'Cuộc chiến' xuất khẩu gạo basmati sang EU: Ấn Độ tung đòn hiểm vào Pakistan

Ấn Độ đã đăng ký một nhãn hiệu độc quyền với gạo basmati tại Liên minh Châu Âu, giáng một đòn trí mạng cho Pakistan tại thị trường xuất khẩu quan trọng này.

 Nông dân Ấn Độ thu hoạch lúa trên cánh đồng ở làng Suchetgarh gần biên giới Ấn Độ - Pakistan, cách Jammu, thủ phủ mùa đông của Kashmir, Ấn Độ, khoảng 25 km, ngày 31/10/2017. Ảnh: EPA-EFE.

Nông dân Ấn Độ thu hoạch lúa trên cánh đồng ở làng Suchetgarh gần biên giới Ấn Độ - Pakistan, cách Jammu, thủ phủ mùa đông của Kashmir, Ấn Độ, khoảng 25 km, ngày 31/10/2017. Ảnh: EPA-EFE.

“Nó giống như thả một quả bom nguyên tử xuống chúng tôi", Ghulam Murtaza, đồng sở hữu của hãng Al-Barkat Rice Mills, ngay phía nam thành phố Lahore, thành phố lớn thứ hai của Pakistan, nói.

Pakistan ngay lập tức phản đối động thái của Ấn Độ để giành được chứng nhận Chỉ dẫn Địa lý được Bảo vệ (Protected Geographical Indication- PGI) từ Ủy ban Châu Âu.

Theo số liệu của Liên hợp quốc, Ấn Độ là nước xuất khẩu gạo lớn nhất thế giới, đạt 6,8 tỷ USD thu nhập hàng năm, trong đó Pakistan ở vị trí thứ tư với 2,2 tỷ USD.

Cả thế giới chỉ có hai quốc gia này xuất khẩu gạo basmati.

“(Ấn Độ) đã gây ra tất cả ồn ào này để bằng cách nào đó họ có thể nắm bắt một trong những thị trường mục tiêu của chúng tôi”, Murtaza, người sở hữu ruộng lúa hầu như chỉ cách biên giới Ấn Độ 5 kilomet, bức xúc.

“Toàn bộ ngành lúa gạo của chúng tôi bị ảnh hưởng", ông bổ sung.

Từ Karachi đến Kolkata, gạo basmati là một thực phẩm chủ yếu trong chế độ ăn uống hàng ngày trên khắp khu vực Nam Á.

Gạo được ăn cùng với thịt cay và cà ri rau, và là điểm nhấn chính của các món biryani vô cùng đa dạng đặc trưng trong các lễ cưới và lễ kỷ niệm ở cả hai quốc gia - vốn mới tách ra sau khi độc lập khỏi chế độ thuộc địa của Anh vào năm 1947.

Kể từ đó, hai bên đã tham gia ba cuộc chiến, với cuộc giao tranh mới nhất vào năm 2019 liên quan đến các cuộc không kích xuyên biên giới đầu tiên trong gần 50 năm.

Quan hệ ngoại giao đã căng thẳng trong nhiều thập kỷ và cả hai nước thường xuyên cố gắng gây ác ý với nhau trên trường quốc tế.

EU - "Thị trường rất quan trọng"

Pakistan đã mở rộng xuất khẩu gạo basmati sang EU trong ba năm qua, tận dụng những khó khăn của Ấn Độ trong việc đáp ứng các tiêu chuẩn thuốc trừ sâu khắt khe hơn của châu Âu.

Hiện Pakistan đáp ứng 2/3 nhu cầu hàng năm - khoảng 300.000 tấn của khu vực, theo Ủy ban Châu Âu.

Malik Faisal Jahangir, Phó Chủ tịch Hiệp hội các nhà xuất khẩu gạo Pakistan, cho biết: “Đối với chúng tôi, đây là một thị trường rất, rất quan trọng”.

Chứng nhận PGI cấp quyền sở hữu trí tuệ cho các sản phẩm được liên kết với khu vực địa lý nơi diễn ra ít nhất một giai đoạn sản xuất, chế biến hoặc chuẩn bị.

Trà Darjeeling của Ấn Độ, cà phê từ Colombia và một số loại dăm bông của Pháp là một trong những sản phẩm phổ biến với chứng chỉ PGI.

Chứng nhận PGI khác với chứng nhận Định vị xuất xứ được bảo hộ (Protected Designation of Origin – DOP), đòi hỏi cả ba giai đoạn phải diễn ra ở khu vực liên quan, như trong trường hợp của các loại pho mát, ví như brie của Pháp hoặc gorgonzola của Ý.

Các sản phẩm như vậy được bảo vệ hợp pháp chống lại việc làm giả và sử dụng sai mục đích ở các quốc gia bị ràng buộc bởi thỏa thuận bảo hộ và tem công nhận chất lượng cho phép chúng bán với giá cao hơn.

Ấn Độ cho biết họ không tuyên bố trong đơn đăng ký là nhà sản xuất loại gạo đặc biệt duy nhất được trồng ở chân núi Himalaya, nhưng việc đạt được chứng nhận PGI sẽ cấp cho nước này sự công nhận.

“Ấn Độ và Pakistan đã xuất khẩu và cạnh tranh lành mạnh ở các thị trường khác nhau trong gần 40 năm… Tôi không nghĩ chứng nhận PGI sẽ thay đổi điều đó”, Vijay Setia, cựu Chủ tịch Hiệp hội các nhà xuất khẩu gạo Ấn Độ, nói với AFP.

Di sản chung

Theo các quy định của EU, hai nước phải cố gắng đàm phán một giải pháp thân thiện trước tháng 9, sau khi Ấn Độ yêu cầu gia hạn thêm ba tháng, một phát ngôn viên của Ủy ban châu Âu nói với AFP.

Nhà nghiên cứu pháp lý Delphine Marie-Vivien cho biết: “Về mặt lịch sử, cả danh tiếng và khu vực địa lý (đối với basmati) đều chung cho Ấn Độ và Pakistan. Đã có khá nhiều trường hợp phản đối đơn đăng ký chỉ dẫn địa lý ở Châu Âu và mỗi lần như vậy đều có sự thỏa hiệp”.

Sau nhiều năm trì hoãn, Chính phủ Pakistan vào tháng Giêng đã xác định nơi có thể thu hoạch basmati trong nước.

Chính phủ Pakistan cũng tuyên bố sẽ chỉ định tình trạng được bảo hộ tương tự đối với muối hồng Himalaya và các sản phẩm nông nghiệp được ca tụng khác.

Ông Jahangir nói, Pakistan hy vọng sẽ thuyết phục được Ấn Độ nộp một “đơn đăng ký chung” nhân danh di sản chung mà basmati đại diện.

“Tôi tin tưởng rằng chúng tôi sẽ sớm đạt được kết luận (tích cực)… Thế giới biết rằng gạo basmati đến từ cả hai quốc gia”, ông nói thêm.

Nếu không thể đạt được thỏa thuận và các quy định của EU có lợi cho Ấn Độ, Pakistan có thể khiếu nại lên các tòa án châu Âu, nhưng quá trình xem xét kéo dài có thể khiến ngành gạo của nước này lâm vào tình trạng tiến thoái lưỡng nan.

Hương Lan

Nguồn Nông Nghiệp: https://nongnghiep.vn/cuoc-chien-xuat-khau-gao-basmati-sang-eu-an-do-tung-don-hiem-vao-pakistan-d293314.html