Cuộc đối đầu Âu-Mỹ vì Iran sẽ đi về đâu?

Cuộc đối đầu giữa Liên minh châu Âu và Mỹ liên quan tới vấn đề hạt nhân Iran đang bước vào giai đoạn cao trào khi EU lần đầu tiên tung một vũ khí tối thượng về thương mại chống lại Mỹ. Cuộc 'so găng' giữa Mỹ và các đồng minh châu Âu này sẽ làm lợi cho ai và sẽ đi về đâu?

Vì sao châu Âu quyết đấu đến cùng?

Bất chấp sự phản đối theo kiểu đe dọa có, “năn nỉ” có của các đồng minh Liên minh châu Âu, Tổng thống Mỹ Donald Trump vẫn quyết hủy bỏ thỏa thuận hạt nhân Iran do chính quyền tiền nhiệm Barack Obama ký năm 2015 với 5 cường quốc trên thế giới.

Bỏ qua những lời lẽ ngoại giao như thỏa thuận này “tệ hại mà lẽ ra không nên có” của Tổng thống Trump khi nói về thỏa thuận hạt nhân Iran, thực chất ông Trump muốn xóa bài làm lại vì tại thời điểm Iran được dỡ bỏ lệnh cấm vận, số doanh nghiệp Mỹ được hưởng lợi từ thỏa thuận trên không nhiều bằng các đồng nghiệp đến từ châu Âu.

Việc từ bỏ chương trình làm giàu urani cấp độ cao của Iran năm 2015 để đổi lấy việc dỡ bỏ cấm vận kinh tế của các nước phương Tây đã mở toang cánh cửa Iran sau nhiều năm bị phong tỏa cấm vận. Đây là cơ hội bằng vàng cho các doanh nghiệp châu Âu vào tìm kiếm cơ hội làm ăn, nhất là các doanh nghiệp dầu khí vì châu Âu đang muốn đa dạng hóa nguồn cung dầu để giảm bớt sự phụ thuộc vào Nga.

Còn nhớ chỉ vài ngày sau khi thỏa thuận với Iran được ký, tháng 7-2015, Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Kinh tế và Năng lượng liên bang Đức Sigmar Gabriel đã tới Tehran 3 ngày nhằm thúc đẩy hợp tác kinh tế giữa 2 quốc gia. Ông Gabriel cùng một phái đoàn kinh tế tới Iran nhằm thể hiện sự "sẵn sàng tái thiết lập quan hệ kinh tế song phương" với nước này trong bối cảnh các doanh nghiệp và ngành công nghiệp Iran đang rất phấn khởi với việc "bình thường hóa quan hệ kinh tế" giữa 2 nước.

Cơ hội cho các doanh nghiệp Đức là rất lớn ở Iran, quốc gia có nguồn tài nguyên phong phú như dầu mỏ và khí đốt. Theo thông báo của Bộ Ngoại giao Đức, ngay khi một số lệnh trừng phạt đối với Iran được nới lỏng, xuất khẩu của Đức tới Iran trong năm 2014 đã tăng 30% so với năm trước đó, trong khi nhập khẩu từ Iran cũng tăng 8%. Ngoài Đức, Pháp và Italia cũng “nhanh chân” hơn các doanh nghiệp Mỹ nhảy vào kiếm miếng bánh Iran sau cấm vận.

Ngoại trưởng Iran Mohammad Zarif (thứ hai từ trái qua), lãnh đạo Ngoại giao châu Âu, bà Federica Mogherini và các đồng nhiệm Pháp, Đức, Anh tại Bruxelles ngày 15-5.

Ngay cả quốc gia ở châu Á như Ấn Độ cũng cảm thấy phấn khởi. Thứ nhất là New Delhi có thể mua dầu giá rẻ từ Tehran sau khi Iran được dỡ bỏ lệnh cấm vận, thứ hai về mặt chiến lược, Pakistan trước kia từng áp dụng hiệu quả trục Washington - Bắc Kinh - Islamabad để đối trọng với Ấn Độ, nhưng tới nay New Delhi có thể lợi dụng cả Mỹ lẫn Iran để tạo thành một trục mới Washington - Tehran - New Delhi.

