'Cuộc chiến vũ trụ' giữa Nga – Mỹ

Cơ quan vũ trụ Nga (Roscosmos) gần đây ám chỉ một âm mưu từ nước ngoài nhằm phá hoại Trạm vũ trụ quốc tế.

Trạm vũ trụ quốc tế. Ảnh: CNN

Sự cố rò rỉ

Tháng trước, cơ quan điều khiển bay ở Houston và Moscow cho biết đã phát hiện một rò rỉ áp lực nhỏ trên Trạm Vũ trụ Quốc tế (ISS), trong quỹ đạo thấp của Trái đất. Theo thông cáo báo chí của NASA, phi hành đoàn không gặp nguy hiểm. Sau khi xử lý sự cố, phi hành đoàn phát hiện ra một sự rò rỉ nhỏ trong phân khúc quỹ đạo của Nga, gây ra một áp lực nhỏ. Việc sửa chữa rất đơn giản: NASA cho biết phi hành đoàn đã sử dụng băng dính Kapton để tạm thời ngăn chặn sự rò rỉ.

Roscosmos cho biết áp lực trên ISS "ổn định và không phát hiện thêm rò rỉ nào" sau khi phi hành đoàn quốc tế đã sửa chữa sự cố rò rỉ. Nhưng câu chuyện vẫn chưa kết thúc. Đầu tuần này, Giám đốc Roscosmos, Dmitry Rogozin, cho rằng sự cố rò rỉ là do một nguyên nhân khác, chứ không phải một vụ tai nạn hoặc lỗi trong quá trình hoạt động.

"Có một phiên nguyên nhân mà chúng tôi không loại trừ: một hành động đã được thực hiện trong không gian". Ông Rogozin cho rằng đã có "một số nỗ lực để tác động bằng một mũi khoan", lưu ý rằng tác động đã được thực hiện với "một bàn tay không ổn định", bởi vì mũi khoan "trượt trên bề mặt", cơ quan thông tấn nhà nước đưa tin.

Sự hợp tác không chắc chắn

Mỹ và Nga đã hợp tác rất lâu trên ISS. Ra mắt vào năm 1998, ISS có các trung tâm kiểm soát sứ mệnh ở Moscow và Houston. Tàu vũ trụ Soyuz của Nga được phóng từ Sân bay vũ trụ Baikonur ở Kazakhstan đưa các thành viên phi hành đoàn lên trạm trong khi NASA trả tiền để đưa các nhà khoa học của nước mình lên đây. Phi hành đoàn hiện tại của ISS bao gồm 3 người Mỹ, 3 người Nga và 1 người Đức.

Sự hợp tác giữa các cơ quan vũ trụ của Mỹ và Nga nói chung không bị ảnh hưởng bởi các xung đột chính trị theo phong cách chiến tranh lạnh đang diễn ra giữa Washington và Moscow sau khi Nga sáp nhập bán đảo Crimea từ Ukraine vào năm 2014. "Luôn luôn có một mối quan hệ tốt đẹp trong không gian cho đến bây giờ giữa Nga và Mỹ. ISS là điều đáng ghi nhận vì nó rất thành công và đã hoạt động rất lâu", Joe Pappalardo, tác giả của Spaceport Earth: The Reinvention of Space Flight cho biết. Nhưng việc ông Rogozin được chỉ định làm Giám đốc Roscosmos hồi đầu năm nay đã chỉ ra những điểm không chắc chắn về sự hợp tác tốt đẹp này.

Rogozin, nguyên Phó thủ tướng phụ trách ngành công nghiệp quốc phòng, là một chính trị gia hiền lành và thẳng thắn. Và vào năm 2014, ông bị đưa vào danh sách trừng phạt của Mỹ, một động thái mà Nhà Trắng cho biết được đưa ra để "áp đặt cho... những cá nhân có ảnh hưởng trong chính phủ Nga và những người chịu trách nhiệm cho tình hình xấu đi ở Ukraine".

Một bài viết trên SpaceNews, một ấn phẩm công nghiệp, mô tả dộng thái này của Mỹ đối với ông Rogozin là "quả cầu lớn nhất " cho quan hệ đối tác Mỹ-Nga. "Người đàn ông đã trải qua 4 năm chỉ trích Mỹ phụ thuộc vào tên lửa của Nga để tiếp cận ISS lại được trao quyền nắm giữ Roscosmos, đối tác quan trọng nhất của NASA", bài viết cho biết.

Sự phụ thuộc của Mỹ vào Nga đang được thay đổi. NASA đã thuê hai nhà thầu, SpaceX và Boeing, phát triển một thế hệ tàu vũ trụ và hệ thống phóng mới để đưa các phi hành gia vào quỹ đạo thấp của Trái đất, ISS và quay trở lại Trái đất. Chương trình phi hành đoàn thương mại, đang tiến tới hoàn thiện thiết kế và xây dựng, mặc dù Văn phòng Trách nhiệm Chính phủ Mỹ cảnh báo trong một báo cáo hồi tháng 6 rằng, sự chậm trễ của chương trình có thể ảnh hưởng đến khả năng tiếp cận trạm vũ trụ của Mỹ. NASA chỉ ký hợp đồng đưa phi hành gia lên ISS bằng tàu vũ trụ Soyuz của Nga chỉ đến tháng 11-2019.

Vậy là, vũ trụ đang nổi lên trở thành một đấu trường khác cho sự cạnh tranh Mỹ-Nga? Nhận xét của ông Rogozin sau sự cố rò rỉ hồi tháng trước đang gây chú ý, nhưng Roscosmos đã nhận xét một cách thận trọng. Trong một tuyên bố tuần trước, cơ quan này "kêu gọi các phương tiện thông tin đại chúng hạn chế việc xuất bản thông tin chưa được xác minh, nhận được từ các nguồn vô danh về kết quả của công việc điều tra liên quan đến tình trạng khẩn cấp trên tàu vũ trụ có người lái Soyuz MS-09, hiện là một phần của ISS".

Theo các nguồn tin, việc điều tra của ủy ban sẽ được hoàn thành vào giữa tháng 9.

AN BÌNH (Theo CNN)

Nguồn CAĐN: http://cadn.com.vn/news/91_195240_-cuoc-chien-vu-tru-giua-nga-my.aspx