Cuộc chiến 'vàng đen' khốc liệt

Lần đầu trong gần bảy năm qua, giá dầu thô thế giới rớt xuống mức thấp nhất, dưới ngưỡng 40 USD/thùng. Với đà giá dầu lao dốc và dự báo sẽ tiếp tục giảm sâu, nền kinh tế các thành viên Tổ chức xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) sẽ không tránh khỏi thiệt hại kinh tế đáng kể. Tuy nhiên, dù thế nào thì cuộc chiến giành thị phần của các đại gia dầu mỏ vẫn quyết liệt và tác động thị trường 'vàng đen'.

Bình luận quốc tế

Kể từ tháng 2-2009, lần đầu giá dầu thô trên thị trường Luân Đôn (Anh) và Niu Oóc (Mỹ) trong đầu tuần thứ hai của tháng này đã giảm xuống mức dưới 40 USD/thùng. Mặc dù giá dầu tụt dốc được dự báo trước, song sự sụt giá nhanh chóng xuống mức chạm đáy như vừa qua là điều bất ngờ. Một trong những yếu tố chính châm ngòi khiến giá dầu mỏ thế giới giảm sâu là việc các nước thành viên OPEC không đạt sự đồng thuận về việc cắt giảm sản lượng để vực dậy giá dầu tại cuộc họp gần đây. Dù không công bố trần sản lượng, tổ chức nắm giữ hơn 30% tổng nguồn cung dầu mỏ thế giới này quyết định duy trì sản lượng khai thác, ở mức khoảng 31,5 triệu thùng/ngày và phải chờ tới giữa năm tới mới quyết định hạn ngạch khai thác mới. Cuộc họp đã thất bại vì có sự chia rẽ sâu sắc giữa hai nhóm nước. Quốc gia sản xuất dầu lớn nhất A-rập Xê-út cùng các nước vùng Vịnh, vốn vẫn “chịu được nhiệt” khi thất thu do vàng đen rớt giá, không muốn cắt giảm sản lượng khai thác. Ngược lại, nhóm các nước khác như Ni-giê-ri-a và Vê-nê-xu-ê-la, vốn lao đao bởi giá dầu liên tục đi xuống, lại muốn cắt giảm sản lượng để đẩy giá dầu lên.

Sau khi đạt mức hơn 100 USD/thùng vào tháng 6-2014, giá dầu đã giảm khoảng 40% kể từ khi OPEC quyết định không thay đổi chính sách sản lượng và bảo vệ thị phần trước các công ty sản xuất dầu đá phiến tại cuộc họp hồi tháng 11-2014. Thị trường ngày càng dư thừa nguồn cung khi sức tiêu thụ chỉ khoảng 93,62 triệu thùng/ngày mà “đầu ra” vẫn đều đặn khoảng 95,66 triệu thùng/ngày. Một trong những nguyên nhân dẫn tới tình trạng dự trữ dầu mỏ thế giới hiện chạm mức cao kỷ lục là bởi “gã khổng lồ” A-rập Xê-út vẫn đẩy mạnh khai thác dầu thô, trong khi sản lượng dầu thô của Nga tăng lên mức cao của thời kỳ hậu Xô-viết và Mỹ nhanh chóng khôi phục lại mức sản lượng trước đây. Thêm vào đó, I-ran - nhà sản xuất dầu mỏ lớn thứ hai trong OPEC chuẩn bị “tái xuất” trở lại thị trường sau khi các lệnh trừng phạt của phương Tây được dỡ bỏ Với kế hoạch giành lại thị phần đã mất và khôi phục sản lượng lên tới bốn, năm triệu thùng/ngày của I-ran, thị trường vàng đen được dự báo sẽ chịu những tác động đáng kể và sự cạnh tranh khốc liệt diễn ra ngay giữa các nước thành viên OPEC trong cuộc chiến giành thị phần.

Với vai trò bình ổn giá dầu trên thị trường thế giới, song các thành viên OPEC chấp nhận để giá dầu đi xuống và vẫn quyết định bơm nhiều dầu để cạnh tranh và giành thị phần. Việc làm này đã gây ảnh hưởng không nhỏ tới nền kinh tế một số nước thành viên vốn phụ thuộc phần lớn vào xuất khẩu vàng đen. Ước tính, các thành viên khối này đã thiệt hại tới 370 tỷ USD do giá dầu thấp. Riêng A-rập Xê-út chịu thâm hụt ngân sách 20% GDP trong năm nay. Việc OPEC không thay đổi chính sách, đồng thời dành ưu tiên cho nỗ lực giành thị phần lớn hơn trên thị trường dầu mỏ toàn cầu cũng khiến dịp Giáng sinh năm nay trở nên kém vui đối với các nhà đầu tư năng lượng. Sự rớt giá của vàng đen kéo cổ phiếu của các công ty dầu mỏ lao dốc trong nhiều phiên liên tiếp.

Giá dầu có thể sẽ bị đẩy xuống sâu hơn nữa trong bối cảnh dư thừa nguồn cung dầu mỏ trên toàn cầu chưa có dấu hiệu ngừng lại. Dự báo, trong nửa đầu năm 2016, cuộc chiến giữa các đại gia dầu mỏ không chỉ dừng lại ở vấn đề giá mà là tranh giành thị phần, vốn đang bị suy giảm do sự tăng trưởng ì ạch của nền kinh tế thế giới. Trong cuộc chơi này, cái giá mà các nước xuất khẩu dầu mỏ lớn phải trả không ít, song không vì thế mà cuộc chiến giành thị phần dễ dàng hạ nhiệt.

BẢO TRÂN

Nguồn Nhân Dân: http://www.nhandan.org.vn/thegioi/binh-luan-quoc-te/item/28216702-cuoc-chien-%e2%80%9cvang-den%e2%80%9d-khoc-liet.html