Cuộc đời bất hạnh của người mẹ đơn thân nuôi 4 con thơ bên mé sông Hồng

Bên mé sông Hồng, dưới chân cầu Long Biên không chỉ có cái vẻ yên bình và trầm mặc mà còn có những số phận, những cảnh ngộ đặc biệt. Ở đó, có một căn trọ nhỏ, là nơi trú ngụ của 5 mẹ con bà Phạm Thị Lĩnh.

Quá khứ đau buồn

Lần theo con ngõ 125, Phúc Xá, Ba Đình, Hà Nội, chúng tôi tìm về một xóm trọ nghèo ven bờ sông Hồng. Đây là nơi cư trú của hơn chục gia đình tha hương tứ xứ nhưng tụ chung lại bởi “chẳng có chỗ nào rẻ hơn”. Cả cái xóm trọ này, không ai là không biết đến gia đình của bà Lĩnh. Khóe mắt với nhiều vết chân chim hằn rõ nhiều biến cố, bà mời chúng tôi những cốc nước vối vừa pha rồi kể cho chúng tôi nghe về câu chuyện cuộc đời mình.

Bà Lĩnh xúc động kể lại cuộc đời buồn của mình

Bà Lĩnh xúc động kể lại cuộc đời buồn của mình

Bà là Phạm Thị Lĩnh, sinh năm 1965, quê gốc tại Bắc Giang. Tuổi thơ đầy tủi nhục, bà đã bỏ nhà ra đi biệt xứ. Từ đó, 34 năm tiếp theo của cuộc đời bà là những bất hạnh, truân chuyên với nhiều biến cố. Để kiếm miếng cơm manh áo, cuộc đời bà phải phiêu bạt nay đây mai đó. Mãi đến năm 1986, bà mới về Hà Nội. Cũng tại đây, bà và ông Nguyễn Hữu Minh (sinh năm 1952, quê Bắc Ninh) đã gặp nhau. Chẳng học thức, chẳng quen thân và cũng chẳng có một chút vốn liếng cầm tay, họ chọn xóm thuyền bên mé sông Hồng là bến đỗ cho những ngày tiếp theo của cuộc đời mình.

Năm 1989, người con đầu lòng của bà ra đời. Trong đói nghèo, đứa con là động lực lớn để hai vợ chồng bà cố gắng làm lụng, chắt chiu với hy vọng con cái sẽ có một tương lai khác với mình. Tuy nhiên, đứa trẻ bị chảy máu rốn lúc 15 ngày tuổi. Tròn ba tháng sau, bác sĩ chuẩn đoán con bị mắc bệnh viêm màng não. Năm 6 tuổi, đứa con lại sốt xuất huyết, tiền bạc vốn đã chẳng có lại phải dồn vào việc khám chữa cho con.

Năm 1992, bà sinh người con thứ hai là Nguyễn Thị Thu. Tiếp đó, các em của Thu lần lượt chào đời là Nguyễn Thị Thủy (sinh năm 1994), Nguyễn Hữu Hải (sinh năm 1996), Nguyễn Thu Hà (sinh năm 1998). Đông con, vợ chồng bà cần mẫn lao động bằng nhiều nghề từ đun đốt lò bễ cho đến làm cửu vạn ở chợ Long Biên. Với ông bà, tiếng cười trong trẻo của đàn con thơ đôi khi chính là liều thuốc bổ tinh thần giúp vượt qua khó khăn.

Thế nhưng, họa vô đơn chí, không lâu sau đó, ông Minh bị tai biến. Ông liệt nửa người, kéo theo bệnh thần kinh bất ổn định, lúc nhớ lúc quên. Bà cố gắng chạy chữa khắp nơi nhưng đành bất lực. Kể đến đây, giọng bà nghẹn đắng lại. Những dòng nước mắt chỉ trực tràn ra và lăn trên gò má của người đàn bà khắc khổ. Chồng mất khả năng lao động, một mình bà bươn chải để nuôi nấng đàn con.

Bà Lĩnh chia sẻ: “Các con còn nhỏ, chồng thì bại liệt, không biết bấu víu vào ai, nhiều lúc quẫn, tôi nghĩ đến cái chết nhưng rồi lại thương con nên tự nhủ bản thân phải sống”.