Ngược lại, số các doanh nghiệp Mỹ vào Iran làm ăn sau khi lệnh cấm vận được gỡ bỏ khá ít. Điều mà Mỹ nhận được trong chuyện này theo truyền thông phương Tây khi đó là về mặt địa chính trị. Thỏa thuận này được có thể xem là một thắng lợi trong chính sách ngoại giao của Tổng thống Barack Obama. Chính sách Trung Đông của chính quyền Obama khi ấy bị chỉ trích bởi một loạt thất bại, trong đó có thất bại vì không ngăn chặn sự lan rộng của tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng hay mối quan hệ trở nên lạnh giá với Ai Cập. Chính vì vậy, thỏa thuận hạt nhân Iran có thể là một “điểm cộng” bù đắp cho những hạn chế của chính sách Trung Đông này.

Nhưng với một doanh nhân tổng thống như ông Donald Trump thì những lợi ích chiến lược trên giờ đã hết thời (có thể vì IS đã bị tiêu diệt phần nhiều) và có thể không quy được “ra tiền”. Có thể trong hậu trường ông Trump từng nói rằng thỏa thuận hạt nhân Iran vì Mỹ mới có vậy mà doanh nghiệp Mỹ không kiếm chác được gì, trong khi các nước khác chẳng tốn chút công sức nào lại hớt tay trên.

Do đó thỏa thuận này cần phải được xé bỏ. Nhưng 3 năm sau thỏa thuận, các doanh nghiệp châu Âu vào Iran làm ăn đông về số lượng, và hợp tác sâu ở một số lĩnh vực, tức là số tiền mà các doanh nghiệp châu Âu đổ vào Iran không hề ít. Nếu hủy bỏ thỏa thuận này chẳng khác nào bỏ của chạy lấy người. Đây là lý do châu Âu quyết đấu tới cùng với Mỹ.

Sau khi Mỹ rút khỏi thỏa thuận hạt nhân, châu Âu đi đầu trong việc cứu vãn thỏa thuận này, đương nhiên trách nhiệm thuyết phục hai cường quốc còn lại là Trung Quốc và Nga thuộc về Iran. Sau khi được Bắc Kinh và Moskva ủng hộ, ngày 15-5 Ngoại trưởng Iran đến Bruxelles đàm phán về việc duy trì hiệp định hạt nhân 2015 có hiệu lực cho đến 2025 và đạt được kết quả.

Lãnh đạo châu Âu họp thượng đỉnh bàn cách cứu vãn các khoản đầu tư của châu Âu ở Iran.

Sau cuộc hội đàm, lãnh đạo ngoại giao châu Âu Federica Mogherini và các đồng nhiệm Pháp, Đức và Anh đều cam kết sẽ nỗ lực duy trì thỏa thuận, cho dù Mỹ, một trong sáu cường quốc ký kết, vừa tuyên bố rút khỏi và dự kiến sẽ tái áp đặt các trừng phạt kinh tế chống lại Tehran trong những tháng tới. Châu Âu và Tehran thống nhất các biện pháp đầu tiên nhằm duy trì các hợp tác kinh tế giữa EU với Iran. Hiện tại đây là một thỏa thuận về nguyên tắc.

Iran và các nước châu Âu nêu ra khoảng một chục điều khoản mà các bên cam kết thực thi, để Tehran vẫn tiếp tục được hưởng các lợi ích kinh tế, để đổi lại việc Iran tôn trọng các cam kết từ bỏ chương trình hạt nhân quân sự. Vấn đề mở ra các đàm phán về những điểm khác chưa được đặt ra trong hiện tại.

Lãnh đạo ngoại giao châu Âu Federica Mogherini tuyên bố: Một điểm rất rõ ràng đối với châu Âu chúng tôi, đó là với thỏa thuận hạt nhân hiện có, chúng ta có nhiều cơ hội hơn trong việc thảo luận với Iran về tất cả những vấn đề khác, cụ thể như vấn đề tên lửa hay tình hình an ninh khu vực. Chúng tôi nhất định không gắn liền hai khía cạnh này với nhau. Đêm nay, mục tiêu chủ yếu là cứu được thỏa thuận hạt nhân Iran, và duy trì toàn bộ các điều khoản của thỏa thuận này.

