Cuộc đời mất mát của người phụ nữ 'có nhà nhưng không thể ở'

Hai lần chịu tang và một lần chờ đợi người thân trong vô vọng, cõi lòng của người phụ nữ ấy tan nát đến phát bệnh triền miên.

Ở thôn Xuân Tây, xã Vạn Hưng, huyện Vạn Ninh, tỉnh Khánh Hòa, nói về hoàn cảnh bi thương nhất, người ta đều nghĩ ngay đến cô Trần Thị Nhi. Ở độ tuổi 57, người phụ nữ có vóc dáng nhỏ bé ấy phải chịu đựng nhiều nỗi đau mất mát đến thắt lòng.

Năm 32 tuổi, chồng của cô Nhi qua đời vì căn bệnh ung thư dạ dày, khi ấy, cô đang mang bầu đứa con thứ 4. Tạm gác nỗi đau mất chồng, cô lại ôm bụng bầu cần mẫn làm lụng ngày đêm, bất kể mưa nắng để nuôi 3 con nhỏ.

Cả 4 đứa con của cô Nhi đều chỉ được học đến lớp 1 hoặc lớp 2 vì không có tiền đóng học phí, và sớm phải đi làm để phụ mẹ kiếm tiền. Đứa thì chăn bò, đứa giữ trẻ, lớn hơn chút thì đi phụ quán ăn... Càng lớn chúng càng phải bươn trải xa hơn để tìm kế mưu sinh.

Trần Thị Mỹ Phượng (sinh năm 1995), con gái út của cô Nhi tâm sự: “Tuổi thơ là quãng thời gian đau đớn mà em không muốn nhớ lại, bởi cuộc sống của mẹ con em lúc đó có quá nhiều khổ sở. Bây giờ em đã lớn, đã tự lo được cho mình. Chỉ thương mẹ chẳng thể thoát khỏi quá khứ”.

Sau khi đi chữa bệnh hơn 1 năm trở về, cô Trần Thị Nhi có nhà nhưng không thể ở.

Sau khi đi chữa bệnh hơn 1 năm trở về, cô Trần Thị Nhi có nhà nhưng không thể ở.

Cây cối xâm chiếm lối vào, nếu phá cây thì mái nhà phía trước có thể sụp đổ bất cứ lúc nào.

16 năm trước, chị gái em là Trần Thị Mỹ Phương (sinh năm 1990) không may chết đuối. Cái chết thương tâm của con gái khiến cô Nhi suy sụp trầm trọng. Nhưng bi thương chưa ngừng lại. Khoảng 3 năm sau, con trai cả (sinh năm 1988) đột ngột bỏ đi không rõ nguyên nhân, đến nay vẫn chưa thấy hồi âm, không rõ sống chết. Cô Nhi đau khổ đến mất ngủ triền miên, bệnh tật theo đó mà ập đến.

Hồi ấy, mẹ em yếu đi trông thấy, thường xuyên bị thiếu máu não, rối loạn tiền đình, viêm phế quản. Tai và mắt mẹ cũng kém. Giờ chỉ còn em và một người anh sinh năm 1993, chỉ mong mẹ khỏe mạnh, vượt qua nỗi đau, chứ cứ hễ suy nghĩ nhiều là bệnh mẹ tái phát. Chúng em đều đã có gia đình riêng, lại đi làm xa nên không phải lúc nào cũng ở cạnh mẹ được”, Phượng chia sẻ.

Trước đây, hai anh em đều vào thành phố Nha Trang làm mướn. Sau khi trừ tiền phòng trọ, ăn uống, chi tiêu chắt bóp, phần còn lại gửi cả cho mẹ đi khám bệnh và mua thuốc. Năm 2018, thấy mẹ ở nhà một mình hay suy nghĩ phiền muộn, bệnh tình nghiêm trọng hơn, Phượng đưa mẹ vào Nha Trang ở cùng, rồi đưa mẹ đi chữa bệnh. Tháng 3 năm nay, phần thấy sức khỏe đã tạm ổn, phần vì lo lắng nhà cửa ở nhà, mẹ em đòi về.

Thế nhưng, hai mẹ con chết lặng nhìn ngôi nhà bị cây cối xâm chiếm sau quãng thời gian dài không người chăm sóc. “Căn nhà xuống cấp nặng quá, mà một mình tôi không dám ở, sợ sập lúc nào không hay nên đi xin ở nhờ nhà hàng xóm. Ở được đến lúc nào hay lúc đó”, cô Nhi cho hay.

