Cuộc điện thoại muộn của ông Biden với Thomas Friedman và mục tiêu tái thiết nước Mỹ

Tổng thống đắc cử của Mỹ, ông Biden coi việc phục hồi nền kinh tế cũng như đầu tư vào các lĩnh vực then chốt và các nhóm cử tri bị lãng quên là vấn đề trọng yếu. Việc khôi phục các liên minh nước ngoài cũng là điều quan trọng.

Ông Biden: "Có rất nhiều việc phải làm và tôi chỉ tập trung vào việc hoàn thành một số việc càng nhanh càng tốt”. (Nguồn: NYT)

Ông Biden: "Có rất nhiều việc phải làm và tôi chỉ tập trung vào việc hoàn thành một số việc càng nhanh càng tốt”. (Nguồn: NYT)

Tổng thống đắc cử Joe Biden tỏ ra vui vẻ trong cuộc trò chuyện qua điện thoại kéo dài một tiếng đồng hồ với tác giả bài viết (Thomas Friedman - cây bút kỳ cựu về đối ngoại của tờ New York Times). Ông Biden xin lỗi vì đã gọi điện muộn. Ông đang theo dõi những tin tức mới nhất liên quan đến việc Bộ trưởng Tư pháp William Barr vừa thông báo Bộ Tư pháp Mỹ không phát hiện ra bất kỳ gian lận đáng kể nào có thể ảnh hưởng đến kết quả của cuộc bầu cử tổng thống.

Ông cũng nói nhiều về cách ông dự định tiếp cận thủ lĩnh phe đa số tại Thượng viện Mitch McConnell và các đồng nghiệp thuộc đảng Cộng hòa để Thượng viện thông qua các cho các vị trí trong nội các cũng như chương trình nghị sự của ông nhiều nhất có thể; về việc ông dự định sẽ tái định hình chiến lược Mỹ-Trung ra sao; và lý do gì khiến ông sẵn sàng trở lại thỏa thuận hạt nhân Iran nếu Iran cũng làm như vậy và chấm dứt các lệnh trừng phạt của Tổng thống Donald Trump đối với Iran.

Tác giả đặt ra một câu hỏi một mang tính cá nhân: Ông cảm thấy như thế nào khi đắc cử tổng thống trong hoàn cảnh kỳ lạ như vậy – giữa một đại dịch chết người và cơn bão thông tin tuyên truyền về kết quả bầu cử? Biden trả lời: “Tôi cảm thấy mình đã làm được điều gì đó có ích cho đất nước ... Nhưng đã không có giây phút phấn khích nào diễn ra. Nó khiến tôi nhớ lại những gì đang xảy ra với tất cả các đứa cháu của tôi. Anh biết đấy, cháu gái tôi tốt nghiệp Đại học Columbia loại ưu, nhưng không có buổi lễ trao bằng nào, mà chỉ có một buổi lễ trực tuyến với tôi là diễn giả chính. Những sinh viên này sắp tốt nghiệp mà không có được một bữa tiệc ăn mừng. Đấy là một trong những giây phút như thế. Có rất nhiều việc phải làm và tôi chỉ tập trung vào việc hoàn thành một số việc càng nhanh càng tốt”.

Một gói kích thích kinh tế hào phòng

Biden lưu ý rằng ông có thể giải quyết được chính xác bao nhiêu vấn đề phụ thuộc nhiều vào hai yếu tố. Một là các nghị sĩ đảng Cộng hòa tại Thượng viện và Hạ viện sẽ hành xử như thế nào khi ông Trump thực sự không còn nắm quyền. Hai là cách hành xử của McConnell nếu ông ấy tiếp tục kiểm soát Thượng viện.

Ưu tiên hàng đầu, theo lời ông Biden, là thúc đẩy một gói kích thích kinh tế hào phóng để Quốc hội thông qua, ngay từ trước khi ông nhậm chức. Mỹ sẽ chuốc lấy tổn thất kinh tế lâu dài nếu không tìm cách giải quyết vấn đề trong bối cảnh hơn 10 triệu người Mỹ đang lo lắng xoay xở cho khoản trả góp thế chấp nhà sắp đến kỳ thanh toán và số lượng những người không có khả năng trả tiền thuê nhà đã gia tăng đáng kể.

