Cuộc 'cưỡng chế' kỳ lạ tại Phú Quốc: Ông Trưởng phòng mặc quần short đến hiện trường lớn tiếng trong hơi men

Từ những clip ồn ào trên mạng 'dậy sóng' dư luận phản ánh việc cán bộ thiếu tư cách, làm sai quy định trong một cuộc cưỡng chế ở huyện Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang, PLVN đã vào cuộc điều tra tìm hiểu và phát hiện ra câu chuyện không chỉ có như thế.

Vị Trưởng phòng Tài nguyên “hiếu kỳ”?

Từ ngày 7/1, trên một số tài khoản xuất hiện một đoạn clip dài hơn hai phút ghi lại cảnh cơ quan chức năng Phú Quốc “xử lý một công trình xây dựng”. Đăng kèm clip là dòng trạng thái cho rằng ông Lê Quang Minh, Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường, mặc quần short, lê dép quai kẹp, “chỉ đạo tổ công tác trong tình trạng say rượu”. Trong clip có hình ảnh ông Minh xuất hiện nhiều lần.

Một tờ báo sau đó phản ánh sự việc như sau: “Ông Minh trình bày sự việc xảy ra vào khoảng 16h30 ngày Chủ nhật (6/1). “Hôm đó là ngày nghỉ, tôi đi công việc cá nhân về ngang đó và thấy lùm xùm nên ghé vào xem chứ tôi hoàn toàn không nói hay chỉ đạo gì cả”, ông Minh cho biết thêm: “Hôm đó Tổ công tác 3399 đi làm, ông không chỉ đạo gì”.

Vẫn tờ báo trên dẫn lời ông Mai Văn Huỳnh, Bí thư kiêm Chủ tịch UBND Phú Quốc, cho rằng “đây là vấn đề xuyên tạc và đang tiến hành xử lý vụ việc”.

Từ nội dung clip, cùng mối băn khoăn là Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường, theo thẩm quyền phải nắm được toàn bộ những điểm nóng đất đai trong khu vực, chẳng lẽ ông Minh lại vừa thiếu trách nhiệm nên không biết, lại “hiếu kỳ” đến mức “ngang đó và thấy lùm xùm nên ghé xem”, PLVN đã vào cuộc tìm hiểu.

Không khó khăn để tìm đến “điểm nóng” nêu trên. Sự việc xảy ra tại khu đất thuộc ấp Đường Bào, xã Dương Tơ, huyện Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang. Khu đất do cha con ông Đỗ Văn Thơ (SN 1957, cán bộ về hưu) và con trai Đỗ Anh Quân (SN 1983, cùng đăng ký HKTT tại Quận 1, TP HCM) đứng tên.

Ông Thơ xác nhận: “Tôi chính là người mặc áo đỏ trong clip, chạy ra ngăn không cho đoàn người hủy hoại tài sản. Tôi cũng chính là người phản ứng gay gắt khi phát hiện ông Lê Quang Minh, Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường đến hiện trường lớn tiếng sặc mùi bia rượu, mặc quần short, đi dép kẹp”.

Ông Lê Quang Minh, Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường Phú Quốc mặc áo trắng, quần short, đi dép lê tại hiện trường (Hình cắt từ clip do bạn đọc cung cấp)

Ông Lê Quang Minh, Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường Phú Quốc mặc áo trắng, quần short, đi dép lê tại hiện trường (Hình cắt từ clip do bạn đọc cung cấp)

Bất ngờ hơn nữa khi vị cán bộ về hưu trưng ra biên bản tại hiện trường hồi 17h ngày 6/1, có nội dung: “… ông Lê Quang Minh, Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường huyện tới khu vực đoàn đang làm việc vào hồi 16h. Khi tới nơi ông Minh mặc quần soóc đỏ, áo sơ mi trắng cộc tay, có mùi bia rượu, có nói lớn tiếng…”.

Biên bản có chữ ký xác nhận của chủ đất là ông Thơ; đại diện Công an xã Dương Tơ, ông Phan Anh Triệu; đại diện Công an huyện, ông Lê Văn Mót (Đại tá Lê Văn Mót, Trưởng Công an huyện Phú Quốc).

Cuộc “cưỡng chế” gay cấn

Bất ngờ chưa dừng lại, khi ông Thơ đưa mọi người ra khu đất xảy ra sự việc, vẫn còn nguyên những vật chứng, dấu vết chứng minh “bãi chiến trường”. Lối vào đã bị bịt rào, xe cộ không thể qua, chỉ có cách bỏ xe leo rào đi bộ. Bức tường đang xây dở phải dừng lại, xi măng vương vãi, sắt thép cong queo. Chiếc xe xúc màu vàng hiệu HYUNDAI của “đoàn cưỡng chế” vẫn bị bỏ lại hiện trường.

