Cuộc đời bi thương của Hoàng đế đoản mệnh nhất nhà Thanh

Trong 12 vị Hoàng đế nhà Thanh, hôn quân rất ít, nhưng Đồng Trị là một trong số đó. Ông sống một cuộc đời ngắn ngủi, nhưng cuộc đời ngắn ngủi này lại rất bi thương.

Chân dung Hoàng đế Đồng Trị.

Chân dung Hoàng đế Đồng Trị.

Các Hoàng đế cổ đại luôn theo đuổi khát vọng trường sinh bất tử để có thể duy trì sự thống trị vĩnh cửu của mình. Vào thời nhà Thanh, Càn Long là Hoàng đế sống thọ nhất với 88 tuổi. Hoàng đế đoản mệnh nhất chính là Đồng Trị, con trai của Từ Hi Thái hậu, qua đời khi mới 19 tuổi.

Không thể không cảm thấy tiếc thương cho Đồng Trị khi băng hà quá sớm. Tuy nhiên thực tế, Đồng Trị không đủ tư cách để làm một Hoàng đế. Ông được thừa kế ngai vàng khi mới 6 tuổi, nhưng không có bất kỳ thành tựu nào trong thời gian trị vì và cũng không có đóng góp gì cho triều đại.

"Trong tay" của người mẹ Từ Hi Thái hậu, Hoàng đế Đồng Trị không có lúc nào nghĩ về chính trị, mà dành toàn bộ thời gian và sức lực của mình để vui chơi.

Hình ảnh Hoàng đế Đồng Trị lên ngôi khi mới 6 tuổi và Từ Hi Thái hậu nhiếp chính phía sau.

Trong số 12 vị Hoàng đế triều đại nhà Thanh, hôn quân rất ít, nhưng Đồng Trị là một trong số đó. Ông sống một cuộc đời ngắn ngủi, nhưng cuộc đời ngắn ngủi này lại rất bi thương.

Khi còn nhỏ, cha ông là Hoàng đế Hàm Phong đã qua đời, Đồng Trị nhận sự giáo dục nghiêm khắc của sư trưởng Miên Du và 4 sư phó nổi tiếng do đích thân Từ Hi tuyển chọn. Họ nhồi nhét Hoàng đế đủ loại kinh sách, từ bài học trị dân trị nước đến đạo làm người, sức ép từ việc học cũng như thiếu đi tình yêu thương của cha mẹ khiến Đồng Trị cảm thấy cô đơn, chán nản rồi sinh ra ích kỷ và lười biếng.

Vì thế, thời thơ ấu ngắn ngủi của Đồng Trị hầu như không có những ký ức tốt đẹp, thế giới trong mắt Hoàng đế đã bị biến dạng và ông phải đối mặt với thế giới này theo cách cực đoan của riêng mình.

Vì ham muốn kiểm soát quyến lực của Từ Hi Thái hậu, mối quan hệ giữa Hoàng đế Đồng Trị và mẹ không còn được hòa thuận, và gần như không có sự giao tiếp. Thay vào đó, ông lại với Từ An Thái hậu lại giống như tình mẹ con hơn. Thế nên, Từ Hi Thái hậu, người có lòng rất tự tôn rất cao đã rất ghen tị và tức giận sau khi chứng kiến sự việc như vậy. Kể từ đó, bà bắt đầu quản thúc giám sát Hoàng đế Đồng Trị ở khắp mọi nơi. Miễn là Hoàng đế Đồng Trị muốn làm, Từ Hi Thái hậu đều ra tay ngăn chặn.

Điển hình là khi Đồng Trị độc sủng một mình A Lỗ Đặc Hoàng hậu và xa lánh Phú Sát Tuệ phi vì nghĩ nàng là tai mắt của Từ Hi Thái hậu. Đồng thời A Lỗ Đặc lại có mối quan hệ họ hàng với Từ An Thái hậu, nên Từ Hi vô cùng tức giận và hạ chỉ cấm Đế - Hậu được ở cùng nhau.

Cuộc đời ngắn ngủi của Hoàng đế Đồng Trị bị kiểm soát bởi quyền lực của Từ Hi Thái hậu và kết thúc trong đau đớn bệnh tật.

Cảm thấy thất bại và bất lực trong việc điều hành quốc gia cũng như không thể làm chủ hậu cung, Đồng Trị bắt đầu tìm kiếm những thú vui bên ngoài Tử Cấm Thành.

Theo các ghi chép lịch sử, Hoàng đế Đồng Trị chết vì bệnh đậu mùa, nhưng bệnh trạng của ông tại thời điểm qua đời lại không phù hợp với điều này.

Trong "Thanh thực lục" ghi lại, phần dưới cơ thể của Đồng Trị lở loét nặng và bốc mùi. Chính sử không chép lại chi tiết này là vì muốn bưng tai bịt mắt thế nhân để tránh làm mất mặt hoàng thất, bởi suy cho cùng, danh dự của hoàng gia là vô cùng quan trọng với một đất nước. Còn các triệu chứng cho thấy, Đồng Trị đã bị mắc bệnh giang mai không có thuốc chữa.

Cái chết của Đồng Trị cũng là cái chết có nguyên nhân "đáng cười" nhất trong các Hoàng đế nhà Thành. Tuy nhiên, lý do khiến ông thích tìm hoa vấn liễu như vậy không thể không liên quan tới Từ Hi Thái hậu.

Nếu Đồng Trị không phải trải qua tuổi thơ cô đơn thiếu thốn, không phải sống dưới sự ham muốn quyền lực của người mẹ, không phải sinh ra trong dòng tộc Ái Tân Giác La không có tự do, thì ông đã không phải vị Hoàng đế bất hạnh nhất, đoản mệnh nhất và nguyên nhân băng hà "đáng cười" nhất của triều đại nhà Thanh.

Theo Hoa Vũ/Đời Sống Pháp Luật

Nguồn Tri Thức & Cuộc Sống: http://kienthuc.net.vn/kho-tri-thuc/cuoc-doi-bi-thuong-cua-hoang-de-doan-menh-nhat-nha-thanh-1402499.html