Theo Biden, tình trạng không có việc làm trong một thời gian dài sẽ khiến việc quay trở lại lực lượng lao động càng trở nên khó khăn hơn rất nhiều. Nhiều người đang đánh mất cơ hội trong những năm tới. Điều này cũng đúng khi trẻ em không tới trường trong một thời gian dài. Chúng không chỉ mất một học kỳ, mà đôi khi còn tụt lại đằng sau 2-3 năm.

Ông nhấn mạnh rằng một gói kích thích kinh tế hào phóng sẽ thực sự tạo ra tăng trưởng kinh tế mà không gây thiệt hại tài chính trong dài hạn nếu trong tương lai, mọi người đều đóng góp một cách công bằng - có nghĩa là không có lý do gì mà những người có thu nhập cao nhất không phải chịu mức thuế 39,6%, vốn được áp dụng vào thời kỳ đầu của Chính quyền Bush. Và cũng không có lý do gì mà 91 công ty trong danh sách Fortune 500 chỉ phải đóng thuế ở mức 0.

Nhưng câu hỏi lớn là liệu Biden có thể thúc đẩy đề xuất này vượt qua rào cản magn tên McConnell trong nay mai nếu đảng Cộng hòa tiếp tục nắm giữ Thượng viện hay không. Nhiều thượng nghị sĩ đảng Cộng hòa có thể quyết định sẽ quay trở lại lập trường quyết liệt ủng hộ chống thâm hụt ngân sách dưới thời Tổng thống Biden, sau 4 năm chi tiêu thiếu kiểm soát dưới thời Trump, mà đã đẩy nợ công lên mức cao kỷ lục.

Ông Biden cho biết: “Cũng cần phải nói rằng có một số việc mà mọi người cho là bất khả thi khi McConnell còn kiểm soát Thượng viện, nhưng tôi đã có thể làm được điều đó với sự hợp tác của ông ấy. Tôi đã có thể thuyết phục họ tăng thuế đối với tầng lớp giàu có”.

Ông cho rằng phải có những sự đánh đổi và không phải cứ thỏa hiệp là phải từ bỏ nguyên tắc. Ông và McConnell hiểu nhau rất rõ. Ông không yêu cầu McConnell phải tự làm khó mình để có được một thỏa thuận. Đồng thời, nếu các thành viên đảng Cộng hòa rõ ràng muốn bất chấp tất cả chỉ để cản trở Chính quyền Biden thành công, thì điều đó có thể có tác động đến triển vọng tranh cử của đảng Cộng hòa vào năm 2022.

Với nhiều kinh nghiệm trên chính trường, ông Biden cho rằng thế giới có thể thay đổi rất nhiều đối với các nhà lập pháp đảng Cộng hòa một khi ông Trump ra đi, mặc dù ông chắc chắn rằng Trump sẽ không bị lãng quên. Tỷ lệ ủng hộ ông là 55%, trong khi của ông Trump giảm xuống còn 42%. Theo ông, nhiều đảng viên Cộng hòa và những người không theo đảng phái nào có thể bắt đầu có cái nhìn rất khác về thế giới trong vài tuần tới.

Đối phó với Iran

Về chính sách đối ngoại, ông Biden đưa ra hai luận điểm quan trọng. Tác giả hỏi Biden liệu ông có giữ nguyên lập trường về thỏa thuận hạt nhân Iran như ông đã trình bày trong một bài bình luận ngày 13/9 trên CNN hay không. Ông Biden trả lời: “Sẽ rất khó để làm được điều đó, nhưng tôi vẫn giữ nguyên quan điểm”.

Trong bài bình luận này, Biden viết rằng nếu Iran tuân thủ nghiêm ngặt thỏa thuận hạt nhân như trước kia, Mỹ sẽ tham gia trở lại thỏa thuận này như là điểm khởi đầu cho các cuộc đàm phán tiếp theo và sẽ dỡ bỏ các lệnh trừng phạt đối với Iran mà ông Trump đã áp đặt.

Iran rõ ràng đang hy vọng về điều đó. Ngày 17/11, Ngoại trưởng Iran Javad Zarif cho biết Mỹ và Iran có thể ngay lập tức quay trở lại tuân thủ đầy đủ thỏa thuận mà không cần đàm phán. Thỏa thuận hạt nhân Iran - với tên gọi chính thức là Kế hoạch hành động chung toàn diện (JCPOA) - được ký kết vào năm 2015. Tổng thống Trump đã đơn phương rút khỏi thỏa thuận vào tháng 5/2018, áp đặt lại các lệnh trừng phạt dầu mỏ làm tê liệt nền kinh tế Iran.

