Cuộc đời các 'nữ thần sống' ở Nepal sau khi hồi tục

300 năm nay, các bé gái 3-6 tuổi được phong 'nữ thần sống' được người Nepal tôn thờ. Nhưng sau kỳ kinh nguyệt đầu, 'nữ thần' thành người thường, việc thích nghi không hề dễ dàng.

Ở Nepal có những “nữ thần sống” mà người ta có thể tận mắt nhìn thấy. Được biết đến với tên Kumari (công chúa), những nữ thần sống là các bé gái chưa dậy thì và được cho là do nữ thần Durga trong đạo Hindu đầu thai thành. Các Kumari được tôn thờ bởi tín đồ của cả đạo Phật lẫn đạo Hindu - truyền thống kéo dài nhiều thế kỷ và vẫn được tiếp tục cho đến ngày nay. Trong ảnh, nữ thần sống ở thành phố Patan, được lựa chọn tháng 2/2018, chụp ảnh từ phòng thờ tại đền Kumari (cũng là nơi cô ở), thành phố Patan, thung lũng Kathmandu. Ảnh: Maria Contreras Coll.

Không chỉ có một Kumari, nhưng những Kumari quan trọng nhất đến từ Patan và Kathmandu, theo Maria Contreras Coll, nhiếp ảnh gia đã tới Nepal năm 2017 và 2018 để gặp và chụp ảnh những cô gái đang và từng là Kumari. Bà cho biết nhiều lứa trẻ em gái đã được chọn làm Kumari từ ít nhất 300 năm nay. Trong ảnh, cha của nữ thần sống Patan đang trang điểm cho con gái mình trong đền Kumari ở Patan. Ảnh: Maria Contreras Coll.

Một nữ thần mới phong của Patan đang ăn sáng với chị hoặc em mình. “Các em 3-6 tuổi khi được chọn và đến từ cộng đồng Newar, người bản xứ ở thung lũng Kathmandu. Kumari chỉ ở trong đền, chỉ có thể nói chuyện với họ hàng và một giáo viên riêng, và không được phép chạm chân xuống đất”, bà Contreras Coll nói với Washington Post. Ảnh: Maria Contreras Coll.

Trong một lễ hội, những người họ hàng là nam giới đang rước một Kumari mới được lựa chọn tháng 9/2017 ở thủ đô Kathmandu. Samita, 16 tuổi, người từng là một Kumari, nói với nhiếp ảnh gia Contreras Coll: “Phải mất ít nhất một năm mới làm quen được (với việc làm Kumari)”. Ảnh: Maria Contreras Coll.

Người dân tập trung trong lễ hội Rato Machhendranath ở Patan, chờ đón sự xuất hiện của nữ thần sống. Ảnh: Maria Contreras Coll.

Trong một lễ hội ở Patan, những người lính đang diễu hành trước Kumari. Ảnh: Maria Contreras Coll.

Những người họ hàng là nam giới đang rước Unika, người từng là nữ thần sống của Patan, đến ngôi đền nơi em ở. Unika, 11 tuổi, nói với nhiếp ảnh gia Contreras Coll rằng trong thời gian làm Kumari, “điều em thích nhất là làm người khác vui”. Ảnh: Maria Contreras Coll.

Đồ cúng còn sót lại từ những người đến lễ hội Gai Jatra để tận mắt chứng kiến Kumari của thủ đô Kathmandu. Ảnh: Maria Contreras Coll.

Các Kumari không còn là nữ thần sống “vào ngày mà các cô gái có kỳ kinh nguyệt đầu tiên”, theo bà Contreras Coll. “Trong văn hóa Nepal, máu kinh nguyệt bị cho là ô uế, làm mất sự thiêng liêng. Ngay cả nữ thần cũng bị nhìn nhận khác đi sau khi bắt đầu có kinh nguyệt”. Trong ảnh, mẹ của Unika đeo khuyên tai cho cô gái từng là nữ thần để chuẩn bị đi học. Khi Unika làm Kumari, cha mẹ của em thực hiện nghi lễ pujas mỗi ngày (cúng các vị thần) và tiếp đón các tín đồ đến từ khắp cả nước. Ảnh: Maria Contreras Coll.

Việc chuyển sang cuộc sống bình thường không hề dễ dàng. “Những điều giản đơn như đến trường mới đầu có thể choáng ngợp. Lần đầu tiên trong đời, các em phải tập chơi với bạn bè và sống như người trần mắt thịt”, bà Contreras Coll nói với Washington Post. Như Sumita nói với bà, một ngày em được coi là nữ thần, đến ngày hôm sau em chỉ là “người bình thường học cách đi xe bus”. Trong ảnh, Unika đến trường cùng các chị em ở Patan. Ảnh: Maria Contreras Coll.

Matina (giữa), cũng từng là Kumari, đang ôn thi cuối kỳ ở Patan. Ảnh: Maria Contreras Coll.

Unika cùng bà và cả gia đình trên đường đi lễ ở đền. Ảnh: Maria Contreras Coll.

Unika chơi với các chị em trong một buổi tiệc của gia đình. Ảnh: Maria Contreras Coll.

Nguồn: Zing News

Nguồn Khỏe Plus: https://khoeplus24h.vn/kham-pha/cuoc-doi-cac-nu-than-song-o-nepal-sau-khi-hoi-tuc-d397341.html