Cuộc đối đầu nguy hiểm

Mỹ đã chính thức chấm dứt việc miễn trừ trừng phạt đối với tám quốc gia và vùng lãnh thổ nhập khẩu dầu thô của Iran. Washington cũng áp đặt các biện pháp trừng phạt nhằm ngăn chặn việc hỗ trợ Iran mở rộng nhà máy điện hạt nhân Bushehr duy nhất của nước này.

Chính quyền Tổng thống D.Trump đang thực hiện mục tiêu cô lập kinh tế và chính trị đối với Iran kể từ sau khi Mỹ đơn phương "xé bỏ" thỏa thuận hạt nhân lịch sử. Tuy nhiên, các lệnh trừng phạt của Mỹ chống Iran đã gây ra những biến động trên thị trường dầu mỏ và tác động tiêu cực tới nền kinh tế khu vực.

Sau những tuyên bố cứng rắn của chính quyền Tổng thống D.Trump, các đồng minh châu Âu của Mỹ đã nhanh chóng lên tiếng chỉ trích quyết định của Washington hạn chế trao đổi dầu mỏ với Iran và rút ngắn gia hạn quyền miễn trừ đối với các dự án không phổ biến vũ khí hạt nhân. Anh, Pháp, Ðức và Liên hiệp châu Âu (EU) đã ra tuyên bố chung khẳng định, các bên còn lại tham gia Kế hoạch hành động chung toàn diện (JCPOA) sẽ nỗ lực duy trì thỏa thuận hạt nhân Iran, bảo đảm các kênh trao đổi thương mại, tài chính với quốc gia Hồi giáo, trong đó có cơ chế trao đổi thương mại INSTEX, bất chấp các động thái cản trở từ phía Mỹ.

Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) cảnh báo triển vọng khu vực Trung Ðông u ám do tình trạng bất ổn gia tăng. Theo dự báo của IMF, tăng trưởng kinh tế của Iran, nền kinh tế lớn thứ hai khu vực sau A-rập Xê-út, sẽ giảm 6% trong năm nay. Các biện pháp trừng phạt của Mỹ đã khiến lạm phát tại Iran tăng lên mức 50%. Tăng trưởng kinh tế chung của khu vực cũng dự kiến giảm từ mức thấp 1,4% của năm 2018 xuống còn 1,3% trong năm nay. Một "bức tranh" Trung Ðông ảm đạm khi xung đột gia tăng, tham nhũng, tiến trình cải cách chậm chạp, nợ công cao và biến động trên thị trường dầu mỏ là những yếu tố tác động tiêu cực đến tăng trưởng kinh tế của khu vực.

Những động thái siết chặt trừng phạt của Mỹ đã nhận được sự đáp trả cứng rắn từ phía Iran. Iran cảnh báo về "mối đe dọa hiện hữu" mà chủ nghĩa đơn phương của Mỹ gây ra đối với cộng đồng quốc tế, đồng thời nhấn mạnh nước này không bao giờ khuất phục trước sức ép của Mỹ. Chủ tịch Quốc hội Iran A.Larijani cho biết, Tehran sẽ tiếp tục làm giàu u-ra-ni cấp độ thấp theo thỏa thuận hạt nhân của nước này với các cường quốc thế giới.

Tuyên bố của nhà lãnh đạo Iran cho thấy, quốc gia Hồi giáo đang chứng tỏ rằng các biện pháp trừng phạt của Mỹ sẽ thất bại bởi hành động của Washington là nhằm buộc Tehran ngừng làm giàu u-ra-ni cấp độ thấp và ngừng mở rộng nhà máy năng lượng hạt nhân duy nhất của quốc gia này. Iran cũng tuyên bố nước này đang cân nhắc rút khỏi Hiệp ước không phổ biến vũ khí hạt nhân (NPT), xem đây là cách đáp trả đối với các biện pháp trừng phạt cứng rắn hơn của Mỹ nhằm vào nước này. Trong khi đó, Iran lên kế hoạch tiếp tục xuất khẩu dầu mỏ song song với thúc đẩy hoạt động xuất khẩu các sản phẩm phi dầu mỏ, coi đây là những biện pháp có thể giúp Tehran chống đỡ các trừng phạt của Mỹ.

Mặc dù Nhà trắng nhiều lần trấn an rằng, A-rập Xê-út và Các Tiểu vương quốc A-rập thống nhất (UAE) sẽ hợp tác để bù đắp thiếu hụt nguồn cung dầu mỏ của Iran, song Washington vẫn có thể đối mặt cuộc chiến gian nan nhằm ổn định thị trường dầu mỏ. Giới phân tích cho rằng, tình hình bất ổn đang diễn ra tại Venezuela và Libya, hai quốc gia sản xuất dầu mỏ lớn khiến giá dầu mỏ thế giới khó có thể ngừng biến động trong tương lai gần. Tổng Thư ký Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) cho biết, tổ chức này đang nỗ lực tránh để xảy ra một cuộc khủng hoảng năng lượng toàn cầu, trong bối cảnh một số quốc gia thành viên đối mặt các lệnh trừng phạt quốc tế và tình hình bất ổn trong nước.

Những tác động về chính trị và kinh tế liên quan các động thái siết chặt trừng phạt của Mỹ đối với Iran đang ngày càng rõ rệt. Các hành động "ăn miếng trả miếng" giữa hai bên là khó tránh khỏi như những gì từng diễn ra trong lịch sử quan hệ đối đầu giữa hai nước. Vùng Vịnh khó có thể "sóng yên biển lặng" nếu các bên không giải quyết bất đồng thông qua đối thoại. Mọi biện pháp trả đũa lẫn nhau chỉ càng làm gia tăng căng thẳng và có thể thổi bùng lên trở thành cuộc đối đầu nguy hiểm, đe dọa an ninh khu vực.

MỸ VÂN

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/thegioi/binh-luan-quoc-te/item/40085302-cuoc-doi-dau-nguy-hiem.html