Cuộc chiến với rác thải nhựa ở Huế: Một bộ phận người dân vẫn thờ ơ

Cuộc chiến với rác thải nhựa ở Thừa Thiên-Huế không phải ngày một ngày hai, mà đó là cả một sự 'tuyên chiến' trường kỳ, bởi một bộ phận người dân nơi đây vẫn còn chưa nhận thức được tác hại của rác thải nhựa.

Bằng những hành động thiết thực và hiệu quả, tỉnh Thừa Thiên - Huế đang nỗ lực trong cuộc chiến “nói không với rác thải nhựa”.

Với việc yêu cầu các cơ quan, đơn vị công sở trên địa bàn không sử dụng nước uống đóng chai sử dụng một lần, UBND tỉnh Thừa Thiên-Huế đang lan tỏa tinh thần cuộc chiến khá hiệu quả đến bộ phận cán bộ, nhân viên các các cơ quan, đơn vị.

Chai nước thủy tinh đã trở thành món quà "đặc biệt" mà Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên-Huế luôn mang theo để lan tỏa tinh thần của cuộc chiến với rác thải nhựa.

Chai nước thủy tinh đã trở thành món quà "đặc biệt" mà Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên-Huế luôn mang theo để lan tỏa tinh thần của cuộc chiến với rác thải nhựa.

100% các công sở trên địa bàn Thừa Thiên-Huế đã không còn sử dụng nước uống đóng chai sử dụng một lần (có dung tích từ 330-500 ml) khi tổ chức các cuộc họp, hội nghị hội thảo. Thay vào đó, chuyển sang sử dụng các bình nước có dung tích lớn trên 20 lít; hoặc tự đun nấu nước và sử dụng các bình lớn để sử dụng.

Để lan tỏa tinh thần này đến người dân, ngoài chế tài xử phạt mạnh với vi phạm hành chính về lĩnh vực bảo vệ môi trường thông qua hình ảnh trích xuất từ camera thì tỉnh này còn nỗ lực hỗ trợ các làng nghề sản xuất sản phẩm thay thế ống hút nhựa; vận động các đơn vị kinh doanh dịch vụ sử dụng ống hút thân thiện môi trường.

Song song đó là các cuộc thi nhằm kêu gọi các tầng lớp nhân dân cùng chung tay hành động “Nói không với các sản phẩm nhựa sử dụng một lần và túi ni lông khó phân hủy”, “Chống rác thải nhựa” vì một Thừa Thiên Huế thêm Xanh - Sạch - Sáng... tạo sức lan tỏa trong cộng đồng.

Có thể nói, tinh thần của phong trào đã lan tỏa đến đến nhiều người dân, ý thức bảo vệ môi trường của họ ngày càng nâng cao.

Minh chứng cho điều đó chính là kết quả. Mới đây, tại Lễ trao giải thưởng du lịch ASEAN trong khuôn khổ Diễn đàn du lịch ASEAN (ATF) năm 2020 diễn ra ở Brunei, TP. Huế cùng 2 thành phố khác của Việt Nam là Quy Nhơn và Vũng Tàu) vinh dự nhận danh hiệu "Thành phố Du lịch Sạch ASEAN 2020-2022".

Tuy nhiên, vẫn còn một bộ phận người dân ở đây chưa nhận thức được tác hại của rác thải nhựa. Dẫn chứng rõ ràng nhất là những hình ảnh mà PV ghi nhận mấy ngày qua tại Tượng đài Quan Thế Âm (Thừa Thiên-Huế).

Cảnh người dân làm lễ tại Tượng đài Quan Thế Âm trong ngày Rằm tháng Giêng (8/2).

Việc mang theo chai nước và bó nhang để khấn vái tại đây được một số người đi lễ chùa giải thích là mong muốn Bồ tát ban nước "cam lồ" để tẩy trừ khổ đau, bệnh tật. Thế nhưng, điều đó không có nghĩa là bắt buộc phải sử dụng nước đóng chai dùng một lần.

Không chỉ là chai nhựa sử dụng một lần mà còn nhan nhản túi ni lon.

Những chai nước sau khi được khấn vái, chờ tàn hương sẽ được sử dụng. Và không ít người đã để lại sau khi dùng.

Rõ ràng, tinh thần của cuộc chiến với rác thải nhựa ở Thừa Thiên-Huế đang “nóng” lên ở mỗi cán bộ công sở và sức “nóng” này cũng đang dần lan tỏa đến nhận thức của người dân. Nhưng từ nhận thức đến hành động không phải là ngày một ngày hai, mà đó là cả một con đường dài, đòi hỏi người lãnh đạo phong trào phải luôn nhẫn nại, kiên trì.

Lê Kông

Nguồn Người Đưa Tin: https://nguoiduatin.vn/cuoc-chien-voi-rac-thai-nhua-o-hue-mot-bo-phan-nguoi-dan-van-tho-o-a465285.html