Cuộc 'đổi ngôi' ngoạn mục trong vụ mua bán súng giả

TAND quận Thanh Xuân, Hà Nội chuẩn bị mở phiên tòa xét xử bị cáo Nguyễn Văn Huần (SN 1976, trú tại quận Ba Đình, Hà Nội) và Hà Thanh Túc (SN 1977, trú tại quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội), bị truy tố về tội 'Cướp tài sản'. Đáng nói, hành vi của bị cáo trong vụ án này bắt nguồn từ việc họ là nạn nhân trong vụ 'lừa đảo chiếm đoạt tài sản' mà người bị hại chính là thủ phạm.

Vụ án xuất phát từ chính hành vi lừa đảo bán súng giả của bị hại

Từ việc bán súng giả

Kết quả điều tra năm 2012 cho thấy, khoảng tháng 6/2011, Túc nhờ bạn là anh Nguyễn Văn Quán tìm mua súng ngắn K54. Quán tiếp tục nhờ Dương Văn Hiếu (trú tại Bắc Giang). Hiếu nhận lời và bàn với Dương Văn Toàn (cùng quê) để bán súng giả cho Quán lấy tiền chia nhau.

Sau đó, Hiếu đã đưa một khẩu súng ngắn bằng nhựa (do Trung Quốc sản xuất, giá 180.000 đồng) mang xuống Hà Nội bán cho Quán. Tại khu vực bến xe Gia Lâm, Toàn đã đưa một túi vải (trong có hộp đựng súng) cho Túc rồi nhận 10,5 triệu đồng (gồm 8,5 triệu tiền súng và 2 triệu tiền công vận chuyển) từ Quán.

Một tuần sau, Túc kiểm tra thì thấy súng không có đạn và nghi ngờ súng giả nên gọi điện cho Quán biết và bảo Quán mua thêm một khẩu súng K54 nữa và lấy đạn cho khẩu súng trước. Lần này, giá khẩu súng là 6 triệu đồng và Túc nhờ xe ôm đến bến xe Gia Lâm để giao tiền cho Toàn và nhận hàng.

Sau khi biết khẩu súng thứ 2 này cũng là súng giả, Túc yêu cầu Quán phải trả lại 16 triệu mà mình đã đưa cho Quán nhờ mua súng trước đó. Bị Túc đòi tiền, Quán nhiều lần gọi điện cho Hiếu xuống Hà Nội giải quyết nhưng không được.

Đầu tháng 11/2011, Quán liền gọi điện cho Hiếu bảo cần mua một khẩu súng nữa nhằm để Toàn xuống Hà Nội giải quyết. Ngày 16/10/2011, Toàn đem 1 khẩu súng ngắn bắn đạn nhựa xuống Hà Nội để bán cho Quán. Quán hẹn Toàn đến cửa hàng cầm đồ của Nguyễn Văn Huần (tại đường Nguyễn Trãi, Thanh Xuân, Hà Nội) để giao súng.

Trưa cùng ngày, Toàn đến gặp Túc tại đây thì bị Túc yêu cầu trả tiền mua súng. Đến 13h, Huần về và biết chuyện Toàn bán súng giả nên đã tát Toàn. Toàn còn bị Huần dùng báng khẩu súng nhựa đập vào trán, dùng điếu cày đánh vào chân. Thấy Toàn chảy máu do vết thương ở trán, Huần và Túc bảo Toàn vào nhà vệ sinh rửa sạch máu. Túc đi mua bông băng về băng bó vết thương cho Toàn. Sau đó, Túc và Huần đã yêu cầu Toàn gọi điện cho Hiếu đem tiền đến trả thì mới được về. Huần bắt Toàn vào khu bếp phía trong ngồi chờ.

Khi Quán đến đã bị Huần chửi, tát và bắt vào trong khu bếp ngồi. Quán ngồi trong bếp được một lát thì ra ngoài đường Nguyễn Trãi ngồi. Khoảng 14h cùng ngày, Công an quận Thanh Xuân đã đến hiện trường bắt giữ các đối tượng.

Tại phiên tòa sơ thẩm năm 2012, TAND quận Thanh Xuân đã tuyên phạt Toàn 12 tháng tù (cho hưởng án treo) về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”; xử phạt Túc 7 tháng tù, xử phạt Huần 3 tháng 3 ngày tù, cùng về tội “Bắt giữ người trái pháp luật” . Tuy nhiên, bản án sơ thẩm nêu trên đã bị Hội đồng giám đốc thẩm TAND TP Hà Nội tuyên hủy về phần tội danh, hình phạt đối với bị cáo Huần, Túc để điều tra xét xử lại về tội “Cướp tài sản”.

