Cuộc đấu trí nội-ngoại

Thị trường đang trong giai đoạn khó khăn khi NĐTNN vẫn duy trì trạng thái bán ròng, còn NĐT nội chưa mạnh dạn bung tiền bắt đáy. Thế nhưng, trong tình cảnh khó khăn này, dòng tiền từ nhóm NĐT tổ chức trong nước được kỳ vọng sẽ là nhân tố mang lại sự khởi sắc cho thị trường trong thời gian tới.

NĐTNN bán ròng

Theo thống kê, NĐTNN đã mua ròng 9.242 tỷ đồng trong tháng 10. Đóng góp lớn nhất trong động thái này là SK Group (Singapore), chi ra 10.121 tỷ đồng để mua vào gần 109,9 triệu CP MSN (Masan). Đây là giao dịch khớp lệnh lớn thứ 2 trong năm 2018, chỉ sau giao dịch của nhóm NĐTNN mua 268 triệu CP VHM (Vinhomes) trong tháng 5 với tổng giá trị đạt 1,35 tỷ USD.

Tuy nhiên, nếu loại trừ giao dịch của MSN, khối ngoại vẫn bán ròng 879 tỷ đồng trong tháng 10. Bán ròng diễn ra trong 17/23 phiên giao dịch trong tháng, đã tạo ra áp lực bán khá lớn trên thị trường khi VN Index và HNX Index giảm lần lượt 10,1% và 9,4% trong tháng 10.

Điều đáng nói là trong khi TTCK suy giảm, 2 quỹ ETF ngoại là VanEck Vectors Vietnam ETF (VNM ETF) và FTSE Vietnam ETF (FTSE) cũng bị rút vốn mạnh. Thống kê cho thấy, tính từ đầu năm đến nay, số vốn bị rút ra khỏi FTSE và VNM ETF lần lượt là 2,6 triệu USD và 36,3 triệu USD.

Tương tự, quỹ nội VFMVN30 ETF cũng bị rút 3,7 triệu chứng chỉ quỹ, tương đương với 54,4 tỷ đồng. Xu hướng này hoàn toàn trái ngược với diễn biến cùng thời điểm năm ngoái, khi các ETF liên tục được bơm ròng.

Tổ chức nội sẵn sàng
Báo cáo tài chính quý III của 20 CTCK có vốn chủ sở hữu lớn nhất cho thấy, nhóm CTCK này vẫn chưa dùng hết hạn mức của mình cho khối tự doanh. Theo quy định của UBCKNN, 1 CTCK chỉ được phép dùng tối đa 70% vốn chủ sở hữu của mình cho nghiệp vụ tự doanh.

Như vậy, nếu trừ các trường hợp như CTCK Vietcombank (VCBS), CTCK Vietinbank (CTS) và CTCK IB (VIX), các CTCK còn lại đều giữ vị thế tự doanh của mình dưới ngưỡng quy định này. Các CTCK chỉ mới sử dụng khoảng 39% vốn chủ sở hữu, nên còn dư địa rất lớn cho hoạt động tự doanh của mình. Thống kê cho thấy, tổng vốn chủ sở hữu của 20 CTCK này là 49.111 tỷ đồng. Điều này đồng nghĩa với việc các CTCK có thể đầu tư thêm 31% vốn chủ sở hữu, tương đương khoản đầu tư trị giá 15.230 tỷ đồng.

Trong khi đó, báo cáo cuối tháng 9 của các quỹ cho thấy một bức tranh nhiều màu về vị thế tiền mặt của mình. Các quỹ dồi dào tiền mặt như Quỹ Đầu tư CK Việt Nam, VFF, VCBF-TBF và ENF duy trì lượng tiền tương tương 20-40% tổng tài sản. Trong khi đó, quỹ VOF chỉ có 5,5% tài sản là tiền mặt, còn VEIL thấp hơn nhiều theo báo cáo vào ngày 31-10 chỉ có 0,7%.

Như vậy các NĐT tổ chức với sức ảnh hưởng lớn đối với thị trường vẫn sẽ đóng vai trò dẫn dắt. Theo nhận định của CTCK Rồng Việt (VDSC), với xu hướng bán ròng liên tiếp của khối ngoại và các quỹ ngoại hàng đầu như VOF và VEIL đang ở trong vị thế sở hữu rất ít tiền mặt, các NĐT tổ chức trong nước có thể sẽ đóng vai trò quan trọng hơn trong thời gian sắp tới. Dù vậy, mức độ ảnh hưởng có thể sẽ không quá lớn, vì sự e dè vẫn bao trùm thị trường sau 3 phiên giảm sâu từ đầu năm 2018 đến nay.

Thị trường về mức hấp dẫn
Nếu áp lực bán ra của NĐTNN mang nhiều yếu tố bên ngoài, NĐT cá nhân vẫn nặng yếu tố tâm lý, thì hành động của các NĐT tổ chức nội là chiến lược dài hơi, đặc biệt thích hợp trong bối cảnh giá CP đang đứng ở mức thấp sau chuỗi phiên điều chỉnh vừa qua. Theo thống kê, P/E của TTCK Việt Nam giảm nhanh hơn P/E các thị trường trong khu vực.

Trong mẫu theo dõi gồm 7 nước của CTCK Bảo Việt (BVSC), gồm: Việt Nam, Ấn Độ, Philippines, Indonesia, Pakistan, Thái Lan, Hàn Quốc và Trung Quốc, P/E của Việt Nam hiện ở mức 16,13x. Đây là mức thứ 4, thấp hơn chỉ số P/E của Ấn Độ (22,35x), Indonesia (18,67x), Philippines (18,28x). So với thời điểm VN Index đạt đỉnh 1.204,33 điểm, chỉ số P/E của TTCK Việt Nam đã giảm khá mạnh từ mức 21,74x về 16,1x (tương đương giảm 34,8%).

Có thể thấy P/E giảm nhanh và EPS của thị trường có mức tăng trưởng khá tốt. Trên thực tế, lợi nhuận của các doanh nghiệp có tăng trưởng tốt trong quý II và quý III, nhưng mức tăng trưởng EPS đạt mức thấp hơn tốc độ tăng trưởng lợi nhuận, do nhiều doanh nghiệp đã thực hiện tăng vốn trong 2 quý vừa qua. Với mức tăng trưởng lợi nhuận tốt, diễn biến của P/E theo chiều hướng tích cực, giới phân tích cho rằng yếu tố cơ bản từ kết quả kinh doanh của doanh nghiệp đang là điểm sáng tạo nên sự hấp dẫn cho thị trường.

Sức hấp dẫn của thị trường còn được hỗ trợ bởi các yếu tố vĩ mô như tăng trưởng GDP năm 2018 nhiều khả năng đạt trên 6,7%; Chủ tịch nước đề nghị Quốc hội xem xét, quyết định phê chuẩn Hiệp định CPTPP cùng các văn kiện liên quan; Thủ tướng yêu cầu NHNN không tăng lãi suất từ nay đến cuối năm, nhằm tạo thêm sự linh hoạt khi ứng phó với các diễn biến bất lợi trên thị trường tài chính thế giới và căng thẳng thương mại Hoa Kỳ và Trung Quốc.

Kim Giang

Nguồn SGĐT: http://saigondautu.com.vn/chung-khoan/cuoc-dau-tri-noingoai-62922.html