Cuộc đối đầu mới giữa các trường đại học Mỹ và Tổng thống Donald Trump

Theo quyết định được đưa ra bởi Cơ quan Thực thi Di trú và Hải quan Mỹ (ICE) vào đầu tuần trước, các sinh viên nước ngoài đang theo học tại Mỹ sẽ không được phép ở lại Mỹ nếu trường của họ chỉ dạy online.

Khi Mage Zhang, sinh viên năm ba Đại học Nam California đặt mua xong chiếc vé máy bay từ Mỹ về Trung Quốc trị giá 5.000 USD vào cuối tháng 5, cô đã đóng hết tất cả đồ đạc vào vali vì cô nghĩ rằng đây sẽ là chuyến bay một đi không trở lại. Quyết định mới của chính quyền Tổng thống Trump đã cho thấy nỗi lo của Zhang là có lý.

Hàng trăm nghìn sinh viên nước ngoài sẽ phải rời Mỹ

Theo quyết định được đưa ra bởi Cơ quan Thực thi Di trú và Hải quan Mỹ (ICE) vào đầu tuần trước, các sinh viên nước ngoài đang theo học tại Mỹ sẽ không được phép ở lại Mỹ nếu trường của họ chỉ dạy online.

Trong một lá thư ngỏ gửi tới sinh viên vào ngày 1-7-2020, Đại học Nam California đã thông báo nhà trường sẽ chỉ tổ chức các lớp học online, hoặc phần lớn các lớp học đều sẽ được tổ chức online vào kì học mùa Thu năm 2020.

Cô sinh viên năm cuối Zhang nghĩ mình sẽ khó có thể quay lại trường trước tháng 11 năm nay: "Giá vé máy bay quá đắt đỏ và khả năng nhiễm bệnh thì lại cao, nên thà tôi học online ở nhà còn hơn".

Trường MIT vắng vẻ mùa dịch.

Trường MIT vắng vẻ mùa dịch.

Nếu điều luật mới của ICE được thực thi thì Ayantu Temesgen, sinh viên Trường Y Harvard, sẽ buộc phải rời Mỹ vì hiện mọi lớp học ở trường đều được giảng dạy online.

Cô đến từ Ethiopia, nơi chính phủ vừa cắt internet toàn quốc tuần trước khi một cuộc bạo động chết người vừa nổ ra. Ayantu sẽ phải tạm ngưng việc học một năm, trong khi chương trình tiến sĩ Y của cô vốn đã dài khoảng 8 năm: "Nếu về nước giữa lúc tình hình đang rối ren như bây giờ, tôi sẽ rất lo cho sự an toàn của bản thân, và tôi cũng sẽ khó mà tiếp tục chương trình học đúng như kế hoạch được nữa". Nhưng Zhang và Ayantu chỉ là 2 trong hàng trăm nghìn sinh viên quốc tế sẽ bị ảnh hưởng bởi quyết định mới của chính quyền tổng thống Trump.

Luật mới của ICE sẽ đẩy hàng chục nghìn sinh viên quốc tế vào cảnh "tiến thoái lưỡng nan": nếu họ chỉ học online, họ sẽ bị đuổi khỏi Mỹ và rất khó có khả năng quay lại, nhưng nếu các sinh viên chọn học trên lớp thì họ sẽ rất dễ bị lây nhiễm COVID-19.

Quyết định của Tổng thống Donald Trump đang gây phản ứng dữ dội từ các trường đại học Mỹ.

Bà Sarah Piece, một nhà phân tích chính sách tại Viện Chính sách Nhập cư, đã thẳng thừng lên tiếng phê phán quyết định của chính quyền Tổng thống Trump: "Chính quyền rõ ràng không chào đón người nhập cư và tư tưởng này bây giờ còn nhắm đến cả sinh viên quốc tế. Quyết định mới về visa sẽ ép sinh viên phải đi học trực tiếp trên lớp - một việc khiến rất nhiều em thấy lo lắng và không thoải mái".

