Cuộc 'Chiến tranh giữa các vì sao' của Mỹ - Nga và sự thật về vũ khí chống vệ tinh

Trong tương lai, Nga và Mỹ đều có ý định đẩy mạnh việc quân sự hóa vũ trụ, khi đó một cuộc 'Chiến tranh giữa các vì sao' phiên bản mới sẽ chính thức được kích hoạt.

 Chinh phục không gian vũ trụ là lĩnh vực mà Nga và Mỹ hợp tác tương đối thành công. Nhưng điều này không có nghĩa là hai quốc gia cùng tồn tại hòa bình, thực chất Moskva và Washington vẫn cạnh tranh rất quyết liệt.

Chinh phục không gian vũ trụ là lĩnh vực mà Nga và Mỹ hợp tác tương đối thành công. Nhưng điều này không có nghĩa là hai quốc gia cùng tồn tại hòa bình, thực chất Moskva và Washington vẫn cạnh tranh rất quyết liệt.

Hơn nữa, có thể các đối thủ của họ cũng đang chuẩn bị cho biến thể nâng cấp của sự phát triển các phương tiện nhằm phục vụ cho cuộc "Chiến tranh giữa các vì sao" phiên bản mới.

Trong sự kiện gần đây, Bộ Quốc phòng Mỹ tuyên bố đã phóng máy bay không người lái không gian X-37B có thể tái sử dụng, tên lửa Atlas V đã đưa nó lên quỹ đạo.

Mục tiêu của chương trình này là cung cấp thời gian bay không giới hạn cho các vệ tinh và máy bay không người lái trên quỹ đạo bằng cách chuyển đổi năng lượng mặt trời thành các dạng năng lượng khác.

Mặc dù việc phát triển X-37B đã được thực hiện từ năm 1999 dưới sự bảo trợ của NASA và Boeing, nhiều người tin rằng dự án trên dành cho nhu cầu quân sự và hoạt động của nó đang được Lầu Năm Góc điều hành.

Hơn nữa mục tiêu thực sự của chương trình là tạo ra vũ khí chống vệ tinh. Tại thời điểm năm 2004, chương trình đã được phân loại, khi đó không ai có thể nghi ngờ rằng đây là một dự án quốc phòng.

Một tàu vũ trụ không người lái sẽ kiểm soát các vệ tinh của đối phương, và nếu cần sẽ tiêu diệt chúng bằng vũ khí chống vệ tinh, hoặc đẩy lùi một cuộc tấn công của phương tiện vũ trụ kẻ địch.

Máy bay không người lái X-37B của Mỹ đang thực hiện thành công chương trình thử nghiệm, nó đã hoàn thành 5 chuyến bay kể từ năm 2010, chuyến bay gần nhất kéo dài tới 780 ngày.

Không phải ngẫu nhiên mà ngay bây giờ Mỹ quyết định thành lập lực lượng không gian, báo chí cho rằng tàu vũ trụ X-37B sẽ sớm đi vào hoạt động với vai trò một loại vũ khí mới của quân đội Mỹ.

Trong khi đó, một chương trình tương tự đã được thực hiện ở Liên Xô kể từ những năm 1960 - 1970. Văn phòng thiết kế MiG đã tham gia và nó được đặt dưới sự chỉ đạo của Artem Mikoyan.

Các chuyên gia Liên Xô đã lên kế hoạch đưa con tàu vũ trụ này lên quỹ đạo với sự trợ giúp của phương tiện phóng Soyuz. Thiết bị này được gọi là "Sản phẩm 105-11" hoặc MiG-105.

Ban đầu MiG-105 sẽ sử dụng một chiếc máy bay để tăng tốc tới Mach 6 - 8. Trong các lần thử nghiệm của Sản phẩm 105-11, một chiếc máy bay Tu-95KM đã được sử dụng làm nền tảng mang phóng.

