Cuộc đời thăng trầm và vinh quang của nhà lãnh tụ Fidel Castro

Sau một thời gian rút lui khỏi chính trường để tĩnh dưỡng, nhà lãnh đạo huyền thoại của Cuba và thế giới, Fidel Castro đã qua đời ở tuổi 90, để lại nhiều thương tiếc cho người dân trong nước và khắp nơi trên thế giới.

Cuộc đời của ông chính là một kho tàng lịch sử đáng quý của nhân loại mà không ngòi bút nào có thể miêu tả hết. Fidel Alejandro Castro Ruz sinh ngày 13/ 8/1926, trong một gia đình giàu có và đã có bằng luật. Khi học tập ở Đại học La Habana, ông bắt đầu sự nghiệp chính trị và trở thành một nhân vật được biết đến trong chính giới Cuba.

Sự nghiệp chính trị của ông tiếp tục với những lời chỉ trích mang tính chủ nghĩa dân tộc đối với Tổng thống Fulgencio Batista và sự ảnh hưởng chính trị của Hoa Kỳ với Cuba. Ông trở thành một nhân vật chống Batista kịch liệt và thu hút sự chú ý của chính quyền. Cuối cùng ông lãnh đạo cuộc tấn công thất bại năm 1953 vào Pháo đài Moncada, sau đó bị bắt, xét xử, tống giam và thả tự do. Sau đó ông tới Mexico để tổ chức và huấn luyện một cuộc tấn công vào chế độ Batista ở Cuba tháng 12/1956.

Ông Fidel Castro 50 năm về trước. Nguồn: Viola

Vào năm 1959, cuộc cách mạng Cuba đã thắng lợi, chính phủ của Tổng thống Batista bị lật đổ và Fidel Castro lên nắm quyền. Sự kiện này đã đưa Cuba bước vào kỷ nguyên mới độc lập, tự do và tiến lên chủ nghĩa xã hội. Thắng lợi của cách mạng Cuba thực sự là nguồn cổ vũ, khích lệ các dân tộc trên thế giới đang bị áp bức, bóc lột vùng lên đấu tranh tự giải phóng.

Một thời gian ngắn sau đó, ông Fidel Castro trở thành Thủ tướng Cuba. Năm 1965 ông trở thành Bí thư thứ nhất của Đảng Cộng sản Cuba và lãnh đạo cuộc chuyển tiếp Cuba trở thành một nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa. Năm 1976 ông trở thành Chủ tịch Hội đồng Nhà nước cũng như Hội đồng Bộ trưởng. Ông cũng giữ cấp bậc tối cao quân đội các lực lượng vũ trang Cuba.

Sau một cuộc phẫu thuật ruột do mắc bệnh về tiêu hóa, ông Castro đã chính thức chuyển giao các chức vụ của mình cho Phó chủ tịch thứ nhất, đồng thời là em trai ông, Rául Castro, ngày 31/7/2006. Ngày 24/2/2008, Quốc hội Cuba bầu ông Rául Castro làm Chủ tịch Cuba.

Cống hiến đến giây phút cuối cùng

Gần 50 năm chèo lái đất nước, nhân dân Cuba đã dành cho Chủ tịch Fidel tình cảm yêu mến đặc biệt và tôn thờ ông như một người cha đáng kính. Sau khi rời khỏi các chức vụ lãnh đạo đảng và nhà nước Cuba, Fidel Castro tiếp tục đóng góp công sức của mình vào sự nghiệp xây dựng đất nước cũng như phản biện các đường lối sai lầm của Mỹ và mặt trái của toàn cầu hóa.

Dù đã lui khỏi chính trường nhưng ông Fidel vẫn có những đóng góp cho thế giới. Nguồn: Sputnik

Ông liên tục có các bài phản ánh sắc sảo đăng trên tờ Granma, cơ quan ngôn luận của Đảng Cộng sản Cuba. Tất cả các sự kiện quan trọng ông đều có bài phản ánh như sự kiện Bin Laden bị Mỹ tiêu diệt trên đất Pakistan, khủng hoảng nợ ở Mỹ và một số nước thành viên EU, hay cuộc chiến của Mỹ ở Trung Đông.

Bên cạnh việc thường xuyên nhận đào tạo miễn phí cho nhiều sinh viên các nước nghèo, hiện Cuba còn gửi hàng nghìn bác sĩ và các chuyên gia trong các lĩnh vực y tế, giáo dục, công nghiệp, xây dựng... sang hợp tác và giúp các nước đang phát triển (trong đó có Việt Nam).

Nhiều nước và tổ chức quốc tế đã bày tỏ sự khâm phục, ngưỡng mộ và đánh giá cao những đóng góp quan trọng của ông với phong trào giải phóng và độc lập dân tộc, phong trào cách mạng ở Mỹ Latinh trong cuộc đấu tranh vì dân chủ và tiến bộ xã hội, vì tình đoàn kết hữu nghị giữa các dân tộc.

Liên đoàn Phụ nữ dân chủ thế giới (FDIM) đã bầu Fidel Castro là “Công dân toàn cầu” và khẳng định ông là tấm gương về niềm tin và sự tận tụy trong cuộc đấu tranh vì hòa bình, chủ quyền và nhân phẩm. Lãnh đạo và nhân dân Cuba khẳng định: Fidel Castro mãi mãi là lãnh tụ tinh thần của cách mạng Cuba - một nhà tư tưởng tầm cỡ thế giới luôn đấu tranh cho sự thay đổi và chuyển biến xã hội với những lý tưởng bất diệt.

Tuệ Minh (tổng hợp)

Nguồn Infonet: http://infonet.vn/cuoc-doi-thang-tram-va-vinh-quang-cua-nha-lanh-tu-fidel-castro-post214643.info