Cuộc chiến tinh thần lần đầu làm mẹ

Những quan niệm cũ - mới, bản năng làm mẹ hay thông tin khoa học luôn là băn khoăn của những người lần đầu làm mẹ trong việc lựa chọn phương pháp nuôi dạy con của mình. Có những người nhanh chóng chọn được phương hướng cho mình nhưng cũng có người… lạc lối, khiến cho việc chăm sóc trẻ trở nên nặng nề, đôi khi là áp lực, mệt mỏi.

Đúng - sai từ kinh nghiệm truyền đời

Bất cứ phụ nữ nào từ khi mang bầu cho đến lúc sinh đẻ đều được mọi người xung quanh chia sẻ kinh nghiệm chăm sóc, nuôi dạy con của mình. Trong số những kinh nghiệm trên, có những cái được truyền lại từ nhiều thế hệ trước, có cái được rút ra từ cuộc sống mỗi người.

Bà Tô Thị Điền (Hội Điều dưỡng Việt Nam) cho biết: Qua tiếp xúc với các bà mẹ, phần lớn mọi người băn khoăn với kinh nghiệm được truyền lại (cho trẻ mặc tã chứng tỏ mẹ lười, gây hăm, chân vòng kiềng hay trẻ sơ sinh đi phân hoa cà hoa cải do mẹ ăn uống không giữ gìn, kiêng tắm khi trẻ ốm, ăn cháo móng giò để lợi sữa...).

Theo bà Tô Thị Điền, những kinh nghiệm trên có cái đúng nhưng cũng có cái không có cơ sở khoa học hoặc trở nên lạc hậu, không còn phù hợp với cuộc sống ngày nay. Ví như quan niệm phụ nữ sau sinh phải kiêng tắm, gội trong 1 tháng hiện vẫn được nhiều bà mẹ truyền cho con gái nhưng dưới góc nhìn khoa học thì đây là việc làm phản khoa học.

Với người bình thường không tắm gội trong vài ngày đã ngứa ngáy khó chịu huống chi với sản phụ thường tức sữa, luôn có cảm giác nóng mà kiêng tắm, gội lâu như vậy thì nhẹ cũng bị viêm da, viêm nhiễm, nặng hơn có thể gây tiêu chảy, tưa lưỡi cho trẻ.

Việc ăn uống cho phụ nữ sau sinh cũng vậy, trước kia phần lớn bà mẹ chịu cảnh ăn rau ngót, thịt nạc kho nghệ… hàng tuần đến hàng tháng nhưng ngày nay, tại các bệnh viện, bác sĩ đã khuyến khích sản phụ ăn uống đa dạng, ăn hoa quả (không chua), uống nhiều nước và có thể tắm, gội sau 2 - 3 ngày. Hơn nữa, thay vì phải nằm trong phòng tối, bác sĩ yêu cầu mẹ và bé phơi nắng từ ngày thứ 2 sau sinh để tránh vàng da cho bé…

Nuôi con theo bản năng, kiến thức và sự trải nghiệm

Cuộc sống luôn có sự xung đột giữa cái mới và cái cũ. Thời nào cũng vậy nên vấn đề đặt ra là các bà mẹ bằng bản năng, bằng kiến thức và sự trải nghiệm của bản thân để tự tìm ra lối đi cho riêng mình trong việc chăm sóc, nuôi dạy con cái.

Lý thuyết là vậy nhưng trong xã hội bùng nổ thông tin, không ít người vẫn đứng giữa hai dòng nước. Họ băn khoăn khi phải lựa chọn cách nuôi con theo truyền thống hay kiến thức hiện đại. Hơn nữa, quan niệm và sự can thiệp của các thành viên trong gia đình đôi khi cũng khiến chị em lần đầu làm mẹ đau đầu trong việc lựa chọn cách nuôi con. Thậm chí ở nhiều gia đình, xung đột giữa vợ với chồng, bố mẹ với ông bà cũng xuất phát từ việc chăm sóc, nuôi dưỡng đứa trẻ.

Chị Nguyễn Lê Huyền (Thanh Xuân, Hà Nội) chia sẻ: Mình quan niệm sẽ nuôi con theo cách hiện đại nhưng ông bà lại muốn nuôi theo cách truyền thống. Mỗi người một kiểu nên kết quả đứa trẻ ở giữa phải chịu trận bởi cách nuôi dạy, chăm sóc trái chiều.

Tâm lý chung của người lần đầu làm mẹ luôn sợ mình không chăm con đúng cách. Sợ con bị mồ hôi nhiều gây viêm phổi, con ốm sợ không dám tắm… Theo bà Tô Thị Điền, những nỗi sợ trên không có cơ sở và cũng chứng tỏ chị em thiếu kiến thức. Bởi mồ hôi không gây viêm phổi nhưng mồ hôi ngấm vào quần áo gây lạnh sẽ dẫn đến viêm phổi ở trẻ. Hay khi trẻ ốm, tùy thuộc vào nguyên nhân, bệnh nặng hay nhẹ mà mẹ nên tắm cho con hay không, tắm như thế nào. Tất cả những điều trên đòi hỏi kiến thức khoa học, kinh nghiệm của mỗi người.

TS tâm lý Huỳnh Văn Sơn cho rằng, mỗi đứa trẻ là một cá thể độc lập nên không có khuôn mẫu chung nào để áp dụng triệt để. Tất cả mọi kinh nghiệm hay kiến thức cũng chỉ để tham khảo. Do vậy, các bà mẹ hãy nuôi con theo bản năng của mình. “Bản năng làm mẹ cộng với kiến thức khoa học sẽ giúp mỗi người thấu hiểu cảm xúc, nhu cầu của con, từ đó chọn cho con những gì tốt đẹp nhất” - TS Huỳnh Văn Sơn nhận định.

- Có nhiều quan niệm về chăm sóc trẻ sơ sinh của thế hệ đi trước cần nhìn nhận lại dưới góc độ khoa học. Ví dụ như tình trạng vòng kiềng ở trẻ xảy ra ở hầu hết bé nhưng sẽ tự cải thiện mà không cần bất kỳ sự tác động từ bên ngoài nào. Hay trẻ vốn sống trong môi trường nước nên sau khi chào đời có thể cho bé tiếp xúc với nước ở mức độ vừa phải dưới sự giám sát của người lớn…

- Nuôi con hiện đại dựa trên kiến thức khoa học về vệ sinh, dinh dưỡng cũng như tiện ích công nghệ mang lại là khuyến cáo được các bác sĩ, chuyên gia dinh dưỡng và tâm lý đưa ra với những người lần đầu làm mẹ.

Nguồn GD&TĐ: http://giaoducthoidai.vn/gia-dinh/cuoc-chien-tinh-than-lan-dau-lam-me-3916953-b.html