Ông Thơ nói: “Hôm đó cảnh tượng hỗn loạn, hàng chục người đủ sắc phục trật tự đô thị, cảnh sát, thường phục tới mà không một mẩu giấy nào chứng minh thi hành công vụ trên đất nhà người khác. Người dân tới xem đông lắm, không biết ai quay clip nọ rồi tung lên mạng. Riêng clip chúng tôi quay lại thì rất rõ ràng cảnh ông Minh tới được mọi người đón vào, lớn tiếng bắt máy xúc phá tường nhà tôi…”.

Theo ông Thơ, nguồn cơn sự việc đến từ chuyện mảnh đất của gia đình ông bị dự án Sunset Sanato (do Công ty Cổ phần Chín Chín Núi làm chủ đầu tư) lấn chiếm. Sự việc đã được đưa ra tòa và TAND huyện Phú Quốc đã tuyên ông thắng kiện, bản án đã có hiệu lực pháp luật, tuy nhiên bên thua kiện vẫn không chấp hành.

Sáng 6/1/2019, gia đình ông đổ hai đoạn bê tông trên phần đất nhà mình nhằm đảm bảo an ninh, ngăn ngừa trộm cắp thì đoàn người ập đến. Ông yêu cầu nhưng không ai đưa ra được giấy tờ chứng minh đoàn đang thực hiện nhiệm vụ.

Sau đó, nhà ông vẫn xây bức tường trên đất nhà mình, đoàn người vẫn túc trực và không có động thái ngăn cản khác, bữa trưa do những người mặc áo của dự án Sunset Sanato mang đến phục vụ.

Trích xuất camera do nhà ông Thơ ghi lại cho thấy phải đến khi ông Lê Quang Minh, Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường huyện mặc quần short, lê dép kẹp tới khu vực và được một số người đón vào, sự việc mới có những diễn biến “gay cấn”.

Một hình ảnh về cuộc “cưỡng chế” (Hình cắt từ clip do bạn đọc cung cấp)

Ông Minh đến nói chuyện với một số người. Các nhân chứng mà PLVN tiếp xúc khẳng định ông Minh đã la ó, quát tháo, sau đó đoàn kiểm tra cắt khóa cổng nhà ông Thơ, cho chiếc xe múc màu vàng đi vào phá công trình. Nghịch lý ở chỗ chiếc xe múc này chính là của dự án Sunset Sanato thuộc Công ty Cổ phần Chín Chín Núi, đơn vị lấn đất nhà ông Thơ.

Ông Thơ thuật lại, thời điểm ông Minh bắt đầu xuất hiện, ông không có ở hiện trường mà quay về nhà cách đó vài trăm mét tiếp khách là Trưởng Công an huyện Phú Quốc. Khi đang trò chuyện thì nghe tiếng máy xúc lục cục phá công trình, đồng thời có điện thoại cấp báo.

Ông lao ra hiện trường, tranh cãi gay gắt chuyện đoàn người không trình được bất cứ giấy tờ gì về lệnh cưỡng chế hay tháo dỡ, cũng không có văn bản chỉ rõ lỗi vi phạm mà cố ý hủy hoại tài sản của dân; phản ứng quyết liệt chuyện tại sao đoàn người mặc sắc phục lại nghe theo lời người đàn ông mặc quần short, đi dép kẹp, sặc mùi bia rượu.

Không khí căng như dây đàn chỉ lắng xuống khi Đại tá Lê Văn Mót, Trưởng Công an huyện Phú Quốc có mặt tại hiện trường và cùng làm biên bản như trên đã nêu. Chiếc máy xúc của Công ty Chín Chín Núi vào phá tài sản ông Thơ sau đó bị bỏ lại.

Ông Thơ cho biết: “Sự việc có một số vấn đề sau. Thứ nhất, tài sản của tôi bị hủy hoại trị giá 15 triệu, có dấu hiệu vi phạm luật hình sự. Tôi đã làm đơn đến xã và công an huyện, yêu cầu khởi tố sự việc, xử lý vật chứng.

