Cuộc đấu Nga - Thổ Nhĩ Kỳ tại tiền tuyến Nagorno-Karabakh đã ngã ngũ, vì sao?

Đến ngày 11/11, sau lần ngừng bắn thứ tư ở khu vực Nagorno-Karabakh, hai bên giao tranh đã chấm dứt các hành động thù địch, lực lượng gìn giữ hòa bình Nga đã được triển khai tại 16 vị trí chốt giữ, ngăn cách quân đội hai bên.

Bản đồ do Bộ Quốc phòng Nga công bố trước các nhà báo ngày 11/11 cho thấy toàn bộ "Cộng hòa Nagorno-Karabakh" đã bị Azerbaijan chiếm, tỉnh tự trị Nagorno-Karabakh còn lại được Nga chia làm hai phần và bố trí 16 điểm duy trì hòa bình (Ảnh: BQP Nga)

Bản đồ do Bộ Quốc phòng Nga công bố trước các nhà báo ngày 11/11 cho thấy toàn bộ "Cộng hòa Nagorno-Karabakh" đã bị Azerbaijan chiếm, tỉnh tự trị Nagorno-Karabakh còn lại được Nga chia làm hai phần và bố trí 16 điểm duy trì hòa bình (Ảnh: BQP Nga)

Điều này có nghĩa là hiệp nghị ký ngày 10/11 giữa Tổng thống Nga Vladimir Putin, Tổng thống Azerbaijan Ilham Aliyev và Thủ tướng Armenia Nikol Pashinyan đã có hiệu lực, chấm dứt cuộc chiến Nagorno-Karabakh kéo dài 45 ngày qua.

Theo trang tin Hoa ngữ Đa Chiều (Dwnews) ngày 12/11, các điều khoản liên quan đến rút quân và bàn giao lãnh thổ trong hiệp hiệp nghị này về mặt khách quan cũng đã chấm dứt cuộc tranh chấp vùng Nagorno-Karabakh kéo dài suốt 32 năm qua.

Trước đó, hai nước Nga và Thổ Nhĩ Kỳ tham gia trung gian hòa giải đã thể hiện quan điểm khác nhau của họ và gia tăng đối đầu trong các hoạt động ngoại giao và hoạt động khác. Giờ đây, xe tăng của “lực lượng gìn giữ hòa bình” Nga đã vượt qua biên giới Nagorno-Karabakh và Thổ Nhĩ Kỳ hầu như bị Moscow hất cẳng khỏi lực lượng gìn giữ hòa bình, cuộc đối đầu tại tiền tuyến hay chiến tranh bí mật giữa hai nước cũng đều đã ngã ngũ, thắng thua đã rõ ràng.

Cục diện Nagorno-Karabakh hiện nay: màu đỏ là khu vực Azerbaijan chiếm từ tháng 9 đến nay; sọc vàng nhạt: sẽ bàn giao cho Azerbaijan sau khi ký hiệp định ngừng bắn 10/11; vàng sẫm: khu vực Azerbaijan kiểm soát trước năm 2020; khu vực màu trắng: Châu tự trị Nagorno-Karabakh nơi lực lượng gìn giữ hòa bình Nga vào đóng quân (Ảnh: Dwnews).

Quyền lực bắt đầu từ lịch sử

Đối với thế giới bên ngoài, Chiến tranh Nagorno-Karabakh, bắt đầu từ năm 1988 và chính thức leo thang sau khi Liên Xô giải thể năm 1991, đã nhanh chóng trở thành một vũ đài mà các nước lớn quốc tế và cường quốc khu vực cố gắng can dự, can thiệp và thể hiện ảnh hưởng của mình. Tuy nhiên, môi trường chính trị đặc biệt ở khu vực Nagorno-Karabakh đã khiến nhiều nước hòa giải phải thoái lui.

