Cuộc đời cơ cực của 'Nữ hoàng điền kinh chân đất'

'Nữ hoàng điền kinh chân đất' Trần Thị Soa vốn là một nữ thanh niên xung phong, tham gia và trưởng thành từ các giải điền kinh phong trào.

Bà Soa trông xe tại sân vận động của CLB Sông Lam Nghệ An để kiếm thêm thu nhập

Nhưng khi nhắc đến cái tên Trần Thị Soa, ai cũng “khiếp sợ” bởi thành tích toàn vàng, bởi nghị lực sống và cống hiến cho thể thao của bà.

Nữ TNXP bén duyên cùng điền kinh

15h chiều những ngày cuối tháng 6, TP Vinh nắng quay quắt. Trên các con đường, ngõ phố vẫn vắng tanh người qua lại. Ấy vậy mà trên sân CLB Bóng đá Sông Lam Nghệ An (SLNA), một phụ nữ dáng người thấp, đậm đà, làn da đen rám mật vẫn miệt mài quét dọn. Hỏi ra thì già trẻ nơi đây, không cần đến gần cũng trả lời đó là bà Trần Thị Soa (65 tuổi) - huyền thoại một thời của điền kinh Việt Nam với 5 năm liên tục giành 18 huy chương vàng ở các nội dung 800m, 1.500m và chạy Việt dã 3.000m.

Lau những dòng mồ hôi rơi dài trên khuôn mặt khắc khổ, bà Soa kể, sinh và lớn lên ở mảnh đất đầy máu lửa Mỹ Lộc, Can Lộc, Hà Tĩnh. Không may mắn như những đứa trẻ khác, chưa hết tuổi thơ, cô bé Soa đã gặp phải nỗi đau lớn mất mẹ. Là chị thứ 2 trong nhà, Soa phải cáng đáng gánh nặng cùng cha lo cho 3 em còn lại, trong đó em út chỉ mới 8 tháng tuổi. Thương em, thương cha, Soa làm quần quật suốt ngày với đủ thứ việc như chăn trâu, lên núi kiếm củi, cơm nước…

Ngôi nhà cấp 4 lụp xụp ngay phía sau CLB Bóng đá SLNA mà hiện vợ chồng bà Soa, vợ chồng con trai út và các cháu đang ở cũng trầy trật mãi mới có được. Để xây được ngôi nhà này, bà đã phải tranh thủ đi nhặt mót 1.000 viên gạch sau thời gian làm việc trong suốt 2 năm trời, rồi tự mình xây nhà cho cả gia đình.

Năm 1972, khi vừa học hết lớp 7 (tương đương lớp 9 bây giờ), Trần Thị Soa quyết định xếp bút nghiên và nộp đơn xin tham gia vào lực lượng TNXP chống giặc Mỹ. Bà được biên chế về Tổng đội 40, đơn vị P18 đóng quân trên địa bàn các huyện Can Lộc và Đức Thọ thuộc tỉnh Hà Tĩnh. Đơn vị của bà Soa khi đó có nhiệm vụ xây dựng đập Cu Lây và cầu Thọ Tường để kịp thông đường cho xe đưa bộ đội cùng vũ khí, khí tài và lương thực vào chiến trường miền Nam.

Những ngày tham gia phục vụ trên chiến trường ác liệt ấy, Trần Thị Soa đã được các đồng đội phát hiện ra khả năng đặc biệt là chạy rất nhanh. Bà nhớ lại, nhiều khi đang làm đường cho xe qua mà nhận được báo động có máy bay địch oanh kích, bao giờ bà cũng là người chạy nhanh hơn các bạn trong nhóm. Cũng từ đó bạn bè gắn cho cái tên Soa “điền kinh” mà ngay chính bà cũng không ngờ được sau này đã vận luôn vào cuộc đời của mình.

Cuối năm 1972, đơn vị tổ chức thi chạy, ngay lập tức, chị em trong tổ khuyến khích Soa tham gia và bà đã giành giải nhất. Sau đó, bà lại được cử đi thi đấu cấp Tổng đội và lại giành ngôi vị quán quân. Cũng từ đó, Trần Thị Soa liên tục được cử tham dự các cuộc thi điền kinh và lần nào cũng về ngôi đầu. Một năm sau, bà gây tiếng vang lớn khi dành chức vô địch toàn tỉnh nội dung chạy 1.500m.

Nữ hoàng điền kinh Trần Thị Soa ngày còn thi đấu

Huyền thoại vàng với đôi chân trần

Cuối năm 1974, Trần Thị Soa xuất ngũ và chuyển về sinh hoạt, thi đấu cho ngành thể thao tỉnh Nghệ Tĩnh. Cũng trong năm đó bà đại diện cho tỉnh Nghệ Tĩnh tham gia giải Việt dã tiến về Thủ đô tổ chức tại Hà Nội. Do bị chạy nhầm đường nên về đích ở thứ hạng 15, nhưng vẫn được xếp vào top đầu (năm đó, giải tính 15 người đầu để trao giải, những năm sau thì chỉ tính giải nhất - nhì - ba).

