Cuộc đánh chặn 'đáng xấu hổ' của không quân Mỹ

11 giờ 34 phút sáng 16/8/1956, chiếc máy bay tiêm kích cánh quạt Grumman F6F-5K Hellcat xuất phát từ sân bay quân sự Camarillo, quận Ventura, bang California, Mỹ. Đây là máy bay không người lái, điều khiển từ xa, được Không quân Mỹ sử dụng làm mục tiêu thử nghiệm loại tên lửa không đối không tối tân nhất hồi ấy là FFAR Mk4 trong bối cảnh cuộc chiến tranh Lạnh giữa Liên Xô và Mỹ ngày càng căng thẳng.

Kỹ sư máy tính kiểm tra hệ thống lái tự động lần cuối trước khi chiếc Hellcat cất cánh.

Kỹ sư máy tính kiểm tra hệ thống lái tự động lần cuối trước khi chiếc Hellcat cất cánh.

Và chuyện bi hài đã xảy ra khi 2 chiếc phản lực tiêm kích Northrop F-89D Scorpion cất cánh, tiến hành bài tập đánh chặn mục tiêu này…

Trước khi chiếc Grumman F6F-5K Hellcat sơn màu đỏ, số đuôi X3 xuất phát, các phi công điều khiển hệ thống máy tính dẫn đường ở sân bay Camarillo đã lập trình để nó bay lên phía đông bắc, hướng về một bãi thử hạt nhân nằm trong một khu vực hoang vu ở sa mạc bang Nevada, nơi không có người sinh sống. 10 phút sau, 2 chiếc Northrop F-89D Scorpion sẽ cất cánh rồi bắn hạ nó bằng tên lửa không đối không FFAR Mk4 với tình huống giả định đánh chặn máy bay Liên Xô xâm nhập.

Thế nhưng, chẳng hiểu vì lý do gì, chỉ 4 phút kể từ lúc xuất phát, chiếc Hellcat bất ngờ rẽ sang phía Nam, ra Thái Bình Dương rồi tiếp tục bay lên cao. Đến 11 giờ 45, đường bay của nó lệch về hướng Đông Nam, nơi có thành phố Los Angeles. Mọi sự điều khiển của phi công ở sân bay Camarillo đều vô tác dụng.

Lập tức, đại tá Richard Cole, chỉ huy chương trình thử nghiệm tên lửa không đối không FFAR Mk4 ra lệnh cho 2 chiếc phản lực tiêm kích Northrop F-89D Scorpion cất cánh từ sân bay Oxnard, bắn hạ chiếc Hellcat. 11 giờ 57 phút, chiếc Northrop F-89D thứ nhất, số đuôi 959 do trung úy Hans Einstein điều khiển, nhìn thấy mục tiêu. Einstein thông báo cho trung úy Richard Hurliman, phi công của chiếc Northrop F-89D thứ hai, số đuôi 254. Tuy nhiên, khi Hans Einstein và Richard Hurliman cho máy bay lên đến 6.000m và đang chuẩn bị chúi xuống để khai hỏa tên lửa thì bất ngờ chiếc Hellcat ngoặt sang phía Tây Nam, bay qua thành phố Los Angeles rồi hướng về thung lũng Santa Clara. Tiếp theo, nó bay đến Santa Paula và vừa hạ thấp độ cao, vừa lượn vòng trên bầu trời thành phố này. Sau 2 vòng lượn trên bầu trời thành phố Santa Paula, nó bay lệch sang phía Đông Bắc, đến thành phố Fillmore. Tiếp theo, nó bay qua ngoại ô thành phố Frazier Park rồi thẳng hướng về thung lũng Antelope. Trung úy Hans Einstein nói: “Cả hai chúng tôi đều thở phào vì thung lũng Antelope chỉ gồm những ngọn đồi và rừng cây, không có bất kỳ làng mạc hay thị trấn nào trong phạm vi 240km2. Lập tức, tôi thông báo cho trung úy Richard Hurliman là tôi sẽ khai hỏa trước, còn anh ấy làm nhiệm vụ dự phòng”.