Quan điểm của ông Biden và êkíp cố vấn an ninh quốc gia của ông là một khi hai bên khôi phục thỏa thuận, sẽ cần tiến hành ngay một vòng đàm phán để tìm cách kéo dài thời hạn của các hạn chế đối với hoạt động sản xuất nhiên liệu phân hạch của Iran, loại nhiên liệu có thể được sử dụng để chế tạo bom (thời hạn ban đầu là 15 năm), cũng như đối phó với các hoạt động gây nguy hại của Iran trong khu vực, thông qua các lực lượng ủy nhiệm của nước này ở Liban, Iraq, Syria và Yemen.

Kịch bản lý tưởng nhất theo êkíp của ông Biden là cuộc đàm phán tiếp theo sẽ không chỉ bao gồm các bên ký kết ban đầu của JCPOA - bao gồm Iran, Mỹ, Nga, Trung Quốc, Anh, Pháp, Đức và Liên minh châu Âu - mà còn cả các nước láng giềng Arập của Iran, cụ thể là Saudi Arabia và Các tiểu vương quốc Arập thống nhất.

Đầu tháng 12/2020, tác giả từng viết rằng sẽ là thiếu khôn ngoan nếu Mỹ từ bỏ đòn bẩy của các lệnh trừng phạt dầu mỏ do ông Trump áp đặt chỉ để nối lại thỏa thuận hạt nhân ở đúng điểm nó bỏ dở. Êkíp của ông Biden nhận thức được điều đó, nhưng hiện tại, họ nhấn mạnh rằng lợi ích quốc gia bao trùm của Mỹ là đưa chương trình hạt nhân của Iran trở lại trong tầm kiểm soát và được thanh tra toàn diện.

Theo quan điểm của họ, việc Iran phát triển vũ khí hạt nhân đe dọa trực tiếp tới an ninh quốc gia của Mỹ và tới cơ chế kiểm soát vũ khí hạt nhân toàn cầu. Ông Biden tin rằng cách tốt nhất để đạt được sự ổn định trong khu vực là đối phó với chương trình hạt nhân. Ông cũng nói thêm rằng Mỹ luôn có lựa chọn áp đặt trở lại các lệnh trừng phạt khi cần thiết và Iran biết điều đó.

Không hành động ‘ngay lập tức’ với Trung Quốc

Về Trung Quốc, ông Biden sẽ không ngay lập tức dỡ bỏ mức thuế 25% mà Trump áp đặt đối với khoảng một nửa hàng hóa xuất khẩu của Trung Quốc sang Mỹ, hoặc hủy bỏ thỏa thuận thương mại giai đoạn 1, trong đó yêu cầu Bắc Kinh mua thêm hàng hóa và dịch vụ của Mỹ trị giá khoảng 200 tỷ USD trong hai năm 2020 và 2021, điều mà Trung Quốc thực hiện với tiến độ rất chậm.

"72 triệu cử tri bầu cho ông Trump là một con số rất lớn. Nhưng rất có thể khi ông Trump không còn được mọi người chú ý tới, những con số đó không thể tồn tại mãi, mà có thể chỉ còn lại phần nào. Người Mỹ phải tìm ra cách hợp tác. Nếu không, Mỹ sẽ gặp rắc rối thực sự", ông Biden nói.

Ông khẳng định sẽ không hành động ngay lập tức, dù trong vấn đề thương mại hay thuế quan, vì ông không muốn giới hạn những lựa chọn của mình. Trước tiên, ông muốn tiến hành xem xét toàn bộ thỏa thuận hiện có với Trung Quốc và tham khảo ý kiến các đồng minh của Mỹ ở châu Á và châu Âu để xây dựng một chiến lược gắn kết. Ông nói: “Tôi cho rằng chiến lược tốt nhất đối với Trung Quốc phải tạo được sự đồng thuận giữa Mỹ và các đồng minh, hay ít nhất các nước từng là đồng minh của Mỹ. Đây sẽ là ưu tiên chính của tôi trong những tuần đầu của nhiệm kỳ tổng thống”.