Mới đây, VKSND quận Thanh Xuân đã hoàn tất cáo trạng truy tố Huần và Túc về tội “Cướp tài sản” vì cho rằng Huần và Túc đã tát, dùng súng nhựa và điếu cày đánh, đe dọa dùng vũ lực (vót nhọn đũa), bắt giữ anh Toàn nhằm chiếm đoạt 30 triệu đồng (gấp đôi số tiền đưa mua súng trước đó) của anh Toàn và Hiếu.

Chưa đủ dấu hiệu của tội “Cướp tài sản”?

Trước diễn biến trên, LS Nguyễn Hùng Mạnh (Cty Luật Hợp danh Hùng Mạnh) cho rằng, với chứng cứ hiện nay thì chưa thể quy kết Túc, Huần có hành vi cướp tài sản. Dấu hiệu đặc trưng của tội này là, người bị tấn công lâm vào tình trạng không thể chống cự, bị tê liệt ý chí phản kháng, tê liệt sự chống cự…”. Tuy nhiên, diễn biến vụ việc cho thấy, sau khi Toàn bị đánh chảy máu ở trán, Túc và Huần đã có cử chỉ ân cần, chăm sóc như: bảo đi rửa vết máu; mua bông băng để băng bó… Như vậy, có thể thấy hành vi dùng vũ lực của Túc và Huần là có giới hạn không hề muốn tiếp tục xâm hại tính mạng, sức khỏe anh Toàn. Tức là, hai bị cáo không muốn và cũng không thực hiện hành vi liệt ý chí phản kháng của anh Toàn.

Hơn nữa, việc anh Toàn được vào trong bếp ngồi cùng anh Quán chứng tỏ anh này không bị lâm vào tình trạng không thể chống cự . Lúc này, nếu muốn chống cự, anh Toàn có thể kêu cứu hoặc đề nghị anh Quán giúp đỡ, giải cứu. Thậm chí, sau đó anh Quán tự do thoải mái đi ra ngoài đường Nguyễn Trãi để uống nước nhưng cũng không có hành động nào để nhằm giảỉ cứu cho anh Toàn.

Theo LS Mạnh thì dấu hiệu chiếm đoạt tiền trong vụ việc này cũng chưa rõ ràng. việc Toàn gọi điện cho Hiếu trả tiền cho Túc và Huần là xuất phát từ việc Toàn và Hiếu đã lừa đảo, chiếm đoạt tiền. Bản thân Toàn cũng mong muốn gọi cho Hiếu để trả lại tiền đã lừa đảo chứ việc gọi điện này không hẳn là do bị Túc, Huần đánh đập, đe dọa. Đó là chưa kể đến việc, CQĐT kết luận số tiền chiếm đoạt 30 triệu hiện nay mới chỉ căn cứ vào lời khai của Toàn. Còn Túc và Huần vẫn khẳng định chỉ có ý định lấy lại số tiền đã bị Toàn lừa chứ không phạt gấp đôi số tiền.

Vì vậy, khi điều tra lại, để làm rõ các tình tiết trên thì CQĐT phải tiến hành lấy lời khai đối với bị hại Toàn và đối tượng Hiếu (người có hành vi lừa đảo và đã nhận điện thoại của Toàn) cũng như tổ chức đối chất giữa bị cáo, bị hại. Tuy nhiên, hiện nay trong hồ sơ vụ án vẫn chưa có bất cứ lời khai nào của Hiếu do đối tượng này đã bỏ trốn khỏi nơi cư trú từ tháng 10/2011. Sau khi thực hiện điều tra lại thì CQĐT cũng không thể lấy lời khai của bị hại Toàn để củng cố chứng cứ cáo buộc đối với Túc và Huần về tội “Cướp tài sản” (do Toàn không có tại nơi cư trú). Kết quả điều tra này chứng tỏ việc truy tố đối với Túc và Huần về tội “Cướp tài sản” là khiên cưỡng.

Báo PLVN sẽ tiếp tục thông tin về diễn biến phiên tòa tới đây.

Khoa Lâm

Nguồn Pháp Luật VN: http://baophapluat.vn//ban-doc/cuoc-doi-ngoi-ngoan-muc-trong-vu-mua-ban-sung-gia-367018.html