Châu Âu và Tehran cũng cam kết duy trì các tuyến giao thương, tiếp tục việc xuất khẩu dầu mỏ của Iran, hay bảo đảm cho đầu tư của các doanh nghiệp nước ngoài tại Iran và hậu thuẫn cho hoạt động xuất khẩu của các doanh nghiệp này. Một số biện pháp khác cũng được nêu ra như bảo đảm đối với các giao dịch ngân hàng, hay việc cung cấp tín dụng cho hoạt động xuất khẩu. Tất cả các biện pháp đều nhằm hướng đến việc tạo ra một môi trường kinh tế ổn định.

Kích hoạt “vũ khí nguyên tử”

Tại thượng đỉnh Sofia ngày 17-5, lãnh đạo châu Âu xem xét mọi khả năng để cứu vãn thỏa thuận hạt nhân Iran, bảo vệ quyền lợi kinh tế châu Âu và Iran mặc dù Mỹ đe dọa trừng phạt. Sau thượng đỉnh, toàn bộ thành viên Liên minh châu Âu đã nhất trí thông qua những biện pháp cụ thể đầu tiên để hỗ trợ các doanh nghiệp châu Âu đang hoạt động tại Iran nhằm đối phó với lệnh cấm vận đơn phương của Mỹ.

“Luật ngăn chặn trừng phạt 1996” (blocking status), một trong số những biện pháp này, đã được Ủy Ban châu Âu kích hoạt ngay sáng 18-5-2018.

Công cụ pháp lý này được một cựu quan chức Ủy ban châu Âu so sánh như một “vũ khí nguyên tử” bởi tính chất răn đe của nó. Luật này cho phép Liên minh châu Âu, cấm mọi công dân tuân thủ các biện pháp hành chính, lập pháp và tư pháp của nước ngoài, trước tiên là bù đắp thiệt hại cho các doanh nghiệp vì lệnh cấm vận. Sau đó, Bruxelles sẽ đệ đơn kiện lên Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) để yêu cầu Mỹ bồi thường thiệt hại gây ra cho Liên minh châu Âu.

Cơ chế chống trừng phạt này được Liên minh châu Âu lập ra năm 1996, trong bối cảnh tương tự như hiện nay, tức là vào thời điểm đó, châu Âu tìm cách lách lệnh cấm vận của Mỹ nhắm vào Cuba. Nhưng trên thực tế, cơ chế này chưa bao giờ được áp dụng vì Bruxelles đạt được một thỏa thuận với Washington.

Một biện pháp khác cũng được thông báo, đó là Ngân hàng Đầu tư châu Âu sẽ hỗ trợ các doanh nghiệp hoạt động tại Iran, mà không cần đến đôla, thông qua một định chế công, để chính quyền Mỹ không làm gì được. Ngược lại, không có biện pháp đáp trả nào nhằm vào doanh nghiệp Mỹ.

Nga ủng hộ duy trì thỏa thuận hạt nhân Iran.

Tổng thống Pháp Macron nhấn mạnh một điểm là không có chuyện gây ra chiến tranh thương mại với Washington. Điều này cũng sẽ được áp dụng trong việc Bruxelles đáp trả mối đe dọa của Washington tăng thuế nhập khẩu đối với thép và nhôm châu Âu. Đối với Tổng thống Pháp Macron, hai chủ đề trên là một bài trắc nghiệm về chủ quyền đối với Liên minh châu Âu.

Theo Tổng thống Pháp, bài trắc nghiệm đã thành công vì cả 28 nước đã có chung tiếng nói và đó là một tiếng nói cứng rắn. Giờ thì chờ xem hiệu quả của các biện pháp được thông báo sẽ ra sao.