Các nhà lãnh đạo Trung Quốc gặp phải nhiều vấn đề với Tổng thống Trump, nhưng họ biết rằng chừng nào ông còn là tổng thống, thì Mỹ sẽ không bao giờ có thể huy động một liên minh toàn cầu chống lại Trung Quốc. Chiến lược của ông Biden, nếu thành công, sẽ không phải là tin tức đáng hoan nghênh cho Trung Quốc. Trong khi ông Trump tập trung vào thâm hụt thương mại với Trung Quốc, dù không đạt được nhiều thành công bất chấp cuộc chiến thương mại, thì Biden cho biết mục tiêu của ông sẽ là theo đuổi các chính sách thương mại mà thực sự tạo ra tiến bộ trong vấn đề liên quan tới Trung Quốc. Ông Biden kết luận rằng khi giao dịch với Trung Quốc, điều quan trọng là phải có ảnh hưởng đòn bẩy, và theo ông, nước Mỹ chưa có điều đó.

Tuy nhiên, một trong những việc cần làm để tạo ra nhiều ảnh hưởng đòn bẩy hơn là xây dựng sự đồng thuận lưỡng đảng trong nước đối với một số chính sách công nghiệp truyền thống của Mỹ, chẳng hạn như các khoản đầu tư lớn của chính phủ cho nghiên cứu và phát triển, cơ sở hạ tầng và giáo dục của Mỹ để cạnh tranh tốt hơn với Trung Quốc - chứ không chỉ phàn nàn về vấn đề này. Các thượng nghị sĩ của cả hai đảng Dân chủ và Cộng hòa đều đã đệ trình những dự luật kêu gọi tiến hành một chiến lược như vậy. Cụ thể, ngành công nghiệp bán dẫn của Mỹ đã vận động hành lang cho một cách tiếp cận như vậy. Ông Biden muốn đảm bảo rằng Mỹ sẽ cạnh tranh quyết liệt bằng cách ưu tiên đầu tư cho chính mình. Ông coi năng lượng, công nghệ sinh học, vật liệu tiên tiến và trí tuệ nhân tạo là những lĩnh vực chín muồi cho đầu tư quy mô lớn của chính phủ vào nghiên cứu.

Ông cũng sẽ không tham gia các thỏa thuận thương mại mới với bất kỳ nước nào cho đến khi Mỹ tiến hành đầu tư quy mô lớn trong nước, cho người lao động và nền giáo dục Mỹ. Ông khẳng định rằng lần này, vùng nông thôn sẽ không bị bỏ lại phía sau. Đảng Dân chủ sẽ không thể điều hành đất nước thêm 4 năm nữa nếu để mất sự ủng hộ của hầu hết các vùng nông thôn ở Mỹ. Vì lợi ích của họ và của đất nước, các đảng viên Dân chủ phải tìm hiểu điều gì đang diễn ra ở khu vực nông thôn và thuyết phục các cử tri ở đó một cách hiệu quả hơn.

Theo ông Biden, đây là vấn đề về nhân phẩm, về cách chúng ta đối xử với mọi người. Ông nghĩ rằng các cử tri nông thôn cảm thấy họ bị lãng quên. Và ông cho rằng cả hai đảng đã lãng quên họ. Ông bày tỏ sự tôn trọng đối với các cử tri nông thôn và muốn chứng minh điều đó bằng cách kiểm soát tốt đại dịch Covid-19 ở cả khu vực ủng hộ đảng Dân chủ lẫn đảng Cộng hòa. Ông tin rằng Mỹ phải xây dựng lại tầng lớp trung lưu, đặc biệt là ở vùng nông thôn Mỹ.

Ông Biden kết thúc cuộc trò chuyện bằng những suy ngẫm về hình ảnh của Mỹ trong 4 năm qua: Ban đầu, ông nhìn nhận giai đoạn đó một cách tiêu cực, nhưng cuối cùng lại quyết định rằng tình hình có lẽ còn nhiều dấu hiệu lạc quan. Theo ông, 72 triệu cử tri bầu cho ông Trump là một con số rất lớn. Nhưng rất có thể khi ông Trump không còn được mọi người chú ý tới, những hình ảnh bi quan sẽ không thể tồn tại mãi, mà có thể chỉ còn lại phần nào. Người Mỹ sẽ phải quay trở lại cộng tác với nhau. Ông cho rằng người Mỹ phải tìm ra cách hợp tác. Nếu không, "Mỹ sẽ gặp rắc rối thực sự", ông nói.

(theo New York Times)

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/cuoc-dien-thoai-muon-cua-ong-biden-voi-thomas-friedman-va-muc-tieu-tai-thiet-nuoc-my-131114.html