'Cuộc chơi lớn' của các sân khấu kịch Thủ đô

Câu chuyện 'cơn sốt vé' giữa Sài thành của sân khấu Lệ Ngọc hay các vở diễn được nhà trường đặt hàng của Nhà hát Kịch Hà Nội là câu trả lời thực tế rằng: Kịch hay thì khán giả sẽ nhanh tay đặt vé!

Thời điểm này, sau khoảng thời gian dài ngành giải trí “đóng băng” vì ảnh hưởng của dịch Covid-19, nhiều đơn vị nghệ thuật đã có hướng đi riêng cho ngành nghệ thuật từng được gọi là “vang bóng một thời”. Đầu tiên phải kể đến cuộc ra quân của sân khấu Lệ Ngọc – sân khấu xã hội hóa đầu tiên ở phía Bắc. Chào sân ấn tượng với vở diễn “Cây tre thần”, “Hoa sen lửa”, sân khấu Lệ Ngọc nhận được sự tán dương của khán giả Thủ đô. “Thừa thắng xông lên” với quyết tâm chinh phục được “miền đất hứa”, ngay cuối tháng 6, sân khấu Lệ Ngọc đã mang 3 vở diễn ngược dòng phương Nam với tour diễn “Tìm về văn hóa cội nguồn”. Đó là 3 vở “Cây tre thần”, “Chí phèo – Thị Nở”; “Hoa sen lửa” được công diễn tại Nhà hát TP HCM từ ngày 25-6 đến ngày 5-7.

Khác với hoài nghi ban đầu, hiệu ứng của 3 vở kịch, 3 màu sắc, 3 giai đoạn lịch sử đã hoàn toàn chinh phục khán giả phía Nam. Chỉ sau vài ngày công bố mở bán vé, hệ thống bán vé liên tục thông báo về tình trạng “hết vé” vì số lượng đặt mua nhiều. Thậm chí, trên trang fangage của sân khấu Lệ Ngọc, nhiều khán giả tiếc nuối vì không thể đặt kịp vé.

Giữa lúc nhiều ngành nghệ thuật “đóng băng” sau dịch Covid-19 và chưa có dấu hiệu phục hồi thì cơn sốt vé của kịch Bắc khi Nam tiến thực sự là một điều hiếm thấy. Theo thông tin từ đơn vị phát hành vé, chỉ hơn 1 tuần kể từ ngày bắt đầu mở cổng bán vé, hơn 4.200 vé đã được phát hành, 7 trên tổng số 10 suất diễn của sân khấu Lệ Ngọc tại Nhà hát TP HCM của các vở diễn “Cây tre thần”, “Chí Phèo – Thị Nở” đã chính thức “sold-out”.

Hình ảnh trong vở diễn “Thị Nở - Chí Phèo” sân khấu Lệ Ngọc.

Hình ảnh trong vở diễn “Thị Nở - Chí Phèo” sân khấu Lệ Ngọc.

Lý giải “cơn sốt vé” giữa Sài thành, NSND Lệ Ngọc cho hay, 6 suất diễn trong 3 ngày liên tiếp không phải là một đoạn đường dài, nhưng nó vừa đủ - đủ để chúng tôi chạm đến trái tim của những người yêu kịch Sài Thành; và đủ để chúng tôi cảm nhận được tình yêu của khán giả nơi đây dành cho loại hình nghệ thuật này lớn đến nhường nào. Từ lúc bắt đầu lên ý tưởng Nam tiến, trong lòng chúng tôi đã có lúc ngập ngừng, bởi một vở diễn chinh phục được khán giả Thủ đô không có nghĩa là nó sẽ “hợp khẩu vị” của khán giả Sài Gòn. Nhưng rồi, đam mê và sứ mệnh lan tỏa văn hóa đã thúc đẩy chúng tôi bước tiếp trên hành trình này.

