho những vấn đề của châu Âu. Bà thường chia sẻ những suy nghĩ của mình với người anh trai thân thiết là Công tước xứ Duke II. Bà đã viết cho anh hơn 400 bức thư nói về những suy nghĩ của mình về chính trường Anh và nhiều vấn đề khác trong cuộc sống chốn cung điện.

Hoàng hậu Charlotte và hai người con lớn.

Bên cạnh chính trị, cặp đôi hoàng gia còn đặc biệt yêu thích cây cảnh. Khuôn viên Cung điện St. James, nơi ở chính thức của hai người, được bố trí như một nông trại với rất nhiều luống rau và cây cối. Hoàng hậu Charlotte cũng được coi là một nhà thực vật học nghiệp dư. Những nhà thám hiểm, chẳng hạn như thuyền trưởng James Cook, từng mang đến cho bà những loài thực vật mới sau mỗi chuyến đi. Những giống cây này được bà trưng bày và nhân giống chúng trong khu vườn ở Cung điện Kew.

Hoàng hậu Charlotte cũng rất yêu thích nghệ thuật. Hai trong số những nhà soạn nhạc mà bà ngưỡng mộ là nhà soạn nhạc người Đức Handel và Johann Sebastian Bach. Johann Christian Bach, người con thứ 11 của nhà soạn nhạc đại tài, là thầy dạy nhạc của Hoàng hậu. Bà cũng là người được xem là góp công lớn trong việc phát triển và khích lệ tài năng của một thiên tài âm nhạc khác là Wolfgang Amadeus Mozart, thời điểm đó mới chỉ 8 tuổi.

Tình yêu nghệ thuật của Hoàng hậu Charlotte khá đồng điệu với Hoàng hậu Marie Antoinette của nước Pháp, là nền tảng cho tình bạn giữa hai người. Hoàng hậu Marie Antoinette từng tâm sự với bà về sự hỗn loạn khi Cách mạng Pháp bắt đầu và Hoàng hậu nước Anh thậm chí còn chuẩn bị sẵn chỗ ở cho gia đình Hoàng gia Pháp, tuy nhiên chuyến đi của Hoàng hậu Marie Antoinette chưa bao giờ diễn ra.

Điều mà Hoàng hậu Charlotte quan tâm nhất chính là những công việc thiện nguyện. Bà đã lập nên nhiều trại trẻ mồ côi và năm 1809, bà đã trở thành nhà bảo trợ cho Bệnh viện Đa khoa London, bệnh viện phụ sản đầu tiên của Anh. Bệnh viện này sau đó được đổi tên thành Bệnh viện Hoàng hậu Charlotte và Chelsea để tưởng nhớ những đóng góp to lớn của bà.

Những đóng góp của Hoàng hậu Charlotte thậm chí còn nhiều hơn những gì sử sách ghi lại. Các di sản và dấu ấn của bà ngày nay vẫn còn có thể dễ dàng được tìm thấy tại nhiều địa điểm và đường phố Mỹ, chẳng hạn như Thị trấn Charlotte, Đảo Hoàng tử Edward, thành phố Charlotte phía Bắc Carolina, nơi tự hào với biệt danh Thành phố của Hoàng hậu.

Gốc gác gây tranh cãi

Những thành viên hoàng gia châu Âu, kể cả gia đình Hoàng gia Anh và đặc biệt là những người sống trong thế kỷ 18 hoặc trước đó thường tìm mọi cách để bảo toàn dòng máu hoàng gia "thuần khiết" bằng cách kết giao với những gia đình hoàng gia khác. Vì vậy, những bàn tán về gốc gác của Hoàng hậu Charlotte luôn là đề tài tốn nhiều giấy mực.

Theo nhà sử học Mario de Valdes y Cocom, người đã tìm hiểu về dòng dõi của nữ hoàng trong cuốn phim tài liệu Frontline năm 1996 được chiếu trên kênh PBS, Hoàng hậu Charlotte quả thực là hậu duệ của những người da màu trong một gia đình Hoàng gia Bồ Đào Nha. De Valdes y Cocom tin rằng Hoàng hậu Charlotte thực chất có huyết thống với Margarita de Castro y Sousa, một quý tộc Bồ Đào Nha sống trong thế kỷ 15.

Margarita de Castro e Sousa là hậu duệ của Vua Alfonso III cùng người vợ lẽ là Madragana, một người thuộc tộc Moor mà Alfonso III từng đem lòng yêu mến khi ông chinh phạt vùng Faro phía Nam Bồ Đào Nha.

Nếu nhận định trên là đúng thì Hoàng hậu Charlotte là hậu duệ đời thứ 15 của người tổ tiên da màu gần nhất. Trong khi đó, De Valdes y Cocom cho rằng với truyền thống hôn nhân cận huyết kéo dài hàng thế kỷ của các gia đình hoàng gia, thực tế Hoàng hậu Charlotte và Margarita de Castro y Sousa chỉ cách nhau 6 đời.