Tuy nhiên người đứng đầu Bộ Quốc phòng Liên Xô - Nguyên soái Andrei Grechko bị coi là một người khá bảo thủ, ông ta cho rằng sự phát triển của dự án trên là phù phiếm.

Nhưng sau đó Bộ trưởng Bộ Công nghiệp Hàng không Liên Xô - ông Ivan Silaev khi nghiên cứu các chi tiết của dự án chống vệ tinh vào năm 1984 đã nói rằng chương trình trên đi trước thời đại khoảng 50 năm.

Có lẽ đây là một sự trùng hợp ngẫu nhiên, nhưng hình dạng của Sản phẩm 105-11 ngày nay theo nhận xét thì đã được ứng dụng trên tàu vũ trụ X-37B của Mỹ.

Có thể đã xảy ra một sự rò rỉ dữ liệu, hoặc các nhà khoa học Mỹ độc lập đưa ra phương án giống như các nhà thiết kế Liên Xô, thật khó để nói một cách chính xác.

Báo chí chỉ biết rằng người Mỹ nắm bắt dự án không gian của Liên Xô và cẩn thận theo dõi nó, và bây giờ Nga sẽ phải đuổi kịp Mỹ, nước đã đi xa trong việc phát triển vũ khí chống vệ tinh.

Nhưng mới đây tạp chí National Interest đã công bố ý kiến về sự phát triển đáng ngại của vũ khí chống vệ tinh Nga, nhà phân tích người Mỹ Bert Hendrix, người chuyên nghiên cứu các dự án không gian của Liên Xô và Nga đã nêu nhận định của mình.

Ông Hendricks tuyên bố rằng Nga đang rất thành công trong chương trình chế tạo tên lửa chống vệ tinh Burevestnik. Tổ hợp của Nga bao gồm các vệ tinh "săn mồi" thu nhỏ được trang bị vũ khí và động cơ tăng tốc.

Giai đoạn phóng đầu tiên là từ máy bay tiêm kích đánh chặn MiG-31BM, các vệ tinh thu nhỏ - theo chuyên gia Mỹ sẽ tấn công tàu vũ trụ của kẻ thù và vô hiệu hóa nó.

Để chứng minh luận điểm của mình, chuyên gia Hendrix chỉ ra bức ảnh chụp chiếc máy bay chiến đấu MiG-31BM với một tên lửa không xác định được treo dưới thân.

Ông ta cho rằng tên lửa quá lớn để được phân loại là không đối không hoặc không đối đất. Do đó, đây chỉ có thể là một vũ khí chống vệ tinh mang "đầu đạn" là một "vệ tinh sát thủ".

Chuyên gia Hendix còn hướng sự chú ý đến các cuộc thử nghiệm của Nga đối với vệ tinh nhỏ được thực hiện từ năm 2013, khi chúng tiếp cận tàu vũ trụ và kiểm tra xem nó có bị hư hại không, phương tiện này được xem là vũ khí trá hình.

Trong lúc này, thật khó để nói thông tin nào về việc tạo ra vũ khí chống vệ tinh ở Nga và Mỹ là đáng tin cậy, cũng như cái nào thuộc về giả định.

Nhưng không còn nghi ngờ gì nữa, ở cả hai quốc gia, sự phát triển của công nghệ vũ trụ theo đuổi không chỉ các mục tiêu dân sự mà cả quân sự, trong đó chú trọng vào tấn công.

Thật vậy, trong một cuộc chiến hiện đại, sự thất bại của một số vệ tinh chủ chốt có thể làm tê liệt hoạt động trên đất liền, trên bầu trời và trên biển, biến cả những tên lửa tiên tiến nhất thành "mù đường".

Bạch Dương (Theo Topwar/National Interest)

Nguồn ANTĐ: http://anninhthudo.vn/quan-su/anh-cuoc-chien-tranh-giua-cac-vi-sao-cua-my-nga-va-su-that-ve-vu-khi-chong-ve-tinh/854521.antd