Quyết định có phần đột ngột đã khiến một số trường đại học phải cân nhắc lại các dự định cho kì học mùa Thu của họ, trong khi đó rất nhiều trường khác đã công khai cam kết sẽ bảo vệ các sinh viên quốc tế.

Trong một tuyên bố được đưa ra vào ngày 7-7, Đại học Texas ở El Paso cho biết họ sẽ làm việc riêng với từng sinh viên một trong số 1.400 sinh viên quốc tế để đảm bảo tất cả đều sẽ giành được visa F-1.

Các trường đại học sẽ thiệt hại nặng

Vào ngày 8-7, hai trường đại học hàng đầu thế giới là Đại học Harvard và Học viện Công nghệ Massachusetts (MIT) cho biết họ sẽ kiện chính quyền Tổng thống Trump lên Tòa án liên bang để ngăn cản quyết định mới về visa này.

Ban Giám hiệu của nhiều trường đại học và các tổ chức đầu tranh cho quyền của người nhập cư liên tiếp nhận định rằng, quyết định của chính quyền Tổng thống Trump vừa tàn nhẫn lại vừa mạo hiểm, và nhiều trường đại học khác đã tiết lộ họ sẽ sát cánh với Harvard và MIT.

Thêm vào đó, Tổng chưởng lý Massachusetts, bà Maura Healey cũng cam đoan sẽ hỗ trợ hai trường: "Massachusetts là nhà của rất nhiều sinh viên quốc tế, và các em nhất định sẽ không phải lo sợ bị trục xuất hoặc phải hy sinh sức khỏe cũng như sự an toàn của bản thân chỉ để đi học. Quyết định của ICE thật máu lạnh và bất hợp pháp, và chúng tôi sẽ khởi kiện để ngăn chặn điều luật mới này".

Hiệu trưởng trường MIT Leo Rafael Reif hy vọng sẽ thắng kiện và đạt được một lệnh hạn chế tạm thời, ngăn cản ICE thi hành quyết định mới.

Nhiều trường đại học khẳng định quyết định này có động cơ chính trị và sẽ đẩy giáo dục đại học vào hỗn loạn. Thêm vào đó, dư luận Mỹ thấy Nhà Trắng đang muốn ép các trường đại học mở cửa và ngừng những biện pháp phòng ngừa sự lây lan của COVID-19.

Bà Miriam Feldblum, người đứng đầu Liên minh Lãnh đạo Đại học và Di cư - tổ chức dành cho ban giám hiệu của 450 trường đại học công và tư, cho rằng: "Mục đích chính trị của quyết định này quả thực không thể rõ ràng hơn được nữa. Chính phủ muốn ép các trường đại học phải tuyên bố mở cửa, hoặc ít nhất vừa dạy trên lớp vừa dạy online".

Đại học Harvard đang dự tính sẽ chỉ dạy trực tuyến tới hết năm học 2020-2021, MIT sẽ cho phép một số lớp được giảng dạy trên giảng đường nhưng đa số các lớp sẽ được tổ chức qua Zoom, còn một số trường khác sẽ kết hợp giữa học online và học trên lớp.

Ông Lawrence S. Bacow, Chủ tịch Đại học Harvard, chỉ trích quyết định của Tổng thống Trump là khinh suất và trong một tuyên bố gần đây, ông cũng đồng ý với ý kiến của nhiều ban giám hiệu khác khi kết luận chính quyền đang cố gắng gây sức ép để buộc các trường đại học phải mở cửa mà không hề quan tâm đến sức khỏe cũng như sự an nguy của các giảng viên và sinh viên.

Ông Lawrence S. Bacow, Chủ tịch Đại học Harvard chỉ trích quyết định của Tổng thống Trump là khinh suất.

Đại học Harvard và MIT ước tính điều luật mới về visa này sẽ tước đi cơ hội được ở lại Mỹ của 9.000 sinh viên đang theo học tại 2 trường và hàng chục nghìn sinh viên ở các trường đại học khác trên toàn quốc.

