'Cuộc chơi mới' của doanh nghiệp - Kỳ II: Chính sách phải là đầu tàu

Nếu không có sự quyết tâm của doanh nghiệp cùng sự hỗ trợ của Nhà nước, sẽ khó xuất hiện những nhà máy 'không đèn' với robot làm việc suốt 24/7, thay thế dần con người. Bởi hành trình chuyển đổi số không phải là dễ dàng với bất kỳ một doanh nghiệp nào.

“Cuộc chơi mới” của doanh nghiệp - Kỳ I: Chậm sẽ mất cơ hội

Khi 4.0 vào nhà máy

Vào giữa tháng 12/2018, chúng tôi có mặt tại Nhà máy GE Hải Phòng - một trong 5 nhà máy thông minh của GE trên thế giới, ứng dụng những công nghệ sản xuất tiên tiến và hiệu suất kỹ thuật số vượt trội. Chính tại nhà máy này đã sản xuất và xuất khẩu hơn 6.000 hệ thống máy phát điện cho tuabin gió với giá trị xuất khẩu đạt hơn 1 tỷ USD.

Một góc Nhà máy GE Hải Phòng

Một góc Nhà máy GE Hải Phòng

Dẫn chúng tôi đi thăm quan nhà máy, bà Vũ Thu Trang - Tổng Giám đốc Nhà máy GE Hải Phòng cho biết, để chuyển sang nhà máy thông minh, GE Hải Phòng đã có sự đầu tư lớn về cơ sở hạ tầng tin học như đường truyền, băng thông rộng; các công nghệ cao như robot và thiết bị có tính chất tự động hóa, độ chính xác cao; các phần mềm quản lý kỹ thuật số…

“Chúng tôi đặt mục tiêu dẫn đầu ngành cả về chất lượng sản phẩm và dịch vụ nhờ công nghệ sản xuất tiên tiến và văn hóa cải tiến không ngừng” - bà Vũ Thu Trang nhấn mạnh và cho hay, thông qua tối ưu hóa sản xuất, Nhà máy GE Hải Phòng có thể tiết kiệm tới 50% thời gian hoàn tất đơn hàng, giảm lượng hàng tồn kho tới 20% trong khi nâng cao năng suất thêm 20%. “Đơn cử, với 2 robot chuyên về hàn khung vỏ máy phát điện, nếu trước đây chưa có 2 robot này, phải mất 40 tiếng mới cho ra được 1 sản phẩm, thì hiện nay chỉ mất 4 tiếng” - bà Vũ Thu Trang nói.

Tuy nhiên, dù là một công ty có nhiều lợi thế, bà Vũ Thu Trang thừa nhận, chuyển đổi GE Hải Phòng thành nhà máy thông minh và duy trì được điều đó thực sự là một quá trình nhiều thách thức. Bởi muốn ứng dụng công nghệ cao, hiện đại vào sản xuất, cần phải đào tạo con người để tiếp cận công nghệ. Đặc biệt, kỹ thuật số là một khái niệm rất mới với toàn bộ cán bộ công nhân viên nhà máy.

Thậm chí, ông Olivier Fontan, Phó Chủ tịch Chuỗi Cung ứng toàn cầu, GE Renewable Energy nhận định, khi bắt đầu một hành trình mới không phải sẽ được hưởng lợi ngay, một sớm một chiều mà phải rất kiên trì cùng một tầm nhìn chiến lược và niềm tin. Chúng tôi đã bắt đầu hành trình này từ năm 2016 nhưng đến cuối năm 2018 mới bắt đầu thấy được thành quả của nó. “Do đó, cần phải kiên nhẫn nhưng trong một thế giới tiến nhanh như vậy, kiên nhẫn cũng là một thách thức” - ông Olivier Fontan bày tỏ.

Trước vấn đề này, ông Đỗ Đức Hậu - Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Advantech Việt Nam Technology cho rằng, các doanh nghiệp (DN) Việt Nam chủ yếu là DN vừa và nhỏ. Vì vậy, để triển khai các công nghệ mới còn gặp nhiều khó khăn về năng lực tài chính. Ở các DN này, hạ tầng sản xuất nhìn chung chưa tốt, cho nên nếu muốn thay đổi, họ sẽ phải đầu tư rất lớn. Do đó, rất cần chính sách hỗ trợ từ Chính phủ. Bên cạnh đó, các DN cũng nên tăng cường hợp tác với các DN trong nước hoặc DN nước ngoài để thu hút đầu tư về tài chính, công nghệ, nguồn lực để làm chủ công nghệ.

Tiến sĩ Hoàng Việt Hồng, Công ty Cổ phần Viện máy và Dụng cụ công nghiệp cho hay, ứng dụng công nghệ mới phải đồng bộ từ khâu sản xuất đến khâu kho bãi và phương thức vận chuyển sản phẩm cung cấp cho khách hàng. Tuy nhiên, rào cản của các DN cũ là hệ thống sản xuất thiếu đồng bộ; trình độ kỹ thuật của hầu hết các công nhân và kỹ sư tại các cơ sở sản xuất công nghiệp chưa được tiếp cận đến công nghệ robot và tự động hóa nên gặp khó khăn trong chuyển giao công nghệ.

Doanh nghiệp được hỗ trợ như thế nào?

