Cuộc đối đầu không cân sức giữa F/A-18E Mỹ và Su-22 Syria

Cường kích Su-22 của Syria hoàn toàn yếu thế trước khả năng gây nhiễu và tên lửa hiện đại của tiêm kích Mỹ.

F/A-18E có lợi thế về vũ khí và công nghệ so với Su-22. Ảnh: Military Today.

Quan chức hải quân Mỹ xác nhận tiêm kích F/A-18E Super Hornet xuất kích từ tàu sân bay USS George H.W. Bush đang hoạt động trên Địa Trung Hải là chiến đấu cơ đã bắn hạ tiêm kích Su-22 của quân đội Syria hôm 18/6, theo USNI.

Tiêm kích F/A-18E đã bắn hai quả tên lửa từ phía sau, nhằm vào cường kích Su-22 do đại tá Ali Fahd của không quân Syria điều khiển. Quả tên lửa AIM-9X đầu tiên trượt mục tiêu khi đại tá Fahd phóng mồi bẫy nhiệt đánh lừa đầu dò hồng ngoại của tên lửa Mỹ. Tuy nhiên, tiêm kích F/A-18E phóng bồi một quả tên lửa tầm trung kích nổ ở phía sau, khiến chiếc cường kích mất kiểm soát và rơi xuống đất.

Chuyên gia quân sự Sebastien Roblin cho rằng đây là một cuộc đối đầu hoàn toàn không cân sức, khi mọi lợi thế về công nghệ và vũ khí đều thuộc về tiêm kích Mỹ.

Tiêm kích F/A-18E được trang bị 11 giá treo vũ khí, cho phép mang theo tối đa 8 tấn bom đạn và tên lửa, cũng như thùng dầu phụ. Vũ khí đối không cơ bản của F/A-18E là hai tên lửa tầm nhiệt AIM-9X Sidewinder bố trí ở các đầu mút cánh. Đây là một trong những loại tên lửa đối không tầm gần hiện đại nhất hiện nay, cũng chính là loại vũ khí mà tiêm kích F-16 Thổ Nhĩ Kỳ dùng để bắn hạ cường kích Su-24 của Nga hồi năm 2015.

Một cường kích Su-22 của không quân Syria. Ảnh: Aviationist.

Dòng Super Hornet cũng được trang bị hệ thống điện tử hiện đại hơn so với cường kích Su-22, tiết diện phản xạ radar của loại tiêm kích này chỉ chưa đầy 2 m2.

Roblin cho rằng trong cuộc đối đầu này, đại tá Fahd đã làm tất cả những gì có thể để tự vệ. Chiếc cường kích lạc hậu của ông không được trang bị radar cảnh báo sự xuất hiện của máy bay Mỹ, cũng không có thiết bị cảnh báo tên lửa tiếp cận (MAWS), vốn là trang bị chuyên phát hiện các tên lửa hồng ngoại như AIM-9X.

Đại tá Fahd dường như cảm nhận được mình đang bị tên lửa AIM-9X ngắm bắn ở tầm gần nên đã phóng mồi bẫy nhiệt và cơ động để né tránh. Tuy nhiên, ông không có cơ hội thứ hai khi tiêm kích Mỹ phóng tiếp tên lửa AIM-120 dẫn đường bằng đầu dò radar chủ động. Dù cường kích Su-22 được trang bị cảm biến cảnh báo radar, thời gian quá ngắn nhiều khả năng đã khiến phi công này không kịp phản ứng tiếp.

Roblin cũng nhận định rằng liên lạc với mặt đất của đại tá Fahd đã bị gây nhiễu, khiến không quân Syria không nắm được bất kỳ thông tin nào của chiếc Su-22 trước khi bị bắn. Giả thuyết này được đánh giá là hợp lý vì chiếc Su-22 bị bắn hạ khi chưa kịp không kích mục tiêu của mình.

Các chuyên gia quân sự cũng cho rằng việc tên lửa AIM-9X bị mồi bẫy nhiệt của Su-22 đánh lừa trong phát bắn đầu tiên cho thấy tính năng của tên lửa Mỹ không phải lúc nào cũng giống như quảng cáo. Nhà sản xuất Raytheon cho rằng AIM-9X có tỷ lệ tiêu diệt mục tiêu rất cao và có khả năng chống lại mồi bẫy nhiệt của đối phương.

Theo Duy Sơn (Vnexpress)

Nguồn Dân Việt: http://danviet.vn/the-gioi/cuoc-doi-dau-khong-can-suc-giua-f-a-18e-my-va-su-22-syria-782589.html