Harvard và MIT hy vọng sẽ thắng kiện và đạt được một lệnh hạn chế tạm thời, ngăn cản ICE thi hành quyết định mới. Hiệp hội Giáo dục Mỹ, Hiệp hội Đại học Cộng đồng Mỹ, và Hiệp hội Đại học Mỹ cùng 25 tổ chức giáo dục khác cũng sẽ ủng hộ Harvard và MIT.

Ông Pedro Ribeiro, phát ngôn viên của Hiệp hội Giáo dục Mỹ - tổ chức đại diện cho 65 viện nghiên cứu trên toàn quốc, phát biểu: "Chúng tôi đã ghi nhận ý kiến của nhiều thành viên, và tất cả đều có chung suy nghĩ về bản chất của điều luật mới." ICE từ chối bình luận về vụ kiện này.

Trong một cuộc phỏng vấn trên CNN, ông Kenneth T. Cuccinelli II, Thứ trưởng Bộ An ninh Nội địa Hoa Kỳ trả lời rằng ICE đã linh động hơn với sinh viên quốc tế khi mà trước đây, nếu muốn xin visa sinh viên chỉ được phép học một lớp online và tất cả các lớp còn lại đều phải được giảng dạy trực tiếp trong khi giờ đây, các sinh viên được chọn nhiều lớp online hơn, miễn là có vài lớp được dạy trên giảng đường. "Nếu các em học 100% online thì các em cũng chẳng có lý do gì ở lại Mỹ cả Các em nên về nhà và đợi cho đến khi trường mở cửa trở lại".

Harvard và MIT phản pháo lại bằng cách chỉ ra Chính phủ Mỹ đã tạm thời không yêu cầu sinh viên không phải đi học hầu hết các lớp trực tiếp để giữ được visa F-1; khi nước Mỹ đột ngột thay đổi ý định bằng cách đưa ra điều luật visa mới hết sức ngặt nghèo, chính phủ đã hủy hoại cơ hội được học tập và làm việc tại Mỹ của vô số sinh viên quốc tế, cũng như làm ảnh hưởng đến kế hoạch bắt đầu lại chương trình học vào mùa Thu của nhiều trường đại học. "Hậu quả - và thậm chí có thể là mục đích - của hành động này là khuấy động các trường đại học và việc học của các sinh viên càng dữ dội càng tốt".

Ông Kenneth T. Cuccinelli II, Thứ trưởng Bộ An ninh Nội địa Mỹ.

Các sinh viên quốc tế - nhiều em trong số đó thậm chí còn trả 100% học phí - là nguồn thu chính của nhiều đại học Mỹ và mất đi họ sẽ là cú đòn đau dành cho rất nhiều trường đại học công và tư ở Mỹ, vốn đã đang phải chịu tổn thất kinh tế lớn vì dịch bệnh. Ông Daniel J. Hurley, Chủ tịch Hiệp hội Đại học Công ở Michigan, cho biết 33.236 sinh viên quốc tế đã đóng góp 1,2 tỷ USD cho nền kinh tế Michigan chỉ trong năm 2018.

Ban giám hiệu của nhiều trường đại học danh giá khác như Đại học California Los Angeles, Princeton và Cornell cam đoan sẽ hỗ trợ các sinh viên quốc tế cũng như phê phán động thái của ICE.

Trong một tuyên bố chung, Chủ tịch trường Đại học Vanderbilt tại Nashville, ông Daniel Diermeier và hiệu trưởng của trường là bà Susan R. Wente, cùng đả kích quyết định của ICE: "Hậu quả của chính sách này lên cuộc sống của các sinh viên quốc tế, lên cơ hội được thu nạp những con người thông minh nhất, tài năng nhất của các trường đại học Mỹ, và lên nền kinh tế của đất nước…sẽ vô cùng khủng khiếp".

Song Thi

Nguồn CSTC: http://cstc.cand.com.vn/phong-su-tieu-diem/cuoc-doi-dau-moi-giua-cac-truong-dai-hoc-my-va-tong-thong-donald-trump-603015/