Cuộc chuyển giao lịch sử

Trên đất nước Cuba vừa diễn ra một sự kiện quan trọng, đó là bước chuyển giao lãnh đạo lịch sử khi Chủ tịch Raul Castro thôi đảm nhận Chủ tịch Hội đồng Nhà nước và Hội đồng Bộ trưởng Cuba. Thay vào đó, một loạt những đại diện ưu tú của 'thế hệ lãnh đạo mới' sinh ra và lớn lên sau thời kỳ Cách mạng 1959, trong đó đứng đầu là chính trị gia 57 tuổi Miguel Diaz-Canel Bermudez sẽ giữ vai trò 'chèo lái' đảo quốc Caribe.

Thông thường, các cuộc “chuyển giao quyền lực”-theo cách gọi của báo chí phương Tây-thường tạo ra tương lai khó đoán định bởi "tân quan, tân chính sách". Nhưng những gì diễn ra tại Cuba lại không đi theo logic đó. Đối với người dân Cuba, sự chuyển giao lãnh đạo là một quy luật tự nhiên và Hòn đảo tự do vẫn sẽ tiếp tục con đường đã chọn. Nói cách khác, dù xảy ra bất kỳ sự thay đổi nào đối với các vị trí chủ chốt trong chính phủ, người dân luôn đặt niềm tin rằng ban lãnh đạo mới của Cuba sẽ vẫn tiếp tục kế thừa và phát huy những đường lối, chính sách đã đặt ra của đất nước. Rõ ràng, niềm tin vững chắc này không phải là ngẫu nhiên.

Đồng chí Raul Castro (bên trái) và đồng chí Diaz-Canel. Ảnh The Cuban Economy.

Với chiến lược có tầm nhìn và những bước đi dứt khoát, từ nhiều năm qua, chính quyền Cuba đã hoạch định rõ ràng quá trình chuyển giao lãnh đạo trong tương lai. Bên cạnh truyền thống trân trọng đóng góp và kinh nghiệm của những nhà lãnh đạo lịch sử, chính quyền cách mạng vẫn luôn được đánh giá là mạnh dạn trong việc khuyến khích cũng như sử dụng cán bộ trẻ và thường thực hiện một cách có hệ thống. Thực tế cho thấy, đa phần thế hệ lãnh đạo mới của Cuba đều đã được tôi luyện, thử thách qua nhiều vị trí công tác ở các cấp độ khác nhau, trước khi đóng vai trò nòng cốt trong ban lãnh đạo Nhà nước. Tân Chủ tịch Miguel Diaz-Canel Bermudez có thể xem là một ví dụ điển hình trong số đó. Nhiều năm qua, ông thường xuyên đại diện cho Chính phủ Cuba trong các chuyến công tác ở nước ngoài và luôn đảm nhiệm tốt những trọng trách trong bộ máy Nhà nước. Chính điều này đã góp phần khiến người dân Hòn đảo tự do luôn ủng hộ và tin tưởng vào thế hệ lãnh đạo mới do ông đứng đầu. Kết quả 99,86% số phiếu ủng hộ ông trong cuộc bỏ phiếu bầu các vị trí chủ chốt của ban lãnh đạo nhiệm kỳ 5 năm tới là minh chứng rõ ràng cho sự tin tưởng này.

Dẫu vậy, trong bối cảnh môi trường quốc tế ít thuận lợi hơn khi nhiều chính phủ cánh tả thân thiện tại Mỹ Latinh đang gặp khủng hoảng hoặc đã mãn nhiệm, và chính quyền Mỹ dưới thời Tổng thống Donald Trump triển khai những bước đi đảo ngược lại tiến trình “phá băng” quan hệ với Cuba của người tiền nhiệm Barack Obama, con đường phía trước của cách mạng Cuba được dự báo sẽ có nhiều chông gai và thử thách chẳng kém những chặng đường mà Hòn đảo tự do đã đi qua. Nhiệm vụ của Hội đồng Nhà nước khóa tới theo đó cũng sẽ rất nặng nề khi phải đưa ra những định hướng, chính sách phù hợp với tình hình thế giới nhiều biến động như hiện nay.

Thêm vào đó, hơn nửa thế kỷ cấm vận phi lý do Mỹ áp đặt đã khiến hòn đảo can trường gặp không ít khó khăn. Bởi vậy, để có thể đem lại bước phát triển mới cho đất nước, những người chèo lái con thuyền Cuba chắc chắn sẽ phải ưu tiên giải quyết dứt điểm nhiều nhiệm vụ còn đang dang dở của công cuộc cập nhật mô hình phát triển kinh tế-xã hội: Từ tiến hành những điều chỉnh lập pháp phù hợp với thực tiễn mới, mở rộng phân cấp quản lý hành chính, giải quyết vấn đề năng suất-lương và giải phóng sức lao động, nâng cấp hệ thống dịch vụ xã hội cho tới thống nhất hai đồng tiền, định hình hành lang pháp lý cho thành phần kinh tế ngoài quốc doanh, đẩy nhanh tốc độ thông qua các dự án đầu tư nước ngoài...

Song song với việc ứng phó với những khó khăn, thách thức đang tồn tại, ban lãnh đạo mới của Cuba cũng cần tránh sử dụng những “liệu pháp sốc” có khả năng gây ra các tác động tiêu cực đối với đời sống tầng lớp dân nghèo, qua đó duy trì được sự đoàn kết của đa số nhân dân và lý tưởng bình đẳng, công bằng của cách mạng Cuba. Đây là một bài toán phức tạp, đòi hỏi sự kiên trì, quyết tâm cũng như sự nhạy bén của những người "cầm cân nảy mực".

Với diện tích, quy mô dân số và nguồn tài nguyên thiên nhiên khiêm tốn, Cuba không nằm trong danh sách các cường quốc kinh tế hay sức mạnh vật chất nói chung tại Mỹ Latinh và Caribe. Thế nhưng trong bất kỳ phân tích tổng kết nào về khu vực này trong vài thập niên qua, dù thiên về cảm tính hay mang tính lý luận khoa học và theo bất cứ quan điểm chính trị nào, đảo quốc Caribe này vẫn luôn là một tham chiếu không thể bỏ qua. Chính sự kiên cường, bất khuất, dám đấu tranh để bảo vệ quyền được tự lựa chọn con đường phát triển của dân tộc mình cùng những thành tựu thần kỳ mà con đường phát triển đó mang lại cho đất nước, người dân Cuba đã khiến đảo quốc Caribe trở thành “ngọn hải đăng” của phong trào tiến bộ Mỹ Latinh được cả thế giới ngưỡng mộ.

Kiên định con đường cách mạng đã lựa chọn, kế thừa và phát huy những thành tựu mọi mặt đạt được thời gian qua, Cuba dưới sự lãnh đạo của những người con ưu tú như Chủ tịch Miguel Diaz-Canel Bermudez chắc chắn sẽ tiếp tục gặt hái thành công trên con đường xây dựng và phát triển đất nước.

NGỌC THƯ

Nguồn QĐND: http://www.qdnd.vn/thoi-su-quoc-te/binh-luan/cuoc-chuyen-giao-lich-su-536932