Cuộc chiến Ukraine: Phép thử cho quan hệ Nga-Iran

Nếu mục tiêu thực sự của Tehran là xây dựng một liên minh chiến lược với Moscow, thì cuộc chiến ở Ukraine và các cuộc đàm phán trong tương lai để đạt được thỏa thuận mới với Washington đã đặt cả Iran và Nga vào một giai đoạn mới trong mối quan hệ của họ với phương Tây.

Việc ông Biden lên nắm quyền hứa hẹn viễn cảnh khởi động lại các cuộc thảo luận về một thỏa thuận hạt nhân mới của Iran - thay thế thỏa thuận trước đây đã bị ông Donald Trump hủy bỏ - Thỏa thuận mới này, nếu đạt được sẽ cho phép dỡ bỏ dần các lệnh trừng phạt vốn đã đè nặng lên Tehran trong nhiều năm. Về phần mình, Moscow đã vượt qua lằn ranh không thể quay lại được với phương Tây sau khi phát động "chiến dịch quân sự đặc biệt" ở Ukraine. Vậy cuộc xung đột ở Ukraine tác động thế nào cho mối quan hệ Nga-Iran, những hậu quả ở cả cấp độ song phương, khu vực và toàn cầu?

Cuộc gặp gỡ giữa Tổng thống Nga Putin và lãnh tụ tối cao của Iran Ayatollah Ali Khamenei

Cuộc gặp gỡ giữa Tổng thống Nga Putin và lãnh tụ tối cao của Iran Ayatollah Ali Khamenei

Mối quan hệ đối tác bất đối xứng

Mối quan hệ Nga-Iran được đặc trưng bởi sự mất cân bằng sâu sắc giữa một bên là Nga, cường quốc hạt nhân, ủy viên thường trực của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc; còn bên kia là Iran, một cường quốc khu vực bị trừng phạt trong suốt 40 năm vì tham vọng hạt nhân. Tuy nhiên, sự mất cân bằng này, cũng như những khác biệt đã và đang tồn tại giữa người Nga và người Iran (lịch sử của họ, vấn đề biển Caspi, v.v.), đã được giảm thiểu bởi một yếu tố ý thức hệ mạnh mẽ chống lại Mỹ, yếu tố đã góp phần đưa hai nước xích lại gần nhau.

Nhiệm kỳ 8 năm tổng thống của Hassan Rohani (2013-2021) được đánh dấu bằng sự tái hợp giữa Moscow và Tehran, thực hiện thông qua sự hợp tác quân sự tại Syria. Tổng thống mới của Iran, Ebrahim Raisi, đã tiếp tục khuếch đại động lực này bằng cách nhấn mạnh tới khía cạnh quân sự và an ninh trong quan hệ đối tác của ông với Moscow, một vec-tơ cơ bản trong quan hệ giữa hai nước và tác động mạnh đến cục diện của cả khu vực. Hợp tác kinh tế với Moscow cũng như với Liên minh Kinh tế Á-Âu cũng đã được xác định nằm trong các ưu tiên của Tổng thống Raisi.

Gặp gỡ thượng đỉnh ba bên: Nga - Iran - Thổ Nhĩ Kỳ để đàm phán và thỏa thuận về cuộc xung đột ở Syrie

Khi tới Moscow lần đầu tiên vào tháng 1/2022 với tư cách nguyên thủ quốc gia, ông Ebrahim Raisi đã trao cho ông Putin một dự thảo văn kiện chiến lược tạo khuôn khổ cho quan hệ giữa hai nước trong 20 năm tới. Văn bản này nhằm thay thế văn bản đã được ký năm 2001 và sắp hết hạn. Cho đến nay, Nga vẫn chưa đưa ra phản hồi chính thức về đề xuất của Iran, nhưng các cuộc trao đổi về chủ đề này vẫn đang tiếp tục.

Trên thực tế, quan hệ đối tác kinh tế Nga-Iran hiện nay không phản ánh đầy đủ tiềm năng: Năm 2020, thương mại song phương đạt tổng cộng 2,2 tỷ USD, đưa Iran trở thành đối tác kinh tế thứ 46 của Moscow trong lĩnh vực ngoại thương. Mục tiêu 10 tỷ USD trao đổi kinh tế song phương một lần nữa được tái khẳng định trong chuyến thăm mới nhất của ông Raisi tới Điện Kremlin, dường như vẫn còn nằm ngoài tầm với. Để tiện so sánh, thương mại song phương với Các Tiểu vương quốc Ảrập Thống nhất của Nga đã tăng gấp đôi từ 1,6 tỷ USD (năm 2018) đến 3,2 tỷ USD (năm 2020), còn khối lượng thương mại giữa Nga và các nước thuộc Hội đồng hợp tác vùng Vịnh đã tăng gần gấp 4 lần, từ 1,6 tỷ USD vào năm 2010 lên đến 6 tỷ USD vào năm 2020. Việc các ngân hàng Iran bị ngắt kết nối khỏi hệ thống SWIFT và Cộng hòa Hồi giáo nằm trong danh sách đen của Lực lượng Đặc nhiệm Hành động Tài chính đã làm phức tạp thêm cho hoạt động trao đổi kinh tế Nga-Iran và khiến các pháp nhân kinh tế Nga ngần ngại thâm nhập vào thị trường Iran. Với những lý do tương tự, vào năm 2020, Công ty Đường sắt Nhà nước Nga RZD đã rút khỏi Iran. Khoảng cách khá xa giữa các diễn ngôn chính trị và thực trạng kinh tế - thương mại vẫn luôn là một thách thức trong mối quan hệ thương mại Nga-Iran.