Do tính chất của phi vụ này là để thử nghiệm loại tên lửa không đối không FFAR Mk4 nên trong buồng đạn của 6 khẩu pháo 20mm gắn ở 2 bên cánh của chiếc Northrop F-89D đều không được lắp đạn. Trung úy Hans Einstein nói: “Để bắn tên lửa, tôi có 2 lựa chọn. Một là bắn bằng radar dẫn đường và hai là bắn bằng tay. Nếu bắn bằng radar, tôi chỉ cần đưa chiếc Hellcat vào kính ngắm, bấm nút khóa mục tiêu. Mọi việc còn lại sẽ do hệ thống điều khiển hỏa lực Hughes E-6 và radar AN/APG-40 hướng dẫn bởi máy tính AN/APA-84 lo liệu cho dù mục tiêu có bay theo hình dích dắc”.

Thế nhưng, khi chiếc Hellcat đã lọt vào hồng tâm kính ngắm, Hans Einstein đã khóa mục tiêu rồi bấm nút khởi động hệ thống điều khiển hỏa lực Hughes E-6 thì vẫn không thấy FFAR Mk4 bay ra, dù theo lý thuyết, từ lúc khởi động đến lúc tên lửa rời ống phóng, thời gian chỉ là 1/2 giây. Trung úy Hans Einstein nói: “Biết là đã có sự trục trặc, tôi lập tức chuyển sang chế độ bắn bằng tay nhưng tôi phát hiện ra rằng để lắp đặt hệ thống điều khiển hỏa lực Hughes E-6, các kỹ sư đã tháo bỏ thước ngắm thông thường”.

Đến lúc này, mọi chuyện chỉ còn là… may rủi. Sau khi gọi về sở chỉ huy ở sân bay Oxnard để báo cáo tình hình rồi được đại tá Cole cho phép bắn tự do, Hans Einstein điều khiển chiếc Northrop F-89D bám theo chiếc Hellcat. Với 104 quả tên lửa FFAR Mk4 mang theo trong 2 ống phóng ở 2 bên cánh, chỉ cần 1 quả bắn trúng cũng đủ “hóa kiếp” mục tiêu, huống gì đây lại là 2 chiếc Northrop F-89D với 208 tên lửa!

Ấy vậy mà 3 phút sau đó, cả trung úy Hans Einstein lẫn trung úy Richard Hurliman bắn tổng cộng 42 quả FFAR Mk4 nhưng không quả nào hạ được chiếc Hellcat. Khi nó đổi hướng về phía thị trấn Newhall, họ bắn thêm 64 quả nữa nhưng vẫn hụt! Tiếp theo, trên đoạn đường đến thành phố Palmdale, 30 quả FFAR Mk4 lại được phóng đi rồi 72 quả tên lửa cuối cùng lần lượt khai hỏa nhưng không quả nào trúng đích! Một trong những quả tên lửa ấy thay vì nổ ở trên không, lại rơi xuống bồn chứa dầu của một công ty Ấn Độ ở Placeria Canyon, gây ra đám cháy lớn. Phải mất 2 ngày với gần 500 nhân viên cứu hỏa, đám cháy mới được khắc phục

Lúc này, cả 2 chiếc Northrop F-89D đều không còn vũ khí nào nữa nên trung úy Hans Einstein xin phép cho họ quay về, đồng thời đề nghị sở chỉ huy cử máy bay khác lên, tiếp tục… đánh chặn! Tuy nhiên, chiếc Hellcat sau khi vượt qua thành phố Palmdale đã vướng vào đường dây điện cao thế ở quận Edison, phía Nam bang California rồi lao xuống, vỡ thành nhiều mảnh. Hậu quả là một cánh đồng lúa mì rộng 150 mẫu Anh ở gần Bouquet Canyon bị cháy. Vụ đánh chặn “đáng xấu hổ” (lời của đại tá Richard Cole, người chỉ huy chương trình thử nghiệm tên lửa không đối không FFAR Mk4) được giữ kín cho mãi đến năm 2010 - 19 năm sau ngày Liên Xô sụp đổ, mới được tiết lộ.

Ngay sau vụ đánh chặn, Không quân Mỹ thiết kế lại hệ thống lập trình cho tên lửa FFAR Mk4. Gần một năm sau đó, phản lực tiêm kích Northrop F-89D Scorpion được thay thế bằng loại Northrop F-5A Freedom tối tân hơn…

VŨ CAO

(Theo Aviation Weekly)

Nguồn Bà Rịa - Vũng Tàu: http://www.baobariavungtau.com.vn/the-gioi/201907/cuoc-danh-chan-dang-xau-ho-cua-khong-quan-my-864054/