Những năm sau, bằng sự nỗ lực không biết mệt mỏi và những tố chất thiên bẩm, Trần Thị Soa đã dệt nên một huyền thoại, một biểu tượng của điền kinh Việt Nam lúc bấy giờ. Trong suốt 6 năm (từ 1975 - 1980), Trần Thị Soa thắng tuyệt đối, không có đối thủ trên các đường chạy 800m, 1.500m và Việt dã 3.000m quốc gia. Thành tích này đã giúp bà 2 lần đứng đầu danh sách 10 VĐV Việt Nam tiêu biểu nhất trong các năm 1978, 1979. Năm 1979, Trần Thị Soa được cử sang Cuba tham gia giải điền kinh thanh niên, sinh viên thế giới. Rồi chính bà cũng là tuyển thủ đầu tiên được ngành Thể thao chọn vào danh sách tham dự Olympic Moscow 1980.

Một điều đặc biệt nữa ở VĐV Trần Thị Soa là dù ở đường chạy cấp tổng đội, cấp tỉnh hay cấp quốc gia, bà đều chạy chân đất. Đây cũng chính là điều khó khăn, bất lợi cho bà khi đến Moscow. Phải mất mấy tháng trời, thông qua một chuyến tập huấn tại Mexico, bà mới có thể chịu được cảm giác đi giày thi đấu. Lần ấy, vì có nhiều thua thiệt nên bà phải dừng chân ở vòng 2. Dẫu vậy thành tích tại lần Thế vận hội cũng phá kỷ lục quốc gia do chính bà lập vào năm 1979.

Kể lại những năm tháng vinh quang, bà Soa cười nói: Thời đó, mang tiếng là vận động viên đi thi đấu nhưng toàn ăn mì hột, chạy chân đất chứ không có thực đơn đầy đủ như bây giờ. Trả lời câu hỏi vì sao lại giữ được thành tích “bất khả chiến bại” trong 5 năm liền, bà Soa bật mí: “Tôi chạy được bền và nhanh là vì khi nhỏ toàn đi rú (đi rừng núi - PV) nhiều nên có thể lực rất tốt. Ngoài ra, lúc trên đường chạy, tôi rất tự tin và luôn khao khát chiến thắng. Đã chạy là không bao giờ muốn về sau mà luôn quyết tâm, bứt phá vượt lên đầu”.

“Thời đó, phần thưởng cho người vô địch chỉ là cân đường, vài mét vải về tặng bố mẹ. Nhưng mỗi lần đứng trên đường đua, tôi đều quyết tâm chiến thắng và dùng mọi sức lực để chạy. Đến nỗi, mỗi lần về đích là bác sĩ phải có mặt để “tiếp sức” bằng máy thở ôxy. Chưa kể, vì chạy bằng chân đất nên mỗi lần chạy xong là 10 ngón chân đều rớm máu, lòng bàn chân phồng lên, rộp xuống không biết bao nhiêu lần da”, bà Soa tâm sự.

Đẫm nước mắt đằng sau ánh hào quang

Khi kể về những năm tháng tiếp theo, giọng bà Soa trầm lại, ánh mắt bà không còn thể hiện niềm vui chiến thắng, thay vào đó là nỗi u buồn. Bà kể, sau khi đi dự thi Olympic Moscow 1980, nhiều HLV muốn bà đi học để về làm HLV điền kinh. Nhưng cuối cùng bà lắc đầu và trở về câu lạc bộ rồi lập gia đình.

Lấy chồng sinh con, cái tên Trần Thị Soa lùi dần vào lãng quên của những ký ức. Khép lại một quá khứ đỉnh cao, những ngày tháng ngọt ngào với những tấm HCV và cờ hoa, bà Soa lao vào lo cuộc sống cơm áo gạo tiền. Bà được phân các nhiệm vụ của một lao công: Nhổ cỏ, tưới nước trên SVĐ TP Vinh; tạp vụ giường, chiếu cho các VĐV…

Số phận vẫn chưa chịu buông tha nhà vô địch. Năm 1981, vợ chồng bà Soa sinh hạ được một bé trai khôi ngô, kháu khỉnh. Những tưởng, con trai sẽ là “cứu cánh” cho bà vượt qua khó khăn gian khổ. Đùng một cái, khi vừa lên 8, con trai đầu của bà ốm thập tử nhất sinh, tứ chi cứ mềm oặt ra rồi teo tóp dần… và cuối cùng nằm một chỗ. Người chồng phải nghỉ việc ở nhà để chăm con, 5 miệng ăn trong gia đình lại đè lên đôi vai gầy và đôi chân trần của bà.

Ngôi nhà cấp 4 lụp xụp ngay phía sau CLB Bóng đá SLNA mà hiện vợ chồng bà cùng vợ chồng người con trai út và các cháu đang ở cũng trầy trật mãi mới có được. Để xây được ngôi nhà này, bà đã phải tranh thủ đi nhặt mót 1.000 viên gạch sau thời gian làm việc trong suốt 2 năm trời, rồi tự mình xây nhà cho cả gia đình.

Giờ đây, con trai lớn không còn nữa; con gái thứ và trai út cũng đã có gia đình, công việc đủ sống. Nhưng, trong bà vẫn còn nỗi lo, niềm day dứt khôn nguôi. “Tôi già rồi, cũng sắp theo tiên tổ, nhưng đến bây giờ tôi vẫn day dứt là căn nhà hiện tại mà cả gia đình đang ở vẫn là đất của tập thể, chưa được tách để làm Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Và biết đâu, một ngày nào đó, các cháu tôi lại bị “đá” ra đường như việc người ta vứt một quả chanh sau khi đã vắt kiệt nước mà tôi đã trải qua trước đây”, bà Soa tâm tư.

Sỹ Hòa

Nguồn Giao Thông: http://www.baogiaothong.vn/cuoc-doi-co-cuc-cua-nu-hoang-dien-kinh-chan-dat-d270173.html