Cuộc đối đầu trong chính quyền U-crai-na

Chính quyền U-crai-na đang bị chia rẽ nghiêm trọng, một bên là Tổng thống và Thủ tướng, còn bên kia là các nhà tài phiệt và những bộ trưởng bất đồng quan điểm. Liệu Nội các U-crai-na có bị sụp đổ khi cuộc đối đầu giữa hai phe lên tới đỉnh điểm?

Bộ trưởng Môi trường I.Sép-chen-cô. Ảnh: AP

Đối đầu không khoan nhượng

Ông I-go Sép-chen-cô được bổ nhiệm chức Bộ trưởng Môi trường U-crai-na trong Nội các của Thủ tướng A.Y-a-xê-ni-úc hồi tháng 12-2014. Tuy nhiên, chỉ vài tháng ngồi chung trên một con thuyền, bất đồng giữa ông Sép-chen-cô và ông Y-a-xê-ni-úc bắt đầu nảy sinh. Trong lá đơn đệ trình lên Quốc hội ngày 21-6 vừa qua, đặc phái viên của Thủ tướng Y-a-xê-ni-úc đã đề nghị Quốc hội xem xét việc cách chức Bộ trưởng Sép-chen-cô với lý do nhiều lần đi ra nước ngoài không báo cáo. Đặc biệt là việc Bộ trưởng Môi trường dùng chuyên cơ bay đi Ni-xơ (Pháp) trong thời gian xảy ra vụ hỏa hoạn lịch sử tại kho dầu Va-xin-cốp (ngoại ô Ki-ép) cách đây không lâu.

Ngay lập tức, ông Sép-chen-cô phản pháo bằng việc cáo buộc Thủ tướng Y-a-xê-ni-úc sử dụng "bạo lực chính trị", tham nhũng và bảo vệ lợi ích cho các nhóm tài phiệt. Theo lời ông Sép-chen-cô, trên cương vị Bộ trưởng, ông đã tích cực đấu tranh chống tham nhũng và giành lại cho Nhà nước 22 mỏ dầu và khí đốt. "Tôi làm việc này trái với quan điểm của Thủ tướng, những người có quan hệ mật thiết với tất cả các nhóm tài phiệt và luôn bảo vệ lợi ích của họ", ông tuyên bố trong một đoạn video đăng tải trên mạng xã hội Facebook. "Tôi tin tưởng rằng, chính vì lập trường không khoan nhượng và hoạt động chống tham nhũng của tôi, Thủ tướng Y-a-xê-ni-úc đã can thiệp vào đời tư của tôi và dùng mọi cách để bãi chức tôi", ông nói.

Ông Sép-chen-cô cũng cáo buộc Thủ tướng Y-a-xê-ni-úc đã bổ nhiệm người của mình vào nhiều cương vị khác nhau và có liên quan đến những xì-căng-đan tham nhũng. "Thủ tướng là lực cản, trở ngại lớn nhất đối với tiến trình cải cách tại đất nước này. U-crai-na cần một Thủ tướng tốt hơn, không phải là người lúc nào cũng chỉ cố tạo lập phe cánh. Ông ta không phải là một người cải cách, chỉ là ngụy cải cách mà thôi. Ông ta đang diễn, chẳng làm gì hết", Bộ trưởng Sép-chen-cô phát biểu trong cuộc trả lời phỏng vấn tờ Bưu điện Ki-ép ngày 28-6 mới đây.

Theo lý giải của Bộ trưởng Sép-chen-cô, đơn giản là bởi Thủ tướng U-crai-na muốn kiểm soát cơ quan này, gắn với đặc quyền sẽ loại những ai làm thay đổi bản chất của cuộc chiến chống tham nhũng không theo đúng ý định của ông ta. Ông tiết lộ: "Thủ tướng từng 4 lần yêu cầu tôi viết đơn từ chức ngay tại các cuộc họp của Chính phủ, ông ta cáo buộc tôi là người hù dọa Nội các. Câu trả lời của tôi là: Tôi đang hy vọng đơn từ chức từ ông".

Vụ đối đầu căng thẳng giữa Thủ tướng Y-a-xê-ni-úc và ông Sép-chen-cô đã khiến bầu chính trị ở U-crai-na trở nên nặng nề hơn bao giờ hết. Trước đó, Tổng thống nước này P.Pô-rô-sen-cô cũng vướng vào cuộc chiến với các ông trùm tài phiệt, trong đó có ông trùm I-go Cô-lô-mô-i-xki, nguyên Tỉnh trưởng Đni-prô-pê-trốp-xcơ, sau khi cả hai bên đều đổ lỗi cho nhau "tham nhũng, bất tài".

Theo báo chí U-crai-na, từ khi tách độc lập đến nay, chính trường nước này luôn bị chi phối bởi các trùm tài phiệt, những người hưởng lợi từ việc can thiệp vào các chính sách Nhà nước. Thế nhưng liên minh giữa chính quyền Ki-ép và giới tài phiệt đã "mất đi sức mạnh gắn kết" khi tình hình ở miền Đông tương đối yên tĩnh. "Tại U-crai-na, các trùm tài phiệt rơi rụng như lá mùa thu; không phải đồng loạt, không phải theo cách thức đâm đầu xuống địa ngục tức thời, mà là từng người một, chậm rãi, trượt dần", phóng viên Côn-rát Xchun-lơ mô tả trong bài viết "Quyền lực của các tỉ phú".

