Cuộc diễu binh độc nhất vô nhị trên Quảng trường Đỏ

Chỉ vài ngày sau khi nước Đức Quốc xã kí văn kiện đầu hàng vô điều kiện (9/5/1945), nhà lãnh đạo I. V. Stalin yêu cầu Bộ Tổng tham mưu Xô-viết tổ chức một cuộc diễu binh thật đặc biệt mừng chiến thắng.

Diễu binh trên Quảng trường Đỏ (Ảnh: EPA)

Diễu binh trên Quảng trường Đỏ (Ảnh: EPA)

“Làm sao để đại diện tất cả các phương diện quân, các quân binh chủng đều được tham gia”, Tổng Tư lệnh tối cao chỉ thị.

Ngày 24/5/1945, Bộ Tổng tham mưu báo cáo kế hoạch diễu binh. Tham gia cuộc diễu binh sẽ có 10 trung đoàn hỗn hợp đại diện cho 10 phương diện quân và hải quân, cùng với các học viện, trường quân sự và các đơn vị thuộc Quân khu Moscow. Mỗi trung đoàn hỗn hợp có trên 1.000 người, mang theo 36 lá cờ truyền thống của các đơn vị xuất sắc nhất.

Lá cờ Chiến thắng từng phấp phới tung bay trên nóc tòa nhà Quốc hội Đức sẽ đi đầu, do chính những cán bộ, chiến sĩ đã cắm là cờ ấy trên thủ đô nước Đức cầm đi và hộ tống…

Tổng Tư lệnh tối cao về cơ bản nhất trí với kế hoạch của Bộ Tổng tham mưu, duy có đề xuất lùi thời gian diễu binh để kịp làm các công tác chuẩn bị là ông không đồng ý.

Đúng một tháng, ngày 24/6, phải tiến hành lễ diễu binh - Stalin chỉ thị và nói tiếp: Chiến tranh chưa chấm dứt mà Bộ Tổng tham mưu đã chuyển sang lối làm việc thời bình. Còn việc này nữa: mang theo cả những lá cờ của bọn phát xít trong cuộc diễu binh và đem ném một cách nhục nhã xuống dưới chân những người chiến thắng, các đồng chí suy nghĩ xem nên làm như thế nào.

Cuối cùng, theo các đồng chí thì ai sẽ chỉ huy diễu binh và ai là người tiếp nhận lễ duyệt binh?

Mọi người yên lặng vì biết chắc là Stalin đã tự mình quyết định đâu vào đấy cả rồi, chỉ hỏi lấy lệ thôi. Đúng vậy, sau vài phút im lặng đi lại với cái tẩu nổi tiếng trong tay, Tổng Tư lệnh tối cao dừng lại tuyên bố:

Người nhận lễ duyệt binh là Zhukov, còn người chỉ huy diễu binh là Rokossovsky.

Ngày 10/6, các trung đoàn tham gia diễu binh đã có mặt tại Moscow và bắt đầu tập dượt. Một con ngựa bạch được chọn cho Nguyên soái Zhukov, một con ngựa ô cho Nguyên soái Rokossovsky. Cả hai ông đều là những kị sỹ lão luyện nên hầu như không phải tập dượt gì cả. Thời gian chủ yếu, hai vị nguyên soái dành xem xét toàn bộ nghi lễ và đặc biệt chú ý tới những lá cờ chiến đấu cũng như cách cầm cờ của các trung đoàn khi tiến vào Quảng trường Đỏ. Vì, tất cả 360 lá cờ ấy đều thấm máu đào của các chiến sĩ Hồng quân trong các trận đánh, đều đã trải qua chặng đường cực kỳ gian khổ cho đến ngày toàn thắng.

Sáng 19/6, tại sân bay Berlin, Đại tá F. Lisitsin – Chủ nhiệm Chính trị Tập đoàn quân Xung kích số 3 (Phương diện quân Belorussia I)long trọng trao Lá cờ Chiến thắng cho những người từng cắm nó trên nóc tòa nhà Quốc hội Đức là Trung sỹ Kantarya, Trung sỹ Egorov cùng Đại úy Samsonov, Đại úy Neustroyev và Thượng sỹ Sianov, tất cả đều là Anh hùng Liên Xô. Cũng trong ngày hôm ấy, họ về đến Moscow và được Đội danh dự đón tại sân bay.

