Cuộc đời người phụ nữ phát triển phương pháp 'viết lại mã sự sống'

Chân dung Jennifer Doudna - đồng phát minh phương pháp thay đổi ADN - được thể hiện trong sách của nhà viết tiểu sử Walter Isaacson.

Walter Isaacson là người viết tiểu sử nổi tiếng. Ông là tác giả của các cuốn sách được ưa thích như: Leonardo da Vinci, Tiểu sử Steve Jobs, Einstein - Cuộc đời và vũ trụ… Cuốn sách mới của ông viết về một nhà khoa học nữ với tên The Code Breaker.

 Nhà khoa học Doudna. Ảnh: doudnalab.

Nhà khoa học Doudna. Ảnh: doudnalab.

Câu chuyện hấp dẫn về nhà khoa học nữ

Sách viết về Jennifer Doudna. Năm 2020, bà cùng nhà khoa học Emmanuelle Charpentier nhận giải Nobel Hóa học vì đã phát triển một trong những công cụ sắc bén nhất của công nghệ gen: "Kéo chỉnh sửa gen" CRISPR/Cas9. Sử dụng công cụ này, các nhà nghiên cứu có thể thay đổi ADN của động vật, thực vật và vi sinh vật với độ chính xác cao.

Isaacson, người nổi tiếng của báo chí Mỹ, đã vẽ chân dung người phụ nữ đầu tiên trong bộ sưu tập về các bộ óc lớn của ông. Ông nói: “Có ba cuộc cách mạng vĩ đại trong cuộc đời chúng ta: Vật lý, kỹ thuật số và bây giờ là khoa học sự sống”, ông nói về việc chọn Doudna làm chủ đề cho sách.

Giống nhà khoa học nữ Marie Curie trước đây, Doudna đã tự vạch ra con đường của riêng mình. Là con gái của một giáo sư văn học, cô lớn lên ở Hilo, Hawaii, nơi cô đi lang thang trên các sườn núi và những hốc cây tươi tốt của đảo, tự hỏi tại sao cỏ hilahila lại cuộn tròn khi cô chạm vào nó.

Vào năm học lớp 6, cha của bà đã để trên bàn một cuốn The Double Helix, sách của James Watson về cuộc chạy đua khám phá cấu trúc của ADN.

Dù Doudna được nói rằng con gái không làm khoa học, "tuy nhiên, cô ấy vẫn kiên trì”.

Khi còn là một sinh viên tại trường Cao đẳng Pomona, Doudna đã đắm mình trong lĩnh vực hóa sinh và sau đó chọn Harvard để lấy bằng tiến sĩ. Đây là những thời điểm khó khăn cho ADN. Dự án Bộ gen người đang nổi lên, cam kết lập bản đồ mã di truyền của con người, ban đầu do chính James Watson lãnh đạo.

Tuy nhiên, Doudna đã chọn nghiên cứu phân tử chị em của ADN, RNA, được cho chỉ đơn thuần là một phân tử truyền tin từ ADN đến các tế bào trong cơ thể người.

The Code Breaker là câu chuyện hấp dẫn về những tham vọng, các phòng thí nghiệm và hội nghị, những người đoạt giải Nobel và những người tự học. Sách được chia thành các chương ngắn, với tiêu đề phụ; có nhiều phần sinh động khi Doudna bị lôi cuốn vào nghiên cứu phương pháp của "kéo chỉnh sửa gene" CRISPR.

Phát triển công cụ "viết lại mã sự sống"

Sau cuộc gặp tình cờ với chuyên gia CRISPR người Pháp, Emmanuelle Charpentier tại một hội nghị ở Puerto Rico, Doudna thề sẽ tiếp tục phát triển công nghệ này.

Các nhà khoa học thuộc những phòng thí nghiệm, dự án, tập đoàn lớn khác cũng đang nghiên cứu về RNA. Một cuộc chiến nổ ra, với các bằng sáng chế, các vụ kiện, những cái tôi lớn sẵn sàng bùng nổ...

Bìa sách The Code Breaker. Ảnh: simonandschuste.

Cuốn sách kể về Doudna với niềm đam mê tìm hiểu cách thức hoạt động của tự nhiên và biến những khám phá thành phát minh. Bà và các cộng sự đã đưa sự tò mò về tự nhiên thành một phát minh có thể biến đổi loài người: Một công cụ dễ sử dụng có thể chỉnh sửa ADN. Được biết đến với cái tên CRISPR, nó đã mở ra một thế giới mới đầy dũng cảm của những phép màu y học và những câu hỏi về đạo đức.

Viện hàn lâm Khoa học Hoàng gia Thụy Điển gọi đây là "công cụ viết lại mã sự sống", ca ngợi ảnh hưởng cách mạng của công nghệ này đến đời sống khoa học. Thành tựu này đóng góp vào việc tìm ra các phương pháp mới để điều trị ung thư, cũng như biến giấc mơ chữa khỏi các bệnh di truyền trở thành sự thật.

“Công cụ chỉnh sửa gen này có sức mạnh to lớn, ảnh hưởng đến tất cả chúng ta. Nó không chỉ tạo ra cuộc cách mạng trong khoa học cơ bản mà còn tạo ra những vụ mùa đổi mới và đưa đến những phương pháp điều trị y tế mới mang tính đột phá", Claes Gustafsson, chủ tịch Ủy ban Nobel Hóa học, nói.

Kéo di truyền CRISPR/Cas9 đã đóng góp vào nhiều khám phá quan trọng trong nghiên cứu cơ bản. Các nhà nghiên cứu thực vật đã có thể phát triển các loại cây trồng chống chịu được nấm mốc, sâu bệnh và hạn hán.

Trong y học, các thử nghiệm lâm sàng về liệu pháp điều trị ung thư mới đang được tiến hành, các bệnh di truyền cũng có thể được chưa khỏi...

Tuy vậy, Doudna cũng lo lắng về một tương lai mà ở đó cha mẹ có thể “mua sắm” những đặc điểm của con mình: Tóc vàng gợn sóng, đôi mắt xanh, cơ bụng... Và với cái giá mà chỉ những người giàu mới có thể mua được, CRISPR có thể mở rộng hố sâu của sự bất bình đẳng.

Sách của Walter Isaacson nhận nhiều lời ca ngợi từ báo chí. Minneapolis Star Tribune viết: "The Code Breaker đánh dấu sự hợp nhất của một nhà văn hoàn hảo, chủ đề hoàn hảo và thời điểm hoàn hảo. Kết quả gần như chắc chắn đây là cuốn sách quan trọng nhất trong năm”.

The Economist đánh giá: Isaacson nắm bắt tốt quy trình khoa học, bao gồm cả vai trò của sự may rủi. Sự ghép nối khó khăn, những tia cảm hứng lóe lên, tầm quan trọng của các cuộc hội thảo, sự ganh đua, ý thức về mục đích chung đều được truyền tải trong câu chuyện.

Y Nguyên

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/cuoc-doi-nguoi-phu-nu-phat-trien-phuong-phap-viet-lai-ma-su-song-post1197393.html