Cuộc đợi chờ toilet

Quyền được đi vệ sinh sạch sẽ là quyền rất cơ bản của con người. Cái còn thiếu, có lẽ là sự tôn trọng khách hàng để đẩy lùi mùi hôi khỏi ngành y.

Tôi được lệnh của mẹ, ép và đưa bạn của bà đến Bệnh viện Đại học Y Dược, TP HCM một ngày cuối năm 2017. Bà đã trì hoãn việc đi khám chỗ đau nhói ở bụng dưới suốt nửa năm trời.

Trong bữa trưa, tôi hỏi: “Cô thấy sao?”. Gương mặt nhăn nheo của bà nở thành nụ cười: “Nhà vệ sinh ở đây sạch quá con ạ! Như li như lau!”.

Câu trả lời có phần lạc đề làm tôi lập tức nhớ lại cái nhà vệ sinh ở bệnh viện huyện nơi bà ở, vài năm trước tôi đã vào thăm một người chị sinh con.

Phòng vệ sinh không được dọn. Vết dơ bám nhiều chỗ ngay bồn vệ sinh và chậu rửa. Các loại giấy thải vứt bừa bãi trên nền chắc đã vài ngày. Bồn rửa tay không có nước. Những phụ nữ như bà thường sống cả đời và sử dụng dịch vụ khám chữa bệnh ở quê. Chính vì thế, khi đến bệnh viện thành phố hôm đó, bà lập tức thấy điều trái ngược có tên “nhà vệ sinh”.

Bạn mẹ tôi có lẽ chỉ là một bệnh nhân vô danh đã vô tình điền vào Báo cáo Chỉ số hài lòng của người bệnh mà Cục Quản lý Khám chữa bệnh (Bộ Y tế) phối hợp với Đại học Indiana (Mỹ) công bố ngày 27/3.

Số điểm mà 3.000 người bệnh nội trú trả lời cho thấy nhà vệ sinh bệnh viện có chỉ số hài lòng thấp nhất, 3,58/5 điểm. Phòng vệ sinh bệnh viện không ai dám vào. Cả tầng nội trú chỉ có hai nhà vệ sinh, không có người dọn dẹp. Phòng vệ sinh không có cửa thông gió, mùi khó chịu quẩn quanh suốt ngày. Ngay cả ở những bệnh viện lớn, rất ít nơi có sẵn giấy trong phòng vệ sinh cho người bệnh.

Người phụ nữ bạn của mẹ tôi không đến bệnh viện huyện vì sợ nếu phải nằm viện thì “gớm chết”. Có lẽ một phần bà bị ám ảnh về khu vệ sinh kinh khủng suốt nhiều chục năm sống ở huyện nghèo. Trên khắp cả nước, ở những phòng khám cấp xã, bệnh viện ở cấp huyện, cơ sở y tế vùng sâu vùng xa, biết bao nơi đã cho mình cái quyền phớt lờ nhu cầu nghiêm trọng của hàng nghìn con người ra vào không gian khám chữa bệnh mỗi ngày?

Nghịch lý khó chịu đó đang tồn tại khiến nhiều người bệnh cảm thấy càng… phát bệnh hơn khi phải đeo khẩu trang, bước qua vũng nước bẩn để giải quyết nhu cầu bình thường nhất, và vật vã khổ sở trong những ngày phải điều trị nội trú.

Bộ Y tế nhận thức được vấn đề đã lâu. Bộ Tiêu chí đánh giá chất lượng bệnh viện của Bộ trưởng Y tế vốn đã nêu rất rõ 5 mức đánh giá cho nhà vệ sinh bệnh viện, từ mức một (không sạch sẽ) cho đến mức 5 (mức tốt nhất, mỗi buồng bệnh có buồng vệ sinh riêng khép kín, bảo đảm có ít nhất một buồng vệ sinh cho 6 giường bệnh).

Trong một hội nghị tháng 8/2016, lời Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến đã được báo chí tường thuật rằng “nếu bệnh viện không xanh, sạch, nhà vệ sinh bẩn thỉu thì giám đốc bệnh viện phải chịu trách nhiệm”.

Đã hai năm trôi qua sau bài phát biểu đó, trong đợt kiểm tra được chính Bộ trưởng trực tiếp tham gia tại Bệnh viện Bạch Mai tháng 1 vừa qua, bà Tiến nhắc lại, rằng nếu không có xà bông rửa tay thì giám đốc, trưởng khoa phải chịu trách nhiệm.

Và trong bản Báo cáo Chỉ số hài lòng vừa công bố, cái nhà vệ sinh đã không thay hình đổi dạng sau hai năm lãnh đạo Bộ nêu rõ người chịu trách nhiệm về sự hôi hám. Nó khiến nhiều nỗ lực mà ngành Y đang cố gắng cải thiện khác nhanh chóng mất điểm chỉ vì nhà vệ sinh. Điều gì đã trì hoãn sự thay đổi cần có?

Có thể những người vận hành bệnh viện vẫn nghĩ rằng người bệnh đến đó chỉ vì mục đích duy nhất là chữa bệnh, và họ chẳng có quyền than phiền về những khó chịu rất “nhỏ bé” đó. Bệnh viện có thể đã quên rằng vô số bệnh có thể lây lan từ nhà vệ sinh với hàng trăm lượt người ra vào mỗi ngày. Hay họ bận rộn vì quá tải đến mức không còn đủ sức nhìn cận cảnh cảm xúc về phẩm giá con người, khi người bệnh từng giờ nằm lay lắt cạnh sự bẩn thỉu, mùi hôi và luôn cố trì hoãn phải bước vào căn phòng bí mật đó. Còn lời phát biểu quy kết trách nhiệm và những cuộc kiểm tra của Bộ trưởng, chúng đã trôi đi đâu?

Nghị quyết 70/169 của Đại hội đồng Liên hợp Quốc công bố năm 2015 từng viết, rằng quyền của con người là “được tiếp cận với hệ thống vệ sinh giá rẻ, được đảm bảo an toàn, vệ sinh, được chấp thuận về mặt văn hóa và xã hội, với riêng tư và tôn trọng phẩm giá”.

Tôi từng đi qua hành lang nhiều bệnh viện, biết rằng họ có nhà vệ sinh cho bệnh nhân riêng, phòng vệ sinh cho nhân viên y tế ở chỗ khác. Một số bệnh nhân “lén lút” tìm cách sử dụng những phòng này, không hôi hám, được lau dọn thường kỳ, có giấy và xà bông.

Có hai loại nhà vệ sinh ở nhiều bệnh viện, điều đó chứng tỏ bệnh viện ấy hoàn toàn có khả năng làm sạch nhà vệ sinh. Nhân viên y tế và bệnh nhân, họ khác gì nhau khi bước vào nhà vệ sinh khi cùng là con người?

Quyền được đi vệ sinh sạch sẽ là quyền rất cơ bản của con người. Cái còn thiếu, có lẽ là sự tôn trọng khách hàng để đẩy lùi mùi hôi khỏi ngành y.

Theo VNE

Nguồn Khỏe 365: http://khoe365.net.vn/cuoc-doi-cho-toilet-p48581.html