Trước câu hỏi DN sẽ được hỗ trợ như thế nào trong cuộc cách mạng công nghiệp (CMCN) 4.0, từ góc độ của Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN), ông Bùi Thế Duy - Thứ trưởng Bộ KH&CN cho biết, chúng tôi chia DN ra làm 4 nhóm DN trong hoạt động hỗ trợ gồm: Nhóm DN đầu tàu, dẫn dắt như Viettel, FPT...; nhóm DN vừa và nhỏ; nhóm DN KH&CN; nhóm DN khởi nghiệp đổi mới sáng tạo. Với mỗi một nhóm DN sẽ có những chính sách, chiến lược đồng hành cùng DN khác nhau.

GE Hải Phòng là một trong 5 nhà máy thông minh của GE trên thế giới

Cụ thể, đối với các DN đầu tàu, đầu đàn, bản chất họ đã có đủ tiềm năng, tiềm lực để triển khai mà không cần sự hỗ trợ về tài chính của khu vực Nhà nước. Do đó, sẽ hỗ trợ các DN này về cơ chế chính sách để tạo thuận lợi cho họ triển khai các hoạt động KH&CN của họ. Đồng thời, cùng với các DN này phối hợp xây dựng và kết nối với các trường đại học triển khai một vài định hướng lớn, với hy vọng sẽ có sản phẩm cạnh tranh được với toàn cầu.

Đối với nhóm DN vừa và nhỏ, hiện năng lực và trình độ công nghệ khá hạn chế. Trước đây, họ chưa đặt vấn đề cạnh tranh toàn cầu mà mới chủ yếu tiếp cận một phần thị trường trong nước. “Do đó, thời gian gần đây, chúng tôi tập trung làm việc với họ, hỗ trợ họ đổi mới, nâng cao năng lực công nghệ” - Thứ trưởng Bùi Thế Duy nhấn mạnh và cho hay, Bộ đã làm việc với Ngân hàng Nhà nước để hợp tác trong việc hỗ trợ cho vay ưu đãi trong hoạt động chuyển giao công nghệ cho các DN này.

Còn với nhóm DN KH&CN, Bộ cũng đã xây dựng hành lang pháp lý để thúc đẩy các DN này, nhất là hỗ trợ họ trong các đề tài nghiên cứu để tiếp tục có những thành quả về KH&CN để làm đòn bẩy cho sự phát triển. Nhóm cuối cùng là DN khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, Bộ sẽ hỗ trợ cho các nhóm nghiên cứu hoàn thiện sản phẩm, phát triển công nghệ và hỗ trợ để các startup có công nghệ có thể vươn ra thế giới.

Từ góc độ của Bộ Công Thương, ông Trần Việt Hòa, Vụ trưởng Vụ KH&CN chia sẻ, từ năm 2016, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh đã giao cho Vụ chủ trì phối hợp với Cục Thương mại Điện tử và Kinh tế số nghiên cứu đánh giá tổng thể tác động của cuộc CMCN 4.0 đến ngành Công Thương, từ đó đề xuất những chính sách, chiến lược của ngành để tiếp cận với xu thế của cuộc CMCN 4.0. Triển khai nhiệm vụ được giao, để có thêm cơ sở khoa học và thực tiễn, Vụ đã phối hợp với các đơn vị có liên quan chủ động xây dựng và thực hiện một số đề tài nghiên cứu khoa học và các hoạt động khảo sát đánh giá liên quan đến nội dung nêu trên.

Trong đó, đã phối hợp với Tổ chức phát triển của Liên hợp quốc (UNDP) thực hiện khảo sát về tác động và tính sẵn sàng của các DN trong việc tiếp cận và chuyển đổi sang mô hình DN số. “Kết quả nhiệm vụ là căn cứ quan trọng để Vụ tham mưu với Lãnh đạo Bộ để đề xuất một số ngành ưu tiên đầu tư, phát triển theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Chỉ thị 16/CT-TTg, đồng thời kiến nghị một số điều chỉnh, bổ sung chính sách phát triển ngành, hỗ trợ DN nâng cao khả năng tiếp cận và tận dụng các cơ hội do cuộc CMCN 4.0 mang lại” - ông Trần Việt Hòa nói.

Để thúc đẩy chuyển đổi số trong DN, ông Phan Thanh Sơn - Giám đốc Công nghệ Công ty Hệ thống thông tin FPT kiến nghị, Chính phủ nên có các chương trình đầu tư về trung tâm đổi mới sáng tạo giống như ở Singapore để DN có thể đến đó tìm hiểu các công nghệ thành phần của một dây chuyền sản xuất ứng dụng công nghệ mới của CMCN 4.0. Bên cạnh đó, nhận được các tư vấn của những nhà cung cấp hàng đầu và có thể dựng thử một dây chuyền sản xuất trong chính trung tâm ấy. “Trong quá trình dựng thử này, họ sẽ tìm ra nhiều ý tưởng cho đổi mới sáng tạo và được phép điều chỉnh cho đến khi cảm thấy hài lòng, họ mới bắt đầu mua sắm và triển khai thật. Do đó, cơ hội thành công rất cao” - ông Phan Thanh Sơn giải thích.

Thứ trưởng Bộ KH&CN Bùi Thế Duy: Với vai trò là cơ quan quản lý Nhà nước về KH&CN, Bộ KHCN sẽ thúc đẩy nghiên cứu, phát triển công nghệ, đặc biệt là những công nghệ mới của cuộc CMCN 4.0.

Quỳnh Nga - Lan Anh

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/cuoc-choi-moi-cua-doanh-nghiep-ky-ii-chinh-sach-phai-la-dau-tau-113968.html