Cuộc chơi tranh của cô nàng 9X

Với bàn tay khéo léo, Nguyễn Ngọc Diệp, cựu sinh viên Trường ĐH Kinh tế (Hà Nội) đã vẽ dòng tranh dân gian trên chiếc mẹt tre, tạo nên những tác phẩm nghệ thuật đẹp mắt, cuốn hút người xem.

Nguyễn Ngọc Diệp - người đam mê vẽ tranh mẹt

Ban đầu, Ngọc Diệp tìm hiểu màu sắc, họa tiết… đặc trưng của dòng tranh dân gian (tranh Hàng Trống, Đông Hồ…), sau đó chọn lọc những tác phẩm tiêu biểu như: Vinh hoa phú quý, Hứng dừa, Cá chép… sáng tạo lên chất liệu mẹt tre. Các họa tiết được Diệp giữ nguyên bản tranh gốc, nhưng tùy từng tác phẩm, màu sắc sẽ biến tấu theo phong cách riêng tạo nên tác phẩm mới.

Họa tiết mềm mại

“Để tạo đường nét bắt mắt, mình sử dụng màu acrylic với màu sắc chủ đạo: xanh, đỏ, vàng, đen, trắng… Các tông màu này giúp mỗi bức tranh thêm tươi mới, họa tiết sắc nét, bền màu hơn. Từ tranh dân gian gốc, mình bóc tách những họa tiết tiềm năng, sáng tạo phù hợp với nhu cầu hiện đại. Chẳng hạn, dòng tranh Đông Hồ không có đủ bộ 12 con giáp. Mình sẽ chắt lọc hình ảnh chú chuột trong “Đám cưới chuột”, con ngựa trong “Vua Quang Trung”, con lợn trong “Đàn lợn âm dương”... vẽ lên chất liệu mẹt phù hợp, đủ 12 con giáp và sống động hơn”, Diệp cho biết.

Nghệ thuật vẽ tranh dân gian trên mẹt không đơn giản là việc sao chép từ bản gốc lên chất liệu mẹt. Để hoàn thiện một tác phẩm, cô bạn phải sáng tạo qua nhiều công đoạn: Chọn mẹt tre, phác thảo bố cục bằng phấn trắng, tô màu, quét sơn bóng… Mỗi công đoạn đều có cái khó riêng. Mẹt tre sử dụng làm chất liệu vẽ phải đảm bảo các nan tre đan khít nhau và màu sáng vàng. Điều này giúp người thợ dễ dàng thể hiện những họa tiết, đường nét không bị lệch, méo mó. Và bức tranh hoàn thiện thêm phần mới tươi sáng, bắt mắt hơn.

Trước khi vẽ, Diệp rất kỹ lưỡng xử lý bề mặt mẹt sạch nhẵn, cắt bỏ những xơ nan tre còn vướng lại. Theo Diệp, công đoạn khó nhất là dặm nét cho bức tranh, dù mẹt tre có lựa chọn kỹ càng cũng không thể bằng phẳng. Để nét vẽ không đứt gãy, người thợ phải tỉ mẩn, khéo léo vẽ từng họa tiết trang trí mềm mại, sống động trên bề mặt thô ráp.

Tùy thuộc chi tiết nhiều hay ít, kích thước to hay nhỏ, mỗi tác phẩm hoàn chỉnh tốn thời gian vài tiếng đồng hồ, thậm chí là 1 - 2 ngày. Tính đến nay, các tác phẩm tranh dân gian trên mẹt của Ngọc Diệp ngày càng đa dạng hơn, ước tính cũng phải đến hơn 50 mẫu tranh: Mục đồng thổi sáo, Bộ tranh tố nữ, Hội làng… Bên cạnh tham khảo dòng tranh dân gian, cô bạn tìm hiểu, sáng tạo thêm các tác phẩm mang xu hướng hiện đại: Tranh chân dung, phong cảnh làng quê VN, đời sống sinh hoạt hằng ngày…

“Hơn 2 năm sáng tạo, mình may mắn là tác phẩm thực hiện không gặp nhiều lỗi. Kỷ niệm nhớ nhất là lần đầu tiên, mình tập trung vẽ bức Gà Trống, bất cẩn làm đổ hộp màu lem đầy cả mẹt tre. Mình dùng khăn ướt nhanh tay lau nhưng màu bám chặt quá, tẩy không sạch được. Mình gỡ rối bằng cách vẽ đường nét mới đè lên để che khuất vết màu đổ loang ở lớp bên dưới. Từ lần đó, mình rút kinh nghiệm, cẩn thận hơn để không xảy ra sai sót đến mức phải hỏng nặng”, cô bạn nói.

Đưa tranh dân gian đến gần với mọi người

Tốt nghiệp kinh tế, Ngọc Diệp từng làm việc đúng chuyên ngành, có thu nhập ổn định ở một số công ty. Nhưng mọi thứ đang tốt thì cô bạn quyết định tạm dừng công việc, theo đuổi đam mê vẽ tranh dân gian trên mẹt.

Về cơ duyên, Diệp cho biết một lần tình cờ, người bạn thân nhờ Diệp vẽ một bức tranh trên mẹt để trang trí nhà. Cô bạn vẽ thử, chụp ảnh, đăng lên mạng xã hội và nhận được rất nhiều lời khen từ mọi người, gợi ý sáng tạo thêm vài bức tranh khác nữa. Từ lần đầu tập tành vẽ chơi, Diệp được gia đình ủng hộ và quyết định khởi nghiệp với sản phẩm tranh dân gian trên mẹt. Thời gian đầu, cô gặp khó khăn về nguồn vốn: mua nguyên liệu, phí vận chuyển… và đơn hàng ít ỏi nên chưa thu được lãi. Ngoài ra, loại hình vẽ tranh trên mẹt khá ít người làm và khá mới mẻ nên Diệp vừa làm, vừa tự rút kinh nghiệm. Diệp chia sẻ thêm, từ nhỏ, cô đã tí toáy vẽ lại những nhân vật truyện tranh lên giấy, trông rất thật. Khả năng về mỹ thuật này là thuận lợi giúp Diệp theo đuổi công việc này.

Hiện tại, sản phẩm của cô tạo được ấn tượng và được nhiều người yêu thích. Diệp sáng tạo sản phẩm với nhiều kích cỡ khác nhau, từ 20 - 75 cm, mức giá dao động từ 50.000 - 300.000 đồng. Đối với những bức tranh khách hàng yêu cầu nhiều chi tiết hơn thì giá thành sẽ đắt hơn.

Những tác phẩm tranh dân gian trên mẹt do Diệp sáng tạo - Ảnh: A.N

Có thể nói, dòng tranh dân gian mang hơi thở đời sống tinh thần của con người Việt nhưng dần bị mai một. Từ góc nhìn của người trẻ yêu nghệ thuật, Diệp nhận thấy đây là “cuộc chơi” nhiều tiềm năng, phục vụ nhu cầu cuộc sống hiện đại. “Mình mong muốn sẽ sáng tạo thật nhiều hơn những mẫu tranh dân gian lên mẹt, tạo sự mới mẻ để mọi người thêm yêu hơn những bức tranh dân gian, mang đậm bản sắc VN. Sắp tới, mình sẽ mở một cửa hàng để chia sẻ đam mê với mọi người và hướng dẫn những ai yêu thích dòng tranh dân gian này một lần tự tay vẽ những bức tranh dân gian lên mẹt”, Ngọc Diệp bày tỏ.

An Nhơn

Nguồn Thanh Niên: http://thanhnien.vn/gioi-tre/cuoc-choi-tranh-cua-co-nang-9x-1019880.html