Từ sáng sớm 24/6, tại Moscow, trời mưa rả rích, nhưng tất cả đều phấn khởi và xúc động trước tính chất đặc biệt của sự kiện sắp diễn ra. Trong toàn bộ lịch sử các LLVT Liên Xô, trong lịch sử 8 thế kỷ của Quảng trường Đỏ chưa bao giờ được chúng kiến cuộc diễu binh như hôm nay.

Đúng 9 giờ 45 phút, những đợt sóng vỗ tay lan khắp quảng trường, chào mừng các vị lãnh đạo, các vị tướng lĩnh và đại diện các tầng lớp nhân dân bước lên lễ đài Lăng Lenin. Nguyên soái Rokossovsky đứng ở vị trí riêng, sẵn sàng bước ra đón Nguyên soái Zhukov.

Chuông đồng hồ Điện Kremlin điểm đến tiếng thứ mười, khẩu lệnh “Nghiêm!” vang lên. Tiếng vó ngựa khua rộn trên nền đường, tiếng Nguyên soái Rokossovsky báo cáo, rồi tiếng nhạc trọng thể vút lên cao, lan ra khắp quảng trường.

Bắt đầu duyệt binh. Các trung đoàn hỗn hợp hô “ura” vang dậy đáp lời chào mừng của Nguyên soái Zhukov. Khi hai vị nguyên soái cùng trở về lễ đài Lăng thì tiếng “ura” cứ thế vang theo. Tiếp đó, dàn nhạc gồm 1.400 người tiến vào quảng trường và cử bài “Vẻ vang thay nhân dân Nga”.

Nguyên soái Zhukov đọc một bài diễn văn ngắn, chúc mừng thắng lợi tất cả những người có mặt. Bài diễn văn được truyền đi khắp thủ đô Moscow, khắp cả nước và tới cả các đơn vị Hồng quân đang đóng ở Đức, Ba Lan, Tiệp Khắc, Hungary, Rumany, Nam Tư, Viễn Đông…

Các trung đoàn hỗn hợp bắt đầu diễu binh, theo thứ tự bố trí các phương diện quân đóng từ bắc xuống nam, xen kẽ là Trung đoàn quân đội Ba Lan. Đoàn quân nhạc khổng lồ cử những khúc quân hành theo nhịp bước của các đoàn quân diễu qua.

Khi trung đoàn hỗn hợp cuối cùng vừa ra khỏi quảng trường, âm thanh đang dồn dập bỗng im bặt, tất thảy mọi người tưởng như nghe rõ tiếng tim mình đang đập. Rồi giữa im lặng sâu lắng ấy bỗng vang lên một hồi trống. Một đoàn quân xuất hiện trên quảng trường mang theo 200 lá cờ thu được của quân phát xít, những ngọn cờ chúc xuống mặt đường.

Đi qua Lăng Lenin, các chiến sĩ dừng lại, quay sang phải và vứt mạnh những lá cờ đáng ghét ấy xuống mặt đá sũng nước của quảng trường. Khắp quảng trường vang lên những tràng vỗ tay cùng những tiếng “ura” vang dậy. Tiếng trống vẫn đổ hồi liên tục, và trước Lăng Lenin, đống cờ nhục nhã cứ cao dần lên mãi.

Xong, tiếng quân nhạc lại vang lên khi các đơn vị thuộc các học viện, nhà trường, quân khu Moscow, các đơn vị kị binh, pháo binh, xe tăng diễu qua lễ đài.

Cuộc diễu binh kéo dài hai tiếng đồng hồ. Mưa như trút nước, nhưng hàng nghìn người đứng chật Hồng trường dường như không để ý đến. Tuy nhiên, vì thời tiết xấu nên phần diễu hành của các tầng lớp nhân dân Thủ đô phải rút ngắn.

Tối đến trời tạnh hẳn, phố xá Moscow lại tưng bừng không khí lễ hội. Những lá cờ đỏ thắm phấp phới trong ánh đèn sáng rực, những pano in hình huân chương Chiến Thắng lấp lánh giữa trời. Trên các quảng trường đều có biểu diễn văn nghệ, các dàn nhạc cử hành cho người dân nhảy múa đến tận đêm khuya.

Nguyên Phong

Nguồn VietnamNet: https://vietnamnet.vn/vn/the-gioi/cuoc-dieu-binh-doc-nhat-vo-nhi-tren-quang-truong-do-650583.html