Cuộc đối đầu giữa Apple-Google với Epic Games

Nhà sản xuất của game Fortnite, Epic Games đã gây ra 'cơn địa chấn' trong ngành công nghệ khi khởi kiện cả Apple lẫn Google với cáo buộc rằng cửa hàng ứng dụng của cả hai hãng đều là độc quyền.

Biểu tượng của Google và Apple. Ảnh minh họa: TTXVN

Biểu tượng của Google và Apple. Ảnh minh họa: TTXVN

Theo giới quan sát, dù kết quả vụ kiện này có ra sao đi nữa, nó cũng sẽ thúc đẩy Apple và Google phải thay đổi chính sách của mình, hoặc phải đối mặt với những quy định khắt khe và ít có lợi hơn từ giới chức.
* “Chiếc bẫy” ít ngờ của Epic Games
Giới quan sát hầu như đều thống nhất ý kiến rằng Epic Games đã tạo ra một “chiếc bẫy tuyệt vời” để đưa cả Apple và Google vào một vụ kiện chống độc quyền sau khi hai "ông lớn" này xóa trò chơi Fortnite của họ khỏi App Store trên nền tảng iOS và cửa hàng ứng dụng Google Play.
Lý do mà hai “đại gia” nêu ra cho quyết định trên là Epic Games đã triển khai hệ thống thanh toán mới thông qua máy chủ của công ty, cho phép game thủ mua hàng trực tiếp trong Fortnite, nhằm "qua mặt" hệ thống mua hàng trong ứng dụng của Apple để không phải trả mức phí 30%.
Dù vụ kiện của Epic vẫn dừng ở mức khiếu nại cho đến khi vấn đề thực sự được đưa ra tòa và có phán quyết, rõ ràng đây là một động thái cụ thể nhằm vào Apple với việc Epic Games tung ra video “nhại lại” quảng cáo năm 1984 cho mẫu máy tính Macintosh của Apple. Điều này không quá khó hiểu vì dù Google là nhà phát triển Android, Google Play không phải cửa hàng ứng dụng duy nhất trên hệ điều hành này. Trong khi đó, Apple lại có vị thế độc quyền trên iOS.
Người phát ngôn của Apple cho biết Epic Games đã kích hoạt một tính năng trong ứng dụng chưa được Apple xem xét hoặc phê duyệt, qua đó vi phạm các nguyên tắc của App Store về thanh toán trong ứng dụng. Apple cho rằng việc Epic Games muốn có một “thỏa thuận đặc biệt” không thay đổi thực tế là các nguyên tắc của App Store tạo ra một sân chơi bình đẳng cho tất cả các nhà phát triển và đảm bảo tính an toàn cho mọi người dùng.
Phía Epic Games cho biết họ không muốn có một “thỏa thuận đặc biệt” dù Apple đang cố "lái" câu chuyện theo hướng đó. Mặc dù vụ kiện đúng là sẽ mang lại lợi ích tài chính cụ thể, Epic Games dường như đang muốn thúc đẩy Apple thay đổi tổng thể các chính sách của cửa hàng ứng dụng App Store của họ - điều được kỳ vọng sẽ mang lại lợi ích cho tất cả các nhà phát triển chứ không chỉ riêng Epic Games.
Ngoài ra, một cuộc điều tra của tiểu ban chống độc quyền thuộc Hạ viện Mỹ tiết lộ Apple đã thỏa thuận với Amazon để chỉ nhận 15% thay vì 30% phí thông thường từ các giao dịch trên ứng dụng xem phim Prime Video trong năm đầu tiên nó có mặt trên App Store. Đó là bằng chứng Apple sẵn sàng thực hiện các thỏa thuận “xuống nước” như vậy, nhưng họ sẽ chỉ dành cho những công ty mà họ lựa chọn. Những khiếu nại của Epic có thể tiếp thêm động lực cho các nhà điều tra trong vụ kiện chống lại Apple.
*Nỗ lực phá vỡ thế độc quyền
Theo số liệu thống kê của công ty nghiên cứu thị trường IDC, Android – hệ điều hành mã nguồn mở thuộc sở hữu của Google - đang kiểm soát 85,4% thị trường hệ điều hành toàn cầu, trong khi Apple có 14,6%.

Một báo cáo khác của công ty phân tích thị trường công nghệ Sensor Tower cho thấy trong năm 2019, người tiêu dùng đã mua khoảng 61 tỷ USD hàng hóa và dịch vụ kỹ thuật số từ App Store của Apple, trong khi người dùng Google Play chi gần 30 tỷ USD.
Gần như mọi ứng dụng dành cho thiết bị di động đều phải thông qua các cửa hàng ứng dụng của hai “ông lớn” trên, những bên sẽ hưởng 30% doanh thu tiêu chuẩn cho bất kỳ giao dịch mua hàng trong ứng dụng nào.

