Cuộc chiến với Mỹ có thể là điều tốt cho Huawei?

Trong một trả lời phỏng vấn gần đây, ông Nhậm Chính Phi, người sáng lập Huawei lại tin tưởng việc bị Mỹ tấn công có thể mang lại điều tốt cho công ty.

Tỷ phú Nhậm Chính Phi, người sáng lập Huawei.

Mỹ trong thời gian gần đây đã đưa ra hàng loạt chính sách nhằm ngăn chặn Huawei tham gia xây dựng mạng 5G của mình và các nước đồng minh. Huawei gần như không làm được gì ngăn chặn việc Mỹ đẩy mạnh chính sách cấm của mình.

Giám đốc Tài chính của Huawei là bà Mạnh Vãn Chu, con gái ông Nhậm Chính Phi bị Canada bắt cuối năm 2018 vì cáo buộc âm mưu lừa đảo các tổ chức tài chính tới nay vẫn chưa biết vụ việc sẽ được xử lý thế nào.

Những gì Huawei làm được chỉ là đưa ra lập luận khẳng định rằng thiết bị của mình không phải là mối đe dọa an ninh mạng và từ trước đến nay luôn làm ăn uy tín ở mọi nước. Gần đây nhất, Huawei đã kiện lại chính phủ Mỹ vì lệnh cấm bán thiết bị của Huawei vi phạm hiến pháp.

Sau những nỗ lực ít ỏi này, người đứng đầu Huawei, ông Nhậm Chính Phi vẫn tỏ ra lạc quan và việc cuộc chiến của Mỹ chống lại tập đoàn mình vẫn mang lại những tác động tích cực.

Trong một trả lời phỏng vấn trên CNN Business, ông cho biết: “Sau nhiều năm thành công, đội ngũ của chúng tôi đang trở nên lười biếng, tham nhũng và yếu đuối. Nhưng kể từ khi Mỹ tấn công chúng tôi, mọi người đã kết hợp với nhau và muốn làm sản phẩm tốt hơn”.

Tình thế khó khăn hiện nay là yếu tố thúc đẩy cho cả các nhân viên và con gái mình là bà Mạnh Vãn Chu có thể cứng rắn hơn.

Thế nhưng ông cũng thừa nhận, vụ việc hiện nay với con gái mình không phải là một điều lý tưởng cho sự nghiệp của bà Mạnh: “Một giám đốc bị đình chỉ thực hiện nhiệm vụ của mình quá lâu là một điều xấu hổ”

Cho phép Google trở lại sẽ có lợi cho Trung Quốc

Nếu bỏ qua việc Mỹ đang chống lại công ty của mình, ông Nhậm Chính Phi vẫn thể hiện mình một người ngưỡng mộ nước Mỹ vì đây là một quốc gia dẫn đầu trong cả kinh doanh và công nghệ.

Ông cho biết: “Tôi luôn ủng hộ việc cho phép Google, Amazon và những công ty như vậy vào Trung Quốc, điều đó sẽ có lợi cho Trung Quốc”.

Nhưng cả Google, Facebook, Twitter đều gần như biến mất ở Trung Quốc vì chính sách kiểm duyệt của chính phủ nước này. Amazon còn hoạt động được nhưng bị vẫn bị hạn chế và phải chịu sự cạnh tranh của hàng loạt đối thủ trong nước.

Khi tới Mỹ vào những năm 1992, ông Nhậm nhận ra Mỹ giàu có và thịnh vượng không phải nhờ đi cướp bóc mà đến từ công nghệ cao. Khi đó Trung Quốc vẫn còn cách Mỹ rất xa.

Từ những thập kỷ sau đó, Trung Quốc đã tạo ra hàng loạt những tên tuổi công nghệ trong nước như Alibaba và Tencent. Tiếp theo đó sẽ là mục tiêu trở thành cường quốc công nghệ toàn cầu.

Còn Mỹ thì không thể tin tưởng Trung Quốc và để cho các công nghệ tương lai được kiểm soát bởi chính phủ của nước này.

Tổng thống Mỹ Donald Trump còn cảnh báo các doanh nghiệp trong nước cần công nghệ 5G hoặc thậm chí là 6G càng sớm càng tốt. Các doanh nghiệp Mỹ cần nỗ lực nhiều hơn nếu không muốn bị bỏ lại phía sau.

Còn ông Nhậm lúc này tới Mỹ sẽ bị giám sát. Năm 2017, ông từng bị FBI thẩm vấn vì việc Huawei vi phạm lệnh trừng phạt của Mỹ với Iran. Nhưng tài liệu của tòa án Mỹ lại cáo buộc ông đã nói dối trong cuộc thẩm vấn đó.

Người sáng lập Huawei cũng không muốn tới Mỹ vì đây chỉ là thị trường nhỏ của hãng này. Nhiều năm nay Huawei đã không còn được tham gia bán thiết bị mạng cho các nhà mạng tại Mỹ. Khách hàng còn lại của hãng hầu hết là khách hàng người tiêu dùng.

TÙNG LINH

Nguồn BizLIVE: http://bizlive.vn/cong-nghe/cuoc-chien-voi-my-co-the-la-dieu-tot-cho-huawei-3498172.html