Cuộc chiến với 'ma men'

13.000 trường hợp bị lực lượng Cảnh sát giao thông toàn quốc xử phạt sau 3 tuần triển khai cao điểm xử lý vi phạm về nồng độ cồn và chất gây nghiện. Con số này cho thấy quyết tâm của lực lượng chức năng trong việc đẩy lùi một trong những vấn nạn gây tử vong tai nạn giao thông (TNGT) đứng hàng đầu.

Con số trên cũng nói lên thực trạng đáng lo ngại, bất chấp hình phạt nghiêm, nhiều người sau khi sử dụng bia, rượu vẫn liều lĩnh điều khiển phương tiện tham gia giao thông. Điển hình như vụ TNGT nghiêm trọng xảy ra vào tối 9-4, giữa xe ô tô 7 chỗ biển kiểm soát 92A-183.25 do tài xế Châu Văn Ánh (sinh năm 1975) điều khiển với 1 ô tô tải và 4 xe mô tô khác tại tuyến đường qua thôn Phú Hòa, xã Đại An, huyện Đại Lộc, Quảng Nam. Vụ tai nạn khiến 2 người điều khiển xe máy tử vong, 5 người bị thương nặng. Qua kiểm tra, tài xế Ánh có nồng độ cồn trong máu và thừa nhận đã uống rượu bia trước khi lái xe.Tuy nhiên, chuyên gia giao thông cho rằng, nhiều vi phạm bị xử lý không đồng nghĩa với thực trạng “ma men” sau tay lái vẫn phức tạp, trái lại đang có những chuyển biến hết sức tích cực khi Luật Phòng chống tác hại của rượu bia đi vào đời sống. Số người vi phạm bị xử lý tăng minh chứng chúng ta kiểm soát, thực thi luật gắt gao hơn. Rõ ràng, Nghị định 100/2019/NĐ-CP quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt đã phát huy tác dụng, giúp lực lượng chức năng quyết liệt hơn trong xử lý các vi phạm về nồng độ cồn.

Dư luận cũng bày tỏ sự lạc quan về những thay đổi trong nhận thức của người tham gia giao thông khi số người điều khiển ô tô uống rượu bia giảm đáng kể, TNGT liên quan rượu bia đã giảm xuống nhiều lần.

Thực tế, trong tháng 3-2021, tình hình trật tự an toàn giao thông có cải thiện, toàn quốc xảy ra 849 vụ, làm chết 440 người, bị thương 638 người. So với tháng 2-2021, giảm 303 vụ; giảm 188 người chết; giảm 239 người bị thương.

Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia khẳng định, Nghị định 100/2019/NĐ-CP đã và đang tạo ra bước ngoặt về nhận thức của người tham gia giao thông. Từ thành thị đến nông thôn, từ trẻ nhỏ tới người lớn, ai cũng biết nếu uống rượu bia khi lái xe sẽ chịu mức phạt rất nặng, lên tới hàng chục triệu đồng và bị tịch thu giấy phép lái xe trong một thời gian dài.

Việc xử lý nghiêm minh, bất kể người vi phạm thuộc tầng lớp, vị trí nào trong xã hội đã thực sự đánh thức được ý thức thượng tôn pháp luật của người dân được nâng cao, đồng thời lên án hành vi sử dụng chất ma túy, rượu bia khi điều khiển phương tiện tham gia giao thông, coi đây là hành vi nguy hiểm cho xã hội, đe dọa trực tiếp đến tính mạng, tài sản của người dân.

Mặt khác, với chế tài nghiêm khắc xử lý người vi phạm, không có ngoại lệ, không có “vùng cấm” đã thể hiện quyết tâm của cả hệ thống chính trị trong việc ngăn chặn các vụ TNGT liên quan đến rượu bia. Từ đó, điều chỉnh dần những thói quen, nếp sinh hoạt thiếu lành mạnh, đặc biệt là thói quen giao đãi bằng rượu bia. Giảm lạm dụng rượu bia bên cạnh cải thiện trật tự an toàn giao thông cũng giúp giảm bạo lực gia đình, bạo lực trong xã hội, đặc biệt là mang lại sức khỏe, hạnh phúc cho người dân.

Thiết nghĩ, một đạo luật mang ý nghĩa xã hội và tính nhân văn cao, được thực thi nghiêm minh, lại nhận được sự đồng tình của đông đảo nhân dân, đương nhiên giải quyết được mọi vấn đề dù khó khăn, bức xúc đến đâu. Vấn đề quan trọng là các lực lượng chức năng cần duy trì “lửa” nhiệt huyết, sự quyết tâm trong cuộc chiến đẩy lùi “ma men” sau tay lái.

Thanh Thảo

Nguồn Biên Phòng: https://bienphong.com.vn/cuoc-chien-voi-ma-men-post438815.html