Cuộc đời bé nhỏ

Ngớt mưa, chúng tôi lập tức đến huyện Trà My (Quảng Nam), bởi nơi ấy vừa xảy ra thảm họa, sạt núi làm chết, mất tích 12 người. Lũ bắt đầu rút từ đêm qua, nhưng vẫn còn mấp mé hai bên quốc lộ. Mới chỉ quá TP.Đà Nẵng chừng 10 cây số, giao thông đã tắc hoàn toàn.

Hiện trường vụ sạt núi ở Trà My.

Chúng tôi vòng lại, lên đường cao tốc. Nhìn từ trên cao, ruộng vườn, nhà cửa vẫn nửa nổi nửa chìm trong nước đỏ. Những cánh tay chới với trên nóc nhà, chìa ra đón nhận gói mì tôm, chai nước lọc từ các đoàn cứu trợ. Những chỗ nước mới rút, nền nhà ngập ngụa trong phù sa… Xa xa, đám tang đưa vội qua đồng, đoàn người rồng rắn đầm mình khiêng áo quan, tang chế đẫm nước, xộc xệch. Họ lo nước lũ lại dâng cao đến quên khóc thương người quá cố...

Mùa đông ở miền Trung luôn gắn với lũ lụt triền miên, nối tiếp nhau những hình ảnh tang thương. Khó so sánh được mất mát, không tả hết nỗi đau. Nhưng tàn nhẫn nhất là lúc trời đang sập xuống, đất nhão ra, núi sạt, nhà sập, người bị vùi mất tích… thì bỗng đâu bục ra tiếng la “vỡ thủy điện Sông Tranh 2”. Tin như sấm sét. Quan dân như đàn kiến. Kẻ vọt lên đồi, người lao xuống dốc. Thấy đám đông chạy lối nào, người ta cuốn theo lối đó, bất kể lên đồi hay xuống lũng.

Ông Trần Anh Tuấn - Chủ tịch UBND huyện Bắc Trà My - cho biết: Thủy điện Sông Tranh 2 là quả bom nước gần 1 tỉ mét khối, treo trên độ cao 100m, vốn làm dân Trà My khốn khổ vì liên tiếp xảy ra động đất, rò rỉ nước qua thân đập mấy năm nay.

Tin vỡ đập truyền miệng trong lúc trời đất không phân biệt được âm dương khiến người người đều hoảng loạn. Tín - một chủ quán ăn ở thị trấn Trà My - nhớ lại: “Lúc đó, đoàn công tác Chính phủ đang thị sát vùng lũ, còi xe hú gấp gáp hệt như còi báo động, loa phát thanh thị trấn kêu gọi dân chúng trấn tĩnh trước nguồn tin thất thiệt, nhưng mưa gió đã biến thành câu được câu chăng, người ta càng nghĩ là chính quyền loan tin, kêu gọi dân chạy nạn… Tôi cũng lao về nhà, chỉ kịp ôm chặt đứa con nhỏ mà tháo thân theo dòng người.

Lên đến hội trường UBND huyện trên đồi, rất nhiều người sực nhớ chưa khóa cửa. Một nông dân rên rỉ vì trót bỏ lại chiếc xe máy SH vừa mua. Một chủ hiệu kim hoàn co ro, mặt mày tái xanh bởi lo đốc thúc bố mẹ cùng chạy, không ôm theo được mấy chục cây vàng. Dân phố Đàn Bộ đã bỏ lại 5 thi thể người dân vừa tìm được trong vụ sạt núi...”.

Giờ thì cuộc sống tạm yên hàn trở lại, chính quyền họp lên họp xuống rút kinh nghiệm. Còn dân chúng thì hối hả dọn dẹp đổ nát và giúp nhau dựng lại nhà cửa. Cuộc chạy loạn bởi tin vịt trở thành câu chuyện bi hài.

Nhiều người Trà My nhận ra rằng, chỉ có sinh mạng, tình người là quý giá nhất. Khi đối mặt hiểm nguy, cận kề với cái chết, người ta dùng hết sức lực bản năng, rướn vượt để thoát thân. Nhà lầu, ôtô, cả bằng giả, bằng thật, bao của cải lợi danh, vương vấn đời thường… đều bị bỏ lại. Mới hay, túi càn khôn chẳng chứa được nỗi sợ.

Nếu thật thiên nhiên cuồng nộ tước sạch của cải, chỉ tha mạng sống cho con người, thế gian lúc ấy sẽ ra sao?

Tôi nhớ câu ngạn ngữ có vẻ như ngớ ngẩn, “Khi cưỡi một con ngựa đẹp, hãy nhớ đó chỉ là con ngựa đẹp”, giờ mới thật thấm thía. Chợt bật cười.

THANH HẢI

Nguồn Lao Động: https://laodong.vn/chuyen-doc-duong/cuoc-doi-be-nho-580320.ldo