Cuộc đấu tranh sinh tồn của phụ nữ tị nạn ở Hy Lạp

Phụ nữ tị nạn trên đảo Lesbos của Hy Lạp phải đối mặt với bạo lực hàng ngày và điều kiện sống vô cùng tồi tệ. Nhiều người cho rằng, họ phải trải qua cuộc đấu tranh để sinh tồn. Hy vọng rời khỏi trại tị nạn để được sống cuộc sống của chính mình là điều vô cùng mong manh đối với họ.

Phụ nữ tị nạn ở Hy Lạp hàng ngày phải đối mặt với nhiều khó khăn trong cuộc sống

Địa ngục trên trần gian

Amal - một phụ nữ trẻ ở độ tuổi 20 trốn chạy cuộc xung đột đang diễn ra tại quê nhà ở Yemen. Sau một cuộc hành trình nguy hiểm ngang qua biển Aegean, cô đến Lesbos. Amal nghĩ rằng, cuối cùng, đã có được sự tự do mà mình đang tìm kiếm. Tuy nhiên, thay vào đó, Amal được đưa đến Moria - trại tị nạn lớn nhất Hy Lạp. Amal nói rằng, trại tị nạn giống như một nhà tù ngoài trời, không khác gì “địa ngục trên trần gian”.

Trại tị nạn Moria đã được nhiều người biết đến với “điều kiện sống khủng khiếp”. Hơn 7.000 người sống trong khu vực được xây dựng cho 3.100 người. Những bức tường cao và hàng rào dây thép gai ngăn cách trại tị nạn với cuộc sống bên ngoài. Mọi người phải đợi hàng giờ để nhận thức ăn, nhà vệ sinh và phòng tắm tối bẩn, nước thải chảy lênh láng trên con đường đi qua trại. Bạo lực dường như đã trở thành điều hết sức bình thường với những người tị nạn sống ở đây.

“Cuộc sống của phụ nữ và trẻ em gái trong các trại tị nạn ở Hy Lạp bi đe dọa nghiêm trọng. Cuộc sống ở trại tị nạn Moria còn tồi tệ hơn nhiều lần”.

Tổ chức Ân xá Quốc tế (AI)

Một báo cáo gần đây của Tổ chức Ân xá Quốc tế (AI) cho hay, cuộc sống của phụ nữ và trẻ em gái trong các trại tị nạn ở Hy Lạp bị đe dọa nghiêm trọng. Cuộc sống ở trại tị nạn Moria còn tồi tệ hơn nhiều lần. Amal kể lại chi tiết một lần cô chứng kiến người đàn ông đánh đập dã man một người phụ nữ. Cuộc tấn công diễn ra trước mặt nhân viên Cảnh sát Hy Lạp nhưng người đàn ông này đã phớt lờ và sau đó đổ lỗi cho người phụ nữ vì đã kết bạn với người như vậy.

“Tình hình ở trại tị nạn Moria không công bằng với phụ nữ. Là một người hoạt động bảo vệ nữ quyền, tôi từng được dạy rằng, không nên sợ bất cứ điều gì. Nhưng tôi sợ không có cơ hội rời khỏi nơi này. Tương lai, tất cả mọi thứ phía trước đều rất mù mịt”, Amal nói. Chính nỗi sợ hãi này là lý do tại sao Amal không muốn cung cấp danh tính thật của mình với báo giới. Cô đã nghe tin đồn rằng, nếu người tị nạn nói điều gì đó tiêu cực về trại thì trường hợp tị nạn của họ có thể bị ảnh hưởng.

“Chết trên biển còn hơn sống ở nơi này!”

“Trong trại tị nạn, ngay cả những công việc đơn giản như đi vệ sinh cũng có thể gặp nguy hiểm. Mặc dù đàn ông không được phép đến gần nhà vệ sinh nữ nhưng họ luôn ở đó. Gần đây, một người bạn của tôi đã bị một người đàn ông lớn tuổi quấy rối ngay tại nhà vệ sinh. May mắn người bạn của tôi kịp thoát thân trước khi điều tồi tệ hơn xảy ra. Đôi khi tôi nghĩ, chết trên biển còn hơn sống ở nơi này!”, Amal chia sẻ.

Somayeh - đến từ Afghanistan nói rằng, cô may mắn khi không phải sống ở Moria. Giờ đây, Somayeh sống ở PIKPA - một trại dành riêng cho những người tị nạn dễ bị tổn thương do các tình nguyện viên điều hành. Cuộc sống ở Moria vô cùng khó khăn không chỉ thiếu thốn thức ăn, điều kiện không đảm bảo mà còn vì tình trạng bạo lực thường xuyên diễn ra trong trại. “Tôi kết hôn khi còn là sinh viên đại học. Sau đó, chồng buộc tôi phải nghỉ học giữa chừng. Ở Afghanistan, quyền lực nằm trong tay đàn ông. Chúng tôi không thể hoạt động nữ quyền ở đó. Phụ nữ không có nhiều cơ hội trong xã hội gia trưởng và cơ hội đó càng mong manh với phụ nữ tị nạn. Giải pháp cho những vấn đề phụ nữ tị nạn ở châu Âu rất phức tạp”, Somayeh nói và nhấn mạnh rằng châu Âu cần cung cấp cho phụ nữ tị nạn kiến thức về quyền phụ nữ. Điều này sẽ mang lại cho họ sự tự tin. Ngoài ra, phụ nữ tị nạn cũng cần được bảo đảm sự an toàn.

Tường Phạm

Nguồn ANTĐ: http://anninhthudo.vn/the-gioi/cuoc-dau-tranh-sinh-ton-cua-phu-nu-ti-nan-o-hy-lap/787254.antd