Cuộc chơi quyền lực mới của Malaysia

Gần hai năm sau sự thay đổi chính phủ với tác động và ý nghĩa như giai đoạn chuyển giao đối với đất nước Malaysia, hiện lại có sự thay đổi chính phủ với tác động và hệ lụy chính trị thật sự khó lường.

Cựu Thủ tướng Malaysia Mohamad Mahathir

Cựu Thủ tướng Malaysia Mohamad Mahathir

Trong những ngày vừa qua, chính trường Malaysia lại bất ngờ sôi động và liên tiếp có những diễn biến bất ngờ. Gần 2 năm sau sự thay đổi chính phủ với tác động và ý nghĩa như giai đoạn chuyển giao đối với đất nước này, hiện lại có sự thay đổi chính phủ với tác động và hệ lụy chính trị thật sự khó lường. Khởi đầu là việc Thủ tướng Mohamad Mahathir bất ngờ từ chức, đồng thời cả cương vị chủ tịch đảng Bersatu. Đảng này cùng với đảng Liên minh Hy vọng của cựu Phó thủ tướng Anwar Ibrahim cầm quyền sau khi cùng nhau lật đổ quyền lực của Thủ tướng Najib Razak và đảng Umno. Hai hành động nói trên của ông Mahathir khiến cho liên minh cầm quyền giữa hai đảng Bersatu và Liên minh Hy vọng tan rã.

Ở đây còn có chuyện ông Mahathir liên danh với ông Ibrahim vì mục tiêu lật đổ ông Razak với cam kết là ông Mahathir chỉ cầm quyền trong thời gian nhất định, có thể là 2 năm, chứ không cả nhiệm kỳ quốc hội và rồi sẽ chuyển giao quyền bính cho ông Ibrahim. Cho nên việc ông Mahathir từ chức thủ tướng và chủ tịch đảng Bersatu rõ ràng với mục đích trước hết là tránh chuyển giao quyền bính cho ông Ibrahim, tìm cách thành lập chính phủ mới mà không cần phải liên minh nữa với ông Ibrahim và Liên minh Hy vọng.

Quốc hội Malaysia có 222 ghế dân biểu và phe cầm quyền phải có được ít nhất đa số 112 dân biểu trong quốc hội. Cả ông Mahathir lẫn ông Ibrahim đều quả quyết là có được đa số cần thiết để đứng ra thành lập chính phủ mới. Tuy nhiên, Quốc vương Malaysia lại không chỉ định một trong hai người này đứng ra thành lập chính phủ mới mà đề cử ông Muhyiddin Yassin.

Ông Muhyiddin từng là Phó Thủ tướng thời ông Razak cầm quyền và là Bộ trưởng Nội vụ trong chính phủ vừa qua của ông Mahathir. Khi xưa, ông Muhyiddin thuộc đảng Umno, nhưng sau đó chuyển sang phe cánh Bersatu của ông Mahathir. Điều thú vị nữa trong chuyện này là ông Muhyiddin lôi kéo đảng Umno vào liên minh cầm quyền mới. Khi xưa, mấy người này cùng nhau lật đổ quyền lực của đảng Umno. Bây giờ, cuộc ganh đua quyền lực giữa họ với nhau đã mở đường cho đảng Umno trở lại cầm quyền, không phải được độc tôn cầm quyền thì cũng cùng cầm quyền.

Trước đây, ông Mahathir và ông Ibrahim tiến hành cuộc chơi quyền lực mới để giành quyền. Thời ấy, ông Mahathir đã nghỉ hưu được nhiều năm sau sau một thời gian dài quyền và trở lại làm Thủ tướng cao tuổi nhất trên thế giới ở tuổi 92.

Còn ông Ibrahim từ một trong những cộng sự thân cận nhất của ông Mahathir trở thành người thất sủng. Liên thủ với nhau là cơ hội duy nhất giúp hai người này tận dụng được thiên thời và nhân hòa để lật đổ quyền bính của ông Razak và đảng Umno. Liên thủ giữa họ với nhau đã tạo nên được nhân tố địa lợi. Bây giờ, ông Mahathir lại tiến hành cuộc chơi quyền lực mới buộc ông Ibrahim phải cùng chơi nhưng không còn cùng mâm cùng chiếu với ông Mahathir nữa.

Trong cuộc chơi mới này, ông Mahathir rời khỏi liên quân với ông Ibrahim để tìm kiếm liên quân mới trong suy tính rằng ông Ibrahim không thể tập hợp được xung quanh mình ít nhất 112 dân biểu quốc hội. Chỉ có điều là ông Mahathir đã đánh giá quá thấp cả vị quốc vương Malaysia lẫn ông Muhyiddin. Vị quốc vương kia cần ổn định chính trị, quyền lực bền vững ở Malaysia chứ không ham muốn chơi các cuộc chơi chính trị.

Người này không muốn chính trường Malaysia trở thành sân chơi riêng của những chính trị gia gạo cội như ông Mahathir hay ông Ibrahim, không muốn để cho ổn định chính trị và xã hội đất nước trở thành con tin của cuộc ganh đua quyền lực giữa hai người này. Bởi vậy, người này không chỉ định ông Mahathir hay ông Ibrahim mà giao cho ông Muhyiddin quyền thành lập chính phủ mới. Cả ông Muhyiddin cũng có được cuộc chơi quyền lực riêng. Khả năng quyền biến chính trị và mẫn cảm về cơ hội quyền lực đã được người này thể hiện bằng quyết định kịp thời từ đảng Umno chạy sang đảng Bersatu, từng là Phó Thủ tướng thời thủ tướng Razak mà vẫn có chân trong chính phủ của ông Mahathir sau khi Thủ tướng Razak và đảng Umno bị “thất thế”.

Thế đấy, cuộc chơi quyền lực ở Malaysia giống như con dao hai lưỡi mà không phải với ai cũng đều dễ bắt đầu và dễ chiến thắng như nhau, cũng như không phải ai chủ động khởi đầu rồi cuối cùng cũng giành về được phần thắng.

Thiên Nhai

Nguồn Pháp Luật VN: http://baophapluat.vn/goc-quan-sat/cuoc-choi-quyen-luc-moi-cua-malaysia-499846.html