Bởi vì chủ thể của cuộc chiến tranh này là "Cộng hòa Nagorno-Karabakh" mà Armenia đã xúi giục ly khai thành lập trên cơ sở "Vùng tự trị Nagorno-Karabakh" ban đầu. Điều này làm cho việc tham gia hòa giải, ký kết hiệp ước và các hoạt động khác trên thực tế có nghĩa là thừa nhận sự chia cắt Azerbaijan và vô tình bị cuốn sâu vào tranh chấp giữa Azerbaijan và Armenia. Nước Nga, quốc gia kế thừa hệ thống pháp luật của Liên Xô, có lợi thế lớn nhất trong các vấn đề liên quan.

Với việc ngày 5/5/1994 Nga triệu tập Armenia, Azerbaijan và Nagorno-Karabakh để ký Tuyên bố Bishkek về ngừng bắn, vào ngày 12/5 cùng năm nước này đã triệu tập các Bộ trưởng Quốc phòng ba nước tới Moscow. Vì vậy, các nhà chức trách Nga đã trở nên có vai trò then chốt nhất không thể xem nhẹ trong vấn đề Nagorno-Karabakh.

Tuy nhiên, uy quyền của Nga ở vùng Kavkaz (hay Caucasus) đã xuất hiện những biến động nghiêm trọng. Sự thất bại trong cuộc Chiến tranh Chechnya lần thứ nhất nổ ra vào tháng 12/1994 đã khiến Nga một dạo phải đóng cửa biên giới với Gruzia và Azerbaijan. Moscow thậm chí còn nghi ngờ Azerbaijan bí mật trang bị cho Chechnya.

Tuy nhiên, dưới sự lãnh đạo của Tổng thống Vladimir Putin, quân đội Nga đã thanh lọc Kavkaz từ năm 2000 đến năm 2009. Đến năm 2008, Tổng thống Nga khi đó là Dmitry Medvedev một lần nữa khẳng định nguyên tắc vấn đề Nagorno-Karabakh phải được giải quyết trên cơ sở ba nước Nga, Azerbaijan và Armenia. Nhưng việc Nga tạm thời thiếu sức kiểm soát đã tạo ra một khoảng trống về không gian kiểm soát ở Kavkaz. Các cuộc cách mạng màu lần lượt xảy ra ở Gruzia và Armenia, trong khi Azerbaijan đã tiếp cận Thổ Nhĩ Kỳ vì lý do quân sự và chính trị trong Chiến tranh Nagorno-Karabakh lần thứ nhất.

Xe tăng T-90 của Nga tiến vào Nagorno-Karabakh hôm 10/11 (Ảnh: AP).

Vai trò thực tế của Thổ Nhĩ Kỳ

So với Nga, Thổ Nhĩ Kỳ cũng coi khu vực Kavkaz là khu vực chủ chốt trong chiến lược đối ngoại của mình thời hậu Chiến tranh Lạnh. Thổ Nhĩ Kỳ đã quan hệ gắn bó với Azerbaijan từ năm 1993 dựa trên mối quan hệ dân tộc và tôn giáo chặt chẽ. Tuy nhiên, phía Ankara, đặc biệt là chính quyền Recep Erdogan, có kỹ năng chính trị và ngoại giao hạn chế và không thể sử dụng thủ pháp chơi trò địa chính trị “cá cược hai mặt” như Moscow, chứ chưa nói đến việc bồi dưỡng “người đại diện” cho mình.

Ankara chỉ có thể hoàn toàn ủng hộ Azerbaijan. Điều này đã khiến Azerbaijan bị ràng buộc và phụ thuộc ở mức cao vào Thổ Nhĩ Kỳ trong các lĩnh vực chính trị, quân sự và kinh tế. Nó cũng khiến Thổ Nhĩ Kỳ biến từ một người chơi cờ thành một quân cờ lớn trên bàn cờ của cuộc chiến ở Kavkaz.

