Cuộc 'chơi lớn' của Nhà hát Nhạc Vũ Kịch Việt Nam

Ðánh dấu chặng đường 60 năm hình thành và phát triển (1959 - 2019), Nhà hát Nhạc Vũ Kịch Việt Nam (VNOB) vừa cho ra mắt hai tác phẩm kinh điển: nhạc kịch Người tạc tượng của cố nhạc sĩ Ðỗ Nhuận và vũ kịch Hồ Thiên Nga của nhà soạn nhạc Trai-cốp-xki. Với sự công phu trong đầu tư dàn dựng, đây có thể xem là cuộc 'chơi lớn' bằng nghệ thuật của một đơn vị đầu ngành về nhạc vũ kịch.

Cảnh trong vở Hồ thiên nga.

Cảnh trong vở Hồ thiên nga.

Công diễn lần đầu năm 1971, nhạc kịch Người tạc tượng của cố nhạc sĩ Ðỗ Nhuận được xem là một trong những vở ô-pê-ra đầu tiên của Việt Nam. Vở diễn tái hiện giai đoạn lịch sử kháng chiến chống Mỹ, cứu nước trên chiến trường Tây Nguyên tại buôn Bra trong thập niên 60 của thế kỷ 20, xoay quanh nhân vật trung tâm là Thạch Sơn, một người con Quảng Nam là cán bộ quân giải phóng, nêu bật ý chí kiên cường, bất khuất của các chiến sĩ cách mạng nơi chiến trường Tây Nguyên. Lấy bối cảnh chiến tranh cách mạng, nhưng Người tạc tượng không quá nhấn mạnh vào những đau thương, mất mát mà lột tả cuộc chiến về lý tưởng giữa các nhân vật ở hai đầu chiến tuyến.

Vở diễn gây xúc động mạnh khi khai thác sâu sự lãng mạn của tình yêu, lòng thủy chung trong khói lửa chiến tranh. Bên cạnh vẻ đẹp của các nhân vật chính như Thạch Sơn hay H’Nuôn - con gái già làng, hình tượng những nhân vật phụ cũng để lại nhiều dấu ấn đậm nét, như già làng Tây Nguyên kiên cường và người chiến sĩ Y Giang với lời trăng trối về sống quỳ hay chết đứng…

Tất cả làm sáng bừng chủ nghĩa anh hùng cách mạng. Bên cạnh đó, vở nhạc kịch mang đến nhiều thú vị với những màn đồng ca nhịp nhàng, những dấu ấn đặc trưng trên trang phục thể hiện rõ nét văn hóa Tây Nguyên…

Ðảm nhận vai trò biên tập, đạo diễn âm nhạc, PGS,TS, Nhạc sĩ Ðỗ Hồng Quân cho biết, phần âm nhạc của vở diễn đã được chắt lọc từ hai tiếng ba mươi phút còn một tiếng bốn mươi phút để phù hợp cách tiếp nhận của khán giả hiện nay, nhưng tinh thần gốc của vở diễn vẫn được bảo đảm tối đa. Và vì xây dựng theo hướng ô-pê-ra kinh điển cho nên việc thể hiện bằng ngôn ngữ tiếng Việt cũng gây khó khăn nhất định cho người hát. Nhưng theo chia sẻ của NSƯT Mạnh Dũng (vai Thạch Sơn), được hát bằng ngôn ngữ mẹ đẻ cũng mang đến lợi thế giúp nghệ sĩ cảm hiểu được sâu sắc ý nghĩa ngôn từ để chuyển tải cảm xúc một cách tốt nhất. Dàn dựng lại vở diễn sau gần 50 năm là nỗ lực lớn của VNOB mà như chia sẻ của NSƯT Trần Ly Ly - Quyền Giám đốc nhà hát, đây có thể xem là công trình tri ân đối với thế hệ cha anh đã cống hiến, hy sinh cho đất nước.