Thứ hai, ông Lê Quang Minh, Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường huyện, có dấu hiệu vi phạm pháp luật hình sự khi chỉ đạo hủy hoại tài sản của tôi; và còn vi phạm tư cách cán bộ đảng viên, cần phải xử lý về mặt chính quyền và Đảng. Sự việc hành xử kiểu bất chấp pháp luật gây phẫn nộ cho người dân chúng tôi phải xử lý nghiêm. Tôi đã làm đơn đến cơ quan chức năng tỉnh và huyện, nêu rõ những yêu cầu này”.

Xã nói một đường, huyện nói một nẻo

Trước những chứng cứ trên, chính quyền địa phương nói gì? Ông Ngô Triệu Cầm, Chủ tịch UBND xã Dương Tơ cho biết, ngày 6/1/2019, có nhận được điện thoại của “lãnh đạo UBND huyện chỉ đạo giải quyết vụ việc”.

Tuy nhiên, do có việc bận nên ông cử cán bộ phối hợp với Tổ công tác 3399 (được thành lập theo Quyết định 3399 của UBND huyện Phú Quốc). Ông Cầm nói việc tháo dỡ là do Tổ công tác 3399 quyết định.

Tuy nhiên, so sánh với quy định, thông tin mà vị Chủ tịch xã đưa ra là không chính xác. Theo ngày 25/9/2018, Phú Quốc thành lập Tổ công tác 3399 chấn chỉnh tình trạng xây dựng, nhưng thời hạn kiểm tra của tổ chỉ là 90 ngày từ khi công bố thành lập và tổ tự giải tán sau khi hoàn thành nhiệm vụ. Như vậy, đến hết ngày 25/12/2018 thì tổ đã giải tán, nói cách khác ngày 6/1/2019 không còn tồn tại cái gọi là “Tổ công tác 3399”.

Chiếc máy xúc của Công ty Chín Chín Núi bỏ lại hiện trường

Tại buổi làm việc của UBND huyện Phú Quốc với PLVN, ông Mai Văn Huỳnh, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND huyện lại cho biết, sự việc xảy ra là do ông Thơ đổ bê tông trên phần đất đang tranh chấp. Theo ông Huỳnh, “trong quá trình thực hiện dự án, Công ty Chín Chín Núi và huyện thỏa thuận làm con đường này trước để giải quyết cho các dân cư và lối đi chung xuống bãi biển”.

“Ổng (tức ông Thơ – PV) làm việc đó thì Đội trật tự đô thị xuống ngăn cản. Rồi nghe đâu, Minh (Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường – PV) đi đâu, chạy ngang về, ghé vào đó”, ông Huỳnh nói. Vẫn lời ông Huỳnh: “Đội quản lý trật tự đô thị có quyền phát hiện xây dựng trái phép là ngăn cản”.

Về phía ông Lê Quang Minh, cho rằng, hôm đó “đang bệnh thì nghe anh em ở dưới như vậy đó. Tui chỉ xuống xem sao thôi…”. Nhiều câu trả lời khác của ông Minh không thể cắt nghĩa rõ ràng: “… Còn tui tham gia thì tui biết mình là công chức mà làm gì mình đến đó mình chỉ đạo đó...” “Tui nói thật tui rất buồn chuyện đó nhưng chuyện ổng bức xúc nên tui thôi, không nói”.

Những trả lời trên càng làm những băn khoăn về sự việc lớn hơn: Những thông tin cán bộ trả lời PLVN mâu thuẫn với thông tin trả lời báo chí trước đó. Thông tin xã và huyện cung cấp không trùng khớp. Vì sao đất hợp pháp của dân, huyện và nhà đầu tư lại tự thỏa thuận mà không một lời nhắc đến quyền của chủ đất?

Vì sao đội trật tự đô thị chỉ đi đập một bức tường mà huy động đến 60 – 70 người đủ sắc phục? Vì sao vị Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường “đang bệnh” mà vẫn “có mùi bia rượu”, xuống “điểm nóng” đất đai là nơi mình có thẩm quyền mà trả lời “chỉ xuống xem sao thôi”…

Lần giở hồ sơ sự việc, mới phát hiện còn nhiều sai phạm khác, thậm chí bản án “hai năm rõ mười” đã có hiệu lực cũng bị địa phương “ngó lơ”. Mời bạn đọc đón đọc trên các số báo sau.

Bùi Yên – Phạm Thịnh

Nguồn Pháp Luật VN: http://baophapluat.vn/dieu-tra-bd/cuoc-cuong-che-ky-la-tai-phu-quoc-ong-truong-phong-mac-quan-dui-den-hien-truong-lon-tieng-trong-hoi-men-434041.html