Thổ Nhĩ Kỳ có quân đội lớn thứ hai NATO, điều này mang lại cho Azerbaijan khả năng học hỏi công nghệ quân sự của Thổ Nhĩ Kỳ và mượn đó để phục thù. Vì điểm này, Thổ Nhĩ Kỳ ngày càng trở thành công cụ tích cực hơn trong môi trường chính trị và quân sự của Azerbaijan.

Tất nhiên, Thổ Nhĩ Kỳ sẽ thỏa mãn với hiện trạng, bởi động thái này chứng tỏ họ đang không ngừng thâm nhập vào vùng Kavkaz, sau đó sử dụng các nguồn lực quân sự và ngoại giao để mở rộng phạm vi ảnh hưởng ở Trung Đông. Nhưng Thổ Nhĩ Kỳ càng tham gia vào các hành vi cấp thấp và sự vụ ở Azerbaijan, thì điều đó càng chứng tỏ rằng họ chỉ có thể lấp đầy khoảng trống mà Nga cố ý để lại, và không có khả năng lấn át ảnh hưởng của Nga trong khu vực.

Đến năm 2010, khi nhu cầu của cộng đồng quốc tế về dầu mỏ và khí đốt tự nhiên tiếp tục tăng, Azerbaijan, với các nguồn tài nguyên dầu khí phong phú trên bán đảo Apsheron, đã đẩy nhanh quá trình mở rộng tiến trình mở rộng vũ trang, tiến hành chiến tranh và trả thù rửa hận.

Quân đội Nga được không vận đến Nagorno-Karabakh hôm 10/11 (Ảnh: AP).

Kể từ năm 2010, Azerbaijan đã hầu như hai năm một lần tiến hành các cuộc tấn công quy mô nhỏ vào khu vực Nagorno-Karabakh để thăm dò việc triển khai thực tế và sức mạnh quân sự của "Quân đội phòng vệ Nagorno-Karabakh" đóng tại đây. Đến năm 2020, quân đội Azerbaijan bắt đầu mua sắm các thiết bị như máy bay không người lái trinh sát và chiến đấu, trang thiết bị kỹ thuật số, xe tăng tiên tiến và xe bọc thép để bổ sung cho quân đội ở tuyến đầu. Chỉ riêng xe tăng T-90S họ đã mua 100 chiếc. Điều này giúp Azerbaijan nhanh chóng giành được lợi thế trên chiến trường với ưu thế trang bị trong cuộc xung đột từ tháng 9 năm 2020.

Đến lúc này, Ankara chỉ có thể tiếc nuối phát hiện ra rằng mặc dù họ đã cố gắng dốc sức để giúp Azerbaijan, nhưng vẫn không thể chen chân vào vòng cốt lõi quyết định các vấn đề khu vực. Tuy Thổ Nhĩ Kỳ, quốc gia cung cấp viện trợ quân sự và tài trợ, đã lợi dụng Chiến tranh Nagorno-Karabakh để đặt chân vào Kavkaz, nhưng thủ pháp này chỉ loại trừ được các cường quốc phương Tây tham gia vào các giao dịch với các quốc gia liên quan, chứ không ngăn được các cường quốc trong khu vực như Nga và Iran. Chuyện thành như ngày nay cho thấy “thành quả chiến thắng” của Thổ Nhĩ Kỳ ở Nagorno-Karabakh rất hạn chế.

Ý đồ thực sự của Nga

Trên thực tế, Nga có lẽ chỉ có một sự lựa chọn duy nhất trong vấn đề Nagorno-Karabakh từ đầu đến cuối, đó là duy trì sự ổn định trên cơ sở đảm bảo lợi ích của Nga. Điều này có nghĩa là Nga có thể không chủ động can thiệp vào cuộc chiến, họ chỉ bắt đầu can thiệp, hòa giải, thậm chí duy trì hòa bình khi cục diện quân sự đã ở trạng thái bế tắc.