Nếu nhạc kịch Người tạc tượng là di sản âm nhạc đỉnh cao của Việt Nam thì vũ kịch Hồ thiên nga là kiệt tác nghệ thuật thế giới được VNOB lựa chọn thực hiện trong dịp này. Hơn một thế kỷ qua, Hồ thiên nga vẫn được coi là tác phẩm ba-lê kinh điển và chuẩn mực, "ba-lê của những vở ba-lê". Vở diễn lần đầu được trình diễn một cách đầy đủ tại Việt Nam vào năm 1985 dưới sự dàn dựng của các chuyên gia Nga. Từ đó đến nay, dù khán giả vẫn thi thoảng được xem Hồ thiên nga trên sân khấu nước ta, nhưng hầu hết mới chỉ là những trích đoạn nhỏ lẻ hoặc mời đoàn Nga về biểu diễn. Vì thế, phiên bản Hồ thiên nga năm 2019 của VNOB là sự đánh dấu lần đầu vở vũ kịch được trình diễn đầy đủ bốn màn bởi các nghệ sĩ ba-lê Việt Nam.

NSƯT Trần Ly Ly chia sẻ: Ðây là quyết định táo bạo đối với toàn bộ cán bộ, nghệ sĩ của nhà hát bởi để thực hiện không chỉ đòi hỏi sự đầu tư về tiền bạc mà còn cần sự tập trung cao độ của toàn thể diễn viên, nghệ sĩ tham gia với 60 nghệ sĩ chơi sống trong dàn nhạc và hơn 60 diễn viên múa tập luyện không ngừng nghỉ trong thời gian kéo dài sáu tháng. Hồ thiên nga là câu chuyện về tình yêu bất diệt giữa hoàng tử Si-phrít và công chúa Ô-đét. Vì phép thuật của phù thủy, Ô-đét bị biến thành thiên nga và chỉ có thể trở lại hình dạng con người vào ban đêm. Ma thuật sẽ được hóa giải nếu nàng gặp người hết lòng yêu thương, chung thủy với nàng. Tình yêu mật ngọt của họ trải qua nhiều thử thách của tà thuật và sự ghen tuông, tuyệt vọng với sự góp mặt của Ô-đi, con gái phù thủy. Nhưng sau nhiều dối trá và bao dung, hoàng tử và công chúa đã có kết thúc hạnh phúc…

Vở diễn về cơ bản vẫn được dàn dựng theo trường phái Nga nhưng có những nét độc đáo riêng của phiên bản Việt. Theo dõi vở diễn, người xem vô cùng ấn tượng với những màn múa đơn, múa đôi, múa tập thể đẹp mắt của các diễn viên, nhất là các diễn viên chính. Ðáng chú ý, phần âm nhạc được chơi sống hoàn toàn đã góp phần mang đến những xúc cảm thăng hoa cho các phân đoạn múa. Nhạc trưởng Ðồng Quang Vinh chia sẻ: Thể hiện cả bốn màn của vở diễn bằng việc chơi nhạc sống gần ba giờ đồng hồ là cả thách thức đối với dàn nhạc, bởi đổi lại là hàng trăm giờ tập của nhạc công để đưa ra những bản nhạc trọn vẹn. Nếu dùng nhạc thu sẵn, nghệ sĩ múa phải diễn theo nhạc.

Nhưng nếu chơi sống, nhạc phải theo múa, đòi hỏi người chỉ huy phải quan sát động tác diễn viên để kịp thời điều chỉnh âm lượng, độ dài-ngắn của âm thanh…

Nghệ sĩ Lê Ngọc Văn ở vai trò đạo diễn, biên đạo múa cho biết, anh đã cố gắng tận dụng tốt nhất sự mềm mại của những diễn viên ba-lê Việt Nam, sự năng động và hoạt bát của những tài năng trẻ và cắt bỏ những yếu tố rườm rà để tạo nên một Hồ thiên nga của người Việt. Dấu ấn Việt Nam cũng được thể hiện khá nổi bật ở phục trang của diễn viên. Dù phom trang phục vẫn được giữ nguyên để làm toát lên sự lộng lẫy hoàng gia, nhưng họa tiết lại được lấy cảm hứng và cách điệu từ những bông sen chạm trổ trên đình làng Việt xưa, vì thế mà vở diễn trở nên gần gũi.

Việc đồng thời dàn dựng và công diễn những tác phẩm nghệ thuật đỉnh cao của VNOB đã khẳng định nỗ lực và sự quyết tâm của Nhà hát trên hành trình đưa nghệ thuật hàn lâm đến gần hơn với công chúng Việt Nam.

TRANG ANH

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/vanhoa/dong-chay/item/41886102-cuoc-choi-lon-cua-nha-hat-nhac-vu-kich-viet-nam.html