Tuy nhiên, ai cũng thấy rằng, trong cuộc đọ sức này, các tập đoàn lớn của châu Âu có nguy cơ rơi vào thế kẹt, vì những hoạt động của họ ở Mỹ quan trọng hơn rất nhiều so với các dự án mà họ có thể phát triển ở Iran. Mặt khác, như ghi nhận của tờ Le Figaro, việc khởi động điều luật năm 1996 thật ra mang ý nghĩa chính trị nhiều hơn là có tầm mức về pháp lý.

Hiệu năng của biện pháp này hoàn toàn tùy thuộc vào tương quan lực lượng mà Mỹ luôn vượt trội. Châu Âu cũng có thể đe dọa dùng biện pháp thuế quan trả đũa Mỹ, nhưng phải cẩn thận cân nhắc lợi hại.

Về kinh tế, Washington đe dọa sẽ trừng phạt các công ty châu Âu tiếp tục làm ăn buôn bán với Iran, bất tuân một nghị quyết của Hội đồng Bảo an thông qua cách nay 3 năm. Ngày 10-5, tân đại sứ Mỹ tại Đức, Richard Grenell, đã kêu gọi các công ty Đức hoạt động tại Iran phải rút đi lập tức. Iran hiện xuất khẩu khoảng 20% dầu mỏ sang châu Âu, và hơn 70% sang Trung Quốc và một số nước châu Á khác.

Nhiều doanh nghiệp châu Âu, đặc biệt là tập đoàn dầu khí Pháp Total, đã thông báo sẽ ngưng các hoạt động tại Iran, trừ phi không phải hứng chịu các trừng phạt của Mỹ. Tối 16-5, Bộ trưởng Dầu mỏ Iran thông báo tập đoàn dầu khí Trung Quốc CNPC sẽ thay thế tập đoàn Pháp Total trong giai đoạn 11 của đề án khai thác mỏ khí ở Iran trong trường hợp Total rút đi.

Về địa chiến lược, trái lại, chính Iran là nước ở thế thượng phong đối với châu Âu và cho biết sẵn sàng khai thác lợi thế này để bắt chẹt. Cuối tuần trước tại Bắc Kinh, Ngoại trưởng Mahammad Zarif cảnh báo là Iran chuẩn bị “tái tinh lọc uranium phóng xạ cao” nếu EU không cam kết tiếp tục đầu tư, buôn bán với Iran.

Theo nhận định của chuyên gia Clément Therme, thuộc Viện Nghiên cứu chiến lược ở London, nếu doanh nhân châu Âu rút bỏ Iran vì sợ trừng phạt của Mỹ, thì về lâu về dài, Iran là nước bị thiệt hại nặng nhất. Thứ nhất, bởi vì Iran không muốn lệ thuộc vào Trung Quốc.

Thứ hai, nhu cầu lớn nhất của Tehran là mua được công nghệ như Total, Siemens, Airbus của châu Âu và Boeing của Mỹ, những thứ mà Trung Quốc và Nga không có. Trong khi đó, Nga và Trung Quốc chỉ sử dụng mối quan hệ với Iran để gây áp lực khi đàm phán với Mỹ.

Việc đơn phương hủy bỏ hết thỏa thuận này tới hiệp định khác của chính quyền Tổng thống Donald Trump cho thấy điều gì? Theo Jacques de Larosiere, từng lãnh đạo Quỹ Tiền tệ Quốc tế, lý do là các nước không thể đoàn kết chống lại Mỹ. Châu Âu thì quá chia rẽ về mặt thương mại. Trước chính sách bảo hộ mậu dịch của ông Trump, các nước châu Âu thường bị chia rẽ, như những con thỏ bỏ chạy tán loạn, vừa cầu xin rằng những nước khác sẽ lãnh đủ, chứ không phải mình.

Trong khi Tổng thống Pháp từ chối thương lượng dưới sự đe dọa, thì Thủ tướng Đức lại muốn đàm phán riêng lẻ để cứu lấy xuất khẩu của BMW và Mercedes sang Mỹ.

M.T. (tổng hợp)

Nguồn ANTG: http://antg.cand.com.vn/su-kien-binh-luan-antg/cuoc-doi-dau-au-my-vi-iran-se-di-ve-dau-492245/