Các nhà phát triển cho rằng mức phí trên là quá cao và cản trở sự tăng trưởng của họ. Nhưng trong khi các thiết bị Android vẫn cho phép người dùng tự tải ứng dụng từ bên thứ ba và cài đặt trong thiết bị của mình, Apple lại không cho phép điều tương tự.
Epic Games đã cáo buộc Apple cố tình gây khó cho các thiết bị iOS của người dùng nếu họ cài đặt phần mềm trực tiếp từ các nhà phát triển. Epic Games cho rằng đây là một chiến lược có chủ đích vì iOS vẫn có thể hỗ trợ hoàn toàn việc cài đặt phần mềm từ web - nhưng chỉ dành cho các công ty.

Với chiến lược này, Apple có thể buộc người dùng phải tải ứng dụng từ App Store, vừa buộc các nhà phát triển sử dụng dịch vụ xử lý thanh toán của “Táo khuyết” và hưởng lợi từ đó.
Tuy nhiên, các chuyên gia ngành luật cho biết trong các vụ kiện chống độc quyền, yếu tố quan trọng nhất là xác định “thị trường” là gì. Epic Games sẽ có lợi khi định nghĩa thị trường càng hẹp càng tốt, trong khi Apple sẽ thúc đẩy một cách diễn giải rộng hơn.
Ông John Bergmayer, Giám đốc pháp lý của nhóm hoạt động vì quyền lợi người tiêu dùng Public Knowledge, cho hay khi tuyên bố rằng Apple “độc quyền phân phối và mua bán các ứng dụng iOS” trên khoảng 1 tỷ thiết bị, Epic Games sẽ phải thuyết phục các thẩm phán rằng đó chính là định nghĩa "thị trường".
Nhưng nếu Apple thuyết phục được thẩm phán coi định nghĩa “thị trường” là chỉ thị trường điện thoại thông minh, việc bào chữa dễ dàng hơn rất nhiều khi Apple chỉ chiếm khoảng trên dưới 14% thị phần toàn cầu.
Còn ông Jeffrey Blumenfeld, một luật sư cấp cao của công ty luật Lowenstein Sandler, cho biết Apple cũng có thể lập luận rằng khoản phí 30% được dùng trong hoạt động điều hành App Store và xét duyệt các ứng dụng nhằm đảm bảo chúng không mang tới rủi ro về bảo mật cho người dùng.
Ông Blumenfeld cho biết rất khó để tin rằng tòa án sẽ tuyên bố Apple không được phép kiểm soát việc phân phối các ứng dụng thông qua cửa hàng App Store, trừ khi phía Epic Games đưa ra được những lập luật sắc bén và đủ sức thuyết phục.
* Vụ kiện sẽ đi về đâu?
Giám đốc pháp lý của Viện Open Markets Institute Sandeep Vaheesan cho hay nếu Epic Games thắng, Apple và Google có thể được lệnh cho phép các nhà phát triển bán các giao dịch mua trong ứng dụng mà không phải trả phí cho các “gã khổng lồ” công nghệ.

Tòa án cũng có thể ra phán quyết rằng Apple và Google bị cấm buộc nhà phát triển sử dụng các dịch vụ thanh toán cùng cửa hàng ứng dụng của họ, qua đó cho phép các nhà phát triển nhận thanh toán trực tiếp từ khách hàng.
Ở một phương án đơn giản hơn, Apple và Google có thể giải quyết riêng với Epic Games và lặng lẽ thay đổi chính sách của họ.
Còn nếu Epic Games thua cuộc, ông Bergmayer của Public Knowledge, nhận định ít nhất điều đó sẽ làm nổi bật hơn những các giới hạn của luật chống độc quyền hiện tại ở Mỹ. Những người muốn thay đổi luật này có thể tìm kiếm cách tiếp cận khác, như yêu cầu Quốc hội Mỹ xây dựng luật chống độc quyền mới.
Nhiều chuyên gia luật cũng cho biết vụ kiện có thể kéo dài trong nhiều năm. Ví dụ được đưa ra là vụ kiện chống độc quyền năm 1974 đối với tập đoàn viễn thông AT&T. Vụ kiện này kéo dài tới 8 năm và kết thúc với việc AT&T phải chia thành nhiều doanh nghiệp nhỏ hơn.
Song dù kết quả vụ kiện của Epic Games ra sao, các luật gia đều tin rằng nó sẽ là một "cú hích" tích cực cho thị trường về cả mặt công nghệ lẫn mô hình kinh doanh./.

H.Thủy (Tổng hợp)

Nguồn Bnews: https://bnews.vn/cuoc-doi-dau-giua-apple-google-voi-epic-games/166533.html