Lo ngại trước sự tăng cường ảnh hưởng của Thổ Nhĩ Kỳ ở Azerbadjan, Vệ binh Cộng hòa Iran đã tổ chức một cuộc tập trận mang tính răn đe ở tỉnh Aras, gần sát biên giới Azerbadjan

Về phương diện quân sự-kỹ thuật, Tehran muốn mua máy bay chiến đấu của Nga (Su-35) và cả hệ thống tên lửa phòng không S-400. Tuy nhiên, khả năng tài chính hạn chế của Iran, sự thận trọng của Moscow không muốn tạo ảnh hưởng đáng kể đến sự cân bằng quyền lực ở Trung Đông (thông qua việc bán vũ khí cho Iran) cũng như khả năng Iran sắp tham gia đàm phán lại JCPOA, tất cả những yếu tố này đã kìm hãm tốc độ hoàn tất các hợp đồng mua bán vũ khí nói trên. Tuy nhiên, rất có thể chiến dịch quân sự của Nga tại Ukraine hiện nay sẽ đảo lộn mọi trật tự và diễn ra theo đúng những kịch bản mà Iran mong muốn.

Quan hệ song phương đang được tái cân bằng

Việc Mỹ, Anh, Liên minh Châu Âu, Nhật Bản, Úc và New Zealand thực hiện các lệnh trừng phạt đối với Moscow kể từ ngày 24/2/2022 đã khiến Nga trở thành quốc gia bị trừng phạt nhiều nhất trong lịch sử. Nga hiện đã vượt xa Iran về mức độ bị trừng phạt. Trong bất kỳ trường hợp nào, theo quan điểm của Tehran, một nước Nga suy yếu trong ngắn và trung hạn sẽ đem tới nhiều lợi ích hơn cho Iran: phương Tây hiện đang tập trung cao độ vào tình hình ở Ukraine, vì thế áp lực lên các cuộc đàm phán xung quanh hiệp ước JCPOA sẽ giảm bớt, điều mà người Iran rất mong mỏi. Hơn nữa, sự cô lập ngày càng tăng của Nga và Iran, cũng như mối bất bình chung của họ đối với Mỹ, nhiều khả năng sẽ làm tăng sự phụ thuộc lẫn nhau của hai nước.

Trong chuyến đi tới Nga vào ngày 15/3/2022, Bộ trưởng Ngoại giao Iran Hossein Amir Abdollahian đã tuyên bố đồng quan điểm với Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov về cuộc xung đột ở Ukraine. Trên thực tế, việc Chính phủ Iran sử dụng các quan điểm Nga để mô tả tình hình ở Ukraine không phải là điều mới lạ, đó chỉ là sự tiếp nối của các tuyên bố của Iran đã đưa ra về cuộc xung đột năm 2008 (chiến tranh Nga-Gruzia) và năm 2014 (cuộc khủng hoảng Ukraine), nó cho thấy trong mọi hoàn cảnh, Tehran luôn sát cánh với Nga.

Iran đã thừa nhận có cung cấp máy bay không người lái cho Nga

Trong khi giới tinh hoa Iran vẫn có xu hướng hợp tác với Moscow chặt chẽ hơn bao giờ hết, thì ngược lại, người dân Iran lại tỏ ra dè dặt hơn về điểm này, họ bày tỏ sự đồng tình và ủng hộ Ukraine. Tình cảm này chắc chắn xuất phát từ sự gắn bó với khái niệm toàn vẹn lãnh thổ - điều mà Nga đã từng hứa với Iran sau Chiến tranh thế giới thứ hai - gắn bó với các ký ức về cuộc chiến tranh Iran-Iraq và cuộc xâm lược lãnh thổ của quân đội Saddam Hussein, một ký ức vẫn còn lưu giữ ở nhiều người dân. Đối mặt với các lệnh trừng phạt của phương Tây mới áp đặt, Moscow cũng muốn học hỏi các kinh nghiệm mà Iran tích lũy được qua nhiều thập kỷ hoạt động trong một môi trường kinh tế, tài chính và công nghiệp bị cấm vận và hạn chế nghiêm ngặt.