Do lao động nặng nhiều, bà bị bệnh chệch khớp đầu gối. Không có tiền chạy chữa, bà cứ lặng lẽ chịu đau đớn. Có lần, đau quá không đi nổi, bà phải bò lê bò lết về nhà. Năm 2003, tin dữ ập đến, bà như người chết đi sống lại, chồng bà dắt đứa con trai bỏ nhà ra đi. Nhớ lại bà than thở: “Số không vẫn hoàn không, làm bao nhiêu đều đổ sông, đổ biển”.

Những tháng ngày sóng gió

Từ ngày gia đình chia ly, bà Lĩnh đi tìm chồng con khắp nơi nhưng vẫn bặt vô âm tín. Phần vì gia cảnh khốn khó, phần vì con thơ nheo nhóc nên bà không có điều kiện đi tìm tiếp. Bà quyết định bám trụ ở xóm thuyền với hy vọng một ngày nào đó, chồng và con trai sẽ trở về.

Ở dưới mé sông, con thuyền nhỏ của bốn mẹ con bà Lĩnh chênh vênh trên mặt nước, cứ gió mạnh là rung lắc dữ dội, như muốn vỡ ra. Ánh mắt bà nhìn xa xăm như đang hồi tưởng về một điều gì đó. Bà bảo: “Lúc ở nhà, bà trằn trọc không ngủ được vì sợ thuyền lật. Lúc đi làm thì lại lo lắng vì sợ vắng mẹ các con ngã xuống sông”.

Bà Lĩnh ngậm ngùi: “Có lần đi làm về, thấy mặt con đứa nào cũng lấm lem, nồi cơm nửa sống, nửa chín mà thương con đến nhói lòng. Năm 2002, suýt nữa tôi mất đi đứa con của mình. Đứa con lớn nhất vừa tròn 12 tuổi và đứa bé nhất được 12 tháng tuổi đang chơi trên thuyền. Đứa em đánh rơi cái vung nồi xuống sông thì nhảy xuống nhặt. Đứa lớn thấy em ngã vội nhảy xuống cứu nhưng cả hai đứa đều không biết bơi. Cũng may mà hàng xóm cứu kịp”. Từ đó, bà Lĩnh không dám đi kiếm ăn xa, chỉ dám quanh quẩn ở nhà, ai kêu gì làm đó, chịu đựng nuôi con.

Được sự giúp đỡ của một người hàng xóm, bà Lĩnh chuyển qua làm nghề luộc gà. Thế nhưng bà bị đau chân nên tiền chữa chạy rất tốn kém. Mỗi ngày, bà phải tiêm 2 mũi. Chi phí thuốc thang hàng tháng đến cả triệu đồng. Nhiều hôm, cơn đau buốt lên tận lưng, bà lại nằm khóc một mình.

Chúng tôi hỏi lý do bà không đi thêm bước nữa, bà thẳng thắn: “Lúc khó khăn tôi chỉ nghĩ đến việc làm sao để có tiền nuôi các con còn niềm riêng khép lại”.

Khi được chúng tôi hỏi về lý do không trở về quê nhà mà lại chọn đi phiêu bạt mưu sinh, bà Lĩnh buồn bã kể: “Bố tôi là một người nóng tính, khó lòng tha thứ cho lỗi lầm của người khác. Cứ mỗi lần có ý định khăn gói hồi hương hay những ngày Tết đến là tôi lại nhớ về những ký ức cay đắng của tuổi thơ mà không muốn về nữa".

Mấy năm trước, nghe tin bố mất, bà vội vàng trở về và chỉ còn có thể gặp lại người mẹ của mình trong những dòng nước mắt sau đúng 30 năm biệt ly. Tết này, bà cũng sẽ không về. Thêm một cái Tết nữa mẹ con bà ở lại xóm nghèo lênh đênh sông nước đón năm mới sang!

Huy Hoàng - Bích Ngọc

Nguồn GĐ&XH: http://giadinh.net.vn/xa-hoi/cuoc-doi-bat-hanh-cua-nguoi-me-don-than-nuoi-4-con-tho-ben-me-song-hong-20190131143733161.htm