Sau thành công của “Cây tre thần”, vở diễn “Thị Nở - Chí Phèo” đã đưa khán giả tới cảm xúc cùng khóc, cùng cười với các nhân vật. Nếu ở phía Bắc, vở diễn “Thị Nở - Chí Phèo” được người ta lấy thành đề tài trong nhà trường để học sinh viết luận, nhiều trường ĐH và khối THPT đã mua hầu hết các suất diễn thì khi Nam tiến, trường ĐH Bách khoa TP HCM cũng đặt mua vé.

Đưa kịch nói tới trường học từng là hướng đi của nhiều đơn vị nghệ thuật phía Bắc. Gần đây, Nhà hát Kịch Hà Nội đã hợp tác trường tiểu học Vinschool đưa vở diễn “Hai viên ngọc thần” biểu diễn cho các em học sinh. Sau 2 buổi biểu diễn, các cô giáo đã gửi cho nghệ sĩ của Nhà hát Kịch Hà Nội rất nhiều phản hồi, những video cảm nghĩ đáng yêu của các em. Vở diễn “Hai viên ngọc thần” đã được các em học sinh đón nhận rất nhiệt tình, đem đến cho các em những trải nghiệm đầu tiên cực kỳ mới mẻ, tuyệt vời đối với nghệ thuật sân khấu kịch nói. Thời điểm này, song song với việc biểu diễn các vở cũ thì Nhà hát Kịch Hà Nội cũng bắt đầu khởi công vở diễn “Trương Chi – Mị Nương”.

Trước đó, Nhà hát Kịch Việt Nam cũng có sự trở lại ấn tượng sau 2 vở diễn “Bệnh sĩ” và “Điều còn lại”. Các vở diễn đều trong tình trạng “cháy vé”. Điều này tạo động lực lớn cho các nghệ sĩ trở lại với nghề. Hiện, Nhà hát Kịch Việt Nam đang xây dựng vở diễn về hình tượng người chiến sĩ CAND với vở “Nữ cảnh sát SBC”.

Thực tế, với tâm thế chỉ có khán giả mới cứu được sân khấu, trên hành trình tìm khán giả, các nhà hát Thủ đô tích cực đổi mới chất và lượng. Nếu các vở diễn kinh điển là thương hiệu của Nhà hát Kịch Việt Nam thì các vở diễn tại sân khấu quay hiện đại nhất miền Bắc gọi tên Nhà hát Kịch Hà Nội, và phát triển mảng nghệ thuật dân gian là hướng đi riêng khó trộn lẫn của sân khấu Lệ Ngọc.

Theo NSND Lệ Ngọc, ngay từ khi thành lập sân khấu xã hội hóa đầu tiên phía Bắc từ năm 2013, bà quyết tâm lựa chọn lối đi riêng trong việc xây dựng các vở kịch chất lượng cao và đích đến chính là chinh phục khán giả. Bởi thế, mỗi vở kịch còn hàm chứa cả kho tàng văn hóa cội nguồn của dân tộc.

Minh chứng là vở diễn “Cây tre thần”, đó không chỉ là câu chuyện cổ tích được tái hiện giữa cuộc sống hiện đại, nó còn bao hàm nhiều tầng nghĩa về việc nâng cao ý thức bảo vệ môi trường, cuộc sống nhân loại. Chú trọng đối thoại với khán giả và ngôn ngữ hình thể sẽ vượt qua rào cản ngôn ngữ, sân khấu Lệ Ngọc mong muốn khán giả nước ngoài có thể không hiểu hết 100% nội dung nhưng hiểu câu chuyện và thông điệp vở diễn muốn truyền tải. Vở diễn không chỉ đóng khung vào câu chuyện “thiện-ác” đó còn là vấn đề bảo vệ môi trường, thông qua tác phẩm cảnh báo về vấn đề cháy rừng, ô nhiễm môi trường, ô nhiễm không khí.

Dù mỗi đơn vị nghệ thuật có định hướng phát triển riêng, điều khán giả mong muốn chính là các tác phẩm nghệ thuật chạm tới trái tim của khán giả và sống mãi với thời gian chứ không phải là những tác phẩm dựng xong rồi cất kho.

Mộc Miên

Nguồn PL&XH: https://phapluatxahoi.vn/cuoc-choi-lon-cua-cac-san-khau-kich-thu-do-200088.html