Những ngày sức khỏe tạm ổn, cô Nhi đi lột vỏ tỏi cho quán ăn. Một ngày lột được 4kg, cô sẽ nhận được 40 nghìn tiền công. Đôi mắt cô đã mờ, đôi tai bị lãng, tay chân cũng chậm chạp. Dù mong có tiền dành dụm để cất lại căn nhà tử tế để ở, tuy nhiên, công việc bữa có bữa không, còn phải tùy thuộc vào sức khỏe. Vì vậy, cô chưa biết đến lúc nào mới có tiền xây nhà.

Đôi tay cô phải hoạt động nhiều vì lột vỏ tỏi nên thường xuyên đau nhức.

Con trai của cô đã có gia đình riêng, tiền lương 7 triệu đồng khó khăn lắm mới đủ chi tiêu cho gia đình nhỏ. Còn con gái cũng vừa lập gia đình, dần dần chẳng thể phụ cấp hay chăm sóc cho cô được nhiều như trước. Cô chỉ mong sao mình có được căn nhà vững chãi để nương tựa lúc về già, giảm bớt gánh nặng cho 2 đứa con, bởi chúng đã phải lam lũ từ tấm bé.

Ông Cao Xuân Hoàng, Trưởng thôn Xuân Tây cho biết: “Gia đình bà Trần Thị Nhi thuộc hộ cận nghèo của địa phương. Còn 2 đứa con những đều đi làm ăn xa, một mình bà ở nhà làm thuê kiếm sống. Sức khỏe thường xuyên yếu kém, phải đi viện, uống thuốc liên tục. Căn nhà của gia đình bà từng được chính quyền xây nhà tình nghĩa vào năm 2005, nhưng đến nay đã xuống cấp, không ở được. Thay mặt chính quyền địa phương, chúng tôi mong các mạnh thường quân thương xót cho hoàn cảnh của bà mà giúp đỡ, xây dựng cho căn nhà vững chãi, chứ mùa bão sát kề rồi”.

Khánh Hòa

Mọi sự giúp đỡ xin gửi về:
1. Gửi trực tiếp: Cô Trần Thị Nhi (do cô Nhi bị lãng tai nên bạn đọc có thể liên hệ con gái cô là Trần Thị Mỹ Phượng); Địa chỉ: Thôn Xuân Tây, xã Vạn Hưng, huyện Vạn Ninh, tỉnh Khánh Hòa; Điện thoại: 0358138862 hoặc 0989472194 (Phượng).
2. Ủng hộ qua Báo VietNamNet: Ghi rõ ủng hộ MS 2020. (cô Trần Thị Nhi)
Chuyển khoản: Báo VIETNAMNET
Số tài khoản: 0011002643148. Sở giao dịch Ngân hàng Ngoại Thương Việt Nam - 198 Trần Quang Khải, Hà Nội
- Chuyển khoản từ nước ngoài: Bank account: VIETNAMNET NEWSPAPER
- The currency of bank account: 0011002643148
- Bank:- BANK FOR FOREIGN TRADE OF VIETNAM
- Address: 198 Tran Quang Khai, Hanoi,Vietnam
- SWIFT code: BFTVVNV X
- Qua TK ngân hàng Viettinbank:
Chuyển khoản: Báo VietNamnet
Số tài khoản: 114000161718
Ngân hàng TMCP Công Thương Việt Nam - Chi nhánh Đống Đa
- Chuyển tiền từ nước ngoài:
Vietnam Joint Stock Commercial Bank for Industry and Trade, Dong Da Branch
- Address: 183 Nguyễn Lương Bằng, quận Đống Đa, Hà Nội
- Swift code: ICBVVNVX126
3. Hoặc trực tiếp báo VietNamNet:
- Phía Bắc địa chỉ: tầng 3, tòa nhà C’Land,156 Xã Đàn 2, phường Nam Đồng, quận Đống Đa, Hà Nội.
- Phía Nam: Văn phòng đại diện báo VietNamNet phía Nam, số 408 Điện Biên Phủ, P11,Q10, TP.HCM. SĐT: 028 3818 1436.

Nguồn VietnamNet: https://vietnamnet.vn/vn/ban-doc/chia-se/cuoc-doi-mat-mat-cua-nguoi-phu-nu-co-nha-nhung-khong-the-o-684929.html