Theo Xchun-lơ, nhà tài phiệt I-go Cô-lô-mô-i-xki, người được xem là "nhân vật cứng đầu nhất trong số những doanh nhân cứng đầu" chính là nạn nhận đầu tiên phải "ra đi". Hồi tháng 3 vừa qua, Tổng thống P. Pô-rô-sen-cô sa thải tỉ phú này, buộc Cô-lô-mô-i-xki rời khỏi cương vị Thống đốc vùng Đni-prô-pê-trốp-xcơ. Tiếp đến, I-go Pa-li-xi-a, Thống đốc vùng Ô-đét-xa cũng mất chức, nhường chỗ cho cựu Tổng thống Gru-di-a Mi-kha-in Xa-ca-sơ-vi-li, đồng minh của Tổng thống P. Pô-rô-sen-cô...

Tất nhiên, những nhà tài phiệt như Cô-lô-mô-i-xki không chịu lép vế. Ông Cô-lô-mô-i-xki dọa rằng, sẽ khởi kiện Chính phủ U-crai-na ra một Tòa án quốc tế nếu như công việc kinh doanh của ông không được giải quyết một cách thỏa đáng. Để củng cố lực lượng, trùm tài phiệt này đã tính đến việc lôi kéo thủ lĩnh lực lượng cánh hữu (Right Sector) Đmi-tri Y-a-rô-sơ, người cũng đang được Ki-ép tìm cách "chiêu mộ", hứa sẽ bổ nhiệm một chức vụ tại Bộ Quốc phòng…

Sẽ cải tổ Nội các?

Trong bối cảnh cuộc đối đầu giữa các phe nhóm trong bộ máy chính quyền U-crai-na ngày một căng thẳng, đã xuất hiện những lo ngại về khả năng Nội các sẽ được cải tổ sớm hơn. Theo chuyên gia Ác-tơm Gô-ri-a-sơ-kin, sự công kích của các đối thủ và tình trạng tranh giành quyền lực chính trị ngày một gay gắt, việc Nội các hiện hành của Thủ tướng Y-a-xê-ni-úc từ chức hay cải tổ cơ bản ngày quyền lực càng trở nên thực tế hơn. Vấn đề là thời điểm và khuôn khổ.

Đối thủ chính chống đối Chính phủ hiện nay và có khả năng phế truất Chính phủ là đảng Đất Mẹ (Batkivshina). Các nghị sĩ đảng này vẫn chưa chống liên minh cầm quyền và Chính phủ, song đã "nhúng tay" vào các hoạt động vận động thành lập Ủy ban lâm thời điều tra tình trạng tham nhũng trong Nội các. Thêm vào đó, việc Chủ tịch đảng Đất Mẹ, bà Y.Ti-mô-sen-cô, có nhắm tới chiếc ghế Thủ tướng hay không còn phụ thuộc rất nhiều vào các cuộc bầu cử diễn ra trong mùa thu này. Đó là các cuộc bầu cử địa phương, kể cả vùng Đôn-bát, hay bầu cử sớm cơ quan lập pháp địa phương. Bởi vậy, cuộc chiến chống tham nhũng, cũng như chống tăng giá phí dịch vụ công cộng mà các nghị sĩ đảng Đất Mẹ phát động, có thể là sự chuẩn bị tốt cho bầu cử vào các hội đồng ở mọi cấp mà không tác động tới cương vị Thủ tướng.

Tuy nhiên, ứng cử viên sáng giá nhất cho chức Thủ tướng nếu như Nội các của ông Y-a-xê-ni-úc sụp đổ là Chủ tịch Quốc hội V.Grôi-xman. Được Tổng thống P. Pô-rô-sen-cô tin cậy, ông Grôi-xman hoàn toàn có thể thuyết phục Tổng thống, song chưa thể thuyết phục được các đồng nghiệp trong liên minh cầm quyền. Bên cạnh đó còn có các gương mặt khác như Thư ký Hội đồng An ninh Quốc gia và Quốc phòng (NSDC) A.Tuốc-chi-nốp hay lãnh đạo Khối đối lập Xéc-gây Li-ô-vốc-kin…

Nhưng dù cải tổ hay không cải tổ, việc để tồn tại những bất đồng sẽ hoàn toàn bất lợi cho đất nước U-crai-na, vốn rơi vào trì trệ từ nhiều năm nay. Do đó, điều quan trọng nhất đối với chính quyền Ki-ép hiện nay là giải quyết bất đồng, đồng tâm hợp lực xây dựng và khôi phục đất nước, giúp người dân sớm ổn định cuộc sống.

Thu Uyên

Nguồn Biên Phòng: http://bienphong.com.vn/cuoc-doi-dau-trong-chinh-quyen-u-crai-na/