Tuy nhiên, theo Giáo sư Ania Loomba, chuyên nghiên cứu các vấn đề về dòng dõi và chủ nghĩa thuộc địa, làm việc tại Đại học Pennsylvania, khái niệm "Blackamoor" (hiểu theo nghĩa đen là người Moor da màu) chủ yếu dùng để miêu tả người Hồi giáo, vì vậy, khái niệm ấy "không hẳn là để chỉ những người da màu".

Baron Christian Friedrich Stockmar, nhà vật lý học hoàng gia, miêu tả Hoàng hậu Charlotte là người "có gương mặt nhỏ và tròn, đặc trưng của những người lai da trắng và da màu". Nhà văn Walter Scot thậm chí còn nói rằng nước da của Hoàng hậu Charlotte "không trắng lắm", hay một vị hoàng tộc khác còn từng mỉa mai cái mũi của hoàng hậu "quá lớn" trong khi môi thì "quá dày".

Những người ủng hộ giả thuyết này dẫn chứng các bức vẽ chân dung của Hoàng hậu Charlotte, đặc biệt là những bức vẽ thể hiện chất gen châu Phi của bà. Nhiều bức chân dung nổi tiếng nhất của Hoàng hậu Charlotte được vẽ bởi Allan Ramsay, một họa sỹ nổi tiếng và là một người theo chủ nghĩa bãi nô mạnh mẽ.

Desmond Shawe-Taylor, một nhà giám định tranh, từng nghiên cứu rất nhiều bức vẽ Hoàng hậu Charlotte, cho rằng các bức chân dung của Ramsay không hề thể hiện những chi tiết khiến người ta liên tưởng tới gốc gác châu Phi của bà. Ông nhận định hầu hết các bức chân dung của hoàng hậu đều cho thấy bà một nàng dâu hoàng gia với nước da trắng sáng điển hình, và không hề có chút gì dính dáng đến gốc gác da màu. Tuy nhiên, có một thực tế là hầu hết các họa sỹ thường không hoàn toàn "trung thực" trong các bức vẽ về hoàng gia. Họ sẵn sàng loại bỏ những chi tiết mà họ cho là không được ưa chuộng hay không hợp thời. Người da màu thường gắn với tầng lớp nông nô, vì vậy việc vẽ một hoàng hậu của nước Anh với dáng vẻ gợi nhớ tới người da màu thực sự là một điều cấm kỵ.

Tuy nhiên, De Valdes y Cocom cho rằng Ramsay là một người hoàn toàn khác biệt. Họa sĩ này nổi tiếng là người "tả thực" trong các tác phẩm của mình, và hơn hết ông là một tiếng nói mạnh mẽ của chủ nghĩa bãi nô. Vì vậy, de Valdes y Cocom cho rằng họa sĩ Ramsay sẽ không loại bỏ những "nét châu Phi" của Hoàng hậu Charlotte, mà ngược lại, ông ấy có thể thực sự đã càng khắc họa chúng rõ nét hơn vì lý do chính trị.

Sắc tộc luôn là một chủ đề nhạy cảm, ngay cả khi chúng bắt nguồn từ những thực tế lịch sử. Xét đến lịch sử các vùng thuộc địa của Anh, việc gia đình hoàng gia có một thành viên gốc Phi thực sự là một tiết lộ gây sốc. Phát hiện này đi kèm với những ảnh hưởng nhất định về mặt chính trị, một sự gợi nhớ không mấy làm dễ chịu đối với chủ nghĩa thực dân đã giúp làm nên đế chế Anh. Đó cũng có lẽ là lý do khiến nhiều sử gia chần chừ trong việc đi sâu tìm hiểu và bàn luận về giả thuyết cho rằng gia đình hoàng gia thực sự đã có một nàng dâu gốc Phi.

Thật không may, cuộc đời của Hoàng hậu Charlotte lại kết thúc không mấy viên mãn. Sau một quãng thời gian dài chịu đựng những cơn điên loạn của Vua George III, Charlotte thường xuyên trở nên nóng nảy và thậm chí còn mâu thuẫn công khai với con trai về quyền kế vị. Bà qua đời vào ngày 17-11-1818, và được chôn cất tại Nhà nguyện Thánh George ở Lâu đài Windsor. Với quãng thời gian 50 năm, bà là hoàng hậu tại vị lâu đời nhất trong lịch sử hoàng gia Anh.

Thái Hân (tổng hợp)

Nguồn ANTG: http://antg.cand.com.vn/kinh-te-van-hoa-the-thao/cuoc-doi-thanh-vien-goc-phi-dau-tien-cua-hoang-gia-anh-560849/