Cuộc đối đầu mới ở Syria: Máy bay ném bom đến Khmeimim

Nga và Mỹ tiếp tục tăng cường lực lượng quân đội của mình ở Syria nhằm mục đích kiểm soát và tăng cường sự ảnh hưởng ở Syria và cả Trung Đông.

Nga và Mỹ tiếp tục tăng cường lực lượng quân sự của mình ở Syria. Trước đó, Nga đã nhiều lần tuyên bố rút quân khỏi Syria, tuy nhiên vì những mục tiêu mới của mình, họ tiếp tục hiện đại hóa căn cứ không quân Khmeimim.

Sau khi nâng cấp đường băng, các máy bay ném bom tầm xa có khả năng mang vũ khí hạt nhân có thể sẽ sớm xuất hiện ở căn cứ này.

Nga tiếp tục mở rộng căn cứ không quân Khmeimim.

Nga tiếp tục mở rộng căn cứ không quân Khmeimim.

Các máy bay ném bom chiến lược được triển khai ở căn cứ này nhằm tiếp tục chiến dịch chống khủng bố ở Syria và hỗ trợ phi đội của Nga ở Địa Trung Hải. Họ sẽ kiểm soát không chỉ biển, mà còn cả lãnh thổ Bắc Phi và Nam Âu.

Hoa Kỳ không có các kế hoạch lớn đối với Syria do sự hiện diện của Nga, nhưng những kế hoạch nhỏ của họ có thể sẽ trở thành những vấn đề nghiêm trọng đối với Moscow và Damascus.

Bằng cách tạo ra và hiện đại hóa các căn cứ không quân mới ở Trans-Euphrates, chính quyền Mỹ của Tổng thống Joseph Biden có ý định tiếp tục hỗ trợ các nhóm vũ trang của người Kurd. Điều này có thể làm tình hình kinh tế và chính trị nội bộ ở Syria trở nên trầm trọng hơn.

Những hình ảnh về công trình của người Mỹ ở tỉnh Deir ez-Zor, gần mỏ dầu Al-Omar, một căn cứ quân sự của Mỹ với đường băng dài khoảng 1000 m đã xuất hiện. Trong tương lai gần, Mỹ cũng sẽ mở rộng căn cứ Green Village.

Ngoài ra, những hình ảnh về đường băng của một căn cứ quân sự khác của Mỹ ở Ash-Shaddadi thuộc tỉnh Hasaka cũng đã xuất hiện. Cụ thể là vào tháng 1/2021, việc xây dựng một đường băng dài 1200 m đã được hoàn thành. Nhờ có đường băng này mà Ash-Shaddadi trở thành căn cứ quân sự lớn nhất và đa chức năng nhất của Mỹ ở Syria.

Các chuyên gia cho rằng, dựa trên chiều dài của các đường băng tại Green Village và Ash Shaddadi, các căn cứ này chủ yếu dùng để tiếp nhận trực thăng chiến đấu, vận tải quân sự và máy bay tấn công chiến thuật.

Nguyên nhân khiến người Mỹ không cần xây dựng các đường băng dài và rộng là do nhu cầu thực tế. Mỹ ở khu vực Đông Euphrates không cần các căn cứ không quân lớn, họ chỉ cần giải quyết các nhiệm vụ quân sự trong khu vực này. Họ tiếp tục kiểm soát vùng đất hơn 1/4 diện tích của Syria chứa gần 80% trữ lượng dầu khí của Syria.

Trước đó, dân quân Syria và các chiến binh Wagner của Nga đã tấn công nhà máy chế biến khí Konoko, thuộc quyền kiểm soát của lực lượng SDF. Tuy nhiên, họ không chỉ bị tấn công bởi các đơn vị SDF, mà còn phải chịu các cuộc tấn công của lực lượng vũ trang Mỹ bằng hàng không và pháo binh.

Quân đội Mỹ đã tiến hành các cuộc không kích từ các căn cứ quân sự ở Iraq và trên bán đảo Ả Rập. Hiện tại, sau khi xây dựng các căn cứ quân sự ở Syria, Hoa Kỳ càng thuận tiện thực hiện các cuộc tấn công tương tự.

Song song với việc chính quyền Mỹ tiếp tục ở lại Syria và không ngừng xây dựng lực lượng, Nga cũng tiếp tục cũng cố tầm ảnh hưởng ở khu vực này. Trước mắt, nước này sẽ cũng cố lại căn cứ không quân Khmeimim và sau đó sẽ tăng cường lực lượng ở khu vực này, nhằm thay đổi sự liên kết địa chính trị ở Trung Đông có lợi cho Nga.

Chuyên gia phân tích Joseph Trevithick của tờ báo The Drive cho rằng, căn cứ không quân Khmeimim, nằm ở tỉnh Latakia của Syria, là một công cụ quan trọng cho sự can thiệp quân sự của Moscow vào Syria.

Ông Trevithick cũng cho biết rằng, nhưng hình ảnh vệ tinh từ Planet Labs cho thấy đường băng ở căn cứ Khmeimim ngày càng dài ra và đã dài khoảng 3200 m. Theo ông, việc mở rộng và khôi phục đường băng tại căn cứ Khmeimim có thể nhằm đảm bảo cho việc hạ cánh và cất cánh của bộ ba máy bay ném bom Tu-22M3, Tu-95MS và Tu-160 của Nga, cũng như máy bay chống tàu ngầm Tu-142, có thiết kế tương tự như Tu-95MS .

Ông Trevithick tuyên bố rằng, các máy bay ném bom của Nga được trang bị tên lửa hành trình, bay từ căn cứ không quân Khmeimim, có khả năng gây nguy hiểm cho các mục tiêu của đối phương ở châu Âu từ phía nam và trong trường hợp xảy ra xung đột có thể tấn công chống lại hải quân của đối phương. Các máy bay này cũng cho phép chống lại hiệu quả các cuộc khủng hoảng và các tình huống không lường trước được ở Trung Đông và Bắc Phi.

Các nhà phân tích cho rằng, những gì đang xảy ra đều liên quan đến các mục tiêu địa chính trị mới của của các nước này ở Trung Đông. Đặc biệt là Nga, việc các máy bay ném bom chiến lược tới căn cứ không quân Khmeimim sẽ tạo ra những thách thức mới đối với NATO ở sườn phía nam, không chỉ trên không mà còn trên biển.

Ngoài ra, việc máy bay chống ngầm Tu-142 cũng được triển khai ở căn cứ này sẽ trở thành mối đe dọa nghiêm trọng đối với các tàu ngầm của kẻ thù tiềm năng đang hoạt động ở Địa Trung Hải. Các máy bay này sẽ cùng với lực lượng hải quân của Nga cho phép giải quyết tốt mọi vấn đề trong khu vực Địa Trung Hải.

Nguyễn Đông

Nguồn Đất Việt: http://datviet.trithuccuocsong.vn/the-gioi/quan-he-quoc-te/cuoc-doi-dau-moi-o-syria-may-bay-nem-bom-den-khmeimim-3427668/