Cuộc 'đánh đổi' trên sân chơi

Thất bại sau hai ngày đàm phán thương mại giữa hai đồng minh Mỹ và Nhật Bản cuối tuần này một lần nữa cho thấy Washington tiếp tục lao vào các cuộc đối đầu không dễ dàng với cả những đối tác lẫn đối thủ thương mại nhằm bảo vệ lợi ích của nước Mỹ.

Trong khi Mỹ tìm kiếm một thỏa thuận tự do thương mại song phương (FTA), Nhật Bản lại muốn thúc đẩy Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP)-tiền thân của Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) hiện nay mà Mỹ đã rời bỏ. Trong vòng đàm phán lần này, Nhật Bản lặp lại lời kêu gọi Mỹ trở lại hiệp định thương mại đa phương khổng lồ CPTPP, nhưng Mỹ vẫn quyết theo đuổi mục tiêu tìm kiếm một FTA với Tokyo, nhằm làm thay đổi cán cân thương mại đang nghiêng về phía mình.

Hai bên đều có nhiều lý do để khó chiều lòng nhau. Chấp nhận FTA song phương, Tokyo lo ngại sẽ phải đối mặt với áp lực từ Washington trong việc mở cửa các thị trường mang tính nhạy cảm chính trị như nông nghiệp và thịt bò. Trong bối cảnh Thủ tướng Shinzo Abe cần tranh thủ sự ủng hộ của cử tri cho cuộc bầu cử Thượng viện năm sau, ông sẽ không dễ gì chấp nhận mạo hiểm đặt mình vào thế đối đầu với ngành nông nghiệp trong nước.

Hơn nữa, trong bối cảnh Nhật Bản được cho là đang giữ vai trò dẫn dắt hàng đầu thúc đẩy CPTPP sau sự ra đi của Mỹ, qua đó khẳng định vai trò lãnh đạo tại châu Á và nền kinh tế toàn cầu của Tokyo, Thủ tướng Shinzo Abe khó mà chấp nhận một FTA với Mỹ.

Sự nhượng bộ của Tokyo trước đồng minh Washington cũng chỉ có giới hạn. Trong các cuộc đàm phán TPP trước đây, Nhật Bản đã chấp nhận những điều kiện tưởng chừng không thể của Mỹ để thúc đẩy việc đạt được thỏa thuận. Nên lần này, nếu đồng ý một FTA với Mỹ, sẽ chẳng khác nào một bước lùi của Tokyo. Vì điều đó đồng nghĩa với việc Nhật Bản sẽ phải đối mặt với những đòi hỏi khó hơn nữa của đồng minh.

Tương tự về phía Mỹ, chính quyền của Tổng thống Donald Trump cũng cần bảo đảm chiến thắng trong cuộc bầu cử giữa kỳ tháng 11 năm nay. Thúc đẩy FTA với Nhật Bản, ông Donald Trump muốn chứng minh đang giữ đúng lời hứa tranh cử với phương châm “Nước Mỹ trước hết".

Trong nỗ lực gia tăng sức ép lên Nhật Bản để thúc đẩy đàm phán một FTA song phương, Washington đe dọa sẽ tăng thuế nhập khẩu ô tô nhằm vào Tokyo. Chưa rõ Mỹ có hành động thật hay không, nhưng lời đe dọa của Mỹ cũng làm khó cho đồng minh trong việc đưa ra lựa chọn của mình. Xuất khẩu ô tô vào Mỹ mang lại nguồn thu quan trọng, chiếm 1% GDP của Nhật Bản.

Không chỉ với Nhật Bản, ông Donald Trump cũng sử dụng thuế quan như một “con bài” để mặc cả với đối thủ lẫn đồng minh như Canada, Liên minh châu Âu (EU), Trung Quốc và Mexico. Động thái này đã và đang đặt Mỹ vào thế đối đầu thương mại với một loạt quốc gia trên thế giới mà hậu quả được cảnh báo là sẽ ảnh hưởng tới tất cả các bên.

Giới phân tích cho rằng, đây có thể là chiến thuật đàm phán của nhà lãnh đạo Mỹ Donald Trump. Mỹ dù có tiềm lực kinh tế mạnh đến đâu cũng không thể thoát khỏi những hệ lụy ngoài mong muốn nếu đặt mình vào tình thế gần như chống lại cả thế giới như vậy. Không thể phủ nhận thực tế Trung Quốc và EU là những đối tác thương mại hàng đầu thế giới mà bất kỳ nước nào cũng mong muốn có mối quan hệ hợp tác tốt đẹp.

Vì vậy, ông Donald Trump có thể đang áp dụng chiến thuật gia tăng sức ép mạnh mẽ, thậm chí “phủ đầu” như trường hợp Mỹ áp thuế nhôm và thép đối với EU, Mexico, Canada để buộc đối phương phải ngồi vào bàn đàm phán, nhằm đạt được các thỏa thuận vừa ý. Ông Donald Trump từng tuyên bố thẳng rằng, nếu NAFTA-Hiệp định Thương mại tự do Bắc Mỹ mà được đàm phán lại thì “sẽ không có bất kỳ thuế quan nào đối với Canada hay Mexico”.

Cũng tương tự trường hợp của Nhật Bản, việc đạt được một FTA song phương với Washington có thể sẽ khiến Mỹ cân nhắc thận trọng việc áp thuế lên ô tô nhập khẩu từ Nhật Bản. Đổi lại, Washington sẽ phải kiên nhẫn hơn trong việc đạt được mục tiêu giảm thâm hụt thương mại với Nhật Bản. Ô tô nhập khẩu từ Nhật Bản góp phần đáng kể duy trì cán cân thương mại cân bằng giữa nước này với Mỹ.

Trong cuộc “mặc cả” này, cả Tokyo và Washington có thể buộc phải hy sinh một số lợi ích nào đó. Đó là quy luật khắc nghiệt muôn thuở mà tất cả các bên tham gia “sân chơi” toàn cầu nhiều lợi ích nhưng cũng đầy thử thách này phải chấp nhận.

Cho dù thất bại trong vòng đàm phán thương mại mới đây, cả hai đều đang tìm cách đạt được một thỏa thuận sơ bộ trước khi Tổng thống Donald Trump gặp Thủ tướng Shinzo Abe bên lề Đại hội đồng Liên hợp quốc vào tháng 9 tới. Các nhà đàm phán hai bên đã hẹn gặp lại nhau vào tháng 9 trước khi diễn ra cuộc gặp thượng đỉnh này. Hơn ai hết, cả hai đồng minh đều hiểu rằng cần phải vì đại cục để giữ gìn mối quan hệ thương mại tốt đẹp có lợi cho cả hai quốc gia.

HẠNH NGUYÊN

Nguồn QĐND: http://www.qdnd.vn/thoi-su-quoc-te/doi-song-quoc-te/cuoc-danh-doi-tren-san-choi-546636