Thất bại trên chiến trường và "nước Cộng hòa Nagorno-Karabakh"bị xóa sổ khiến dân chúng Armenia nổi giận xông vào chiếm giữ trụ sở Quốc hội và chính phủ. Có tin Thủ tướng Nikol Pashinyan đã chạy trốn vào Đại sứ quán Mỹ ở Yerevan (Ảnh: AP).

Tất nhiên, phía Nga sẽ tính đến tình trạng của Armenia quốc gia thành viên Tổ chức an ninh tập thể (CSTO) và bảo vệ đất nước Armenia trên cơ sở này. Nhưng Nga nhất quyết không tiến sâu ngay từ đầu, chưa kể môi trường chính trị của Armenia cũng khiến Moscow không mấy hài lòng.

Thống kê cho thấy Armenia đã trải qua sáu cuộc bạo động quy mô lớn liên tiếp kể từ năm 2008 đến nay. Chính phủ Nikol Pashinyan hiện nay được hình thành từ phe đối lập và ông ta lên nắm quyền nhờ cuộc "Cách mạng nhung Armenia" 2018. Trong thời kỳ này, "Cộng hòa Nagorno-Karabakh" cũng biến đổi, từ một vùng ly khai ở một xó xỉnh Caucasus bỗng trở thành một "quốc gia Thiên chúa giáo" với các văn phòng đại diện của Mỹ, Đức và Pháp.

Mặc dù chính phủ Pashinyan đã ổn định sự nhất quán quan hệ của Armenia với Nga trong các cơ cấu do Nga chủ đạo như CSTO, Liên minh Kinh tế Á-Âu và Hệ thống Phòng không chung; nước này cũng thể hiện sự quan tâm đến các tổ chức quốc tế như Liên minh châu Âu và NATO. Cục diện ngả nghiêng bất định này khiến Armenia dần dần không được lòng cả phương Tây và Nga. Nếu một cuộc nổi dậy nổ ra để thay thế Pashinyan bằng một nhà lãnh đạo "thân Nga" hơn, thì đây chắc chắn là điều mà phía Nga muốn thấy.

Rất nhanh sau đó, thất bại của Armenia trong Chiến tranh Nagorno-Karabakh đã tạo cơ hội cho Nga can thiệp. Vào ngày 31/10 Thủ tướng Pashinyan, đã viết thư cho Tổng thống V.Putin, thỉnh cầu sự hỗ trợ an ninh của Nga. Phía Nga đã đưa ra một giới hạn tối thiểu là "Nếu xung đột ảnh hưởng trực tiếp đến lãnh thổ Armenia, Nga sẽ cung cấp cho Armenia mọi sự trợ giúp cần thiết". Xét rằng khu vực lõi của Cộng hòa Nagorno-Karabakh, tức là tỉnh tự trị Nagorno-Karabakh đủ điều kiện là "lãnh thổ của Armenia", điều này có nghĩa là Nga có thể đã đủ điều kiện xuất quân sau khi thành phố Shusha bị bao vây và phần lớn khu vực phía nam của Nagorno-Karabakh đã bị Azerbaijan chiếm được.

Nói cho cùng, lịch sử 32 năm của Chiến tranh Nagorno-Karabakh đã quyết định không chính phủ nào của hai quốc gia có thể mạo hiểm sinh mạng chính trị của mình để tìm ra một phương án thỏa hiệp hoặc hòa giải. Khi Armenia và Azerbaijan bắt đầu tiến hành đối thoại, có lẽ vì Azerbaijan có một chút lợi thế trên chiến trường, còn Armenia cũng cần có một cường quốc đứng phía sau. Điều này cũng có nghĩa là ưu thế của Nga trong vấn đề Nagorno-Karabakh sẽ tiếp tục không thể thay thế./.

Thu Thủy

Nguồn VietTimes: https://viettimes.vn/cuoc-dau-nga-tho-nhi-ky-tai-tien-tuyen-nagorno-karabakh-da-nga-ngu-vi-sao-post140268.html