Về phương diện này, nguồn tài chính từ thế giới Hồi giáo có thể trở thành một công cụ bổ sung hữu ích cho cả hai đối tác trong hành trình tìm cách thoát khỏi “vòng kim cô” giăng ra của các công cụ tài chính của phương Tây. Trong khi Iran đã sử dụng nó trong một thời gian dài, Nga cho đến nay vẫn nghi ngờ về nó, họ muốn dành ưu tiên cho cách tiếp cận tài chính tập trung và có chủ quyền hơn. Tuy nhiên, từ năm 2011 đến năm 2017, Tatarstan, một nước cộng hòa Hồi giáo thuộc Liên bang Nga đã thử nghiệm một dự án, hoạt động thông qua Trung tâm Giao dịch Ngân hàng Hồi giáo. Trong cuộc gặp với Đại sứ Iran tại Nga vào ngày 10/3, Tổng thống Tatarstan Rustam Minnikhanov đã coi tài chính Hồi giáo là một trong những lĩnh vực ưu tiên để phát triển quan hệ Tatarstan-Iran. Do đó, tài chính Hồi giáo có thể trở thành một phương thức hợp tác mới giữa Nga và Iran, với mục đích để lách các lệnh trừng phạt của Phương Tây.

Cho đến nay, mới chỉ có các giao dịch hoán đổi (hợp đồng trao đổi tài chính) có thể cho phép họ thoát khỏi đồng đô la và tham gia vào một số sàn giao dịch. Vì vậy, ở cấp độ song phương, xung đột Nga-Ukraine, dẫu nó không có khả năng tạo ra sự ngang bằng dẫu chỉ là tương đối trong quan hệ đối tác giữa Nga và Iran, thì nó vẫn có khả năng thúc đẩy việc tái cân bằng theo chiều hướng có lợi cho Tehran.

Quan hệ đối tác Nga-Iran suy yếu vì xung đột ở Ukraine

Nếu cuộc xung đột ở Ukraine có khả năng thúc đẩy tái cân bằng quan hệ Nga-Iran giúp cho Cộng hòa Hồi giáo có thể hưởng thêm nhiều lợi ích thì ở cấp độ khu vực, bức tranh lại hoàn toàn khác. Tehran lo ngại về một hậu quả kép: hậu quả của cuộc khủng hoảng Ukraine mà từ đó Nga sẽ suy yếu.

Đối với không gian hậu Xôviết sau khi Liên Xô sụp đổ, Iran luôn chấp nhận ảnh hưởng của Nga và không bao giờ tìm cách triển khai ảnh hưởng của mình để gây bất lợi cho Điện Kremlin. Đổi lại, Moscow cung cấp cho Iran các thiết bị quân sự và hỗ trợ cho việc xây dựng nhà máy điện hạt nhân Bushehr. Tại Afghanistan, người Iran và người Nga có chung mục tiêu là mong chứng kiến sức mạnh của Mỹ bị tiêu hao. Sau khi Mỹ và các đồng minh thất bại khi ngăn chặn Taliban, Moscow đã tìm cách trấn an các nước cộng hòa thuộc Liên Xô cũ ở Trung Á - trước hết là Tajikistan – quốc gia đang lo lắng trước sự trỗi dậy của Taliban. Còn giờ đây, một nước Nga suy yếu đi liệu có còn đủ sức mạnh để có thể tác động đến vấn đề Afghanistan? Điểm cuối cùng: người Iran chắc chắn lo sợ rằng Moscow sẽ xích lại gần hơn và tìm cách gây thiện cảm với Israel để duy trì và củng cố chính sách kiềm chế tối đa trong cuộc khủng hoảng Ukraine của nhà nước Do Thái, quốc gia luôn khước từ lời thỉnh cầu cung cấp vũ khí của Ukraine.

Cuối cùng, ở cấp độ toàn cầu, hậu quả của cuộc xung đột ở Ukraine một lần nữa gây lo lắng cho Tehran, vẫn luôn mong chờ có thể dựa vào sức mạnh của Nga - và cả của Trung Quốc - để bảo vệ đất nước khỏi các cuộc tấn công kinh tế của phương Tây. Liệu trong tương lai một nước Nga đang bị Phương Tây trừng phạt và hậu quả của cuộc chiến tranh khốc liệt ở Ukraine có còn nhu cầu và khả năng để quan tâm đến lợi ích toàn cầu của Iran?

Dương Thắng (Tổng hợp)

Nguồn ANTG: https://antg.cand.com.vn/su-kien-binh-luan-antg/cuoc-chien-ukraine-phep-thu-cho-quan-he-nga-iran-i673922/